Sau những chuyến du ca đầy ngẫu hứng, “cô gái bé nhỏ” Lê Cát Trọng Lý lại “rục rịch” chuẩn bị cho mình một chuyến đi “phượt” đầu năm mới: Khù Khờ Tour.

Chương trình sẽ diễn ra trên 17 tỉnh thành, bắt đầu từ Hà Nội – Sài Gòn – Bình Dương – Đà Lạt – Buôn Mê Thuột – Đắk Lắk –- Kon Tum – Quy Nhơn – Đà Nẵng – Huế – Quảng Trị – Quảng Bình – Nghệ An – Yên Bái (Trạm Tấu, Mù Cang Chải) – Sa Pa – Hà Giang (Quản Bạ) – Quảng Ninh và quay trở lại Hà Nội từ 3/3 đến 4/4.

Khác với những chuyến du ca trước đó, đây sẽ là chuyến đi phi lợi nhuận nhằm phục vụ cộng đồng thông qua các hoạt động âm nhạc, tư vấn chăm sóc sức khỏe và khuyến học. Các hoạt động đều phục vụ cộng đồng miễn phí và sẽ được thực hiện ở các vùng xa, ít điều kiện, chứ không diễn ra ở trung tâm thành phố.

Mất hơn 4 tháng để có một ê-kíp gồm 13 người tham gia chuyến đi, Lê Cát Trọng Lý có nhiều ý tưởng đặc biệt dành cho cuộc hành trình này, từ âm nhạc đến cách tổ chức chương trình.


Lê Cát Trọng Lý

Cụ thể, với âm nhạc, cô sẽ cho ra mắt những ca khúc mới nhất do chính mình sáng tác dành cho lứa tuổi thiếu nhi như Hãy nguôi mệt ba ơi, Rồi con sẽ lớn khôn, Đi học là yêu mẹ, Đừng lo cho con nữa, Em đã thức dậy chưa. Bên cạnh đó là các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng được chuyển soạn như Đưa cơm cho mẹ đi cày (Hàn Ngọc Bích), Hạt gạo làng ta (Nhạc: Trần Viết Bính, Thơ: Trần Đăng Khoa), Em đi giữa biển vàng (Bùi Đình Thảo), Mùa xuân chim én (Trần Thái Nghĩa).

Lý bảo rằng, nếu chuyến đi lần này đem lại nhiều cảm hứng, dự định là cô sẽ còn ra hẳn một album nhạc thiếu nhi trong thời gian tới!

Ở hoạt động tư vấn sức khỏe, chương trình sẽ đến từng bản làng để chia sẻ cùng các em nhỏ về các hoạt động: làm thế nào để rửa tay đúng cách, đánh răng đúng cách, uống nước và ăn rau, lợi ích của việc đội mũ bảo hiểm…

Đặc biệt, với mục đích khuyến học, nhóm sẽ tìm hiểu những trường hợp các em muốn đi học nhưng có hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện theo học để giúp các em tìm kiếm các cơ hội đi học. Đối tượng sẽ là các học sinh trung học phổ thông, đại học, học nghề.

Tuy nhiên, vai trò gây dựng khuyến học của Lê Cát Trọng Lý sẽ là “trung gian” kết nối thông tin liên lạc: lập danh sách các trường hợp cần được giúp đỡ và tìm những mạnh thường quân có thể bảo trợ, cấp học bổng và giúp đỡ các em được đi học.

“Là người đứng giữa, chúng tôi thấy mình có ý nghĩa trong việc kết nối giữa người tài trợ và người nhận tài trợ bằng cam kết. Bên cạnh đó, chúng tôi có trách nhiệm theo dõi và báo cáo cho nhà tài trợ quá trình học tập của các em trong suốt quá trình nhận học bổng diễn ra từ 3-4 năm hoặc cho đến khi cấp chứng nhận học nghề. Việc này, tuy có “cực” chút nhưng để mọi việc diễn ra vừa khách quan, vừa hiệu quả, tránh tình trạng người nhận tài trợ chỉ cần tiền mà không đi học” – Lý cho biết.

Theo đó, tổng kết của Khù khờ Tour sẽ không phải là kiểu đi đến bao nhiêu xã, gặp bao nhiêu người. Những câu chuyện hay diễn ra ở mỗi điểm đến cũng sẽ được chương trình phát sóng trực tiếp mà không cần chờ đến quá trình “tút tát” hậu kỳ.

Dù sắp bước sang tuổi 30 nhưng có vẻ như Lê Cát Trọng Lý vẫn chỉ muốn mình là một “cô bé” luôn ham học hỏi. Trong chuyến đi này, cô háo hức chờ đợi “trở lại tuổi thơ” khi được hát, chia sẻ cuộc sống với thiếu nhi trên mọi miền tổ quốc nhưng bên cạnh đó, cũng là lúc Lý lại “tranh thủ” học bằng trải nghiệm để làm giàu thêm vốn sống của mình.

“Mong muốn đến với âm nhạc của tôi đơn giản là làm mọi người được vui! Vì thế, tôi tin rằng chuyến đi này sẽ rất thú vị với mình, với mọi người. Đặc biệt, chuyến đi sẽ “nâng tầm” cho tôi trong sự nghiệp âm nhạc, giúp tôi có cách nhìn đời rộng mở hơn, giản dị hơn” – Lê Cát Trọng Lý hào hứng.

Lê Cát Trọng Lý từng giành giải Nhạc sĩ của năm – giải Âm nhạc Cống hiến của báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN).

Theo An Yên -Thể thao & Văn hóa