Cột đá chùa Dạm
Trong tiến trình lịch sử hình thành dân tộc Việt Nam, người Chăm đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc xây dựng ngôi nhà chung, nhất là về mặt nghệ thuật, kiến trúc. Các vị Vua Đại Việt trong lúc mở cõi về phương Nam đã biết cách khoan hòavới dân tộc Chăm và thu hút nhân tài mang về đất Bắc để làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của mình.
Hoàng đế Lê Đại Hành là người mở đầu cuộc chinh phạt Chiêm Thành, sau sự kiện các sứ giả Từ Mục và Ngô Tử Canh đi sứ bị người Chiêm bắt giữ. Lê Đại Hành thân chinh đi đánh và thắng. Đó là vào năm 982. Một năm sau, vua trở về Kinh sư mang theo hàng trăm kỹ nữ Chăm và một nhà sư người Thiên Trúc – nay là Ấn Độ (Theo “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư”). Từ bấy giờ, nhiều người Chăm đã có mặt tại đất Bắc và đã có nhiều đóng góp cho kho tàng di sản văn hóa nước ta. Mười năm sau cuộc chiến, Lê Đại Hành đã trao trả cho Chiêm Thành hơn 360 người về châu Ô Lý.
Đến thời Lý, có những cuộc xung đột giữa Chiêm Thành và Đại Việt. Vua Lý Thái Tông đã có lệnh: “Kẻ nào giết bậy người Chiêm Thành thì sẽ giết không tha”. Chính sử thần Ngô Sĩ Liên đã hết sức khen ngợi tấm lòng khoan dung của vua Lý. Khi vua vào thành Phật Thệ, lại đem theo về các cung nữ giỏi hát múa điệu Tây Thiên, sai sứ đi khắp các hương ấp phủ dụ dân chúng. Về đến Thăng Long, Vua đã cho hơn 5.000 tù binh Chiêm Thành, được nhận người cùng bộ tộc, cho ở từ trấn Vĩnh Khang (nay là huyện Tương Dương, Nghệ An) đến Đăng Châu (nay thuộc Yên Bái, Lào Cai). Người Chăm ra đất Bắc được đặt hương ấp phỏng theo tên gọi cũ của Chiêm Thành. Vua Lý lại còn dựng cung riêng cho các cung nữ Chiêm Thành mà sử cũ chép là cung Ngân Hán. Vua còn sai phiên dịch các nhạc khúc và điệu đánh trống của Chiêm Thành, sai nhạc công ca hát. Cũng trong thời Lý, nhạc công đã chế ra khúc nhạc gọi là nhạc Chiêm Thành, tiếng trong trẻo, ai oán buồn rầu, người nghe phải chảy nước mắt. Đến nay, các điệu nhạc Chiêm Thành đã không còn nguyên bản nữa mà hòa vào dòng chảy âm nhạc Đại Việt. Không phải ngẫu nhiên mà Quan họ Bắc Ninh được tôn vinh là di sản phi vật thể của nhân loại, lại có sự ảnh hưởng sâu đậm của dân ca Chăm, từ làn điệu, cung bậc và thang âm. Có thể nói không ngoa rằng, nghệ thuật ca múa Chăm đã lưu lại khá nhiều dấu vết ở ca múa Việt như Quan họ, như điệu hát “con đĩ đánh bồng” ở làng Triều Khúc ven đô Hà Nội…
Có lẽ những làng mạc người Chăm trong lòng Đại Việt đã hình thành từ bấy giờ và hòa vào cộng đồng Việt. Nay một vài hương ấp Chăm còn vương vấn lại qua địa danh ngôn ngữ mà rất ít người hiểu được ý nghĩa. Các nhà ngôn ngữ đã giải mã: Gần Hà Đông có khu vực gọi là Ba La Bông Đỏ. Với tiếng Việt thì không có nghĩa, nhưng đó lại là sự biến âm của từ Borubudur, một từ Chăm đích thực, chứng minh nơi đây đã từng có một hương ấp Chăm. Cửa Lò là một địa danh du lịch biển nổi tiếng của Nghệ An, có lẽ cũng biến âm của từ Chăm là Kuala. Mà người Chăm vốn nói ngôn ngữ Malayo-polinesien (Mã Lai – Đa Đảo), thì cái từ Kuala khá phổ biến ở các tộc người nói ngữ hệ này. Ngay cả thủ đô của Malaysia, cũng chẳng phải có từ Kuala Lampur đó sao.
