ANH ĐÀO

Hai nhân chứng Xuân Mậu Thân 1968 là bà Hà Phương Lan và ông Huỳnh Ngọc Kim giao lưu cùng sinh viên.

 Nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc cho thế hệ trẻ, ngày 25-1, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức chương trình “Nghe hiện vật kể”, chủ đề: Đà Nẵng-Mậu Thân 1968 cho đông đảo sinh viên Đà Nẵng.

Lần đầu tiên, đông đảo sinh viên đến từ Trường đại học Duy Tân và Trường cao đẳng Du lịch Đà Nẵng được nghe các nhân chứng giới thiệu tư liệu, hiện vật gắn với sự kiện Xuân Mậu Thân 1968 tại Đà Nẵng, cùng xem phim tài liệu ngắn về sự kiện Mậu Thân 1968. Qua đó, thế hệ trẻ hiểu hơn về sự kiện này, vun đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước và khát vọng vươn lên.

Đông đảo sinh viên Đà Nẵng tham gia chương trình “Nghe hiện vật kể” sáng 25-1.

Những câu chuyện xúc động gắn với chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 tại Đà Nẵng đã được hai nhân chứng lịch sử là bà Hà Phương Lan, Hội tù yêu nước Đà Nẵng và ông Huỳnh Ngọc Kim, Chủ tịch Hội tù yêu nước quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng chia sẻ với các bạn sinh viên. Thêm lần nữa khẳng định ý nghĩa lớn lao của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 có ý nghĩa lịch sử to lớn. Đây là đòn tiến công bất ngờ đánh vào các trung tâm sào huyệt của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, làm lung lay ý chí của đội quân xâm lược và tạo nên bước ngoặt của cuộc kháng chiến, buộc giới lãnh đạo Mỹ phải xuống thang, ngồi vào bàn đàm phán để dẫn tới ký kết Hiệp định Paris năm 1973.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 đã trở thành biểu tượng của tinh thần quyết chiến, quyết thắng, khí phách kiên cường, sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, đánh dấu bước phát triển mới trong học thuyết và nghệ thuật quân sự Việt Nam. 50 năm đã đi qua, nhưng những ý nghĩa to lớn đó vẫn còn in đậm trong lịch sử dân tộc

Nguồn: Nhandan.com.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài