“Những tác phẩm nghệ thuật quá xấu để bỏ qua” là câu tuyên ngôn vừa hài hước vừa kì lạ của một bảo tàng khá “đặc biệt” ở Massachusetts, nước Anh. Được thành lập từ năm 1994 với mục đích tôn vinh những nghệ sĩ đặc biệt, Bảo tàng của Nghệ thuật xấu (Museum of Bad Art – MOBA) trưng bày và đánh giá cao những tác phẩm mà không diễn đàn nào khác có: những bức tranh bị coi là thảm họa của nghệ thuật.
Ý tưởng về việc thành lập một viện bảo tàng “khác người” chợt xuất hiện khi nhà buôn đồ cổ Scott Wilson phục hồi lại một bức tranh nhặt được trong thùng rác ở nhà một người bạn. Scott Wilson và người bạn quyết định biến nó thành một bộ sưu tập và treo nó trong nhà của mỗi người. Vô tình, những tác phẩm đặc biệt này trở nên quá nổi tiếng sau vài lần họ tổ chức tiệc tại nhà.
“Chúng cần một không gian riêng để được trưng bày”, đó là những gì Scott và những người cùng sưu tầm tranh nghĩ. Những ý tưởng không ngừng được đưa ra. Đầu tiên, MOBA được ra mắt dưới dạng một chiếc CD-ROM. Dàn diễn viên gồm 95 người lần lượt trình diễn các bộ sưu tập tranh độc đáo trong một bảo tàng tưởng tượng hư cấu. Không chỉ giúp du khách chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật có một không hai, bảo tàng vi tính này còn cho phép khán giả quan sát những công việc hậu trường ở các văn phòng làm việc, ở bộ phận phục hồi tranh và các bộ phận khác.
Bức tranh “Lucy in the Field with Flowers” (Lucy giữa cánh đồng với những bông hoa) – nguồn Wikipedia.
Sau khi chiếc CD nhỏ bé này không thỏa mãn trí tò mò của các vị khách, bảo tàng đã được dời đến tầng hầm của một nhà hát ở Dedham, Massachusetts. Các bộ sưu tập dần hoàn thiện hơn và những người sáng lập MOBA cũng rất tích cực tổ chức các buổi triển lãm nhằm mục đích đưa những bức tranh đặc biệt này tới cộng đồng chung. Năm 2008, phòng triển lãm thứ hai của MOBA được thành lập tại nhà hát Somerville nằm trên quảng trường David, Somerville, Massachusetts. Một vài tác phẩm của MOBA đã được trưng bày tại các bảo tàng lớn tại Virgina, Ottawa và cả New York.
Mặc dù phương châm của bảo tàng là “nghệ thuật quá xấu để được bỏ qua”, MOBA vẫn có những tiêu chuẩn khá khắt khe trong việc lựa chọn. Để được đưa vào các bộ sưu tập, mỗi tác phẩm đều phải là bản gốc và được sáng tác với mục đích nghiêm túc. Đương nhiên những tác phẩm này vượt qua ý muốn của người sáng tạo ra chúng, khi để chúng bị những sai sót về thẩm mỹ nghệ thuật rõ ràng, có dấu ấn riêng và không gây nhàm chán khi xem.
Theo lời của Marie Jackson – người đồng sáng lập MOBA: “90% các tác phẩm không được chọn vì chúng không đủ xấu. Những gì người nghệ sĩ coi là xấu xí không phải lúc nào cũng đáp ứng được tiêu chuẩn của chúng tôi”. Một trong các tiêu chí quan trọng nhất là bức tranh hay bức điêu khắc đó phải không bị nhàm chán. Quản lý của Bảo tàng MOBA cho biết: “Chúng tôi thu thập những công trình nghệ thuật được làm ra một cách nghiêm túc, khi mà người nghệ sĩ muốn tạo ra nghệ thuật và mắc phải sai sót trong việc thực hiện hay trong tiền đề ban đầu”.
MOBA chấp nhận cả những tác phẩm “bất đắc dĩ” nếu như chúng đáp ứng được tiêu chuẩn. Thông thường, những người giám định sẽ tập trung vào việc xem xét sức mạnh và cảm xúc được truyền tải qua tác phẩm. Có những người nghệ sĩ không thể truyền đạt được hết ý tứ của mình do thiếu kĩ năng hội họa. Người khác thì rõ ràng là có kỹ thuật rất tốt, nhưng cố gắng thử nghiệm lại luôn thất bại. Cái mà bảo tàng luôn hướng tới là những tác phẩm nghệ thuật được tạo ra bằng sự chân thành, thuần khiết và tiềm ẩn vẻ đẹp bên trong.
Bức tranh đầu tiên của MOBA là bức “Lucy in the Field with Flowers” (tạm dịch: Lucy giữa cánh đồng với những bông hoa) được Scott Wilson tìm thấy khi nó bị vứt chỏng chơ giữa hai cái thùng rác trên lề đường Roslindale – một khu vực của Boston. Bức họa được vẽ bằng sơn dầu, miêu tả lại cảnh một bà lão đứng giữa cánh đồng đầy hoa.
Kate Swoger của tờ The Montreal Gazette gọi “Lucy” là một “sai lầm tuyệt đẹp” với lời miêu tả: “Một người phụ nữ cao tuổi nhảy nhót trong khí trời mùa xuân tươi tốt, bộ ngực chảy xệ nẩy lên nẩy xuống trong khi bà ấy, không hiểu tại sao, lại giữ một chiếc ghế màu đỏ đằng sau lưng bằng một tay và cầm chiếc ví in hình hoa cúc bằng tay còn lại”. Tác giả Cash Peters, với những từ ngữ ít hoa mĩ hơn, đã tóm tắt bức tranh là: “Một bà già với chiếc ghế bành dính chặt vào mông”.
