Nhà văn Trần Quốc Toàn có số “vốn liếng” đầy đặn về thế giới trẻ em không phải chỉ bằng sự tích lũy trong những năm tháng đứng trên bục giảng, mà ngay cả khi không làm công tác giảng dạy nữa, ông vẫn được sống chung với những người bạn nhỏ của mình bằng tất cả sự quan tâm và tình yêu thương. Viết cho trẻ em, viết về chính những điều trẻ em đang háo hức tìm hiểu, khám phá… như một “người bạn lớn” trò chuyện với “người bạn nhỏ” là điều không hề dễ dàng, nếu nhà văn không thực sự dành tâm sức và tài năng cho những cuộc “chuyện trò” hấp dẫn, thú vị này. Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6/2012 đang đến rất gần, VanVN.Net xin trân trọng giới thiệu tới các bạn đọc nhỏ tuổi chùm truyện ngắn của nhà văn Trần Quốc Toàn, như một lời chúc các bé luôn vui khỏe, ngoan ngoãn, học giỏi, và nhất là chăm đọc những cuốn sách viết cho chính mình.

Nhà văn Trần Quốc Toàn

HỌC TRONG BỤNG MẸ

Ngay từ trong bụng mẹ, những đứa bé đã có một tuổi ta, đã biết sống. Biết chòi đạp, biết nghe.

Bé nghe tiếng chuông cà rem khi mẹ mang bụng bầu đi chợ quê. Tiếng chuông bán dạo biến thành tiếng nhạc. Bé vẫy tay, đạp chân, rối rít trong bụng mẹ, mẹ ứa nước miếng thèm cà rem. Mẹ mua một cây, mút ngon lành để cà rem ngọt ngào trôi ngay xuống bụng với bé.

Nghe xao xác hàng me, hàng sấu trên các đường phố, bé – lần này chắc là bé gái – lại đánh tín hiệu nước miếng, mẹ nhớ của chua, kiếm mua sấu, mua me. Mẹ ăn cho đứa bé trong bụng biết thế nào là me, là sấu.

Những đứa bé nằm trong bụng, cùng với mẹ lên lớp dạy học, thường được nghe rất nhiều bài học. Bé nào nằm trong bụng nghe mẹ dạy đại học, bé ấy lúc ra đời học hơi kém một tí. Chỉ hơi kém vào những ngày mới tới trường, bởi vì đang học đại học, đổi xuống học lớp một, tránh sao khỏi lộn xộn, lúng túng. Bé nào nằm trong bụng nghe mẹ dạy lớp một thì giỏi ngay từ khi vào lớp một. Bởi lẽ nằm trong bụng học bài gì, ngồi trong lớp học lại bài ấy. Học có trật tự, thông minh là điều chắc chắn!

Một cậu bé thông minh từ trong bụng mẹ như thế, có tên là… Tên là gì thì phải giấu! Cổ tích này chính là một truyện trinh thám, người kể và người nghe cùng điều tra cho ra cái tên đẹp ấy. Chuyện thế này:

Ngày nảy ngày nay có một cậu bé ham học từ trong bụng mẹ. Mẹ cậu dạy lớp một trường làng, nhờ vậy các bài học vần cậu thuộc ngon ơ. Á nờ ăn đã dễ nuốt. Khó như u ô ngờ uông sắc uống cũng nuốt dễ nhờ bài học ấy theo giọng đọc đồng thanh của ba mươi sáu đứa bé lớp một dội vào cái bụng bầu ngày một căng của người mẹ. Bài học rung như trống múa lân ngày Tết. Nằm trong bụng, áp tai nghe bài học vần! Sướng không?

Có điều, thuộc thì dễ, nhưng hiểu bài không phải dễ. Cho nên, cậu cứ phải hỏi thêm Bà Mụ, người có thể nói chuyện với cậu. Bà Mụ chính là cô mẫu giáo nhà trời, đã tàng hình, theo gió vào với các cô các cậu đang sống trong bụng mẹ. Vào theo hai đường hầm lỗ mũi.

Cậu bé ham học, hỏi rằng:

– Bà Mụ ơi! Sao người ta phải học vần?

