Rất nhiều tác phẩm tồn tại trong rất nhiều năm mà vẫn giữ nguyên giá trị. Không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới cũng như vậy. Thành ra chuyện bây giờ đặt ra lệ “mỗi năm phải cấp giấy phép một lần – một lần”, tôi cảm thấy nó “hạ thấp tác phẩm” dữ lắm”, NSƯT Kim Xuân cho biết.

Vừa qua, Nghị định 15/2016/NĐ-CP của Chính phủ có quy định về việc cấp phép vở diễn trong một năm. Điều này đã khiến các nghệ sĩ đang hoạt động sân khấu tại TPHCM bối rối và họ đã lên tiếng.

Nghệ sĩ có ý kiến vì sự bất cập

Đa số những ý kiến của các nghệ sĩ, những người tổ chức sân khấu đều cảm thấy nghị định 15/2016 NĐ-CP có những hạn chế nhất định. Và nếu đem ra áp dụng sẽ gây khó khăn cho tình hình sân khấu tại TPHCM đang trong giai đoạn “xuống dốc” và tìm mọi cách để tồn tại.
NSƯT Kim Xuân cho rằng nghị định hạn chế thời gian cấp phép có thể xem là hạ thấp giá trị tác phẩmNSƯT Kim Xuân cho rằng nghị định hạn chế thời gian cấp phép có thể xem là “hạ thấp giá trị tác phẩm”

NSƯT Kim Xuân – một trong những thế hệ nghệ sĩ kịch nói đầu tiên, đã đi cùng sự phát triển của kịch nói trong suốt hơn 40 năm qua cũng cho rằng nghị định này có phần “phi lý”.

Nghệ sĩ Kim Xuân bày tỏ: “Rất nhiều tác phẩm tồn tại trong rất nhiều năm mà vẫn giữ nguyên giá trị. Không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới cũng như vậy. Thành ra chuyện bây giờ đặt ra lệ “mỗi năm phải cấp giấy phép một lần – một lần”, tôi cảm thấy nó “hạ thấp tác phẩm” dữ lắm”.

“Mà chưa thấy một đất nước nào mà có chuyện mỗi năm mà cấp lại giấy phép cho một vở diễn”, nghệ sĩ Kim Xuân chia sẻ thêm.

Nghệ sĩ Minh Nhí cũng vừa cho ra mắt sân khấu mới cách đây không lâu, nhưng anh cho biết hiện tại hoạt động cũng không có lời, dù đã tối giản nhất mọi chi phí.
Nghệ sĩ Minh Nhí

“Các sân khấu kịch đang “nuôi kịch” đang “ngoi ngóp” vì không có doanh thu, cũng không có lời nên cần được sự ủng hộ. Giấy phép cho một năm là quá ít. Có những vở diễn hiện tại diễn chừng 10-20 suất là hết khán giả, khán giả kịch bây giờ hiếm hoi chứ không còn như xưa”, nghệ sĩ Minh Nhí chia sẻ.

NSƯT Hạnh Thúy cũng cho rằng những thông tin mới nhất trong nghị định này không thể gọi là “cải tiến”.

“Tôi thấy nghị định này làm “phiền” thêm cho các sân khấu, thực ra cũng chẳng kiểm duyệt được gì. Kiểm duyệt phải ngay tại sân khấu, trên sàn diễn chứ không phải bằng giấy phép”, chị nói.
NSƯT Hạnh Thúy NSƯT Hạnh Thúy

Nghệ sĩ Hạnh Thúy cho rằng một vở sống được 5 hay 10 năm phải thấy mừng, lấy làm hãnh diện về điều đó và ủng hộ cho những tác phẩm sống trong lòng công chúng. Chất lượng các vở diễn được chứng minh qua con số bán vé hàng đêm, qua sức hút với công chúng chứ không phải bằng giấy phép.

Cùng quan điểm với nghệ sĩ Hạnh Thúy, đạo diễn Ngọc Hùng cũng là người quản lý tại tại sân khấu kịch Thế giới trẻ khẳng định: “Tôi biết nghị định đưa ra với mong muốn siết chặt quản lý, kiểm duyệt về chất lượng nhưng thật ra điều đó không thực sự cần thiết. Bởi các vở diễn có thời gian tuổi thọ dài thì vẫn diễn ra ngay tại sân khấu. Nếu những nhà quản lý muốn đi sâu sát tình hình có thể đến xem để biết chất lượng vở diễn như thế nào, chứ không cần một năm phải xin lại giấy phép để kiểm tra vở diễn có chất lượng hay không thì mới cấp phép”.

