Ngày thơ Việt Nam lần thứ XI đã khép nhưng những dư âm về ngày thơ vẫn còn đọng lại trong tâm trí nhiều bạn đọc, bạn viết. Tuần qua, trên báo chí đã đăng tải rất nhiều bài viết về ngày thơ dưới những góc nhìn khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là từ phía những người đến dự ngày thơ, đến nghe thơ và xem trình diễn thơ. VNT số này muốn đưa thêm một góc nhìn khác về ngày thơ: góc nhìn của người trong cuộc. Những nhà trẻ trực tiếp tham gia Ngày thơ nói lên cảm xúc, suy tư của mình. Tại sao chỉ với ba buổi gặp nhau, tập luyện với nhau trước giờ khai mạc Ngày thơ, họ có thể trình diễn tổ khúc Tổ khúc gây ấn tượng đến vậy? Những nhà thơ – với những cá tính sáng tạo khác biệt, đã làm thế nào để cùng cất lên một tiếng nói chung về các vấn đề của thời cuộc? Các nhà thơ mong muốn điều gì khi đến với Ngày thơ Việt Nam?

Nguyễn Quang Hưng:

Mơ những Ngày thơ lộng lẫy!

Tôi có chia sẻ với một số anh em truyền hình, Ngày thơ Việt Nam, ngoài những tác động tích cực đối với tình yêu thi ca của công chúng, nó còn là cuộc nhen lửa và chia lửa trong những người làm thơ.

Sáng tác cô đơn, những ý tưởng phát sáng thầm kín và những nguyện vọng đóng góp, dâng hiến lặng lẽ… Sau những chặng đường sáng tạo, nhà thơ mong chắp cánh để tác phẩm đến với đồng nghiệp, với mọi người. Có nhiều cơ hội để thực hiện, Ngày thơ không phải là cơ hội duy nhất hay quan trọng nhất, nhưng Ngày thơ góp thêm lời khích lệ, thêm ánh mắt chờ đợi, thêm cái đẩy tay giục giã từ sau lưng nhà thơ. Vì thế, các nhà thơ đến với Ngày thơ như để tiếp thêm lửa cho mình.

Có các nhà thơ đến để gặp gỡ, giao lưu, thưởng thức. Có các nhà thơ đến còn góp sức vào việc tổ chức, vận hành, làm tươi nở một ngày hội. Tôi nhận thấy trong họ niềm vui, sự hào hứng, lòng nhiệt thành hướng đến mọi người và hướng đến bản thân khi tự mình cũng đang đáp ứng cho niềm mê đắm thi ca của mình.

Mê đắm, nhiệt tình, hào hứng… cũng là nhiên liệu đốt nóng thêm những kỳ vọng cho đời sống thi ca nói chung, là những mong muốn nhiều khi rất cụ thể như việc tổ chức, các chương trình biểu diễn, các sinh hoạt nghề nghiệp của Ngày thơ. Tôi đã đi qua “con đường thơ” dẫn từ cổng Văn Miếu vào trong và cứ tiếc, giá như không chỉ là “hơi ít” những câu thơ hay được dán lên vải đỏ, dựng đều đặn như thế này, mà cứ chăng, treo, dán khắp nơi, dọc tường, trên cột, bên hoa, bên cổng, treo dưới cây, buộc dưới bóng bay nối với thành giếng… Những câu thơ ấy có thể tràn khắp các không gian trong khuôn viên Văn Miếu.

Và hãy thật nhiều hơn nữa, hàng nghìn câu, của nhiều thế hệ, cổ – kim có, già – trẻ có, thơ trung đại – cận đại – Thơ Mới – chống Pháp – chống Mĩ – hậu chiến – đương đại có… Và đừng quên, kể cả những măng non hôm nay, cũng có nhiều câu khiến người khác thích thú!

“Sưu tập” của hàng nghìn câu thơ hay, được trình bày bằng nhiều cách, phải là một nội dung chính của Ngày thơ chứ không chỉ là trang trí bên lề. Hy vọng từ năm tới, sẽ có những ý tưởng mỹ thuật thú vị được áp dụng để thể hiện, trình bày các bài thơ, câu thơ hay trong không gian Văn Miếu, kể cả việc phủ kín những bức tường, những thân cột và cả mái ngói… bằng những tấm vải cỡ lớn có in, ghi chép thơ; hay những “vườn sắp đặt thơ” nhỏ quanh những con đường.

Thêm nữa, nếu có cả những kết nối “nhạc – thơ”, những bài thơ được đọc, được ngâm vang vọng trong Văn Miếu, theo hệ thống loa rải rác các vị trí với chất lượng âm thanh tốt, không gian này sẽ du dương, ngập tràn cảm xúc hơn.

Tôi cũng đã ước ao, nếu như các trại của các trường đại học được thiết kế, trình bày “thơ” hơn, sinh động hơn với những bài thơ sinh viên, giảng viên được giới thiệu, chứ không nặng về trình bày, giới thiệu nhà trường, thì đây cũng sẽ là những điểm giao lưu, kết nối thú vị.

Rất đông người yêu thơ đến với Ngày thơ nhưng không có giấy mời. Sẽ tốt hơn nếu có sơ đồ lớn dựng ngoài cổng Văn Miếu, để mọi người bước vào, nhìn qua, nắm sơ bộ các địa điểm, không gian diễn ra các hoạt động của Ngày thơ, dễ xác định điểm đến và lên “lộ trình thưởng thức” cho mình.

Mấy điều đã mong mỏi cho Ngày thơ, và từ Ngày thơ năm nay, gửi đến Ngày thơ những năm tới. Cho hình ảnh Ngày thơ lộng lẫy hơn, tình cảm của người yêu thơ chắp cánh thêm bởi những ngỡ ngàng, thích thú cùng những ấn tượng lưu lại, và các nhà thơ cũng thấy mình tươi xanh, hứng khởi và gợi mở hơn khi sự tưng bừng của cảnh vật đang tràn vào lòng người!


Nguồn: Vannghetre

Exit mobile version