TUYẾT LOAN
Cuộc gặp gỡ giữa các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh ngày 15-3 nhân 65 năm Ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (15-3-1953 – 15-3-2018) và Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của ngành điện ảnh là dịp các nghệ sĩ cùng nhau chia sẻ những tâm sự, trăn trở cũng như những ước muốn cho tương lai của nền nghệ thuật thứ bảy nước nhà. |
Có mặt tại buổi lễ từ rất sớm, NSND Mai Châu rưng rưng xúc động khi gặp lại bạn bè, đồng nghiệp cũ, những người từng gắn bó với bà một thời. Là diễn viên từ khóa đầu tiên của trường Điện ảnh Việt Nam, bà từng tham gia nhiều bộ phim ghi dấu ấn trong lòng khán giả như “Cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn”, “Vợ chồng A Phủ”, “Đông Dương”…
NSƯT Mai Châu trong niềm vui gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp. Bà hào hứng kể về những năm tháng làm phim gian khó nhưng cũng đầy ắp niềm vui đó: “Phim “Cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn”, tôi đóng vai Lê Mỹ, khán giả xem rất thích, ai cũng nói đóng đạt quá. Phim “Vợ chồng A Phủ”, là con gái thành phố nhưng tôi phải theo đoàn làm phim lên vùng rừng ở hàng tháng trời để đóng phim, khó khăn vất vả lắm, phải lội suối băng rừng, rồi đội ngũ kỹ thuật phải vác máy móc, đèn rất nặng vào khu vực bối cảnh trong rừng, trên núi…, nhưng những kỷ niệm đẹp của thời đó thì không bao giờ quên”. Bà chia sẻ, bây giờ tuổi cao, ít đi xem phim, nhưng vẫn theo dõi phim ảnh của các đồng nghiệp thế hệ sau này làm, và thấy vui vì lớp trẻ bây giờ đã có nhiều tiến bộ, có những cách nhìn mới so với thế hệ đi trước. “Lớp trẻ bây giờ được học nhiều, có nhiều cơ hội mở mang, tôi mong rằng họ sẽ chính là những người đưa điện ảnh Việt Nam vững bước tiến lên mạnh mẽ”. Cũng thuộc những thế hệ đầu của nền điện ảnh Việt, NSND Như Quỳnh chia sẻ: “65 năm chặng đường của một nghề nghiệp thì cũng chưa hẳn là dài, người ta có hẳn hàng trăm năm, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng điện ảnh Việt Nam phát triển từ thời chiến tranh, thực sự là một chặng đường vô cùng gian khổ và vất vả cho đến ngày hôm nay. Năm nay, tôi cũng xấp xỉ 65 tuổi rồi, nếu so tuổi đời với chặng đường của nền điện ảnh thì chưa là gì cả. Nhìn lại chặng đường 65 năm, có thể thấy ngành điện ảnh Việt Nam phát triển rất nhanh chóng, và bắt đầu bước ra quốc tế. Những bộ phim chúng tôi làm ngày xưa trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ về kinh tế, kỹ thuật, nhưng đổi lại chất lượng của phim, chất lượng nghệ thuật trong tác phẩm lại cao. Nhiều phim cho đến bây giờ vẫn có chỗ đứng trong lòng khán giả. Bây giờ thế hệ các nhà làm phim, nghệ sĩ trẻ được thừa hưởng nền tảng kỹ thuật tốt hơn, điều kiện về tài chính cũng tốt hơn, nhưng một số tác phẩm chưa đạt chất lượng, hoặc tính nghệ thuật, thẩm mỹ trong tác phẩm bị vơi đi phần nào. Tôi cho rằng điều này các nhà quản lý, những người làm nghề tâm huyết cũng có nghĩ đến, và tôi hy vọng họ sẽ để tâm nhiều hơn vào chất lượng tác phẩm để nâng cao tính thẩm mỹ của quần chúng”. NSND Minh Châu, một trong những nghệ sĩ góp phần vào chặng đường rực rỡ của điện ảnh Việt thời kỳ những năm 80, 90 chia sẻ: “Tôi tự hào vì cũng có đóng góp một phần trong chặng đường 65 năm của nền điện ảnh Việt Nam, và cũng không khỏi bùi ngùi vì đã quá nhiều nghệ sĩ “cây đa cây đề” ra đi. Khi tôi bắt đầu có những bước chân chập chững đầu tiên vào nghề, đã được các nghệ sĩ thế hệ đầu tiên của nền điện ảnh Việt Nam dìu dắt, và đã lĩnh hội được nhiều kinh nghiệm, tinh thần và ý thức để làm nghề, những điều đó làm nên thành công của tôi hôm nay”. NSND Lê Hồng Chương (đeo kính). NSND Lê Hồng Chương, người đã có thời gian dài gắn bó với điện ảnh tài liệu, chứng kiến những thăng trầm của ngành, cũng tâm sự: “Chúng tôi hầu như cả đời gắn bó với điện ảnh, mỗi giai đoạn lại có những dấu ấn riêng, có lúc khó khăn, có lúc thăng trầm, nhưng nói chung anh em đều vẫn giữ vững được lòng tin của mình. Chúng tôi luôn có khát khao làm sao tạo ra được những tác phẩm tốt, tầm cỡ để đưa nền điện ảnh tiến lên. Điện ảnh tài liệu của chúng tôi cũng phải trải qua những quãng thời gian vô cùng khó khăn, không có lương trả cho anh em, phải bán đi từng cái ống nước để lấy tiền chi trả, làm phim. Nhưng đội ngũ dần dần trưởng thành và chuyền cho thế hệ đi sau. Bây giờ làm phim có nhiều thuận lợi hơn. Tôi vẫn nhớ mãi hồi mới ra trường, các chú bảo là phải 50 tuổi anh em mới được nhận phim. Bây giờ đội ngũ trẻ có điều kiện tiếp xúc và có tác phẩm rất sớm. Tuy nhiên sự dễ dàng đôi khi lại khiến người ta không chịu khó đào sâu. Điều này chúng ta phải suy nghĩ bởi vì trong quá trình hội nhập, chúng ta phải đưa điện ảnh bay xa, phải học hành, nghiên cứu, đi sâu vào tính nhân văn của tác phẩm”. Đạo diễn, NSND Đặng Xuân Hải lại trăn trở: “Làm thế nào để tìm ra một hướng đi, cơ cấu lại ngành điện ảnh để phát huy mạnh mẽ hơn. Đây là loại hình nghệ thuật có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng rãi hơn. Tôi mong rằng hôm nay nhân dịp nhìn lại chặng đường 65 năm, các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chiến lược sẽ cùng nhau tìm ra được một hướng đi để đưa điện ảnh phát triển mạnh mẽ hơn nữa”. Nguồn: Nhandan.com.vn Lê Thị Hồng Nhung đăng bài
|