Ngày thơ Việt Nam lần thứ XI đã khép nhưng những dư âm về ngày thơ vẫn còn đọng lại trong tâm trí nhiều bạn đọc, bạn viết. Tuần qua, trên báo chí đã đăng tải rất nhiều bài viết về ngày thơ dưới những góc nhìn khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là từ phía những người đến dự ngày thơ, đến nghe thơ và xem trình diễn thơ. VNT số này muốn đưa thêm một góc nhìn khác về ngày thơ: góc nhìn của người trong cuộc. Những nhà trẻ trực tiếp tham gia Ngày thơ nói lên cảm xúc, suy tư của mình. Tại sao chỉ với ba buổi gặp nhau, tập luyện với nhau trước giờ khai mạc Ngày thơ, họ có thể trình diễn tổ khúc Tổ khúc gây ấn tượng đến vậy? Những nhà thơ – với những cá tính sáng tạo khác biệt, đã làm thế nào để cùng cất lên một tiếng nói chung về các vấn đề của thời cuộc? Các nhà thơ mong muốn điều gì khi đến với Ngày thơ Việt Nam?

Vũ Thiên Kiều:

Có một ngày nén lại bởi ngàn năm

Ngay tại Sân Thái Học, nhiều người nói với tôi, tổ khúc Tổ quốcở Sân thơ trẻ đã gây được ấn tượng mạnh, mang lại những giá trị ngoài văn bản và nước mắt của họ đã rơi xuống vì xúc động bởi hình ảnh đẹp và tráng lệ: “Mẹ Tổ quốc tôi/ Đôi bầu ngực đảo/ Bốn ngàn năm nhức sữa nuôi con”.

Có thể nói rằng, tiết mục trình diễn tại Sân thơ trẻ Ngày thơ Việt Nam lần thứ XI thì cái riêng, cái tôi không còn “kiêu độc” nữa mà đã nhường chỗ, đều bước để nhập vào cái ta, cái chung rộng lớn hơn, thiêng liêng hơn và trân quý hơn đó là tình yêu, là trách nhiệm với tổ quốc ngàn đời.

Chỉ vỏn vẹn có ba buổi tập, tôi thấy cảm động trước tình cảm ấm áp, sự chia sẻ, nhưng lại nghiêm khắc và có kỷ luật tập luyện rất chuyên nghiệp của các anh chị trong Ban Nhà văn trẻ như nhà văn Võ Thị Xuân Hà, nhà thơ Hữu Việt, nhà văn Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp. Ngay cả trong mơ lúc nào cũng có cảm giác nhà thơ Phan Huyền Thư đang “ve vé” bên cạnh chỉnh sửa từng nhịp chân, từng động tác tay cho nhóm chín người. Áp lực đến ngay cả trong những giấc ngủ ít ỏi của chúng tôi vì lo lắng, muốn cầu toàn khi lần đầu trình diễn chung và cùng “đợi màn lên” để hòa ca ở một nơi linh thiêng như Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Tôi thấy mình nhỏ bé hơn và khâm phục trước nhiều khả năng của mọi người. Nhà thơ trẻ Nguyễn Minh Cường đã làm tôi bất ngờ bởi chất giọng khi đọc thơ khỏe khoắn nam tính cuốn hút, Nguyễn Quang Hưng “anh Hai quan họ” thì sang trọng và lịch lãm, miên di thì giỏi ca hát và ngẫu hứng, Nguyễn Anh Vũ thì luôn khéo léo bày trò, khiến cho những buổi tập đầy sảng khoái và ắp ứ tiếng cười. Một Thụy Anh chu đáo khi luôn mang sẵn đồ ăn cho mọi người, Du Nguyên bí ẩn và trầm mặc với đôi mắt sâu, Bình Nguyên Trang thì luôn tư lự “chỉ em và chiếc bình pha lê biết”, Lữ Thị Mai lại duyên dáng và nồng nàn “chân trời nào cũng lại anh thôi”.

Tôi nghĩ rằng những ai đã đến, sống và ở lại với thơ đều thực sự là những người can trường, quả cảm. Lộ trình thi ca đầy những chông gai, cam go và thử thách, phải ấm nóng lắm, son đỏ lắm, chân thực, đắm mê lắm mới có thể gắn bó với thơ, vì thơ.

Tôi đã trở về quê nhà huyện Hòn Đất (Kiên Giang), nơi có Hà Tiên xứ thơ đó, nơi có tao đàn Chiêu Anh Các nổi tiếng gần 300 năm trước, mà vẫn thấy lòng mình còn đầy những sóng gió, những hồi hộp ở cõi thơ Văn Miếu Thủ đô. “Có một ngày nén lại bởi ngàn năm” (thơ miên di), thật da diết, không thể quên nổi những giây phút khi chúng tôi cùng nắm tay trình tấu lên những thi điệu trong tình yêu tổ quốc, mùa xuân và khát vọng bất tận.

Nguồn: Vannghetre

Exit mobile version