Mai Thành Dũng

Trục đường Phan Bội Châu, nơi có nhiều ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Pháp.

Trung tâm Văn hóa – thể thao TP Hội An (Quảng Nam) đang triển khai dự án “Con đường nghệ thuật Pháp tại Hội An” với sự tư vấn của Tổng Lãnh sự quán Pháp tại Việt Nam, Viện Kiến trúc Pháp, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) tỉnh Quảng Nam.

class=”ndcontent”>

Những “góc Pháp” ở Hội An

Ở Hội An, những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Pháp trên trục đường Phan Bội Châu thuộc vào khu vực 1 – được bảo tồn nghiêm ngặt theo “Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh”, do Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VH, TT& DL) ban hành năm 2003.

Dường như, trên trục đường này, phong cách kiến trúc Pháp ảnh hưởng đến độ những nhà hàng, nhà ở mới xây cũng được chủ nhân thiết kế theo phong cách kiến trúc Pháp. Theo nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Tấn Đông, nói về Hội An, người ta hay nhắc đến ảnh hưởng của phong cách kiến trúc Trung Quốc và Nhật Bản. Nhưng phong cách kiến trúc Pháp thời thuộc địa cũng rất dễ dàng được nhận diện ở đây, đã góp phần để Hội An đạt được tiêu chí 2 của UNESCO khi công nhận Hội An là di sản văn hóa thế giới: “Là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế”.

Không chỉ ở trục đường Phan Bội Châu, kiến trúc Pháp còn hiện diện nhiều nơi nữa ở Hội An, là những ngôi mộ cổ, những ngôi nhà như nhà của tài tử La Thoại Tân (đường Phan Châu Trinh), nhà bà Nguyễn Thị Chiến (Nam Diêu, Thanh Hà)… cùng các di tích lịch sử như Tòa xứ Hội An, Trường Viên Minh… “Mà đâu chỉ lĩnh vực kiến trúc, văn hóa Pháp còn ảnh hưởng đến đất và người Hội An trên cả một đoạn đường dài lịch sử”, ông Đông nói.

Đó là, dấu ấn sự hiện diện của giáo sĩ Alexandre de Rhodes (1591-1659) tại Hội An, đặt nền móng cho việc hình thành chữ Quốc ngữ. Cũng tại Hội An, từ những năm 30 thế kỷ 20, chi bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đã thành lập “Phân hội thể thao” dưới tên Đội bóng đá Aurore (“Rạng Đông”) để hoạt động cách mạng. Nhạc sĩ La Hối thành lập Hội yêu âm nhạc Faifo (Société Philhamonique) với ca khúc “Xuân và tuổi trẻ”, một trong những ca khúc mở đầu cho nền tân nhạc Việt Nam… Những con người nổi danh của đất Hội An như anh em dòng họ Nguyễn Tường, học giả quá cố Nguyễn Bội Liên… đều chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Pháp.

Điểm tô để thêm nhiều ý nghĩa

Trục đường Phan Bội Châu, vào đầu thế kỷ 20, là phố Courbet – trục đường chính của khu phố Pháp. Bên trục đường này có một bến tàu dẫn đến “con đường tơ lụa”, là đầu mối giao thương của người Pháp ở miền trung Việt Nam, nơi trung chuyển gia vị, tơ tằm, mật ong, vải bông, đồ sứ… Bây giờ, trên tuyến đường này vẫn còn 56 di tích kiến trúc, phần lớn mang phong cách Pháp, là nơi tập trung của rất nhiều gallery, cửa hàng thủ công…

Và có phòng tranh “Di sản vô giá” của nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn, ngụ trong một ngôi nhà cũng mang phong cách kiến trúc Pháp. Thời gian qua, Réhahn đang tất bật phát hành tờ rơi giới thiệu về ý tưởng của riêng mình – Rue Des Arts (con đường nghệ thuật). “Tôi có ý tưởng biến trục đường Phan Bội Châu thành Rue Des Arts với mong muốn trục đường sẽ thành một nơi mà du khách hòa mình cùng không gian sáng tạo, tìm đến các tác phẩm nghệ thuật nguyên bản, cũng là thực hiện mong muốn của các nghệ sĩ về một Hội An nói không với vấn nạn vi phạm bản quyền. Và trên hết, tôi móng muốn đưa văn hóa Pháp hiện diện rõ ràng trên trục đường này, cũng là để tôn vinh sự đa dạng văn hóa của Hội An”, Réhahn nói. Dự kiến, dự án sẽ được công bố vào ngày 4-12-2017, kỷ niệm ngày Hội An được tôn vinh “Di sản văn hóa thế giới”.

Phòng trưng bày Triển lãm “Di sản vô giá” của nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn trên trục đường Phan Bội Châu.

Theo ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm VHTT thành phố Hội An, dự án sẽ cải tạo lại trục đường Phan Bội Châu, để trục đường trở thành nơi diễn ra các sự kiện giao lưu văn hóa – nghệ thuật Việt Nam – Pháp. Sẽ chọn một ngôi nhà trên trục đường Phan Bội Châu làm Nhà văn hóa Việt – Pháp, để tổ chức các hoạt động trọng điểm của các chương trình giao lưu Việt – Pháp… Ông Phùng cũng cho biết, kể từ khi Việt Nam mở cửa du lịch, người Pháp là những du khách đầu tiên đặt chân đến Hội An; hiện nay, mỗi năm có hàng trăm nghìn lượt khách Pháp đến Hội An. “Sự xuất hiện của “Phố văn hóa Việt – Pháp” sẽ thu hút thêm lượng khách đến từ Pháp, còn gắn kết thêm mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt – Pháp. Dự án này khi thành hình cũng mở rộng thêm “phố đi bộ”, tạo một sản phẩm du lịch mới của Hội An, để Hội An trở thành một địa chỉ văn hóa du lịch với “vẻ đẹp không trùng lặp” như lời của cố kiến trúc sư Ba Lan Ka-zik”, ông Phùng nói.

Nguồn: Báo Thời Nay

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài