Hơn 8 năm về trước, rạng sáng ngày 6 tháng 9 năm 2007, Luciano Pavarotti – danh ca huyền thoại người Italia, ông hoàng Opera thế giới – đã trút hơi thở cuối cùng để đi vào cõi khác sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư tuyến tụy.
Tiếng chim kiêu hãnh bất chợt lặng yên. Nốt nhạc mạnh mẽ, vút cao bỗng nhiên chùng xuống, rời khỏi bản hòa ca thời đại. Nhân loại nức nở tiếc thương một tượng đài âm nhạc, một giọng ca vàng không thể thay thế.
Một tang lễ với những nghi thức trang trọng nhất được tổ chức vài ngày sau đó. Ước tính có khoảng hơn 100.000 người từ khắp mọi nơi trên thế giới đến viếng Pavarotti tại thành phố Modena quê hương ông. Trong dòng người bất tận ấy, người ta nhìn thấy những nhân vật quan trọng nhất trong giới chính trị, văn hóa nghệ thuật Italia và nhiều nước khác như tổng thống Italia Giorgio Napolitano, thủ tướng Italia Romano Prodi, cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan, danh ca Andrea Boccelli, Carla Fracci, Bono và nhiều người khác nữa.
Khi linh cữu Pavarotti hiện ra trước cửa của Thánh đường xứ Modena, cả biển người đã đồng loạt vỗ tay tiễn biệt ông. Pavarotti thanh thản ra đi giữa sắc cờ Italia và tiếng ca bài “Vincerò” (Ta sẽ thắng) – bài hát gắn liền với tên tuổi ông trong những tháng ngày du ca khắp nẻo. Một tang lễ trọng thể như vậy thật hiếm có đối với một người làm nghệ thuật.
Luciano Pavarotti – giọng ca kiêu hãnh của đất nước Italia (ảnh: AP)
Vinh quang lên đến tột đỉnh, Pavarotti sống mãi trong trái tim nhân loại. Nhưng vinh quang ấy không ngẫu nhiên mà có. Cuộc đời mãi mãi là một chiếc gương soi, soi vào tròn thì nhận được tròn, soi vào méo thì phải nhận méo. Pavarotti chiếm trọn trái tim của hàng tỉ người trên thế giới bởi ngoài giọng tenor trên 2 quãng 8 cao vút trời phú cho ông – giọng ca mà tờ New York Times từng nhận định “Khi Pavarotti chào đời, thượng đế đã hôn lên thanh quản ông”, ông đã phải trải qua một quá trình khổ luyện đầy gian khó thậm chí đớn đau với một niềm đam mê nghệ thuật không bao giờ vơi
Sinh ra trong một gia đình nghèo khổ với bố là thợ làm bánh kiêm ca sĩ opera nghiệp dư, mẹ là một công nhân trong nhà máy sản xuất xì gà. Gia cảnh nghèo khó không cho phép Pavarotti thực hiện mơ ước của mình. Ông không có tiền để học nhạc, cũng không có bất cứ một điều kiện thuận lợi nào dù nhỏ nhất để bước vào giới nghệ sĩ. Mẹ ông mong muốn ông trở thành giáo viên tiểu học và sống giản dị, bình yên như thế đến trọn đời. Nhưng với Pavarotti, âm nhạc là tất cả, là linh hồn, là lí tưởng, là khát vọng trong sâu thẳm tâm hồn.
Ông không thể nào sống được nếu thiếu âm nhạc. Chính niềm đam mê ấy đã tạo nên một nghị lực phi thường giúp Pavarotti vượt qua tất cả từ hoàn cảnh nghèo khổ với mong ước nhỏ nhoi của mẹ cho đến bao nhiêu đau đớn, vật vã mà ông phải chịu đựng về cuối đời do căn bệnh ung thư gây nên để không ngừng cất cao tiếng hát. Nhiều khán thính giả lúc này lúc kia có thể cảm thấy không hài lòng vì những scandal mà Pavarotti gây ra nhưng sức truyền cảm vĩ đại trong giọng ca của ông, khát khao nghệ thuật cháy bỏng trong tâm hồn ông là điều không thể phủ nhận. Thật cảm động khi nghe lời tâm sự của Pavarotti “ Một cuộc đời gắn liền với âm nhạc là một cuộc đời có ý nghĩa. Tôi phụng sự cả đời mình cho âm nhạc.
