(Đọc Bên dòng sông Mê, tiểu thuyết của Bùi Thanh Minh, Nxb Quân đội Nhân dân, 2012)

 Bên dòng sông Mê – Cuốn tiểu thuyết dày hơn bốn trăm trang, Bùi Thanh Minh miêu tả cuộc chiến đấu của bộ đội quân tình nguyện Việt Nam truy quét tàn quân Pôn pốt ở chiến trường Cămpuchia. Không gian nghệ thuật trong cuốn tiểu thuyết trải dài từ đất nước Cămpuchia về Việt Nam. Cuộc chiến được dựng lại, thật khốc liệt, đầy kịch tính đồng thời vẫn có những nét lãng mạn bởi khung cảnh thiên nhiên, nhất là bởi cục diện đối đầu của các nhân vật.

Tất cả có ba mươi nhân vật được nhắc tới nhiều nhất, của hai bên dân tộc Việt và Khơ me. Từ lãnh tụ đến người lính binh nhì của phía cách mạng và phía bên kia.

Đọc các tác phẩm đã xuất bản của Bùi Thanh Minh, điểm mạnh là xây dựng tính cách nhân vật. ở cuốn tiểu thuyết này, nhà văn lại chứng minh được khả năng đó. Hai mươi mốt nhân vật ở phía cách mạng, từ vị đại tướng đến anh lính. Và chín nhân vật ở phía bên kia, từ các lãnh tụ Khơme đỏ đến người dân thường. Hai dòng nhân vật mang bản sắc văn hoá của hai dân tộc khác nhau, tính cách mỗi nhân vật không trộn lẫn. Các nhân vật đều để lại ấn tượng đậm nét cho người đọc.

Trước hết hai nhân vật chính. Đó là thiếu tá trung đoàn trưởng Trần Bá Luân của quân đội Việt Nam và Trung đoàn trưởng Tà Khốc của quân đội Khơme đỏ. Tác giả đã chú trọng xây dựng hai nhân vật điển hình này. Ta hãy xem lai lịch nhân vật Trần Bá Luân: Gia đình Luân có hai thế hệ đổ xương máu ở đất nước Cămpuchia và hai thế hệ này có quan hệ máu mủ ruột thịt với nhau. Đó cũng là một nguyên nhân (Có thể nói là dụng ý – Giải thích vì sao Luân cũng như quân đội Việt Nam trở thành người lính tình nguyện để cứu nhân dân Cămpuchia thoát khỏi hoạ diệt chủng.)

Luân là một chàng trai hai mươi bảy tuổi, được giáo dục và đào tạo bài bản. Đẹp trai thông minh và tài giỏi. Khác với những người chỉ huy thế hệ trước. Anh hiểu biết rộng và yêu văn chương. Một người chỉ huy đầy bản lĩnh, dũng cảm trong chiến đấu, kiên quyết với kẻ thù, hết lòng thương yêu đồng đội, thuỷ chung với người yêu. Anh yêu quê đến bần thần. Cùng với tâm hồn lãng mạn của anh, cho ta thấy anh – Một Trần Bá Luân rất Việt Nam.

Bên cạnh Trần Bá Luân tài năng, có một người đẹp, đó là Xi Thon – cô gái Khơme. Tác giả tả cô gái đẹp rực rỡ và tính cách của cả hai nhân vật hiện rõ: “Xi Thon đẹp thật, đẹp dữ dội, rừng rực. Không kìm được lòng mình, Trần Bá Luân rút một điếu thuốc lá trong bao đính vào môi rồi lặng lẽ châm điếu thuốc vào mái đầu Xi Thon hút.

– Anh làm gì vây? – Xi Thon nghiêng đầu ngạc nhiên hỏi.

Trần Bá Luân, lấy điếu thuốc ra dụi dụi, miệng lẩm bẩm :

–  Cho anh xin tí lửa?

Xi Thon hiểu Trần Bá Luân muốn nói gì. Cô kéo chiếc ghế xa ra một chút, cười bẽn lẽn:

– Xa ra, lỡ cháy mất Trung đoàn trưởng.

Trần Bá Luân:

– Sống, con người phải cháy lên mới có ý nghĩa.

Xi Thon liếc đôi mắt lẳng lơ, giọng cũng lẳng lơ:

– Cùng cháy nhé, dám không?” (tr189).

Cấp dưới của Luân có một tham mưu trưởng. Một người xứ Nghệ không lẫn vào đâu được: “Trung đoàn phó Tham mưu trưởng gỡ chiếc điếu cày làm bằng ống pháo sáng lúc nào cũng đeo bên thắt lưng ra tra thuốc hút. Chiếc điếu kêu ré như một hồi còi, rồi khói  trong miệng Hà cuồn cuộn tuôn ra. Nguyễn Hà quê ở Diễn Châu, Nghệ An. Nhưng tiếng nói của ông có lẽ còn nặng hơn cả dân Diễn Châu. Ông phát âm cứ như người ta bê chiếc cối đá nặng kiệt sức. Nghe Nguyễn Hà nói đầu óc cứ căng như dây đàn. Sau cái cơn say là lơ mơ, là sảng khoái, Nguyễn Hà cất giọng khàn khàn:

– Thuốc lào là xấu nhất phải không các ông? Chả thế khi ở Việt Nam thì gọi là thuốc Lào, mà đưa sang Lào dân Lào lại gọi là thuốc Việt Nam. Xấu rứa chả có đứa mô nhận, hề”( Tr44).

Còn đây là nhân vật Phạm Chiến được tác giả khắc hoạ cho mẫu cán bộ chính trị giáo điều thời đó: “Nếu có con mắt của một thầy tướng thì trông ông từa tựa như một con cáo. Mắt trắng hình tam giác, cằm nhọn, răng dài nhất là bộ răng cửa, mỗi khi nhe ra thì  người ta có cảm tưởng ông chuẩn bị cắn người. Ông đứng trước hàng quân hay nói một câu “kinh điển”.

– Các đồng chí có biết định nghĩa đời là gì hông?… Đờ ơi đới.. i kờ rét ơi đơi huyền đời.

Ông vừa nói răng ông vừa nhe ra, kéo dài giọng mỉa mai trông rất đáng sợ” (Tr47).

Năng lực cán bộ chính trị của ông là toàn bộ cuốn sổ nhỏ trong sắc cốt lúc nào cũng bên hông. ở đó ông ghi chép để theo dõi những sai sót, sơ hở và khuyết điểm của mọi người. Nói gì, làm gì ông chỉ nhằm vào sơ hở của người ta để quật lại. Ông có năng lực đặc biệt phát hiện sai sót của những người xung quanh(Tr47).  Sống bên Phạm Chiến ai cũng phải lo đối phó, bởi ông làm việc, phải có hai mục đích: Lợi cho mình và hại được người khác”(Tr48).

Bìa cuốn tiểu thuyết “Bên dòng sông Mê” của nhà văn Bùi Thanh Minh

Nhân vật Đặng Tình hiện lên đậm nét, đọc rồi không thể quên được: “Không biết trời tạc ra Đặng Tình bằng cách gì mà trông anh ở góc độ nào cũng thấy  gồ ghề, cái gồ ghề của nghệ thuật… Tóc nâu tòe sơi sởi như cái ô xòe của dân tộc Thái, trông “đểu đéo chịu được”, đấy là như lời của lính. Nếu họa sỹ muốn vẽ mũi của Đặng Tình thì chỉ cần đặt hai nét song song chạy xuống tòe ra như cái chân lục bình, chấm hết! “Tình ơi!” “Hử”, “Làm gì đấy?” “Ngủ”. “Ngủ say chưa?” “Say”. “Tình ơi , tao bàn với mày thế này, nếu mày đồng ý thì nhất định là thắng, là bởi thế này… thằng địch thì đang hành quân từ trên đồi xuống, thằng nào cũng mệt, lại đói vì đã cuối ngày. Mày cho bộ đội phục kích ở chỗ này, đấy chỗ hiểm hóc đấy, chờ cho nó đến gần rồi ra lệnh nổ súng, còn thằng nào sống sót mày cho xung phong bắt sống, hoặc đánh giáp lá cà, thế là thắng lợi. Mày đồng ý chứ?” “Không”. “Sao lại không hả?” “Không”. “Nhưng mà vì sao, mày nói nghe xem nào?” “Không”. “Ơ cái thằng này, mày thử nói cụ thể xem nào, vì sao mày lại nói không với thắng lợi?”. “Tao muốn thất bại”. “Ơ cái thằng này tâm thần mất rồi, vì sao?”. “Vì đó là nhân dân, hôm qua vào đó mày không nhìn thấy mấy cái tã lót, mấy cái giẻ hành kinh của phụ nữ à?”. Tất cả mọi người tắc ẻn. Một người nào đó hậm hực:

“Thằng này hay đéo chịu được” (tr78).

Nhân vật ông Đại bố của Trần Bá Luân tuy xuất hiện trong tiểu thuyết không nhiều, nhưng hình ảnh một cán bộ già cả đời chinh chiến đã nghỉ hưu thấu hiểu sự đời được  miêu tả qua đoạn văn ngắn: “Không sao”- ông Đại lẩm bẩm – “suy cho cùng thì mày cũng như tao thôi. Chỉ khác một chút là mày bắt cá để nuôi sống mày, còn tao chủ yếu là để giải trí”. Người già thường hay nói lảm nhảm một mình. Đó là những người yêu đời, yêu thiên nhiên, tự mình biết làm vui cho mình.

