Lần đó, cũng cách đây chừng 7-8 năm, tôi về thăm nhà, đúng vào ngày rằm. Người dân đi chợ phiên Co Xàu đông như trấu. Họ đang đồn ầm ào như nước về. Cái tin con trai ông Nguyễn Cao Thái ở phố Háng Vài thị trấn Trùng Khánh, vừa đoạt giải thưởng văn chương từ Hội Nhà văn. Tin còn nóng sốt như bánh tẻ vừa ra khỏi miệng nồi. Mặt mũi mồm miệng người này mang hình chữ o, người kia hình chữ i. Lưng người nào cũng thẳng đuỗn như cây sào. Những cây sào túm tụm vào nhau, như chọc trúng bọng sung sướng.

 

Nhắc đến ông Thái bà Cúc, những người dân ở quanh vùng này, ai ai cũng biết tên và nhớ mặt. Bởi đây là một gia đình yêu hoa hồng hoa huệ và trồng được hoa trên vùng đất khô cằn đá vôi. Đặc biệt, cả ông bà đều là người hay hát và hát rất hay, đàn rất nghệ những bài ca tiền chiến. Có một lần, tôi nghe trộm ông Thái đọc “Tactuyp” và “Lão hà tiện” bằng tiếng Pháp cho bà Cúc nghe. Hồi đó, tôi chẳng hiểu cuốn sách đó nói về cái gì. Chỉ nhìn thấy trên khuôn mặt đẹp, hiền từ, phúc hậu của bà lúc cau mày, lúc nở giãn, lúc thút thít, lúc cười ha ha.

Ái chà chà! Đúng là mặt trời mọc trên đất miền Đông quê mình thật rồi. Không ai ngờ nó lại làm nhà văn chứ. Hầy dzò! Các mú các dế có biết không. Nó là cái thằng rách giời rơi xuống, nghịch ngợm nổi tiếng khắp xó xỉnh ở cái phố này đấy. Ai chả biết. Nó từng bị ngã từ trên cây, rơi từ lưng núi xuống như cái nồi gang. Tưởng nó toi rồi, nào ngờ.

Nhưng nhà văn là làm cái gì dzè? Hái dzà! Là cầm cái cày. Cày ruộng. Nhưng là chỉ cày trên giấy thôi. Nó cấy vụ nào thắng vụ ấy. Cái thằng thế mà giỏi… ha ha ha. Này! Ông be bé cái mồm chứ. Bây giờ chú ấy là nhà văn nổi tiếng khắp nước. Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Gọi người hiền tài bằng nó, bằng thằng, nghe không lọt lỗ tai rồi…

 

Nhà văn Cao Duy Sơn và tác phẩm đoạt giải ASEAN 2009- Ngôi nhà xưa bên suối.

Tôi vừa đi vừa râm ran sướng. Niềm vui này đang được nhân đôi, nhân ba, nhân n lần. Niềm vui nở ra chính cái nơi mà nhà văn Cao Duy Sơn cất tiếng khóc chào đời, trong một ngôi nhà xây bằng đá hộc trên phố Háng Vài, dưới chân núi Phja Phủ. Nhà văn của chúng ta đã lớn lên ở phố huyện nghèo nàn nhất nhì ở đất này.

Hồi ấy, phố Co Xàu xám mốc, nhỏ bé, đìu hiu. Phố huyện lè tè với những ngôi nhà một gian, hai gian vách đất, lợp rơm rạ, xen kẽ có một vài nhà lợp ngói âm dương. Phố xá mấp mô như ruộng vừa cày xong. Những người dân sống quanh năm suốt đời với áo vá, cháo loãng, lầm lũi đi kiếm ăn trong gió sớm mưa chiều. Một năm có ba trăm sáu mươi lăm ngày, thì có đến ba trăm ngày những người dân nơi đây chỉ dấp khăn lau người, chứ không dám tắm.

Nói thế để các bạn biết đây là một vùng tiểu hoang mạc khô cằn. Nếu không nhầm, Co Xàu là phố thị duy nhất ở nước ta không có sông suối chảy qua. Nhưng lại là nơi hội tụ những núi sách non nghiên, thế đất có rồng chầu hổ phục. Thế nên mới có những địa danh Phja Sách (núi sách), Phja Phủ (núi võ), Bản Rèng (bản thành)… Xem ra cũng có phần địa linh nhân kiệt.

Phố Co Xàu, ngày ấy thuộc xã Lăng Hiếu. Xã Lăng Hiếu chạy từ Co Xàu lên Phja Khoang qua Hiếu Lễ đến Tà Than, Kéo Chưởng, Lũng Muôn… Một đơn vị hành chính chạy dọc theo con đường tỉnh lộ Tây Bắc tiến. Ở đây gồm toàn người Tày và người Nùng. Họ nói đặc một giọng mà dzá rí, co máy liền co máy lỳ nghe say như rượu nếp.

Xã Lăng Hiếu cũng là một xã cực nghèo về đất đai canh tác. Nhưng lại là một xã có đến hai vị anh hùng. Anh hùng liệt sỹ Hoàng Đình Hợp và Đại tá Anh hùng Hoàng Văn Thượng thời chống Mỹ. Còn các vị có bằng kỹ sư, bác sỹ, cử nhân hầu như thôn xóm nào cũng có. Trí thức nảy nở nhọc nhằn như hoa rọi khuyết. Rọi khuyết là thứ hoa đồng tiền đơn, cánh mỏng, có màu tím nhạt, bé bằng đồng xu, mọc kham khổ trên đá núi tai mèo.

Ôi, tôi lại khoe khoang mất rồi. Nhưng biết làm sao được. Tình cảm của người con có gốc gác từ xã Lăng Hiếu mà.

Tôi biết UBND thị trấn Trùng Khánh đang ráo riết chuẩn bị tiến tới kỷ niệm năm mươi năm thành lập thị trấn. Đâu đâu cũng tiếng ò e pí lè dập dìu tập tành hát múa. Vải đỏ băng rôn nhộn nhịp từ trong nhà ra ngoài ngõ. Nhìn vào mặt người nào cũng hồng hào nở nang tươi mới như hoa bjooc coi chính giữa mùa xuân. Hồi xưa, vào những năm dưới thời Pháp thuộc, nơi đây được gọi là Trùng Khánh phủ. Toàn tỉnh Cao Bằng chỉ có hai phủ. Hòa An phủ và Trùng Khánh phủ. Có lẽ đấy là hai đơn vị hành chính có diện tích đất đai rộng và có số dân đông nhất tỉnh.

Ô hay! Một sự trùng lặp đến kỳ lạ. Sau năm mươi năm kể từ ngày thành lập, người con của thị trấn thì giành giải thưởng về văn chương. Còn nhân dân thì kỷ niệm năm mươi năm ngày sinh ra cái tên thị trấn. Xét về quy mô cấp độ, nó chỉ dưới thị xã một bậc. Nghĩa là, phố huyện Co Xàu được nâng cấp lên thành thị trấn Trùng Khánh. Phố huyện Co Xàu ngày nay chỉ còn trong tiềm thức của các bậc già cả. Một thị trấn anh hùng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Một thị trấn lập được nhiều thành tích trong sản xuất làm ra của cải. Cái nào lớn hơn? Một sự trùng hợp ngẫu nhiên trên cả tuyệt vời.

Nhà văn Cao Duy Sơn không thích nói về mình. Đây là một nét cá tính nổi trội nhất ở ông. Khi nghe tin tập truyện ngắn “Ngôi nhà xưa bên suối” lọt qua vòng chung khảo, giải thưởng chính thức của Hội Nhà văn, với số phiếu bầu gần như tán thành tuyệt đối.

 

Nhà văn Cao Duy Sơn nhận giải thưởng Văn học Đông Nam Á.

Nhà văn lim dim ngồi nghe như người Phủ Trùng đan tay chơi nắng. Chưa bao giờ tôi thấy Cao Duy Sơn tỏ ra quan trọng với những giải cao mà mình từng chiếm lĩnh. Đây là lần thứ mấy mà nhà văn đứng trên bục cao. Nhưng lần này tôi thực sự chứng kiến một cảnh tượng xúc động.

Nhà văn thành kính dâng cuốn sách của mình lên ban thờ. Tôi gọi đây là lễ báo hiếu. Một cái lễ giản dị, không ồn ào. Hồn người âm với ánh mắt người dương cách nhau nửa sải tay. Một bên là lọ hoa. Một bên là “Ngôi nhà xưa bên suối”. Trên cao, trong màn khói, tôi thấy ông Thái bà Cúc tủm tỉm cười. Một nụ cười rất đỗi đôn hậu bao dung, mà một thời ai ai cũng biết.

Từ thẳm sâu tôi nghe được một nốt trầm thốt ra từ màn khói. Tiếng trầm vừa đủ ròa vào trái tim người con trai yêu quý của mình. Tiếng trầm như màn sương mỏng lan ra, phủ kín xuống người nhà văn. Cao Duy Sơn cúi đầu nghiêng mình, trước linh hồn mẹ cha. Nhà văn như một bông hoa đang ngát hương.

Trên đường trở về Hà Nội, nhà văn nhẩn nha kể rất nhiều chuyện. Đoạn đường nào ông cũng đầy ắp những kỷ niệm một thời niên thiếu. Tôi đặc biệt xúc động khi ông nói về cái ngày ông bị bệnh tả. Năm ấy Sơn vừa lên hai. Đột nhiên cả hai anh em Sơn và Thủy bị một căn bệnh chẳng lấy gì trầm trọng, thế mà hồi đó quá khan hiếm thuốc thang. Rất may, Thủy bị nhẹ rồi cũng qua khỏi. Nhưng Sơn thì quá nặng. Bà mẹ đành phải địu Sơn mềm oặt trên lưng, đi bộ từ nhà ra đến thị xã.

Tôi hình dung con đường ngày đó lổn nhổn đá răm to như củ đậu, với những ổ gà, ổ voi. Thỉnh thoảng mới có một cỗ xe thổ mộ lộc cộc đi ngược chiều về phố. Từ nhà ra đến chợ Thông Huề có mười cây số đường rừng. Đã thấy xa. Từ Thông Huề đến thị xã gấp năm sáu lần như thế. Cả đi và về gấp mười lần như vậy. Đường núi thung sâu heo hút, muôn trùng đèo cao dốc đứng. Lưng mẹ không dám mỏi. Chân mẹ không dám đau. Vai mẹ không dám nhức. Người mẹ dồn hết sức mình, gồng trên lưng đứa con.

Mặt đường thì dài ra. Bàn chân phồng rộp. Hơi thở của Sơn trĩu dần về phía mặt trời lặn. Chân mẹ giục đi như bay về thị xã tìm thuốc cứu con. Mẹ nghe gió lùa qua hai bên tai. Hai bên tai nóng bừng như lửa. Sao ngày đó không có xe nhỉ? Sao ngày đó không có thuốc thang? Sao ngày đó chưa có bác sỹ. Ngày đó tôi chưa lên mười.

Ngày đó chị tôi giặt áo phin nõn trắng bằng nước gio. Gội đầu bằng lá khau lồm. Viết chữ bằng que tre vót nhọn. Bìa sách bằng giấy loại, phết dán nhựa quả hồng xanh. Ngày đó trong nhà ai thắp đèn dầu, ai nhóp nhép kẹo lạc kẹo vừng bị coi là xa xỉ. Ngày đó nhà ai có chiếc xe đạp cà tàng được gọi là siêu giàu. Bất giác nước mắt tôi nhòe ra và Sơn cũng không nói gì được nữa.

Xe đi đến đầu cầu Cốc Gằng, Sơn nói rất thầm vào tai tôi. Rồi lấy tay chỉ lên ngọn đồi trước mặt. Trên đấy có ngôi mộ bà ngoại em. Nhưng đã được bốc về một nơi quy tụ ở nghĩa trang của dòng họ rồi. Ông ngoại em họ Bế. Bế Văn Cán người Tày thuộc xã Nam Tuấn, Hòa An. Bà em là Lê Thị Tảm cũng người Tày, Hòa An. Nhưng rồi, đột nhiên họ mất sớm. Mẹ em đã phải cõng dì Hoa về tận Trùng Khánh để tìm ông cậu ruột. Hai thân hình côi cút, nghiêng nghiêng lao đi trong cơn mưa sương…

Ôi! Biết bao nỗi đau, đã xô dạt và làm xây xước hằn lên cuộc đời con người. Tôi thấy giọng Sơn ngạt đi và nhìn ra thật xa. Xa nữa là quê cha, đất Kiến Xương, Thái Bình. Người thân thích ruột thịt, nay không còn ai. Người đi như cát bay. Cát bay. Bay.B…a…y… Cõi người ù òa thổi.

Khi viết những dòng này, bỗng nhiên Sơn nhắn tin cho tôi “Ngôi  nhà xưa bên suối” của em được vào giải ASEAN năm nay (đó là năm 2009). Sơn còn kể thêm mấy chi tiết. Khi nghe tin này, vợ chồng em lặng đi mấy phút. Sau đó Hiền (vợ Cao Duy Sơn) lẳng lặng xách làn ra chợ mua mấy con cá thật ngon về ăn mừng.

Theo Y Phương – Văn nghệ công an

 

Exit mobile version