Pavarotti: “Tôi phụng sự cả đời mình cho âm nhạc”
Có lẽ tầm vóc nghệ thuật của Pavarotti sẽ giảm đi rất nhiều nếu như ông chịu ở yên trong tháp ngà opera, nỗ lực đưa opera lên đến đỉnh cao của một loại nhạc hàn lâm chỉ dành cho giới quý tộc rồi dừng lại và say sưa với nó. Điều đáng quý là Pavarotti không bao giờ chịu bằng lòng với những gì mình có. Ông luôn nỗ lực làm mới mình, không ngừng trăn trở, suy tư tìm cho Opera những hướng đi mới bình dị, gần gũi hơn nhưng cũng không kém phần sang trọng. Trong mắt người nghe nhạc, Pavarotti chính là biểu tượng cho sự hòa hợp giữa “cao cấp” và “bình dân”, “hàn lâm” và “gần gũi”.
Ông thường xuyên hát cùng những nghệ sĩ Opera đỉnh cao nhưng cũng không ngại ngần khi hát cùng những ngôi sao nhạc Pop, Rock. Ông phát biểu “Có người cho rằng từ nhạc Pop là một sự xúc phạm, vì nó có nghĩa là không đáng kể. Tôi không chấp nhận điều đó. Cũng như tôi không chấp nhận rằng từ nhạc cổ điển đồng nghĩa với nhàm chán. Chỉ có nhạc hay và nhạc dở. Dù đối với tôi hay bất cứ ai khác, hát một thể loại nhạc mới đều khó cả, nhưng tôi thích hướng tới một thế giới mới”.
Chính Pavarotti chứ không ai khác là người đã phá vỡ bốn bức tường chật hẹp, khép kín của nhạc cổ điển để đưa loại nhạc kén người nghe này đến với một thế giới rộng lớn hơn, hòa vào đông đảo mọi người. Giọng ca kiêu hãnh của Pavarotti cất lên ở bất kì đâu dù là những thính phòng nhỏ bé hay những sân vận động khổng lồ cũng đều mang một sức truyền cảm mạnh mẽ như xuyên thấm, lay động đến những cảm xúc tế vi nhất trong cõi sâu tâm hồn người.
Pavarotti phá vỡ bốn bức tường chật hẹp, khép kín của nhạc cổ điển, đưa loại nhạc kén người nghe này đến với một thế giới rộng lớn.
Những năm 90 của thế kỉ trước, Pavarotti chuyển sang làm từ thiện. Những buổi biểu diễn mang tên “Pavarotti và những người bạn” được tổ chức khắp nơi trên hoàn cầu để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Và khi biết sức khỏe của mình yếu dần, Pavarotti đã tổ chức một chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới để từ biệt tất cả những khán thính giả đã yêu quý ông. Tiếc rằng đang dang dở hành trình, khi mộng hồn còn phiêu lãng thì người du ca đã phải dừng chân mãi mãi vì căn bệnh ung thư.
Cả cuộc đời đốt cháy mình cho nghệ thuật, Pavarotti đã đạt được những giải thưởng danh giá như giải thưởng Grammy, giải thưởng Kennedy, công dân danh dự Luân Đôn, giữ vững hai vị trí trong sách kỷ lục Guinness là ca sĩ được khán giả vỗ tay mời ra hát lại nhiều nhất (165 lần) và ca sĩ có album nhạc cổ điển bán chạy nhất mọi thời đại… Đó là điều đáng mơ ước đối với bất kì nghệ sĩ nào. Nhưng vinh quang lớn nhất với Pavarotti là tiếng hát của ông trong những ca khúc tuyệt vời như Ave Maria, Torna a Suriento, Vincerò, O soave fanciulla, Nessun dorma… đã trở nên bất tử với thời gian, mãi mãi làm say đắm hồn người
Năm nay nhân loại kỉ niệm 80 năm năm sinh Luciano Pavarotti (1935 – 2015). Những người yêu mến giọng ca huyền thoại Pavarotti từ khắp nơi trên thế giới chuẩn bị tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để tưởng nhớ ông. Thủ tướng Italia Romano Prodi trong bài phát biểu chia buồn tại tang lễ Pavarotti đã gọi ông là “Đại sứ của Italia”.
Cần nói thêm rằng, Pavarotti không chỉ là đại sứ của Italia mà còn là đại sứ của cả nhân loại. Tên tuổi ông không chỉ thuộc về một thời mà sẽ bất tử với muôn đời.
Theo Hồ Tấn Nguyên Minh – Thời nay online
Có thể bạn quan tâm