Phạm Minh Quân

Ở Việt Nam, lí thuyết của Mikhail Mikhailovich Bakhtin (1895-1975) có sức ảnh hưởng lớn, đặc biệt được tiếp nhận và vận dụng sâu rộng trong lí luận phê bình văn học. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông đã được dịch sang tiếng Việt có thể kể đến như Lí luận và thi pháp tiểu thuyết (Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn, dịch và giới thiệu; Trường Viết văn Nguyễn Du, 1992; Nxb Hội Nhà văn, 2003), Những vấn đề thi pháp Đôxtôiepxki (Trần Đình Sử dịch, Lại Nguyên Ân và Vương Trí Nhàn hỗ trợ dịch chương IV; Nxb Giáo dục, 1993), Sáng tác của F.Rabelais và nền văn hóa dân gian Trung cổ và Phục hưng (Từ Thị Loan dịch, Hoàng Ngọc Hiến hiệu đính; Nxb Khoa học xã hội, 2006; Nxb Văn hóa dân tộc, 2020). Hai công trình của Bakhtin về Dostoevsky và Rabelais lần lượt trở thành hai dấu mốc xác quyết trong nghiên cứu văn học, đặt ra nguyên lí đối thoại (dialogism) và nguyên lí carnaval (carnivalesque). Ở quốc tế, tầm vóc lẫn quy mô nghiên cứu Bakhtin được mở rộng không ngừng, trên hai cấp độ lí thuyết và thực hành ứng dụng. Ở cấp độ thứ nhất, Bakhtin tạo tiền đề mở ra một trường phái “Bakhtin học”, làm giàu thêm cho lí thuyết kí hiệu học, ngữ nghĩa học và cấu trúc luận. Ở cấp độ thứ hai, lí thuyết Bakhtin không còn chỉ khu biệt trong phân tích văn học, mà được vận dụng trên rất nhiều địa hạt khác của khoa học xã hội và nhân văn như triết học, sử học, ngôn ngữ học, nhân học, văn hóa học, tâm lí học…

Bakhtin khởi phát từ triết học. Những tư tưởng nhân văn chủ đạo của ông cũng hình thành và gắn liền với giai đoạn triết học đầu sự nghiệp. Khuynh hướng triết học của Bakhtin được định hình trong thời gian ông học đại học tại St.Petersburg từ năm 1914 đến năm 1918, và ảnh hưởng mạnh bởi Kant. Lúc này, triết học theo trường phái Kant ở Nga đã được xác lập và hun đúc tại trường Đại học St.Petersburg từ đầu thế kỉ XX, trong khi khuynh hướng triết học tôn giáo Nga của thế kỉ này bắt nguồn từ V.Soloviev lại có thiên hướng bài Kant sâu sắc. Một trong những người ủng hộ Kant nhất là giáo sư A.Vvedenskii, chính là thầy giáo của Bakhtin, người đặt ra vấn đề về “cái tôi khác” cho các học trò của mình. Xuất phát từ luận điểm của Kant về đạo đức, Vvedenskii cho rằng cảm thức đạo đức khiến chúng ta tin rằng đời sống tinh thần không chỉ cố hữu ở trong ta mà còn hiện tồn ở những bản ngã khác. Đây có lẽ là sự gieo mầm hạt giống đầu tiên của ý niệm về một nguyên lí “đối thoại”. Nguyên lí đối thoại chính là cơ sở cho phương pháp “nhân văn”, “khoa học về tinh thần” của Bakhtin, là chìa khóa và hệ hình duy nhất cho mọi công trình của tác giả, đồng thời là hạt nhân của hiện sinh chủ nghĩa ở ông. Đóng góp của Bakhtin dành cho triết học Nga thế kỉ XX chính là ý niệm về đối thoại.

Sự đưa đẩy của hoàn cảnh và xê dịch về không gian cư ngụ càng góp phần củng cố nền tảng thế giới quan của Bakhtin sau này. Bản thân ông là một người không có thiện cảm với Moscow; phần lớn thời gian tuổi trẻ của ông hoặc bị lưu đày hoặc sinh sống ở những thị trấn xa xôi khuất nẻo. Bởi vậy, ông càng xa lánh nơi thủ đô vốn là thành trì của chủ nghĩa biểu tượng Nga và triết lí Chính thống giáo, rồi trở nên gần gũi hơn với mạch nguồn hiện sinh của văn hóa Nga hậu Kitô như ở Berdiaev và Shestov. Tốt nghiệp đại học năm 1919, Bakhtin phiêu dạt đến thị trấn Nevel phía tây của St.Petersburg, rồi đến năm 1924 thì chuyển tới Vitebsk, Belarus. Chính tại Nevel, từ những bài giảng của Bakhtin về Kant và những cuộc tranh luận về các tác phẩm triết học đương thời đã hình thành nên nhóm Bakhtin với những thành viên nổi bật như M.I.Kagan, L.V.Pumpianskii, V.M.Iudina, V.N.Voloshinov, P.N.Medvedev… Bên cạnh đó, Nevel và Vitebsk là những trung tâm văn hóa ở những năm đầu thập niên 1920, là nơi quy tụ và sinh hoạt học thuật của một số trí thức Nga tài năng tiêu biểu. Nếu tìm cách liên hệ mối quan tâm tới carnaval của Bakhtin ở thập niên 1930 sau đó, có thể truy nguyên được nó có nguồn gốc từ Vitebsk, cái nôi của cái gọi là “phong trào Phục hưng Vitebsk” gắn liền với sự bùng nở của nghệ thuật avant-garde. Nghệ thuật avant-garde vốn dĩ sặc sỡ, dị biệt, nghịch đảo, mang những đặc trưng của hội hè carnaval và sự phi chính thống.

Thành tựu về triết học được Bakhtin tích lũy và chấp bút trong giai đoạn từ 1919 đến 1924 là tác phẩm Hướng tới một triết học về hành vi (K filosofii postupka, tới năm 1986 mới được chính thức xuất bản). Đây là tác phẩm mang tính chất triết học thuần túy, là sự hội tụ và biểu kiến quan điểm triết học nhân văn của Bakhtin. Cụ thể hơn, Bakhtin muốn tạo ra một hệ thống bản thể luận đạo đức với đa dạng chiều kích độc lập: đạo đức, mĩ học, triết học về pháp luật và tôn giáo. Bakhtin vẫn theo đuổi luân lí của Kant lẫn Vvedenskii, tức đạo đức thuộc về lí tính thực hành, nhưng ông không còn quan niệm nó chỉ đơn thuần là vấn đề đạo đức. Hiện hữu được Bakhtin hiểu như một hành vi của cá nhân, và tiêu chí đánh giá đạo đức của một hành động dựa trên mệnh lệnh trách nhiệm. Cá nhân không phải là một đơn phân biệt lập, mà sự hiện hữu của nó nằm trong tương liên giao tiếp với những cá nhân khác, thông qua liên kết đạo đức. Theo quan điểm của Bakhtin, hiện hữu, với tư cách một hành vi đạo đức, là sự tồn tại trong thời gian, và ngẫu nhiên tình cờ quan điểm của ông lại có sự trùng khớp với quan niệm của một triết gia lớn thế kỉ XX khác, Martin Heidegger, về thời gian và hữu thể.

Hướng tới một triết học về hành vi, theo ý hướng ban đầu của Bakhtin, thực chất có bốn phần, nhưng ông chỉ hoàn thiện được phần đầu tiên về hành vi cấu thành nên thế giới thực tại. Những phần dang dở còn lại, ông muốn kẻ vạch nối giữa những thái cực đối xứng, hiện hữu và giá trị, cuộc đời và nghệ thuật, đạo đức và mĩ học. Cho dù, giai đoạn triết học hành vi của Bakhtin chỉ dừng lại ở tác phẩm này, trước khi nhường chỗ cho nguyên lí đối thoại, nhưng nó đã để lại cho triết học một luận điểm mở rộng về đạo đức, và quan trọng hơn, đóng góp một phương pháp luận cho nhân văn học sau này. Xét theo định nghĩa rộng, nhân văn bao trùm việc nghiên cứu mọi hoạt động do con người thực hiện, tuy nhiên, nghiên cứu nhân văn cụ thể hơn về đối tượng, vấn đề nghiên cứu trong đó chủ thể hay khách thể được nghiên cứu là cá thể người. Phổ ngành nghiên cứu đáp ứng tiêu chí này rất rộng, dao động từ sáng tạo, trừu tượng cho tới quy phạm, hệ thống nhất, bao gồm lịch sử, chính trị, tôn giáo, xã hội học, triết học, nhân học, ngôn ngữ và văn hóa, nghệ thuật thị giác và trình diễn. Một vài trong số chúng cũng được định danh và phân loại với tư cách là một khoa học – khoa học xã hội. Sau khi lần lượt trải qua các chặng nghiên cứu về hành vi con người, ngôn ngữ, rồi carnaval, thì Bakhtin dừng lại ở chủ đề minh định nhân văn như một lĩnh vực nghiên cứu.

Vào năm cuối đời, Bakhtin đã dành hẳn riêng một tiểu luận để viết về phương pháp luận trong khoa học nhân văn, trong đó ông chú trọng tới những vấn đề gây nhiều tranh luận như đối tượng nghiên cứu, phương pháp định lượng hay định tính, có hay không “phòng thí nghiệm quy mô lớn” để nghiên cứu con người. Bakhtin mạnh mẽ khẳng định, rằng nghiên cứu con người không cần thiết phải tạo ra một môi trường kiểm soát từng li từng tí như phòng thí nghiệm, hay đưa ra những ước tính hoặc dự đoán mang tính chính xác toán học, thay vào đó, nghiên cứu con người mang tính chất bất ngờ, bất tiền định, đầy táo bạo và trực giác về một “phép màu”. Kết quả định lượng có thể là một chỉ báo về tình trạng thực tế, nhưng không phải là bản chất của nó. Quay trở về với quan điểm sơ khai mà Bakhtin đề cập trong Hướng tới một triết học về hành vi, một sự kiện con người (hay sự kiện hiện hữu/ bytie-sobytie) là có thật không phải bởi thực tế nó chỉ xảy ra một lần, mà bởi vì về bản chất nó chỉ xảy ra một lần, thoảng khắc. Đối tượng của nghiên cứu nhân văn, theo Bakhtin, là “hiện hữu biểu kiến và phát ngôn”. Con người có ngôn ngữ, nên có thể sống trong thời-đại-lớn, nơi mà mọi phát ngôn sớm hay muộn tìm thấy tiếng nói của mình. Triết học đích thực bước tiếp sau khi khoa học chính xác đã dừng chân. Khoa học chính xác muốn xác thực những kết quả nghiên cứu của mình, thì nó ắt phải quy giản và hệ thống chúng thành các quy luật nhân quả. Ngược lại, khoa học nhân văn tạo ra ý nghĩa không cố định, theo ngữ cảnh, mang tính chất đối thoại nên luôn có khả năng bị cải biến hoặc củng cố bởi một phản hồi. Cá tính cá nhân càng sâu sắc thì càng khó để khái quát và tiêu chuẩn hóa. Bởi vậy, quan điểm của Bakhtin về nghiên cứu nhân văn không chỉ đơn giản xuất phát từ một phương pháp luận nghiên cứu theo kinh nghiệm hay nhận thức luận, trái lại mang tính chất ngữ nghĩa học và đa âm/ phức điệu như bản thân ông đã phát hiện ra trong tiểu thuyết của Dostoevsky.

Giới ngôn ngữ học hiện đại cũng đánh giá cao thành tựu của Bakhtin, đặc biệt đối với siêu ngôn ngữ học và lí thuyết giao tiếp bằng lời. Bakhtin tiếp cận ngôn ngữ thông qua một số khái niệm triết học và nhân học của mình, có thể kể đến như ý niệm về cái khác, nguyên lí đối thoại, sự đối lập giữa yếu tố chính thống và phi chính thống của văn hóa, và vai trò của carnaval. Ngôn ngữ đóng một vai trò quan trọng trong tư tưởng của ông về khoa học nhân văn, nghệ thuật truyền miệng và, tiêu biểu nhất, tiểu thuyết. Có thể nhận định Bakhtin đã tác động ảnh hưởng và thay đổi lằn ranh của ngôn ngữ học hiện đại. Nguyên lí đối thoại của Bakhtin biểu trưng cho một sự chuyển dịch căn cốt khỏi quan điểm về bản chất của ngôn ngữ và tri thức của Saussure và Kant. Sự li khai của Bakhtin khỏi Kant nằm ở chỗ ông đánh giá cao hoạt động thẩm mĩ và kinh nghiệm hơn là trừu tượng. Đồng thời Bakhtin xung khắc với quan điểm “ngôn ngữ là một thực tế xã hội” của Saussure và đương nhiên là mô hình mang đặc trưng trừu tượng của “trật tự biểu tượng” dựa trên mô hình Saussure của J.Lacan. Trường phái nghiên cứu ngôn ngữ của Bakhtin, do đó, trở thành nhánh độc lập với trường phái của Saussure và Roman Jakobson. Nhờ sự soi rọi của nguyên lí đối thoại, Bakhtin chỉ ra sự song trùng đan cài giữa đơn ngữ (monoglossia) và đa ngữ (polyglossia). Nhất thiết phải có một hợp đề giữa quan điểm lịch đại và đồng đại về ngôn ngữ để có thể phân tích những yếu tố đa ngữ dưới lớp vỏ ngoài có vẻ là đơn ngữ. Về vấn đề này, Bakhtin nói: “Suy cho cùng, ngôn ngữ của một dân tộc không bao giờ là một ngôn ngữ duy nhất; trong nó luôn luôn còn sót lại tàn dư của quá khứ và một triển vọng cho đa thanh, vốn ít nhiều được thức nhận bởi văn chương đương đại và ý thức ngôn ngữ.” Bản thân khái niệm “đa thanh” (heteroglossia) được Bakhtin sử dụng trong tiểu luận Những diễn ngôn trong tiểu thuyết (1934-1935) đã trở nên cực kì phổ biến trong các công trình ngôn ngữ học, văn học và nhân học kể từ những năm 1980 trở lại đây.

Lí thuyết của Bakhtin, đặc biệt là nguyên lí carnaval, đã được áp dụng trong nhân học và chứng tỏ được hiệu quả khi nghiên cứu về thực hành nghi lễ. Trong trường hợp nghiên cứu đối sánh hai nghi lễ của tộc người Iatmul và người Murik bên bờ sông Sepik, Papua New Guinea, các tác giả đã chỉ ra mối quan hệ giữa nghi lễ và xã hội, với trọng tâm là thái độ lấp lửng thay vì phục tùng trật tự chính trị xã hội. Họ phân chia hai loại là cơ thể đạo đức và cơ thể nghịch dị, trong đó cơ thể đạo đức được chia thành cá nhân và tập thể. Cơ thể cá nhân mang tính tự nhiên tiền xã hội, là nguồn của cảm xúc và hành vi cá nhân. Khi tập thể chiến thắng cá nhân, thì cơ thể tập thể trở thành biểu tượng của tổ chức xã hội, và khoác lên cơ thể cá nhân tấm áo đạo đức. Theo lí giải của Durkheim về nghi lễ, thì văn hóa bao gồm “đại diện tập thể” kiểm soát mọi thôi thúc tâm sinh lí của cá nhân bên trong nó. Những giá trị của tôn giáo, bổn phận lao động được phân chia, luật tục và sự lãnh đạo của quyền uy ức chế và kìm hãm mọi xung năng lệch chuẩn. Đối lập với cơ thể đạo đức của trật tự tập thể, chính là cơ thể nghịch dị của nghi lễ, của carnaval. Trong những nghi lễ của hai tộc người nguyên thủy này, con người được phép xâm/vi phạm cơ thể đạo đức, bằng cách tạo ra những diễn ngôn lấp lửng nghịch đảo về giới (phụ nữ đánh đập đàn ông, hoặc hai giới ẩu đả lẫn nhau). Dựa trên nguyên lí carnaval của Bakhtin và kết quả dân tộc chí, các tác giả đi đến kết luận, rằng ở những tộc người này, hình tượng cơ thể người mẹ là đối tượng trong đó cả đàn ông lẫn phụ nữ tìm thấy sự khỏa lấp, nhưng đồng thời cũng là đối tượng nhằm đấu tranh chống lại căn cước định sẵn về giới.

Một số nhà nghiên cứu như Hirschkop và Shepherd (1989) hay Thornton (1994) đều nhấn mạnh dấu ấn của Bakhtin trong văn hóa học, và sự chuyển dịch hệ hình trong lí thuyết văn hóa trước và sau Bakhtin. Khái niệm về tiểu thuyết đa âm của Bakhtin tìm thấy sự phản ánh đương đại ở một lĩnh vực văn hóa học đã trở nên đa lí thuyết. Một loạt khái niệm mới xuất hiện, hậu cấu trúc luận, tân duy sử (new historicism), chủ nghĩa hiện thực hậu hiện đại, công nghiệp văn hóa… Lịch sử hay văn hóa “khác”, theo Bakhtin quan niệm, mang tính đối thoại và ưu tiên được đặt lên sự “khác biệt”. Bởi vậy khái niệm văn hóa do đó bị giải tập trung, ứng với sự nhấn mạnh của Bakhtin vào mô thức li tâm của ý nghĩa. Lí thuyết văn hóa hậu hiện đại xóa bỏ khái niệm về “quần chúng số đông” (văn hóa quần chúng ở chủ nghĩa hiện đại) và thậm chí né tránh thuật ngữ “văn hóa đại chúng” vốn dĩ gắn liền với sự suy đồi văn hóa rất khó để thủ tiêu.

Đối với Bakhtin, ngôn ngữ với tư cách là một hoạt động xã hội và lịch sử được thực hiện thông qua hai chiều kích không gian và thời gian có mối liên hệ mật thiết với nhau, và ông sử dụng thuật ngữ không-thời gian (chronotope) với nghĩa “kết nối bên trong giữa các mối quan hệ không gian và thời gian được biểu hiện sáng tạo trong văn học”. Thậm chí Bakhtin còn chú ý đến những không gian nằm ngoài tác phẩm văn học, ví dụ như không-thời gian của quảng trường, nơi không hề tồn tại sự phân biệt đời sống công cộng và đời sống riêng tư. Theo đó, Bakhtin nhấn mạnh bản chất thực tiễn và cụ thể của không-thời gian với tư cách là các dạng thức văn hóa tổ chức nên đời sống xã hội. Dựa trên cơ sở lí thuyết của Bakhtin, một nghiên cứu thực tiễn đã chỉ ra những dạng thức văn hóa của một cộng đồng người thiên di có thể tạo ra trải nghiệm không gian và bản sắc mới, thông qua trường hợp người nhập cư ở Mĩ. Còn ở Anh, những khái niệm của Bakhtin dành cho việc sáng tác đã được ứng dụng vào xây dựng mô hình tiếp cận giảng dạy mới, để nhìn nhận giảng dạy như một hoạt động văn hóa, là quá trình giúp cho người học hội nhập văn hóa, còn lớp học là môi trường tạo điều kiện cho những con người có giới tính khác nhau, đến từ các chủng tộc hay địa lí hoặc văn hóa khác nhau gặp gỡ và đối thoại.

Nguyên lí carnaval của Bakhtin cũng có sự biểu kiến tương ứng ở một số loại hình văn hóa nghệ thuật, trong một trường hợp là điện ảnh. Một nghiên cứu điện ảnh ứng dụng lí thuyết Bakhtin đã phát hiện phim hài Anh cuối thập niên 1950 đầu thập niên 1960 biểu hiện đầy tính thù địch thâm sâu đối với uy quyền, nhưng cuối cùng đều bỏ qua mọi sự ủng hộ vận động thay đổi. Cho dù mọi bộ phim kết thúc bằng một status quo (hiện trạng giữ nguyên), người xem vẫn thích thú trải nghiệm cảm giác được lật ngược thế giới, chế nhạo quyền lực và giải thoát khỏi sức nặng của những chuẩn mực xã hội truyền thống.

Những ý niệm của Bakhtin không chỉ có ích đối với các nhà mĩ học, mà cả đối với các nhà phê bình nghệ thuật. Nhờ nhận thức hiện tượng học về mối quan hệ giữa cái tôi và cái tôi khác, Bakhtin xác nhận có một mối quan hệ chan hòa, đầy thiện ý giữa một tác phẩm nghệ thuật, tác giả của nó và người thụ hưởng tác phẩm. Kết hợp với nguyên lí đối thoại, nghệ thuật và cuộc sống hồi đáp lẫn nhau, giống như con người thỏa đáp những nhu cầu của nhau trong không gian và thời gian. Còn hành vi là cơ sở cho cấu trúc kiến trúc của thế giới, cũng như là nền tảng cho sáng tạo nghệ thuật. Sự lí giải sáng tạo của Bakhtin xoay quanh trách nhiệm đạo đức giữa các cá nhân với nhau. Do đó, những tác phẩm sáng tạo của chúng ta luôn là câu trả lời. Thông qua đối thoại ta hiểu được bản thân mình, người khác và thế giới. Với nghệ thuật, người nghệ sĩ đối thoại bằng bút cọ, chiếc dùi đục, bằng động tác cơ thể hoặc giọng hát để chia sẻ kiến thức về thế giới, trong mối quan hệ với thời gian. Bakhtin cũng đặt ra hai phạm trù “Thời đại Nhỏ” và “Thời đại Lớn”, trong đó những tác phẩm nghệ thuật ở “Thời đại Nhỏ” chỉ có thể phân tích gắn với bối cảnh đương đại của nó, còn “Thời đại Lớn” mang tầm vóc toàn văn hóa. Những công trình trác tuyệt kinh điển của lịch sử hội họa tồn tại trong “Thời đại Lớn”, còn những công trình của những nghệ sĩ đương thời chỉ thuộc về “Thời đại Nhỏ”. Ở đây đã định hình một tiêu chí đánh giá cho những nhà phê bình nghệ thuật, nhưng đòi hỏi ở họ phải có sự thức nhận không-thời gian của chính bản thân mình lẫn người nghệ sĩ và tác phẩm.

Mikhail Bakhtin có một vị trí độc đáo trên bản đồ học thuật thế giới. Bakhtin là cầu nối ảnh hưởng giữa hai nền học thuật phương Tây và nước Nga, nói khác, ông thiết lập nên sự đối thoại giữa hai nền văn hóa. Thông qua các tác phẩm của ông, người Nga được tiếp xúc với tinh thần phương Tây, còn người phương Tây hiểu về văn hóa và tư tưởng Nga. Cho dù là khối học thuật Anh ngữ (Galin Tihanov, Ken Hirschkop, Graham Pechey, Caryl Emerson, Michael Holquist) hay nước Nga ngày nay (Vyacheslav Ivanov, Natalia Bonetskaia, Konstantine Isupov), các tác giả vẫn viết về Bakhtin, nghiên cứu về ông, ứng dụng lí thuyết của ông trên nhiều bình diện khác nhau của khoa học xã hội và nhân văn. Từ đó để thấy, việc tiếp nhận, nghiên cứu và vận dụng lí thuyết Bakhtin ở Việt Nam không nhất thiết chỉ dừng lại ở lí luận phê bình văn học, mà còn có thể mở rộng biên độ sang triết học, ngôn ngữ học, văn hóa học, nhân học văn hóa.

Theo vannghequandoi.com.vn

Hồng Nhung đăng bài