Ông Lộc (ngoài cùng bên phải) gặp lại các o du kích Quảng Trị.

Trở lại Quảng Trị vào viếng nghĩa trang Thành cổ, về đất Triệu Phong gặp những người đã sát cánh chiến đấu hơn 40 năm trước, ông Nguyễn Tiến Lộc, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Phi Mô (Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) luôn bảo:“Tôi còn nợ vùng đất nắng vàng, cát trắng này nhiều lắm”.

Đi qua thời đạn bom…

Chiến dịch Quảng Trị hè 1972 diễn ra cho đến trước tháng 4-1975, đơn vị ông cùng du kích Triệu Phong (sát thành cổ Quảng Trị) đã đánh hàng chục trận. Tổ ba người, chỉ mình ông trở về mang nhiều thương tích. Đồng đội ông vẫn nằm lại đất này.

Bước vào căn nhà nhỏ nội ô thành phố Quảng Trị, mọi người reo lên“Eng Lộc đã về”. Họ tíu tít thăm hỏi với sự hồn hậu của những người em gái. Bát chè xanh, khoai luộc đậm đà, ông cùng ôn lại thời bom đạn. Tháng 2-1972, Nguyễn Tiến Lộc nhập ngũ khi chưa đến tuổi 18, đang học lớp 9 Trường cấp 3 Thanh Sơn (Phú Thọ). Lúc đó, chiến dịch Quảng Trị vào giai đoạn gay cấn nhất. Chưa hết hai tháng huấn luyện, chàng xạ thủ B40 cùng đơn vị được tăng cường cho chiến dịch. Ngày 27-7-1972, đơn vị tập kết ở bờ bắc sông Thạch Hãn và tiếp cận chiến trường, anh được bổ sung vào Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 (C2, D1, E101, F325) thuộc Quân đoàn 2, chiến đấu ở An Tiêm, Nại Cửu (xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong), chốt dọc bờ sông trong hầm chữ A. Lúc đó đơn vị hầu hết là sinh viên các trường đại học, ra trận vẫn bay bổng, mộng mơ…

Từ ngày 20-8 đến đầu tháng 9-1972, địch nống ra rất mạnh. Ta chiến đấu ngoan cường, giữ vững trận địa, nhưng mất mát khá lớn. Anh chứng kiến đồng đội hy sinh ngay trên tay và phải chôn cất họ tại trận địa. Sáng ngày 16-9-1972, anh bị thương và được chuyển ra tuyến sau điều trị. Đầu tháng 1-1973, anh trở về tham gia trận đánh Cửa Việt. Hiệp định Pari có hiệu lực, đơn vị chốt dọc giới tuyến tạm thời. Anh vận động ba lính ngụy ra hàng và được cấp trên tặng bằng khen.

Tháng 2-1975, đơn vị chặn địch trên đường 1A, để giải phóng Trị – Thiên và ngày 26-3-1975 tiến vào giải phóng Đà Nẵng, sau đó thần tốc đập tan phòng tuyến Phan Rang. Một lần nữa, anh lại phải chôn cất Nguyễn Mạnh Hùng – cùng quê, cùng nhập ngũ. Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn, đơn vị tưng bừng như ngày hội…

Đến cuối năm 1994, Nguyễn Tiến Lộc nghỉ hưu với quân hàm Đại úy và thương binh 41%. Những năm tháng quân ngũ, ông được tặng sáu huân, huy chương, một huy chương Itxala (Lào), huy hiệu chiến sĩ thành cổ Quảng Trị, một bằng khen và hai danh hiệu Chiến sĩ thi đua…

Sau khi ra quân, hơn 20 năm gắn bó với Hội CCB, từ chi hội trưởng đến Chủ tịch Hội. 10 năm liên tục, Hội CCB xã Phi Mô do ông đứng đầu đều đạt trong sạch, vững mạnh (TSVM), 100% số chi hội đạt TSVM, 98,5% số hội viên gương mẫu. Hội có nhiều sáng kiến trong xây dựng nông thôn mới như xử lý rác thải tại gia đình, mô hình đội xung kích bảo vệ môi trường, giữ gìn trật tự trị an thôn xóm, được Trung ương Hội CCB Việt Nam tặng bằng khen.

