Ngày thơ Việt Nam lần thứ XI đã khép nhưng những dư âm về ngày thơ vẫn còn đọng lại trong tâm trí nhiều bạn đọc, bạn viết. Tuần qua, trên báo chí đã đăng tải rất nhiều bài viết về ngày thơ dưới những góc nhìn khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là từ phía những người đến dự ngày thơ, đến nghe thơ và xem trình diễn thơ. VNT số này muốn đưa thêm một góc nhìn khác về ngày thơ: góc nhìn của người trong cuộc. Những nhà trẻ trực tiếp tham gia Ngày thơ nói lên cảm xúc, suy tư của mình. Tại sao chỉ với ba buổi gặp nhau, tập luyện với nhau trước giờ khai mạc Ngày thơ, họ có thể trình diễn tổ khúc Tổ khúc gây ấn tượng đến vậy? Những nhà thơ – với những cá tính sáng tạo khác biệt, đã làm thế nào để cùng cất lên một tiếng nói chung về các vấn đề của thời cuộc? Các nhà thơ mong muốn điều gì khi đến với Ngày thơ Việt Nam?

Nhà thơ Thụy Anh và nhà thơ Nguyễn Quang Hưng

Thụy Anh :

CƠ DUYÊN CỦA THI CA


Ngày thơ Việt Nam, thấm thoắt đã là lần thứ 11. Và tôi cũng thoắt một cái đã được dự đến 5 lần trong số đó. Còn biết bao nhiêu ngày thơ phía trước?

Nhớ hôm nào chỉ được háo hứng “hóng” từ xa qua báo mạng, tivi, qua blog yahoo nghe người ta bàn tán xôn xao, những chiêu này trò kia trình diễn thơ, thấy vui vui. Bấy giờ dân cư mạng còn người này dè bỉu người kia “ném đá” hình thức thơ trình diễn, thơ sắp đặt… Thế rồi cũng thoắt một cái, mọi thứ mới đây còn xa lạ, còn gây tranh cãi, giờ đã là những điều hết sức bình thường trong cuộc sống, có vẻ như rất logic và tự nhiên.

Có nghĩa là, chẳng bao lâu nữa, Ban tổ chức ngày thơ Việt Nam sẽ không cần phải truyền thông quảng bá, người ta vẫn cứ rủ nhau trảy hội về Văn Miếu mỗi ngày rằm tháng Giêng. Ngày thơ Việt Nam sẽ thực sự trở thành một lễ hội truyền thống của chúng ta, theo thời gian sẽ ăn sâu vào gốc rễ văn hóa của dân tộc, như bao lễ hội khác.

Vui vui khi nghĩ vậy. Vui vui khi hòa mình vào dòng người tấp nập hồ hởi đi trên con đường nhỏ ở Văn Miếu, len lỏi giữa những lán thơ, đến những sân thơ. Những già, những trẻ, những từng trải, những non nớt – họ cười nói, ghi chép, lẩm nhẩm đọc thơ, ngắm thơ, tay bắt mặt mừng, chụp ảnh nghiêng vai, ai cũng cười hồn nhiên, không e ngại. Tất cả đều say thơ, say hội, say mùa xuân, và có thể… say nhau. Đó chẳng phải là mục đích của mọi lễ hội hay sao?

Chợt nhớ năm xưa, khi còn là sinh viên năm thứ nhất ở Nga, tôi đã ngỡ ngàng chứng kiến đám đông tụ tập ở quảng trường Pushkin vào ngày 6/6. Họ lần lượt đặt những bó hoa tươi rất đắt tiền trên bệ đá hoa cương dưới chân tượng đài của “mặt trời thi ca Nga”. Rồi những lời thơ vang lên. Hùng hồn, say mê, đắm đuối. Cuối buổi tôi mới biết, hôm ấy là ngày Pushkin, ngày của thơ ca và ngôn ngữ nước Nga.

Năm sau, năm sau nữa, rồi năm sau nữa… tôi lại đến và lại thấy một đám đông.

Không có gì lạ, năm nào cũng thế. Mười mấy năm vẫn thế, mà sao gương mặt đám đông trăm người như một, vẫn tràn đầy ngưỡng mộ và hạnh phúc. Còn những nhà thơ, trẻ có, già có, vẫn hùng hồn, đắm đuối, say mê.

Ở Nga, mỗi nhà thơ lớn đều được bạn đọc và đất nước dành riêng một ngày Thơ, vào đúng ngày sinh. Và ngày thơ ấy diễn ra ở quê hương nhà thơ, ở những bảo tàng nho nhỏ lưu giữ hình ảnh nhà thơ, ở những nơi có đặt tượng đài. Ngày hội thơ vì thế không tập trung mà tản mát nhiều địa điểm, nhiều ngày, với những nhân vật chính khác nhau, nhưng giống nhau ở phần lễ hội. Người yêu thơ đổ về, không hẹn, vì họ đã thuộc lòng ngày sinh của nhà thơ họ ngưỡng mộ rồi. Ở những ngôi làng nơi nhà thơ sinh ra, bất kể mùa đông hay mùa hè, người ta thường đặt bàn ghế quanh làng, có khăn dải bàn thêu ren xinh xắn, bên trên đặt nước uống và hoa quả. Khách yêu thơ ngồi nghe thơ, hát thơ, và ngắm nhìn không gian sống, không gian sáng tác của nhà thơ, đôi khi rất giản dị, thanh bạch nhưng lại khiến họ rung động tận đáy lòng. Cho đến khi mặt trời hạ dần sau những rặng núi xa, người ta mới tìm nhà trọ ngủ lại hoặc cả đêm mải miết quay về. Thơ khiến con người ta quên rất nhiều điều, đâu chỉ thời gian!

Từ năm 2000 trở đi, người Nga có một ngày Thơ chung, vào 21/3. Nhưng cho đến giờ, nó vẫn chưa trở thành lễ hội của dân chúng, không có các cuộc hành hương về với các nhà thơ vào ngày này. Nó dành cho các hội nhà văn và dành cho thơ trong phòng đại lễ của các viện ngôn ngữ và bảo tàng. Thế mới biết, để được người dân biết đến và công nhận như một lễ hội “của mình”, không phải đơn giản, không phải cứ có tiền đứng ra tổ chức là xong. Nó cần có một cơ duyên của Trời Đất, bỗng nhiên đồng nhất với lòng người vậy.

Ngày thơ Việt Nam của ta, hình như, đã có được cơ duyên ấy?

Nguồn: Vannghetre

 

Exit mobile version