Cái ngôn ngữ Chăm đi vào xã hội Đại Việt một cách dân dã như vậy. “Đại Việt sử ký toàn thư” còn chép lại, ở ngay hồ Tây, cũng có một làng Chăm. Họ có cuộc sống hòa đồng cùng các dân làng Việt xung quanh. Ngay cả một viên tướng tài về quân sự và giỏi về ngôn ngữ là Trần Nhật Duật cũng “thích chơi với người nước ngoài, thường cưỡi voi đến chơi thôn Bà Già (thôn này hồi Lý Thánh Tông đánh chiếm Chiêm Thành, bắt được người Chiêm cho ở đấy, lấy tiếng Chiêm đặt tên là Đa Gia Ly, sau gọi sai thành “Bà Già”) có khi ba, bốn ngày mới về”. Nay thì chùa mang tên Bà Già vẫn còn, thuộc địa phận làng Phú Gia, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ
Trong lịch sử bang giao Đại Việt – Chăm Pa, có những lúc nồng ấm, mà lịch sử từng ghi nhận: Vua Trần Anh Tông vào năm 1306, đã từng gả công chúa Huyền Trân của mình cho vị chúa Chiêm Thành lúc đó là Chế Mân.
Bên cạnh tài hoa về ca múa, người Chăm còn là những nhà điêu khắc giỏi. Họ đã tạo ra bao đền đài, tháp Chăm khắp dải đất miền Trung. Họ đã đem cái tài hoa điêu khắc đó ra đất Bắc và tạo nên nhiều sắc thái nghệ thuật mang phong cách Chăm thể hiện trong một kho tàng di sản vật thể vô giá.
Ngôi chùa Phật Tích được xây dựng vào thời vua Lý Thánh Tông, năm 1057, cũng là lúc vua mang theo các cung nữ và thợ thủ công người Chăm ra Thăng Long. Nhiều tác phẩm nghệ thuật mang phong cách Chăm như các mảng hóa thạch đọng lại. Đó là bệ đá có cả dàn nhạc vũ nữ Chăm. Hình tượng thiên thần Kinnari đầu người mình chim. Các tác phẩm điêu khắc ảnh xạ của văn hóa Chăm còn ở các bức chạm khắc như bức chạm gỗ ở chùa Thái Lạc với hình tượng các nhạc công đang cưỡi chim thần Garuda.
Trong các cuộc khai quật Hoàng Thành gần đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một số viên gạch có khắc chữ Chăm. Đó là bằng chứng chắc chắn nhất của các thợ thủ công làm gạch người Chăm có mặt tham gia xây dựng các đền đài, cung điện. Với kinh nghiệm xây dựng các kiến trúc Chăm của mình, họ đã có nhiều đóng góp cho việc xây Hoàng cung của các triều vua Đại Việt. Trong các phế tích ở Hoàng thành, các nhà khoa học còn tìm được các viên gạch trang trí tuyệt đẹp, khắc hình dàn vũ nữ Chăm đang múa. Sự đóng góp của văn hóa Chăm trong cái tinh túy của kiến trúc, nghệ thuật tạo tượng và ca múa cung đình là điều không thể phủ nhận, nó làm nên một mảng độc đáo của kho tàng di sản Việt Nam.
Tượng thần Kinnari đầu người mình chim. |
Nói đến dấu ấn Chăm trên đất Đại Việt không thể không kể đến cột đá Chùa Dạm. Đã có nhiều sách, tạp chí viết về cây cột đá này. Nhiều người cho rằng, đây là biểu tượng linga (sinh thực khí của người Chăm). Nhưng cũng có người phủ nhận. Đó là trên đầu cây cột đá này có những lỗ mộng chứng tỏ có đầu cột còn thêm một kiến trúc khác được gắn vào bằng các lỗ mộng này. Có thể, có một hình tượng Phật chắp lên trên cây cột đá này. Như vậy, cột đá này được dựng nên để các sư tăng và Phật tử đi quanh như một đạo tràng.
Theo tôi, có thể cây cột đá này có các công năng khác nhau. Giai đoạn sau, có thể người ta đã khoét mộng ở trên đầu cột để gắn một kiến trúc khác. Nhưng ban đầu, cột đá chùa Dạm phải là linga, do chính những nghệ nhân Chăm tài năng tạo ra.
Chùa Dạm cũng cùng thời với chùa Phật Tích với niên đại 1086, đều thuộc vào giai đoạn nhà Lý đang rất sùng đạo Phật và huy động nhiều nghệ sĩ người Chăm tham gia xây chùa và sáng tạo các tượng, mảng điêu khắc của chùa. Vì thế, việc dựng một linga với chất liệu đá cát (sa thạch) và hình dáng của một linga, được chạm khắc đôi rồng bên thân là một điều có thể. Trong thế giới Ấn Độ giáo mà người Chăm giai đoạn này đang rất chuộng, có một số linga mang phong cách chạm khắc bên thân như vậy.
Theo tôi, cột đá chùa Dạm có thể có 2 chức năng: Ban đầu là biểu tượng linga, sau đó mới có chức năng khác.
Nếu vậy thì cột đá – linga chùa Dạm là biểu tượng kiến trúc, điêu khắc to nhất, đẹp nhất bằng sa thạch. Đó là sản phẩm của tài năng Chăm trên đất Đại Việt, cũng như nhiều sản phẩm nghệ thuật khác góp phần không nhỏ vào di sản văn hóa vô giá của đất nước ta.
– Theo Lao Động Cuối Tuần –