 

Mong muốn các cấp lãnh đạo xem xét lại

Đạo diễn Ngọc Hùng cho rằng nếu muốn kiểm tra thì những nhà quản cũng phải đi xem chứ không phải nghe dư luận nói thế này – thế kia mà đánh giá và cấp giấy phép qua những thông tin đó.

Anh nói: “Tôi nghĩ việc cấp giấy phép một năm, một năm sau phải đi xin phép sẽ rườm ra thủ tục, trong khi chúng ta muốn tạo điều kiện thuận lợi về giấy tờ, cải cách thủ tục hành chính thì nghị định này càng khiến mọi thứ rối rắm thêm”.

Đạo diễn Ngọc Hùng là người đã góp phần thành công không nhỏ cho sân khấu kịch thành phố với định hướng phát triển tươi mới cho sân khấu kịch Thế giới trẻ và có được chỗ đứng trong lòng công chúng dù sinh sau đẻ muộn
Đạo diễn Ngọc Hùng là người đã góp phần thành công không nhỏ cho sân khấu kịch thành phố với định hướng phát triển tươi mới cho sân khấu kịch Thế giới trẻ và có được chỗ đứng trong lòng công chúng dù sinh sau đẻ muộn
Đạo diễn Ngọc Hùng là người đã góp phần thành công không nhỏ cho sân khấu kịch thành phố với định hướng phát triển “tươi mới” cho sân khấu kịch Thế giới trẻ và có được chỗ đứng trong lòng công chúng dù “sinh sau đẻ muộn”
Nghệ sĩ Kim Xuân mong muốn các cấp lãnh đạo nên xem xét lại việc này vì đối với sân khấu kịch, chuyện cấp phép mỗi năm hoàn toàn không hợp lý. Mặt khác ngay khi nghị định này đưa ra cũng vấp phải sự phản ứng của cộng đồng cũng cho thấy sự bất cập.

“Tôi tha thiết mong các cấp lãnh đạo xem xét lại. Hiện tại cần ủng hộ, ưu ái cho sân khấu kịch để kịch còn tồn tại, để nghệ sĩ còn làm nghề chứ không phải cấp phép mới như nghị định này, vừa tốn kém vừa mất thời gian. Nếu cần thiết thì khoảng 2 năm sẽ gia hạn giấy phép”, nghệ sĩ Minh Nhí bày tỏ nguyện vọng của mình.

NSƯT Hạnh Thúy cũng cho biết, đa số các nghệ sĩ đều phản đối nghị định mới này bởi không có tác dụng về nghệ thuật lẫn chất lượng quản lý.

“Chất lượng nghệ thuật khi kiểm duyệt cũng đã biết rồi. Nếu cần thiết thì trong thời gian nhất định các nhà quản lý sẽ đi xem lại, nếu thấy vở sai gì hay nghệ sĩ thêm thắt, hay phá nội dung thì góp ý. Cần thiết khi tái phạm thì sẽ phạt. Đây là việc của cơ quan quản lý, phải theo dõi sâu sát chứ đâu thể dùng giấy phép để quản lý”, nghệ sĩ Hạnh Thúy khẳng định.

Trao đổi với báo chí về nghị định này, ông Võ Trọng Nam, Phó giám đốc Sở VHTT TPHCM cho biết đã nắm bắt được ý kiến của nghệ sĩ, báo chí và nhận thấy những bất cập của quy định này. Trong những cuộc họp với Bộ, Sở sẽ kiến nghị để sửa đổi nghị định cho phù hợp hơn.

Nghị định 15/2016/NĐ-CP được ban hành vào ngày 15/3/2016, là nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012, quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2016 với nội dung cụ thể được sửa đổi ở điều 6 (khoản d) về hiệu lực của giấy phép như sau: “Giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang có hiệu lực trên phạm vi toàn quốc, trừ trường hợp hạn chế về địa điểm biểu diễn quy định trong giấy phép. Thời hạn có hiệu lực của giấy phép cấp cho chương trình ca, múa, nhạc tối đa 6 tháng và giấy phép cấp cho chương trình sân khấu tối đa 12 tháng”.

Băng Châu (Thực hiện)

Nguồn: Dantri.com.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài