Đối với truyện ngắn và tiểu thuyết, vấn đề không phải là tác giả kể chuyện gì, mà quan trọng hơn là anh ta kể câu chuyện ấy như thế nào. Cùng một câu chuyện có thể có nhiều lối kể khác nhau và cùng một tác giả, không phải chuyện nào cũng có lối kể giống nhau. Và chắc chắn rằng mỗi lối kể sẽ đem lại những hiệu quả tương ứng, nhiều khi nằm ngoài sự kiểm soát của nhà văn. Xét ở góc độ này, nhà văn Đỗ Bích Thúy là một trong số những người đã tạo ra cho mình được một lối kể riêng, ít nhiều gây được ấn tượng qua mảng truyện viết về người Mông trong tập sách được xuất bản gần đây của chị, “Đàn bà đẹp”(1).


Nhà văn Đỗ Bích Thúy và mẹ tại buổi ra mắt sách (ảnh Internet)


Cách tạo không khí chuyện

Tạo không khí cho câu chuyện kể được coi là một thủ pháp nghệ thuật  khá hữu hiệu đối với những cây bút “có nghề”. Đọc một truyện ngắn, truyện vừa hay tiểu thuyết có “không khí” sẽ đem đến cho người đọc một cảm giác mới lạ, ấn tượng khó quên hay những ám ảnh dài lâu. Bởi lẽ, thông qua sự quan sát, cùng những quan niệm thẩm mỹ, những suy tư về con người, cuộc sống… của người kể, người đọc sẽ có những cảm nhận khác nhau về những vấn đề toát lên từ câu chuyện. Trong loạt các truyện viết về đồng bào Mông ở Hà Giang như: “Mẹ kế”, “Khách quý”, “Mèo đen”, “Tráng A Khành”, “Lặng yên dưới vực sâu”, “Con dê bốn mắt”, “Cạnh bếp có cái muôi gỗ”… có thể coi vừa là thế mạnh, cũng là điều khác biệt giữa truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy với những nhà văn khác, bởi không khí chuyện mà tác giả tạo nên khá tương thích với con người và cảnh vật nơi đây, cùng những tập quán, sinh hoạt của họ.

Trong các truyện trên, Đỗ Bích Thúy đã khai thác tương đối kỹ các giác quan như khứu giác (mũi), thính giác (tai), thị giác (mắt) và giác quan thứ sau mà người ta quen gọi là cảm giác, được đặc trưng bởi mùi vị, âm thanh, màu sắc và hình ảnh, cùng với những con vật nuôi thân quen, quý mến, những vật dụng hàng ngày, những cảnh thiên nhiên, đặc điểm địa lý… Thay vì những lý sự vòng vo, triết lý dài dòng, cách “tả chân” của chị được xem như một lối kể khả dụng đối với loạt truyện trên, mà nếu thiếu điều ấy, những câu chuyện mà Đỗ Bích Thúy kể có thể gán cho bất kỳ ai, ở đâu cũng được, nên sẽ không còn là của riêng chị nữa.

Nhà văn đã sử dụng mùi vị như một điểm tựa cho lối kể của mình trong nhiều cảnh huống, cấp độ rất khác nhau và khá đa dạng như: Mùi phân bò cháy (2); mùi hoang hoai bốc lên từ cây ngô vừa khô tới (3); mùi khói bếp (4); mùi thuốc lào (5); mùi vỏ cây tươi (6); mùi rượu ngô (7); mùi thịt khô trên gác bếp (8); mùi  tóc, mùi da thịt, đặc biệt là mùi người yêu, mùi chồng, vợ. “Mùi của tóc, của da thịt, của quần áo người đàn ông đang chẹn trên người đã khiến Súa chết đi sống lại bao lần, đang ùa về, quây kín lấy Súa” (tr.106); “Người yêu ơi, người yêu phái nhận ra mùi của thằng Vừ này chứ” (tr.68). Đây là những mùi vị vừa rất quen thuộc, lại vừa rất đặc trưng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào Mông trên vùng núi đá Hà Giang.

Để diễn tả quan hệ tình cảm giữa một người đàn ông từ nơi khác đến Sán Séo Tỷ nuôi ong, tên là Tân có vóc người cao to và bộ râu quai nón với một cô gái Mông bản địa, bị câm bẩm sinh tên Nhí, nhà văn đã tìm đến mùi vị như một công cụ giao tiếp linh diệu. “Lúc đó Tân bảo, người Nhí có một thứ mùi gì đó rất thơm, rất lạ, không thể nào gọi tên ra được, nhưng nhất định nếu bịt mắt Tân lại, bắt Tân tìm ra Nhí đang đứng lẫn giữa một trăm cô gái Tân cũng sẽ nhận ra ngay lập tức…Nhưng (Nhí) thấy Tân nói đúng, vì thật ra Nhí cũng ngửi thấy một thứ mùi rất dễ chịu ở Tân, đặc biệt là khi cơ thể Tân nóng rực lên. Không biết mùi đó từ đâu tỏa ra, từ tóc, từ da thịt hay từ hơi thở… Nhí ném cái bàn chải xuống dòng nước đang lững lờ chảy, phủ phục trên tấm chăn mà bên dưới nó là phiến đá đã đánh dâu hình bóng Tân, mùi vị Tân.” (tr.134).

Đối với người câm bẩm sinh thì ngôn ngữ hành vi và sự cảm nhận qua ánh mắt, mùi vị, âm thanh từ phía đối tác đem lại hiệu quả hơn, khi ngôn ngữ lời nói hoàn toàn bất lực. Sự cảm nhận thông qua mùi vị vừa cụ thể, vì nó vượt qua những phán đoán duy lý bằng các khái niệm trừu tượng, nhưng vừa tinh tế như sợi dây vô hình gắn kết tình cảm giữa hai người, vừa đặc trưng cho cách nói, cách nghĩ, cách biểu lộ tình cảm của người Mông.

Ở một số truyện, Đỗ Bích Thúy lại quan tâm khai thác âm thanh, tiếng động khá đắc dụng. Mở đầu câu chuyện là những âm thanh réo rắt của bài dân ca Mông, mà bà Vá hát lên khi đang quét mạng nhện chuẩn bị đón Tết: “…Tôi quét, chỉ quét đi ốm đau, bệnh tật/ Quét đi tiếng kêu rên than khóc/ Quét đi lời xấu, tiếng gở/ Quét đi ngựa vằn, khăn tang/ Quét đi mọi điều xấu xa/ Quét xuống hang sâu, quét ra biển cả thật xa/ để mãi tìm không thấy, lần không ra, sâu bướm nở cũng không tới…” (tr.41).

Hay những âm thanh mà ông Tráng A Sình (chồng bà Vá) nghe được trong hôm đi ăn cưới con một người bạn thân ở Há Súng đã đem đến cho người đọc một sự ám ảnh thật sự. “Tiếng vật nhau huỳnh huỵch, hình như cả hai còn rơi cả xuống đất, vẫn vọng qua bức tường trình dày cộp như nghe tiếng trồng đánh trong chăn… Nhưng đúng là chưa bao giờ ông nghe rõ đến như vậy tiếng vật nhau của đứa trai, đứa gái trẻ tuổi. Rồi chẳng mấy chốc tiếng trẻ con khóc váng lên sẽ làm nứt cả những viên ngói âm dương hàng trăm năm tuổi như một cây ngô ra bắp, bắp lại thành cây ngô…” (tr.46).

Chỉ vì nghe tiếng vật nhau của hai đứa trẻ trong đêm tân hôn, mà ông Tráng A Sình đã quyết định đem con bò sang bên kia đỉnh Chí Sán để đổi lấy một thằng con trai theo lời khuyên của người bạn thân ở Há Súng. Trong ý nghĩ của phần lớn đàn ông người Mông, có một thằng con trai nối dõi là một điều vô cùng hệ trọng để khi chết đi mình không bị coi là “con ma đói”, nhưng lại rất đơn giản và tự nhiên như là cây ngô trổ bắp ra hạt, để hạt lại gieo thành cây ngô, truyền đời, mạt kiếp như vậy, chẳng thể nào đổi khác được.

Nếu không nghe những âm thanh ấy, có thể ông Sình vẫn đem con bò đi đổi, nhưng có nó càng làm cho ý chí và quyết tâm của ông càng được củng cố thêm, nhiệt tình của ông dâng trào trong huyết quản. Chỉ có điều cái sự “huỳnh huỵch” của cặp vợ chồng trẻ dù có tạo nên cho ông Sình một quyết tâm ý chí nào đấy, nhưng lại không thể thay được cái mà ông đã nói với bà vợ già của mình: “Cái gì của bà vẫn là của bà, tôi chỉ mang đi dùng vào việc khác ít ngày thôi” (tr.50), giống như người ta mượn con bò để cày cho xong một vạt nương vậy.

Ây dà! Bà Vá tuy không nói ra nhưng vẫn nuối tiếc trong sự tự an ủi mình “mình không được dùng nữa, không được dùng vì nó thích mang cho đứa khác dùng, không nên tiếc” (tr.49). Thế rồi một năm sau, ông Sình mang một đứa trai Mông về nói với bà Vá: “Nó đấy. Dùng có một lần, thế mà được luôn” (tr.53). Tưởng chẳng có gì đơn giản hơn thế và tưởng thế là thật. Hóa ra cái thằng Tráng A Khành lại không phải là người nhà họ Tráng mà người nhà họ Vàng, ông Sình chỉ nuôi hộ thôi, khiến bà Vá chết lặng, khi đến thăm người mẹ đẻ ra Tráng A Khành sắp chết vì chứng bệnh nan y. Ông Sình nói mang cái của mình đi dùng vào việc khác, nhưng có dùng được đâu, thế có đau không chứ. Chỉ tại bởi tiếng “huỳnh huỵch” của đôi trẻ, mà đôi vợ chồng già Tráng A Sình đã bị lừa dối? Nghe sao mà chua chát thế!

Tiếng súng kíp cũng là một “đặc sản” của người Mông do hoàn cảnh sống lâu đời trên đỉnh núi, mà họ đã tìm đến một công cụ vừa để săn bắn thú rừng, bảo vệ nương rẫy, vừa để giao tiếp với nhau. “Xóm Mông Sán Cố của Súa có tám nóc nhà. Muốn xuống chợ hay đến xóm Mông khác đều phải đi ít nhất nửa ngày đường. Gần nhất là Sán Séo Tỷ… Nhưng muốn gọi được nhau thì phải dung súng kíp. Bắn một phát là có một đứa trẻ trai mới ra đời, bắn hai phát là có nhà mất trộm bò, bắn ba phát có người ốm, bốn phát có đám ma” (tr.70).

Cùng với đó, còn có tiếng suối chảy, gió lùa qua khe núi, tiếng ò ò con bò cái khi con bò đực nhảy lên lưng, tiếng gào đòi ăn của lũ lợn đói, tiếng tru của những chú chó Mông…(9) đã được Đỗ Bích Thúy tập trung khai thác khá nhuần nhuyễn. Những âm thanh, tiếng động ấy đã gắn kết các sự kiện trong từng câu chuyện, góp phần đáng kể tạo dựng nên một không khí truyện khá đặc sắc.

Màu sắc và hình ảnh cũng là những công cụ mà Đỗ Bích Thúy đã rất dụng công khai thác một cách có hiệu quả, làm cho câu chuyện trở thành những bức tranh bằng ngôn ngữ đa sắc màu, biến thái và sinh động, tô đậm thêm tính chất vùng miền trong câu chuyện kể về người Mông. “Ánh lửa lấp lánh nhảy trong hai con mắt già nua” (tr.12); “Giữa đông mà trời hửng nắng. Những bông lê trắng muốt vừa bật ra trên cành đang hứng lấy nắng” (tr.17).

Những màu sắc, hình ảnh khi thì như những nét chấm phá về bức tranh thiên

nhiên của núi rừng biên cương vùng cực bắc của Tổ quốc: “Dưới kia, rất xa có một dòng nước nhỏ, rất nhỏ, rất mảnh chảy ngoằn nghèo. Thảng hoặc, một vài cánh chim liệng qua liệng lại quanh mấy cái tổ đặt trên ngọn cây mọc chìa ra bên dưới. Mấy con chim bé xíu, chao liệng giữa khoảng không há ra như miệng của một con cá lớn… (tr.65); khi thì được Đỗ Bích Thúy sử dụng để đặc tả tính cách của một hạng người nào đấy. Chân dung của Hầu Nhìa Thò, một đứa trai Mông nghiện ma túy đã được chị vẽ: “Nhưng nhìn thấy cái mặt tái mét, cặp môi thâm xì, mắt trắng dã, cái áo bẩn như nhúng trong nồi thắng cố rồi đem phơi khô, chẳng ai dám nhận Thò” (tr.31-32). Hay là sự ám ảnh về thân phận của những người phụ nữ Mông giống như bông hoa tam giác mạch chỉ đẹp khi sắp tàn: “Lại là một đứa bé gái xinh như một bông tam giác mạch sắp tàn” (tr.64).

Không khí chuyện chưa nói lên tất cả đặc trưng phong cách thi pháp tác phẩm và tác giả, mà qua đó người đọc có thể nhận diện hoặc phân biệt truyện ngắn, tiểu thuyết của người này hay của người khác. Song le, nó lại mang đến cho người đọc những đợt dư ba trong tâm thức, lúc dịu nhẹ, êm trôi, khi trào dâng cuộn chảy, lúc sâu lắng như một hoài niệm, khi ồn ã, dữ dội như một trận đánh sáp lá cà… tạo nên sự ám ảnh có vẻ như mơ hồ, nhưng lại dai dẳng, khó quên. Đỗ Bích Thúy, ít nhiều đã có những thành công nhất định trong việc tạo không khí chuyện qua việc sử dụng các ngôn ngữ biểu đạt về mùi vị, tiếng động, âm thanh, màu sắc hay hình ảnh…

Ngôn ngữ và giọng diệu

Ngôn ngữ là công cụ đầu tiên, xét trên khía cạnh văn bản để tạo nên giọng điệu cho tác giả và tác phẩm văn chương- nghệ thuật. Không có ngôn ngữ, một dạng thức tồn tại vật chất của tư duy, thì giọng điệu văn chương không biết bám víu vào đâu. Dẫu biết rằng không phải mọi dạng thức ngôn ngữ đều tạo nên giọng điệu, nếu như nó không được đặt đúng chỗ nhằm miêu tả một cách chân thực nhất sự vật, cảnh tượng, con người với những tập tục, lối sống, cách cảm cách nghĩ của từng cộng đồng người.

Mặt khác, từng loại hình nghệ thuật thường có ngôn ngữ riêng. Chẳng hạn như ngôn ngữ hội họa được đặc trưng bởi màu sắc và đường nét. Tương tự như vậy ngôn ngữ âm nhạc là âm thanh, cao độ, quãng; ngôn ngữ điện ảnh là hình ảnh, ánh sáng… Tác phẩm văn chương có ngôn ngữ riêng được thể hiện bằng chữ viết. Đối với truyện ngắn và tiểu thuyết, ngôn ngữ của chúng được biểu hiện bằng một vài dạng thức, hệ thống chữ viết nào đấy, mà người ta gọi chung là “tiếng”. Tiếng Việt khác tiếng Thái, tiếng Mông, cũng khác các thứ tiếng Pháp, Anh, Nga, Trung, Nhật… Qua “tiếng”  người ta có thể bước đầu nhận ra anh ta là người dân tộc nào, đến từ đâu.

Con bò là một trong những con vật thân quen, gần gũi, được người Mông quý mến (pets) cũng như con chó và con ngựa. Con chó nuôi để trông nhà và dẫn đường cho người lớn, làm “đồ chơi” cho trẻ em Mông. Con ngựa nuôi để giúp họ thồ hàng xuống chợ bán, đổi lấy những vật dụng sinh hoạt thiết yếu hàng ngày như muối, dầu hỏa, quần áo… Còn con bò cùng người Mông cày tung những hốc đá lên, tỉa vào đấy hạt ngô, lên thành cây ngô cho ra bắp, thu hái về làm mèn mén nuôi sống người Mông bao đời nay. Có lẽ vì thế mà con bò không chỉ hữu ích mà còn gần gũi với đồng bào, như một thứ tài sản quý hiếm, nên họ thường ví con người như con bò cũng là điều dễ hiểu:  “Người với bò thì khác gì nhau, đều ăn rau ăn cỏ” (tr.10); “Ầy, bò đực thì phải có bò cái. Không có bò cái thì hỏng bò đực mất” (tr.13).

Khi đứa gái Mông đến tuổi cập kê thích một ai đấy, thường nhìn trộm, hay kiếm một việc gì đấy làm, như chải tóc, ngồi bên khung cửi dệt vải khi ở nhà, đi xuống chợ phiên thì hát giao duyên những bài dân ca Mông, ăn thắng cố, uống rượu cùng người mà mình thích.

Đây là trường hợp đứa gái lớn nhà bà May khi có khách quí mang ngô giống đến cho và khi ngô lớn còn quay lại làm cỏ ngô, hướng dẫn mẹ con bà May chăm sóc. Sau buổi làm nương về vị khách quí mang cái đài cát xét ra đầu hồi nghe ca nhạc, làm đứa gái lớn của bà đứng ngồi không yên: “Gái lớn ngồi bên khung cửi mà tai để ra đầu hồi, mắt không nhìn nhưng chắc cũng để ra đấy nốt” (tr. 25).

Còn đây là cách tỏ tình chỉ có ở những đứa trai, đứa gái Mông mới lớn: “Thò vốn cũng có một đứa gái. Vốn cũng hẹn nhau ở chợ, cùng đứng sau bụi cây dại, một đứa hát véo von, một đứa bật cát xét thu âm, hát no thì rrủ nhau ăn thắng cố, mặt đỏ gay như  mặt trời sắp lặn mới dắt nhau về. Đứa gái này rất xinh. Dưới áo nó có một cặp vù vừa nóng vừa căng như nắm xôi nếp còn bốc hơi trong chõ. Thò đã từng được đặt một bàn tay vào đấy. Nó chỉ cho đặt vào để xem nóng tới mức nào thôi, rồi phải bỏ ra ngay. Nhưng bàn tay phải ấy của Thò đã bị bỏng suốt mấy ngày trời” (tr.32).

Cách buôn bán những con vật nuôi của người Mông cũng không mấy giống như các dân tộc khác. Những phương cách trao đổi hàng hóa ở chợ phiên của  đồng bào như thế này đã có từ ngàn đời nay: “Nhìn là biết họ đi mua mèo. Giống như đi mua chó thì cầm theo xích, mua bò thì mang dây thừng vậy. Sở dĩ chó phải mang xích, bò mang dây thừng vì người bán chó, bán bò bao giờ cũng đòi lại xích, thừng. Mang về có bò mới thì buộc, không có bò mới thì treo ở cửa chuồng bò, ngày ngày nhìn cái dây thừng, nhớ con bò, nhìn dây thừng đã nhẵn thin nhờ công con bò”; “Mấy tiền?” (tr. 38- 39)…

Cũng cần phải nói thêm, đối với các danh từ riêng chỉ tên người, địa danh  cùng những vật dụng sinh hoạt hang ngày và sản xuất, đọc lên nghe trục trặc, khúc mắc như các tầng bậc của núi đá ở vùng đất này, nhưng đã được Đỗ Bích Thúy sử dụng chúng khá tự nhiên và nhuần nhuyễn trong các trang viết của mình. Chẳng hạn như những tên người: Hầu Nhìa Thò, Hầu Thị Say, Tráng A Khành, Giàng Sếnh Vừ, Tráng A Phống, Thèn Kháy Chỉ, Chảo A Chay, Thào Chí Cáy, rồi Kía, Súa, Dí, bà May, ông Sình, ông Dấn… Các từ chỉ địa danh như: Pao Mã Phìn, Sủng Tráng, Chí Sán, Há Súng, Sán Séo Tỷ, U Khổ Sủ, Lao Pờ Chỉ, Thà Phìn, Sán Cố, Sà Là Khá, La Chí Chải, Tìa Chí Dùa, Chín Chải, Xà Tủng Chứ, Thài Phìn Tủng… Các từ chỉ vật dụng: quẩy tấu (chiếc gùi), lu cở (chiếc giỏ đựng đồ lặt vặt), dao quà (dao đi rừng)… Lớp danh từ riêng này đã góp phần đáng kể làm nên một giọng điệu không trộn lẫn vào đâu được trong những trang viết của chị về người Mông.

Có thể nói giọng điệu là khâu cuối kết hợp với không khí chuyện và ngôn ngữ được sử dụng của người kể làm thành một lối kể chuyện đặc trưng. Nhờ đó mà người đọc có thể căn cứ vào lối kể để phân biệt đây là truyện của người này, kia là chuyện của người khác, dù có thể viết chung một đề tài, cốt truyện. Chẳng hạn như “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm tài nhân, Trung Quốc và “Truyện Kiều” của Nguyễn Du; “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư và “Dòng sông tật nguyền” của Phạm Thanh Khương là những ví dụ điển hình về sự khác biệt trong lối kể, mặc dù giữa chúng có những nét tương đồng về nội dung đề tài và cốt truyện.

Giọng điệu tức là cách nói, cách kể diễn tả những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm, khát vọng về cuộc sống của con người trong mỗi cộng đồng. Giọng điệu trong tác phẩm văn chương như là một mã ký hiệu văn hóa để phân biệt quốc gia: Việt Nam hay Anh, Pháp, Nga…; phân biệt vùng miền: miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng hay vùng duyên hải miền Trung, vùng Tây Nguyên, miền Tây Nam Bộ…; tộc người Mường hay Lô Lô, Ê Đê; trình độ văn hóa: trí thức hay công nhân; địa vị xã hội: lãnh đạo hay nhân viên, công chức văn phòng hay tiểu thương; lứa tuổi: trẻ hay già; điều kiện kinh tế: giàu có hay bần hàn…

Tuy nhiên cách nói ấy chỉ có thể làm nên giọng điệu cho tác phẩm khi nó được lặp đi, lặp lại nhiều lần vào những thời điểm thích hợp do chính nhân vật nói ra hoặc ngôn ngữ người kể chuyện. Chẳng hạn như người Mông, khách đến nhà thường mời rượu, chứ không mời nước trà hay các loại nước giải khát khác, cũng không mời một chén rượu mà mời một bát rượu. Lại nữa người Mông sống trên vùng núi cao về mùa đông rất lạnh nên họ có tục uống rượu nóng. Bà May mời một khách “sộp” như thế này: “Có việc gì thì cũng vào nhà đã. Uống bát rượu nhé, rượu vừa cất đấy, còn hơi nóng nữa” (tr.42).

Trong quan hệ giữa con người với con người, đồng bào Mông cũng như một số dân tộc khác ở vùng núi phía Bắc khi muốn nhờ người khác giúp một việc gì đấy thường nói là “mượn”. Còn trong quan hệ vợ chồng họ thường nói là “dùng”, chứ không dùng những từ chỉ về một hành động cụ thể nào. Nhưng nói theo lối này là cách nói của người Mông: “Bà cứ coi như cho bên này mượn nó một lần thôi. Mượn rồi trả ngay, muộn nhất là sau giao thừa, nó vẫn kịp về xông nhà. Cho mượn ư. Mượn như người ta vẫn thường mượn bò của nhà hàng xóm để cày cho xong vạt nương trong một buổi ư?” (tr.43- 44) “Mình không được dùng nữa, không được dùng vì nó thích mang đi cho đứa khác dùng, không nên tiếc” (tr. 49); “Cái gì của bà vẫn là của bà, tôi chỉ mang đi dùng tạm vào việc khác ít ngày thôi” (tr. 50); “Nó đây. Dùng có một lần, thế mà được luôn” (tr.53).

Thân phận rẻ rúng của người phụ nữ Mông khi lớn lên đi lấy chồng, làm vợ người ta đã được Đỗ Bích Thúy kể bằng một giọng văn giản dị, hồn nhiên nhưng mà thấm, khiến người đọc càng cảm thất xót xa, dễ thương cảm và chia sẻ với họ: “Súa thấy mình chẳng hơn gì con gà trống mấy thằng trai cắp nách mỗi phiên chợ, chỉ cần đổi lấy một bát thắng cố, mấy bát rượu là được” (tr.62); “Con bò cái được con bò đực nhảy lên lưng còn biết kêu ò ò mà sao vợ thằng Phống này lại nằm im như cục thịt thế hả?…vậy sao không lấy một con bò về mà dùng” (tr.80);

Điều cuối cùng tôi muốn nói ở đây là Đỗ Bích Thúy đã khá dụng công trong việc nhất thể hóa ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ người kể chuyện. Nhiều đoạn, nhiều trang và nhiều truyện, người đọc rất khó phân biệt đâu là ngôn ngữ người kể, đâu là ngôn ngữ nhân vật: “Súa à, mày có chồng rồi, có con rồi, cũng phải để cho người ta tìm người về đắp chăn chung chứ. Để lâu quá…phải rồi, để lâu quá lại giống như chồng mày, cái cần mang ra dùng lại chẳng dùng được nữa thì tội quá” (tr.131); Hay: “Người đàn ông Mông sinh ra, tập đi, cưỡi ngựa, chăn bò và chết đi trên những mép vực, không bao giờ bị trượt chân” (tr.140).

Những giọng kể như thế này khá dễ dàng tìm thấy ở loạt chuyện viết về người Mông của Đỗ Bích Thúy trong “Đàn bà đẹp”: “Đứa bé Mông từ khi sinh ra đã biết có con dao nhọn giắt bên hông, biết hạt ngô mọc lên từ hốc đá, biết con bò cày quanh mảnh nương khi vắt cái đưôi sang trái là nó sắp rẽ phải. Đứa bé Mông còn trên lưng mẹ đã nghe tiếng hát của đám gái mặc váy hoa, chân quấn xà cạp trắng tinh, vừa đi vừa soi gương xuống chợ” (tr.95); “Mình lấy vợ cho mình dùng chứ cho ai mà sợ” (tr.107); “Ây dà, may mà nó gật… Phải bắt nó thử. Có khi thử rồi lại đòi dùng luôn ấy chứ… Trong khi khắp vùng núi đá này kiếm đâu chẳng được một đứa gái Mông vừa đẹp vừa ngoan, ấy thế mà không chịu dùng tạm lấy một đứa. Kì quặc thế!” (tr.117).

Điều ấy không chỉ tạo nên không khí cho chuyện kể, mà còn tạo ra một giọng điệu, một lối kể riêng, thông qua việc sử dụng ngôn ngữ của chính người Mông, khi người kể chuyện cần trần thuật một sự việc, ý nghĩ, một tình huống tình cảm, thời khắc tâm trạng hay tham gia bình luận một vấn đề nào đó cảm thấy cần thiết để nhấn mạnh “chất Mông” cho câu chuyện mình kể.   

*

Trong diễn trình văn chương Việt Nam hiện đại, có thể nói thời kỳ văn xuôi trước cách mạng tháng Tám, một đội ngũ đông đảo các nhà văn như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Lan Khai, Khái Hưng… mỗi người một vẻ, nhưng phần lớn những người trong số họ đều tạo cho mình một giọng điệu riêng, một lối kể đặc trưng, mà các thời kỳ sau này rất khó vượt qua.

Điều ấy ngày càng thưa vắng dần ở những giai đoạn văn chương sau này, mặc dù lúc này, lúc khác, người nọ, người kia thảng hoặc cũng có giọng điệu, có lối kể riêng nhưng chưa làm nên một phong cách thi pháp tác giả in dấu ấn lên diễn trình

văn chương Việt.

