“Bố, có phải bố đã giết rất nhiều đứa trẻ không?” – đứa con bé bỏng hỏi. Nhưng người cha không thể trả lời. Anh vừa đi qua một cuộc chiến tàn khốc.
A War – top 5 phim nước ngoài được đề cử Oscar 2016 |
Lọt vào top 5 phim được đề cử Oscar cho phim nước ngoài xuất sắc nhất năm 2016, A war (Một cuộc chiến) là bộ phim mang đến một góc nhìn rất riêng và khá nhạy cảm về chiến tranh của đạo diễn người Đan Mạch Tobias Lindholm.
Đó là câu chuyện về nhân tính trong một cuộc chiến, một lằn ranh đỏ mong manh mà người ta có thể xóa nhòa.
Sự nhạy cảm của nhân tính
A war mở đầu ngay với một cảnh căng thẳng, một nhóm lính Đan Mạch làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở một tỉnh lỵ miền núi khô cằn của Afghanistan.
Họ rà phá bom mìn, đánh đuổi quân lính Taliban để bảo vệ và giúp những người dân làng xây dựng lại cuộc sống mới trên vùng đất từng bị Taliban tàn phá.
Trong một lần đi tuần tra dưới sự chỉ huy của Claus Michael Pederson (Pilou Asbaek đóng), họ rơi vào một trận phục kích và một người lính trẻ đạp nhầm mìn.
“Anh chứng kiến một người lính trẻ mới 21 tuổi trúng bom mìn, đổ máu, thân thể không còn nguyên vẹn và chết ngay trước mắt mình, điều đó thật vô nghĩa” – Claus gọi điện về nhà và nói với vợ như vậy.
Ở quê nhà Đan Mạch, vợ của Claus là Maria (Tuva Novotny đóng) cũng đang phải vật lộn với cuộc sống để chăm sóc ba con nhỏ luôn hỏi về bố của chúng.
Cảnh trong A war. |
Trong những cuộc điện thoại đường dài, họ chia sẻ với nhau sự căng thẳng mà họ phải đối mặt với cuộc sống hằng ngày, cho dù đó là cuộc sống đầy rẫy nguy hiểm chết chóc ở một đất nước kém hạnh phúc nhất thế giới hay cuộc sống thường ngày của một bà mẹ một mình nuôi ba con nhỏ ở đất nước hạnh phúc nhất thế giới.
Chỉ với hai đoạn giới thiệu ngắn một cách mạch lạc và chặt chẽ về bố cục, đạo diễn đưa người xem vào thẳng không khí của bộ phim một cách hiệu quả.
Những diễn biến của bộ phim ngay sau đó càng cho thấy tầm nhìn bao quát của một đạo diễn, biên kịch với một đề tài nhạy cảm và không dễ để thuyết phục, bởi nó sẽ rất dễ sa đà vào những rao giảng đạo đức hay tệ hơn là những sáo mòn trong các bộ phim có chủ đề nói về nhân tính trong chiến tranh.
Trong một lần đến một ngôi làng để bảo vệ người dân, Claus và đồng đội phát hiện tất cả thành viên trong gia đình cầu cứu họ giúp đỡ đều bị giết chết. Những người lính ngay sau đó cũng rơi vào bẫy phục kích.
Khi một đồng đội bị thương nặng có nguy cơ chết tại trận nếu không được cấp cứu, Claus kêu gọi sự giúp đỡ của không quân và ra lệnh nổ bom ở một khu vực có tín hiệu của quân lính Taliban. Đó là một quyết định làm thay đổi cuộc sống của anh.
Vài ngày sau, anh được chỉ huy cấp cao cho biết lệnh thả bom của anh vào khu thường dân làm chết 11 người dân vô tội, trong đó có 8 trẻ em.
Hành động đó có thể bị kết án là “tội ác chiến tranh” và đối mặt với một án tù. Từ trận địa hiểm ác ở Afghanistan, Claus được đưa về quê nhà Đan Mạch để chuẩn bị cho một phiên tòa mà anh bị kết tội.
Cảnh trong phim. |
Đi qua một cuộc chiến, ai có thể nhẹ lòng?
Nửa sau của bộ phim tiếp tục kéo khán giả vào một cuộc chiến khác, cuộc chiến giữa bổn phận, trách nhiệm và đạo đức, luân lý.
Trong niềm hạnh phúc đoàn tụ với vợ con sau một thời gian dài, Claus còn phải đối mặt với một án tù có thể kéo dài đến 4 năm vì bị buộc tội vi phạm luật chiến tranh.
Dù chuyển đổi mạch phim hoàn toàn, đạo diễn Tobias vẫn giữ được không khí căng thẳng một cách lôi cuốn và thuyết phục, đồng thời nâng bộ phim lên một tầm cao hơn khi lý giải về lằn ranh mong manh giữa trách nhiệm và tội ác chiến tranh.
Nói như luật sư bảo vệ cho Claus trong phiên tòa: “Tôi chỉ muốn làm tròn bổn phận của mình. Đạo đức và luân lý không phải là điều mà tôi quan tâm”.
Nhưng với Claus, với tư cách một người chỉ huy, một người đồng đội và một người đàn ông có nhân phẩm, anh nói trước tòa: “Trách nhiệm của tôi lúc đó là đưa đồng đội của mình trở về nguyên vẹn”.
Còn với người vợ, anh thừa nhận: “Anh không thể nói dối, anh đã ra lệnh thả quả bom đó và anh phải nhận trách nhiệm về điều này”.
Claus Michael Pederson (Pilou Asbaek đóng). |
Không còn là người quan sát và chứng kiến, ở nửa sau này đạo diễn đưa người xem trở thành người dự cuộc và đưa ra nhiều câu hỏi hóc búa để thách đố họ? Liệu Claus có đáng bị kết tội khi cứu đồng đội của mình vì đó là trách nhiệm lớn nhất của anh?
Và liệu Claus có vô tội không khi mệnh lệnh của anh giết chết những thường dân vô tội?
Đó chính là lằn ranh mong manh về nhân tính trong một cuộc chiến tranh mà đạo diễn muốn người xem cùng dự cuộc và đưa ra câu trả lời.
Còn với riêng đạo diễn Tobias, anh cũng đưa ra một cái kết khiến người xem nhẹ lòng. Nhưng Claus có thật sự nhẹ lòng không với câu hỏi ngây thơ của đứa con anh ở đoạn kết: “Bố, có phải bố đã giết rất nhiều đứa trẻ không?”.
Claus không trả lời đứa con. Và ai có thể trả lời được rằng liệu họ có thể nhẹ lòng khi đi qua một cuộc chiến tranh?
Ai có thể nhẹ lòng khi đi qua một cuộc chiến tranh? Cảnh trong phim A war. |
Theo Lâm Lê – Tuổi trẻ