Tròn trách nhiệm người trở về…

Tháng 6-2007, đoàn cán bộ xã đi thăm Đà Nẵng, đến Thành cổ Quảng Trị, ông Lộc cao hứng kể về những năm tháng chiến đấu tại đây. Câu chuyện làm cho trưởng đoàn (là con liệt sĩ) rất cảm động đã quyết định vào viếng nghĩa trang. Trước vong linh các liệt sĩ, ông bật gọi tên đồng đội đã hy sinh và thầm hứa quay lại.

Về nhà, lục tìm trong trí nhớ và mang máng có lần biết địa chỉ nhà người đồng đội hy sinh tên Dũng ở nhà số 222, phố Lò Đúc (Hà Nội). Dò mãi và được một đồng đội giúp đỡ, ông tìm đến quầy hàng số 222 hỏi thăm, được chỉ dẫn đi vào sau dãy phố mới. Vào ngõ, ông gặp bà cụ hơn 80 tuổi tóc bạc phơ, hỏi và giới thiệu đi tìm gia đình liệt sĩ Dũng ở số nhà 222. Cụ thốt lên:“Trời ơi! Dũng ơi! Con ơi! bạn đến này”. Nhiều người ở nhà chung quanh ùa ra. Họ là con cháu cụ và rất xúc động. Xin phép thắp hương cho liệt sĩ, vén bức rèm che, ông và người đồng đội sững sờ, người trong ảnh đúng là Dũng, ông nói lạc cả giọng: “Dũng ơi, bọn mình đến thăm đây”.

Trong đầu ông chợt hiện về hình ảnh của năm xưa như cuốn phim quay chậm rõ nét. Đại đội 2 chốt giữ ở chín căn hầm dọc bờ sông Thạch Hãn. Nguyễn Tiến Lộc ở hầm số 6 cùng ba người khác là anh Thanh (quê Nghệ An), Dũng và Cường (còn gọi là Cường Đầm) đều ở Hà Nội. Sau đó anh được điều sang hầm khác và để quên chiếc mũ cối có khắc tên. Hầm số 3 có Vân (do đẹp trai được gọi là Pi-tơ), Tuấn là Giảng viên Đại học Xây dựng trắng trẻo gọi là Tuấn Bột, Hà và Đức và tiểu đội trưởng Tành.

Địch tổ chức nhiều đợt phản công nhưng đều bị bẻ gãy. Chúng điên cuồng dùng B52 ném bom, bắn pháo vào trận địa. Phải ở trong hầm lâu, chiến sĩ Hà bảo:“Thống nhất mình sẽ dành 10 ngày để đi cho thẳng cái lưng”. Nhưng Hà đã hy sinh trong trận đánh Thượng Đức. Giữa hai trận đánh, Tuấn Bột thường gõ ngón tay vào thành hầm hát bài: “Cô láng giềng”, anh cũng hy sinh sau khi bị thương mấy ngày.

Nhớ nhất chiều ngày 13-9-1972, khi Vân Pi-tơ đứng gác, thấy rung chuyển, đất rơi rào rào, hét lên: “Pháo khoan rồi!”. Ngớt tiếng pháo, anh cùng Tiểu đội trưởng bò theo thông hào xem xét. Đến hầm số 6, thấy Cường Đầm mất một chân, máu đầm đìa. Hai người mau chóng sơ cứu đưa Cường ra khỏi hầm. Cường chỉ vào ba-lô nói: “vẫn có củ sâm trong đó”, rồi gọi mẹ, nhắc tên người yêu và ra đi. Mộ liệt sĩ Cường được chôn ngay tại trận địa. Hầm số 6 cũng bị sập, anh Thanh và Dũng đã hy sinh…

Bà mẹ lấy khăn lau nước mắt. Chị liệt sĩ tên là Thu thì nghẹn ngào: “Chị đã đến chỗ đó rồi. Đơn vị cậu rút đi, cụ già ở thôn Đầu Kênh đưa ba mộ về chôn ở cạnh gốc dừa. Cụ ấy đã mất, không ai biết mộ quy tập về đâu?”. Nghe vậy ông Lộc bảo: “Anh Thanh cao, Dũng nhà mình lùn, còn Cường Đầm thiếu một chân, nếu tìm thấy chỗ quy tập là được, không cần phải xét nghiệm ADN”. Ông thầm hứa sẽ giúp sức đưa các anh về quê hương.