Ngay cả một cây đại thụ truyện ngắn, người được coi là “lập ngôn tử tế”, như nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng chỉ để lại dấu ấn phong cách thi pháp ở một vài tác phẩm như: “Mảnh trăng cuối rừng”, “Chiếc thuyền ngoài xa”, Phiên chợ Giát”, “Cỏ lau”… còn phần lớn ông vẫn tự nhận những sáng tác của mình là “văn chương minh họa”. Ma Văn Kháng với các truyện ngắn và tiểu thuyết như: “Đồng bạc trắng hoa xoè”, “Mưa mùa hạ”, “Vùng biên ải”, “Gặp gỡ ở La pán tẩn”, “Mùa lá rụng trong vườn”…; Nguyễn Huy Thiệp với một số tác phẩm như: “Ngọn gió Hua Tát”, “Phẩm tiết”, “Vàng lửa”,  “Muối của rừng”, “Những người con thủy thần”…; Nguyễn Ngọc Tư với “Cánh đồng bất tận” và Đỗ Bích Thúy với các truyện như: “Sau những mùa trăng”, “Đêm cá nổi”, “Ngải đắng ở trên núi”, “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” và “Đàn bà đẹp”… cũng đã ít nhiều tạo cho mình được lối kể riêng.

Như thế mới biết, tạo ra cho được một giọng điệu, lối kể riêng trong sự nghiệp sáng tác văn chương là không hề đơn giản đối với bất kỳ người nào cầm bút viết văn, nhất là đối với những người chưa có nhiều vốn sống, kinh nghiệm sáng tác và không có cái mà các nhà lý luận phê bình và tâm lý học thường gọi là “cá tính sáng tạo”. Có không ít người cả đời cầm bút vẫn không thể tìm ra được một giọng điệu, một lối kể riêng, ngõ hầu đem đến cho công chúng những trang văn mang đậm dấu ấn cá nhân, âu cũng là lẽ thường./.

Đỗ Ngọc Yên

Nguồn: Toquoc

————————-

Chú thích

(1) Đàn bà đẹp – Tập truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy, Nxb Văn học, H, 2013

(2)Mùi khói đốt phân bò lại phảng phất(tr.105)

(3) “Những bó cây ngô vừa khô tới, vẫn còn mùi ngòn ngọt đọng lại, váng vất” (tr.131), “Súa ngồi yên như hóa đá trên đống cây ngô khô đang tỏa mùi hương ngọt ngào” (tr.107)

(4) “cái cặp bếp cháy nham nhở lại rơi phịch xuống đồng chăn toàn mùi khói bếp” (tr.86)

(5) “chăn của ông hôi quá rồi, toàn mùi thuốc lào” (tr.132), “Định nói thì có ngay bàn tay hôi mù thuốc lào chặn ngang miệng” (tr.80)

(6) “Đúng là lồng ngực Súa đang vỡ ra thành từng mảnh, đang lạo xạo sau lớp áo mới còn thơm mùi lá cây nhuộm màu đây” (tr.66)

(7) “Khi ánh đèn dầu mờ mờ trong góc phòng vừa đủ soi tỏ gương mặt người đàn ông còn thơm mùi rượu ngô thì Súa ngã vật ra, mắt mở trừng trừng, miệng hớp hớp” (tr.60)

(8) “Tiếng sáo của Vừ không chỉ là tiếng sáo, không chỉ là khúc dân ca Mông về tình yêu mà còn mang theo mùi của hạt kê ông nội trồng trên U Khố Sủ, mùi của khói đốt phân bò, mùi của thịt muối treo trên gác bếp. Nhưng tiếng sáo mà Súa nghe đêm nay có mùi của nước mắt đang khô. Đúng là Súa đã thấy cái mùi ấy” (tr.58).

(9) “Chợt có tiếng tru lên từng hồi phía xa. Ú u..ú u nghe quen quá. Vừ đứng dậy, áp mặt

vào chấn song cửa sổ. Cho hai ngón tay vào miệng, rít lên một hồi lanh lảnh. Tiếng tru như đáp lại, từng hồi, từng hồi, từng hồi một. Có tiếng thở hồng hộc. tiếng lục lạc lẻng xẻng, rồi một con chó đen tuyền xuất hiện” (tr. 88-89).

Exit mobile version