Còn MOBA thì tuyên bố về tác phẩm này với những từ ngữ không thể tuyệt vời hơn: “Sự chuyển động, cái ghế, sự lúc lắc của bộ ngực, những màu sắc tinh tế của bầu trời, những biểu cảm trên gương mặt bà ấy… Mọi chi tiết kết hợp để tạo nên bức chân dung siêu việt và hấp dẫn này, mọi chi tiết đều khóc ra hai chữ “kiệt tác”. Cháu gái của Lucy, một nữ y tá làm việc trong khu vực Boston tên là Susan Lawlor đã trở thành fan hâm mộ của MOBA sau khi nhìn thấy bức chân dung trong một tờ báo. Cô nhận ra đó là bà ngoại mình, Anna Lally Keane (1890-1968).
Theo Susan, bức tranh được ủy quyền bởi mẹ cô và được treo ở nhà dì cô trong nhiều năm liền, bất chấp sự phản đối của các thành viên khác. Khi được hỏi về cảm nhận của mình khi nhìn bức tranh, cô nói: “Khuôn mặt của bà ấy ám ảnh tôi, và mọi thứ khác thì như một sai lầm kinh khủng. Nhìn như bà chỉ có một bên ngực. Tôi không chắc điều gì đã xảy ra với tay và chân của bà, và tôi cũng không biết đống hoa và bầu trời màu vàng ấy ở đâu ra”. Đến nay, danh tính người nghệ sĩ đã vẽ nên bức tranh này vẫn còn là một ẩn số.
Một tác phẩm khác cũng nhận được nhiều sự chú ý từ cánh báo chí đó là bức “Sunday on pot with Geoger” (tạm dịch: “Chủ nhật trên nồi cùng Geoger”) được quyên tặng bởi Jim Schulman. Theo Bella English của tờ The Boston Globe, bức tranh sơn dầu này được coi là một “biểu tượng”, cô còn khẳng định chắc chắn rằng tác phẩm này “đảm bảo 100% sẽ làm bạn phá lên cười” ngay khi nhìn thấy nó. Những người đã từng yêu mến bức tranh đầu tiên của MOBA – “Lucy in the Field with Flowers” – tiếp tục bị thôi miên bởi hình ảnh một người đàn ông to lớn, mập mạp mặc đồ lót kiểu chữ Y màu trắng ngồi trên một cái nồi to không kém gì thân hình của ông ta. Bức họa có vẻ như vừa hài hước, vừa quái lạ này lại nhận được những phản ánh khá tích cực từ các nhà phê bình và các du khách.
Bức tranh “Sunday on pot with Geoger” (‘Chủ nhật trên nồi cùng Geoger’) – nguồn Wikipedia.
Đa phần những tác phẩm ở MOBA được chính tay người nghệ sĩ mang tặng. Một số khác được tìm thấy trong các cửa hàng bán đồ cũ hay những buổi hạ giá tại nhà. Đã có một khoảng thời gian khi số tiền phải chi cho những bức tranh bị cắt giảm không quá 7 đô la, nhưng rồi quy định này cũng bị phá vỡ khi những tác phẩm vừa ý xuất hiện. Còn với những sản phẩm không đủ tiêu chuẩn để lọt vào mắt xanh của những nhà giám định thì sao? Câu trả lời là bộ sưu tập mang tên “Bị từ chối”, MOBA đưa những tác phẩm bị loại vào bộ sưu tập độc đáo này và tiến hành bán đấu giá chúng. Một phần lợi ích của bảo tàng được thu từ những buổi đấu giá này.
Hiện nay, bộ sưu tập của MOBA gồm khoảng 600 tác phẩm. Vì không gian triển lãm còn hạn chế nên mỗi lần bảo tàng chỉ trưng bày 50 -70 tác phẩm. Đi kèm với mỗi bức tranh hay tác phẩm điêu khắc là một bản thông tin ngắn gọn về kích thước, môi trường, tác giả, cách mà bảo tàng đã sưu tầm được chúng. Ngoài ra còn có thêm những phân tích (giả định) về ý tưởng và biểu tượng của các tác phẩm được trưng bày.
MOBA đã được đề cập đến trong hàng loạt các cuốn sổ tay du lịch về Boston, được nhắc đến trong nhiều tờ báo và tạp chí quốc tế. MOBA đã từng bị chỉ trích khi trưng bày những tác phẩm phản nghệ thuật, nhưng các nhà sáng lập không đồng ý với quan điểm này. Họ khẳng định rằng bản thân các bộ sưu tập chính là sự tưởng nhớ đến lòng chân thành của những nghệ sĩ đã kiên trì với nghệ thuật, bất chấp những sai lầm khủng khiếp.
Marie Jackson – người đồng sáng lập MOBA – đã nói: “Chúng tôi ở đây để tôn vinh những người nghệ sĩ đã thất bại một cách đúng đắn và đầy vinh quang”. Bảo tàng được tờ báo nổi tiếng The New York Times công nhận là một trong 50 bảo tàng độc đáo nhất thế giới và được trang Travelnerd.com xếp vào top 10 bảo tàng kì quái nhất.
Theo Dương Thục Anh – Văn nghệ công an