Buổi sáng tháng 4-2015, nhận được tin tìm được địa chỉ của gia đình liệt sĩ Dương Thanh ở Vinh (Nghệ An) và số điện thoại. Ông vội gọi và gia đình liệt sĩ ở đầu dây bên kia cùng nghe. Họ xúc động lắm và lại nhen lên hy vọng, vì 40 năm qua nhiều lần đi tìm mà không thấy. Ngày 19-7-2015, ông lên xe vào Quảng Trị, hẹn gặp thân nhân liệt sĩ Thanh ở cầu Thạch Hãn. Ông cũng gọi điện cho chị Sa, du kích xã Triệu Đại để kết nối cho chuyến đi và được cung cấp thêm số điện thoại của Chủ tịch CCB xã Triệu Thành và xã Triệu Long. Đến nơi, ông Lộc nhận ngay ra người em trai liệt sĩ vì rất giống anh trai.

Thân nhân liệt sĩ Dương Thanh đến nhận mộ.

Rạng sáng ngày 20-7-2015, ông đi bộ ra bờ sông Thạch Hãn. Mọi người vào Nghĩa trang liệt sĩ Triệu Thành thắp hương. 206 mộ liệt sĩ thì 90 mộ là vô danh, nhưng khi về UBND xã xem danh sách bàn giao, thì không có tên ba liệt sĩ hy sinh tháng 9-1972. Ông quyết định cùng Chủ tịch CCB xã Triệu Thành và Bí thư Chi bộ thôn ra trận địa cũ. Cây dừa và giếng nước ngày xưa đã bị cuốn trôi. Chị Nga em dâu liệt sĩ Thanh đã khóc nức nở bảo xuống lấy một chai nước về thờ! Ông tự trách mình không đi tìm sớm hơn.

Buổi chiều, họ tìm đến gia đình Chủ tịch CCB xã Triệu Long đề nghị giúp đỡ. Khi nghe loáng thoáng cuộc điện thoại trao đổi biết có ngôi mộ hai liệt sĩ đang an táng tại nghĩa trang xã, hy vọng bừng lên, mọi người ra nghĩa trang và được chỉ ngôi mộ số 251 có hai liệt sĩ chưa biết tên. Thắp hương xong, ông Lộc đề nghị quay lại nơi đã từng chôn cất để kiểm chứng. Ra quốc lộ 4, rồi rẽ vào lối mòn, ông Lộc nhận ra chỗ chôn đồng đội năm xưa và bật khóc.

Chuyến đi đạt kết quả ban đầu, ông tìm ra Cửa Việt thăm Đồi Cát nơi đơn vị đóng quân, gặp người dân đã cưu mang đùm bọc. Còn thân nhân hai liệt sĩ rất cảm kích về sự giúp đỡ nhiệt tình của người chiến sĩ thành cổ năm xưa. Họ làm thủ tục xác nhận, lấy mẫu phẩm đi giám định ADN để đón anh Thanh về thành phố Vinh và anh Dũng về Hà Nội. Liệt sĩ Tạ Võ Cường đủ khẳng định nằm ở ngôi mộ số 250 theo sơ đồ khi quy tập.

Nắng Quảng Trị không còn gắt như mùa hè đỏ lửa hơn 40 năm trước. Trời xanh, gió cửa Việt lồng lộng thổi. Mây trắng bồng bềnh làm cho ông thấy thư thái lạ thường như vừa trút được gánh nặng hằn sâu, góp phần trả lại tên cho đồng đội đã hy sinh vì đất nước.

Nguồn Báo Thời Nay ĐT

Dương Thanh Minh đăng bài