“Sao mày không làm cách nào đấy mà sống, lại đi làm cái nghề này tao thấy vất vả lắm”- Ông Đại vừa ném mồi xuống hồ vừa nói với con chim – “Có to lớn, khoẻ mạnh gì đâu, ngồi cả ngày rình mò, rồi nhắm mắt, nhắm mũi lao đánh ùm như thằng tự tử xuống sông tối tăm mặt mũi, có khi chả được gì… Thiếu gì cách kiếm mồi hở mày? Chẳng hạn bắt con giun, con dế mà ăn cũng được. Cứ đâu nhất thiết phải là cá” (Tr324-325).

Phía bên kia, phải kể đến nhân vật Tà Khốc. Tà Khốc có khuôn mặt giống y chang hòn đá. Nhìn thấy Tà Khốc người ta có cảm tưởng đó là một tác phẩm gồ ghề, được chạm khắc có chút ít nghệ thuật. Khối đá vuông vức ấy biết nói, biết hành động. Nhưng nói và hành động mang đặc tính của một hòn đá, nghĩa là rắn chắc, trơ lì,  nếu giáng một nhát búa thì búa nhảy câng câng.

“Cuộc đời của người mẹ khốn nạn hun đúc cho Tà Khốc bản tính cộc cằn và lòng hận thù nhân loại đến tận xương tủy.  Hắn giết lính và giết dân. Giết cả hai dân tộc Việt Nam và Khơme một cách tàn bạo. Hắn có một cách giết người độc đáo chưa từng có. Hắn bảo nạn nhân há miệng để hắn coi, và rút chiếc lưỡi lê được tháo ra từ khẩu súng CKC mà hắn luôn đeo kè kè bên sườn dí cái đầu nhọn vào họng người, rồi đột nhiên thọc một nhát khiến nạn nhân không kêu, không giãy được chỉ hộc lên một tiếng rồi đổ nhào. Hắn mới rút chiếc lưỡi lê thuốn xuống đất xoáy xoáy cho sạch máu rồi tra lê vào bao, ngẩng lên nhe răng cười- nụ cười chỉ mới hé ra là tắt ngấm trả lại cho hắn cái bộ mặt trầm mặc của đá”(Tr83).

Tà Khốc lúc nào cũng có ba cô gái phục vụ tình dục. Hắn khỏe, có ngày hắn làm tình đến mười tám lần mà vẫn bình thường. “Hắn biết làm cho bất cứ người phụ nữ nào qua đêm với hắn đều có thể nhớ đời, có lấy chồng rồi cũng thờ ơ nhạt thếch với chồng. Ngoài kỹ thuật làm tình, cha mẹ hắn tạc cho hắn một cái dụng cụ sung sướng khác người: Ngay đầu khất một miếng thịt to bằng hạt ngô răng ngựa, có răng cưa giống như trái phi lao mọc thừa ra và chính cái hạt trời cho ấy hắn đã làm cho không biết bao nhiêu phụ nữ vừa rú rít vừa kêu gào đến phát khóc” (Tr84).

Lãnh tụ Pôn pốt và Yêng sa ry cũng được miêu tả là những tên đồ tể có một không hai trên thế giới. Họ thực thi chính sách tàn bạo, cực đoan dựa trên luận án tiến sỹ của Hu Um, phản khoa học, thiếu thực tiễn, với mong muốn chỉ trong vài năm sẽ xây dựng thành công một xã hội tốt đẹp nhất thế giới!

Đọc Bên dòng sông Mê ta hiểu vì sao tập đoàn Pôn pốt – Yêng sa ry lại có một đường lối mà kết cục là tự đẩy đất nước mình thành địa ngục trần gian!

Đại tướng Lê Đức Anh, Cục trưởng Cục tác chiến quân đội Việt Nam, Sư đoàn trưởng Chăn Rơn, Khiêu na phon, Khiêu thi rít, Khiêu na rít, những Hạnh, những Hải, Quang, cô Quận, Chum Hông, Văn Lát, ông bà Đại, Hoà v.v… Ba mươi nhân vật trong cuốn tiểu thuyết, phía cách mạng hay phía bên kia, trong một cục diện tổng thể đối đầu hai phía tính cách nhân bản và bạo ngược. Xuất hiện từ đầu đến cuối cuốn sách. Hay chỉ chấm phá vài nét. Các nhân vật ấy, đều có tính cách riêng. Người đọc có thể hình dung từng nhân vật, và theo họ, bước vào thế giới riêng mà tác giả dẫn dụ… khi gấp cuốn sách lại…

Ba mươi nhân vật là ba mươi mảnh đời đại diện. Không thể trộn lẫn. Tạo nên cuốn tiểu thuyết Bên dòng sông Mê sinh động, mượt mà, có độ dư ba…