Bình Nguyên Trang: Nghĩ từ sân thơ trẻ

Nhà thơ Bình Nguyên Trang (trái) và đạo diễn Phan Huyền Thư trong một buổi tập

Văn nghệ Trẻ – Làm thơ, công việc vừa là công việc vừa chẳng phải là công việc ấy, vốn đã rất nhọc nhằn. Đôi khi nghĩ, khó như viết còn làm được, thì diễn thơ, sá gì chứ. Nhưng rồi khi vào cuộc mới hay, “diễn” chẳng “dễ ăn” như mình tưởng. 9 nhà thơ trẻ kiêm diễn viên nghiệp dư chúng tôi khiến Ban tổ chức nhiều phen lo lắng. Đọc thơ trên sân khấu đã lo, huống hồ diễn thơ trên sân khấu trước hàng ngàn khán giả. Các nhà thơ thì vốn hay đãng trí, lại cũng hay ngẫu hứng nữa, nên đạo diễn có lẽ cũng toát mồ hôi để đưa họ vào kỷ luật, để có một màn trình diễn lớp lang trên sân khấu.

Khâu lo ngại nhất là khâu thuộc lời. Ở đây là thuộc thơ. Bạn Phan Mi Ly ở báo Thể thao Văn hóa khi viết bài về sân thơ trẻ có giật cái tít: “Và nhà thơ đã biết đọc thơ”, nghe qua hơi tự ái, nhưng mà có lý. Ở chỗ, không ai muốn nhà thơ lên sân khấu diễn thơ còn kè kè tờ giấy vì sợ quên lời. Thuộc thơ mình thì đối với người làm thơ cũng là “chuyện nhỏ” thôi. Nhưng khi bước ra sân khấu, trước khán giả, cái trí nhớ bỗng dưng nó phản lại mình, cái sự lưu luát nó biến đi đâu hết cả, chỉ còn lại những “trúc trắc, trục trặc”. Là bởi nhà thơ quen ngồi một chỗ để viết, nhà thơ ít xuất hiện ở đám đông, thậm chí ngại ngần xuất hiện nơi đám đông nữa. Trong nhóm thơ trẻ tham gia ngày thơ 2013 chúng tôi, thì ban tổ chức “ngại” nhất là Vũ Thiên Kiều. Vì nữ sĩ xinh đẹp đến từ Kiên Giang này “diễn” thơ văn xuôi là chủ yếu. Mà thơ văn xuôi thì không “mướt” về vần điệu, nhạc tính như thơ ở các thể loại khác. Ban tổ chức có lúc còn tính để Vũ Thiên Kiều cầm giấy lên sân khấu, sợ chị quên thơ. Nhưng rồi mọi việc đã hết sức suôn sẻ. Không những suôn sẻ về lời, chúng tôi còn thực sự nhập tâm vào màn trình diễn. Và làm khán giả hài lòng.

Với chủ đề “Tuổi trẻ với Tổ Quốc”, chúng tôi, những người làm thơ trẻ có cơ hội được thể hiện những vần thơ viết về đất nước, quê hương, đất đai, xứ sở. Mỗi người làm thơ chúng ta đều ít nhất một lần viết về chủ đề này. Tổ Quốc luôn là một tình yêu máu thịt, một tình yêu “có sẵn” trong trái tim mỗi người cầm bút. Nhưng, nói như dịch giả, nhà thơ Thụy Anh, không phải lúc nào những bài thơ về Tổ Quốc cũng có cơ hội phù hợp để vang lên.

Trên báo chí, trên các diễn đàn dành cho văn học trẻ, chúng ta bàn nhiều về thơ trẻ, về những vấn đề mà người viết trẻ quan tâm. Ở rất nhiều nơi, truyền thông làm cho công chúng hiểu rằng người viết trẻ hôm nay phần lớn sa vào những nỗi buồn vụn vặt cá nhân, viết những bi kịch cỏn con của mình mà quên đi cái tôi công dân, quên đi những tình cảm lớn. Tôi, trong góc nhìn của người làm báo, cũng đã đôi lần nghĩ thế. Nhưng khi tham gia vào sân thơ trẻ 2013, tiếp xúc, đọc và nghe thơ của các bạn, suy nghĩ ấy trong tôi đã thay đổi. Tôi gặp một miên di với những câu thơ lay động về Mẹ Tổ Quốc:“Chúng con lớn lên/ Theo nhịp tu thiêng dưới vòm sữa hiền từ/ Lớn lên từ những vết găm trên trang sử/ Loang đầy máu cha ông”, một Nguyễn Minh Cường vạm vỡ với những câu thơ về Trường Sa: “Đá Trường Sa vừa bật một mầm cây/ Bàng vuông rớt cánh hoa cho một đời quả bé/ Trường Sa ơi/ Sự bất diệt tạc trong dáng hình người chiến sĩ/ Hiên ngang như cột mốc chủ quyền/ Và cả từ nôi xinh đung đưa bàn tay người mẹ trẻ….”. Tôi cũng gặp ở đây một Thụy Anh với những câu thơ tầm vóc nhưng không kém phần trữ tình, lãng mạn về Tổ Quốc: “Tôi muốn viết một bài thơ về Tổ Quốc tôi/ Không dám viết đến cùng những điều thành thật/ Chỉ nói rằng yêu…”. Và cùng với đó, một Nguyễn Quang Hưng tự sự, thẳm sâu, một Nguyễn Anh Vũ day dứt trong “Bảo tàng chứng tích chiến tranh”….Đọc và nghe các bạn, nhận ra một điều tuy không mới nhưng là rất đáng kể, rằng Tổ Quốc vẫn luôn luôn là đề tài lớn trong trái tim người viết trẻ.

Trong 365 ngày của một năm, có một ngày lễ hội dành cho thơ, thật quý nhường nào. Làm thơ vốn là việc âm thầm, thậm chí cô độc. Còn hội hè lại là chuyện của ồn ào, của số đông. Nhiều người hỏi, thơ cần đám đông không, thơ cần hội hè không? Nhưng hỏi thế là nghĩ quá nhiều cho thơ. Tôi muốn nghĩ nhiều hơn cho công chúng thơ, và muốn trả lời rằng công chúng họ thực sự cần một ngày hội. Ở đó họ được sống trong không gian thơ, được nghe giọng đọc của nhà thơ, trò chuyện với nhà thơ họ yêu mến. Tôi không muốn nghĩ nhà thơ là chủ lễ hội thơ, mà hãy nhường vai trò chủ nhân lễ hội ấy cho công chúng thơ. Nhà thơ hãy làm vui lòng công chúng, bằng chính hình ảnh của mình, bằng những bất ngờ mà mình có thể mang tới. Nhà thơ hãy đến với sân thơ trong tâm thế của một cuộc gặp gỡ thân thiết với công chúng của mình. Và nếu việc viết đã là khép kín, đã là một mình rồi, thì việc gặp khán giả hãy là hân hoan, cởi mở và yêu thương nhất. Rồi chính công chúng sẽ là chất kích thích mạnh mẽ khiến nhà thơ sau ngày lễ hội, quay về lại góc khuất của mình, âm thầm viết tiếp những bài thơ mới….

Exit mobile version