– Vì con người ta ai cũng có tên. Biết đánh vần mới đọc được tên mình.

– Phải rồi! Lớp má con có ba mươi sáu cái tên, con thuộc lòng! Nghe má gọi tên điểm danh, bao giờ cũng bắt đầu từ Nguyễn Bình An, rồi tới Trần Thanh Anh, Lê Đình Ấm, Đinh Thị Bình, Trần Danh Công… tới người thứ ba mươi sáu Thái Thị Bạch Yến là hết. Bà Mụ ơi. Bà làm ơn giúp cho con được đứng trước chữ “hết” như chị Yến, khi con vào học lớp một!

– Khá khen! Con giỏi nhận xét! Trong sổ điểm, tên học sinh bao giờ cũng xếp hàng theo thứ tự các chữ cái. A rồi tới bê tới xê. Sau rốt mới tới “y dài”! Anh An có chữ A đứng đầu, chị Yến có chữ Y đứng cuối. Đứng như chị Yến, có người ác miệng gọi là đội sổ! Sao con lại thích đội sổ?

Cậu bé ham học nhưng cũng ham chơi những trò đá banh, đá dế từ sân trường vọng vào, thật thà thưa rằng:

– Tại vì học trong lớp đủ rồi! Ra sân đã banh đá dế. Về nhà giúp má nấu cơm, được tiếp hơi thổi ống bếp phù phù như anh lính kèn. Tới lớp đứng cuối sổ nghe các bạn đầu sổ An, Anh, Bình, Công… lên bảng trả bài là con thuộc bài cũ! Con muốn đội sổ để khỏi phải học mà vẫn được điểm mười!

Bà Mụ cười lớn khiến bụng cô giáo mẹ sôi như reo. Cô giáo đặt tay lên bụng xem có thấy chuyện gì không. Chuyện vẫn kín bưng! Con người làm sao nghe được chuyện thần tiên! Muốn sờ lại càng khó. Những các bà mẹ vẫn thường đặt tay lên đấy (Cả ông bố nữa! Các ông còn áp tai!) chỉ là vì làm thế không nắm được thần tiên thì họ cũng được truyền hơi ấm, xoa lưng, vuốt tóc con mình nơi thần tiên bụng mẹ.

Lại xin kể tiếp, mưu sâu mà bà mụ sắp truyền cho cậu bé là một bí mật học đường, bà chỉ muốn truyền riêng cho cậu. Bà bắt đầu giảng giải cặn kẽ:

– Khi từ bụng mẹ ra đời, mỗi đứa bé muốn tên gì thì khóc thành vần, thật giống tên ấy. Để mẹ hiểu và đặt trúng tên con mình thích. Muốn tên Hoa hay Khoa, thì khóc oa… oa… oa…, muốn tên Khuê hay Khuể lại khóc uê… uê… uê… Muốn tên Hòe, tên Khỏe thì phải khóc oe… oe… oe… Còn con ấy mà…

Nói tới đây Bà Mụ chỉ thì thầm, truyền bí kíp vào tai cậu bé…

Bí kíp khóc thần diệu được truyền vào đúng ngày cuối cùng của tháng thứ chín năm học bụng mẹ.

Và vào đúng phút giao thừa thiên niên kỷ, tức là từ lúc ông thần thời gian bước từ thế kỷ 20 sang thế kỷ 21 cậu bé thông minh khóc chào đời. Khóc giòn như trống hội Thăng Long: êu… êu… êu…

Bà mẹ nghe khóc hiểu ngay ý con và ban cho cậu bé thông minh của chúng ta cái tên Yêu có chính khuôn vần mà con mình khóc ra. Tên gồm cả họ và chữ lót: Trần Lê Thân Yêu.

Lúc bé trai Thân Yêu ra đời, vui động trời! Một nghìn lẻ một con chó vàng hay chữ nghe khóc êu… êu… êu…lại tưởng gọi mình, liền đồng loạt, như một đội tiêu binh vẫy đuôi mừng và chính thức bước vào đoạn kết của cổ tích trinh thám này.

 

Bìa cuốn sách Học trong bụng mẹ

NHỮNG NGƯỜI BẠN CỦA BÉ THAI NHI

Ngôi nhà đầu tiên của mỗi con người chúng ta là một thủy cung huyền bí xây trong bụng người mẹ. Đó là Tử Cung. Công chúa hay hoàng tử, trong cung điện này đều có tên chung là Thai Nhi.

Tử cung giống như một ổ gà để người mẹ, học con gà mái, ấp một cái trứng tròn như số không. Và người cha, học theo con gà trống, gửi hơi nóng của mình vào đấy, hơi nóng mà con người gọi là tình yêu. Trái trứng tròn như một số 0. Từ không tới 1, từ quả trứng tới con người, đứa bé phải bơi qua 9 nấc thang thời gian hình xoắn trôn ốc, nối liền hơn 9 tháng. Suốt thời gian ấy Thai Nhi sống trong nước như cá, thức đã bơi mà ngủ cũng bơi. Người dẫn đường bơi là Mụ Bà.

Mụ Bà chính là cô mẫu giáo nhà trời, một bà tiên, xương với thịt được làm bằng dưỡng khí, thứ khí muôn lòai hít thở. Là tiên, bà có thể tàng hình, theo gió vào với các cô các cậu đang sống trong bụng mẹ. Vào theo hai đường hầm lỗ mũi, giống như hầm Hải Vân xuyên chân núi Trường Sơn.

Khi con ở nấc thang thời gian thứ nhất, người cha áp tai vào chỗ thắt eo của người mẹ, lắng nghe… Trong Tử Cung, Mụ Bà xòe tay nói chuyện với cái trứng người Thai Nhi tròn như bọt nước, đang lăn trên các đường chỉ tay của bà:

– Con thấy mình lúc này thế nào?

– Thấy mình giống như một hạt ngọc.

– Không đúng! Ngọc thì quý nhưng ngọc không biết lớn lên như con người.

– Giống như dấu chấm câu của một nhà văn.

– Đúng! Sau dấu câu này là câu kia. Những câu văn nối nhau xếp thành truyện, chờ ngày con ra đời, lớn dần thành người biết đọc. Những dấu chấm câu như hạt vừng, hạt cải mẹ con vẫn gieo ngoài đồng.

Ở nấc thang thời gian thứ hai, cái dấu chấm kia, hạt vừng hạt cải kia đã lớn bằng con tôm nhỏ, bằng cái tép bưởi. Thai Nhi tép bưởi được theo mẹ ra đồng thăm lúa. Mẹ ngồi vào xuồng ba lá, khoan thai khua chèo. Thai Nhi tép bưởi được cưỡi trên dòng Cửu Long. Được chơi cầu bập bênh trên vai sông. Tử Cung biến thành rạp xiếc. Mụ Bà và Thai Nhi tép bưởi diễn trò đu bay, vừa chơi vừa học. Mụ Bà dạy Thai Nhi học bơi trong thủy cung của nó. Bà không cần nói, chỉ làm mẫu. Bắt đầu là bơi chó, quậy tứ lung tung.

Ở nấc thang thời gian thứ ba, Thai Nhi đã có hình người. Nó như con tò he to cỡ ngón tay út mới nặn xong cái đầu, tấm thân. Thai Nhi đã khôn hơn rất nhiều nhờ sự rèn cặp từng li từng tí của Mụ Bà. Nó biết, khi người mẹ (lúc này đang là Mẫu Hậu) nhai thì nó được nuốt những ngọt, bùi, chua, cay. Cả nhà, ai cũng đã từng là công chúa, là hoàng tử trong Tử Cung nên cũng biết điều này. Rau tươi trên đồng xa được hái về, tôm cá dưới sông sâu được bắt lên, cung tiến Thai Nhi. Xa lắc bên Mỹ những thợ cấp nước từ tòa nhà Liên hợp quốc cũng tới đây khoan giếng, trồng những cây nước, để Mẫu Hậu uống nước sách lọc từ đất phèn, giải khát cho con mình. Kể từ hôm nay, ngoài những người ruột thịt, ông bà, cha mẹ, anh chị…Thai Nhi có thêm những người bạn. Nhưng, truyện này sắp gây cấn rồi đây! Lẫn trong chúng bạn đã có tí ti kẻ thù.

Tới nấc thang thời gian thứ tư, Thai Nhi đã biết gò mình lớn bằng múi bưởi thì tai hoạ tìm tới. Tử Cung bí mật đến như thế mà Thần Chết vẫn mò ra. Ông ta rình rập tính bắt Thai Nhi về cõi âm của mình. Thần chết gieo một thứ hạt độc trên mảnh đất hoang mà cha Thai Nhi hay hái rau tập tàng về cho mẹ nó. Cây rau độc mọc lên, lẫn trong rau lành, được hái về. Bát canh rau thành chén thuốc độc đã kề miệng Mẫu Hậu. Cái chết chỉ còn cách Thai Nhi hơn một gang tay…

Thật may, Mụ Bà ngửi mùi canh lạ, chạy ngay lên đường hầm lỗ mũi. Bà nhìn thấy phiến lá độc trong tô canh và lập tức cầm lấy đuôi tóc của mình múa bài võ Tiêu độc bổng pháp. Mẹ Thai Nhi bỗng nhiên ngứa mũi không chịu được, bà hắt hơi mạnh tới mức tô canh độc rớt xuống đất vỡ tan tành. Chỗ đất ướt canh sủi bọt! Thai Nhi thóat chết. Từ Tử Cung nó nhìn ra ngoài thành bụng, ánh mặt trời loang loáng như đang nhảy múa.

Một hôm, đang nằm ngủ ở nấc thang thời gian thứ năm, áp tai vào một mạch máu, Thai Nhi nghe tiếng đàn. Nó thức giấc. Tiếng đàn từ lỗ tai mẹ đổ nhịp xuống lỗ tai con. Mụ Bà cùng nghe, bà dạy: “Rơi như nước giọt là tiếng đờn kìm. Tiếng đờn tranh thì ào thác đổ. Nỉ non là tiếng nhị biết khóc như người. Như chim hót trên cành là tiếng sáo lảnh lót. Ban nhạc tài tử đang chơi trong nhà con, những người bạn âm nhạc đang chờ con ngòai kia”.

Tới nấc thanh thời gian thứ sáu, khuôn mặt Thai Nhi đã thanh tú. Thân thể đã đủ chân tay. Mụ Bà đã có thể dạy thêm Thai Nhi môn bơi ếch, khỏa tay, khỏa chân như múa. Thủy Cung trở thành chật chội, Thai Nhi gần như bơi tại chỗ. Nó đạp, thành bụng mẹ nổi cục tròn như trái táo ta, nhỏ xíu. Người mẹ chỉ trái táo cho chị Hai của Thai Nhi. Người chị thích quá, chạy quanh trái táo khi ẩn khi hiện kia, vừa múa vừa hát: “Này chú là chú ếch con, có hai là hai mắt tròn, chú ngồi học bài một mình bên hố bom ngòai vườn xoan, bao nhiêu cá trê non cùng bao nhiêu cá rô don, tung tăng chiếc vây son nhịp theo trống ếch vang dồn, bao nhiêu chú chim ri, cùng bao cô cá rô phi, nghe tiếng hát mê li cùng vui thích chí cười khì”*.

Theo những cú đạp nhịp của Thai Nhi, tiếng cười kia vang thanh chuỗi. Rừng U Minh vỗ tay lá, khanh khách cười theo.

Bơi tới nấc thanh thời gian thứ bảy, Thai Nhi đã như một búp bê đẹp không thể chê. Nếu ở thành phố, người ta đã soi máy để biết Thai Nhi là công chúa hay hòang tử. Nhưng Thai Nhi đáng sống trong rừng U Minh chưa có máy soi! Mà soi làm gì, gái hay trai thì cũng là con người! Đã là người, không chỉ ăn lấy no, còn mặc lấy đẹp. Cả nhà lo quần áo cho Thai Nhi. Máy may cũng chưa có! Má với bà khâu tay. Khâu những manh áo cũ của ba của má, của chị Hai thành áo mới cho Thai Nhi. Ai cũng muốn quần áo của nó, dù là đồ mới may nhưng đã ấm hơi người.

Tới nấc tháng thời gian thứ tám, Mụ Bà đã sơn đỏ móng tay móng chân cho Thai Nhi, làm đẹp để nó chuẩn bị ra đời. Thai Nhi mũm mĩm, tròn trịa và sốt ruột lắm. Nó ôn các bài nhào lộn, các bài bơi chó và bơi ếch, rồi lựa thế, khom lưng lấy đà để thóat khỏi Tử Cung ra với đời. Lúc này, thần chết vẫn rình rập. Ông ta biến lưỡi hái và chính mình thành một miếng vỏ chuối mốc meo nằm phục trên cây cầu dẫn xuống bến sông. Người mẹ tham công tiếc việc xuống sông vo gạo, trượt vỏ chuối, té cái ùm! Nước sông đưa tay đỡ bà. Nhưng ai đỡ Thai Nhi?

Đừng lo! Mụ Bà nắm sợi dây an toàn vẫn buộc chỗ cuống rốn Thai Nhi kéo lại. Bà quắc mắt dồn sức kéo. Đôi chân mày giao nhau sắc như đôi song kiếm. Chỉ vậy thôi mà Thần Chết vỏ chuối mốc cũng sợ, hiện hình, lê lưỡi hái, chạy mất dép!

Sau chín tháng bơi, thêm 10 ngày lựa thế, số 0 đã thành 1, Thai Nhi đủ 1 tuổi ta. Không theo cửa Miệng phía thành Đông mà theo cửa Mình phía Tây, nó ra đời. Đứa bé khóc, ban đầu oe oe oe rất khó hiểu. Rồi chuyển điệu nhoe nhoe nhoe, tiếng khóc nhòe lung linh như tranh thuốc nước. Tranh thành nhạc! Toe toe toe tiếng kèn trompet vang lên. Theo đường kèn, từ giữa hai đùi đứa bé, một tia nước cầu vồng vọt ra ấm nóng, mở tiếp con đường từ một tới hai tuổi, từ hai tới ba tuổi… để đứa bé trở thành người lớn.

Đứa bé này là gái hay trai, chẳng cần nói ra, các bạn đọc thông minh của tôi đã thừa biết rồi.

TỪ HOA TỚI QUẢ

Từ hoa tới quả là con đường thời gian.

Bé hoa Mắm muốn thành quả Mắm phải đi trên con đường ấy. Con đường băng qua rừng ngập mặn U Minh. Cánh rừng mênh mông, đứng dầm chân nơi cửa sông Cửu Long mở ra biển Thái Bình Dương.

Nhưng hoa Mắm không có cánh như bướm, không có chân như kiến, nó không thể chạy, không thể bay trên con đường thời gian. Nó không biết đi!

Rất may! Hoa Mắm có cái miệng loa. Nó nói bằng lời hương:

– A loa! A loa tôi cần đi từ hoa tới quả.

Một lá xanh kế bên nghe ra và hiểu ngay. Nó ghi lại lời của hoa thành các dòng chữ viết bằng gân lá.

Bác đưa thư ong thợ, đáp xe mô tô chạy bằng động cơ gió gắn trên lưng mình, đi qua tờ thư xanh.

Bác ong dừng xe, đọc đi đọc lại tờ thư. Bác chớp chớp đôi mắt, nhập những dòng thư vào bộ nhớ trong đầu mình rồi lại phóng xe đi.

Khói xe thơm ngát rừng đước, rừng tràm, rừng mắm. Khói thơm nối dài con đường thời gian, biến bé hoa gái thành chị hoa. Con đường thời gian dài theo đường xe của ong đưa thư, đưa điều ước từ hoa này bay tới hoa kia.

Hóa ra, một anh hoa cũng muốn thành quả, nghe bác ong đưa tin anh ta khóai quá. Anh hoa cũng mở miệng loa mà thốt lời thơm, giọng vịt đực:

– A lô ồ lố! A loa à lóa. Cho tôi gặp bạn gái của tôi. Tôi cũng muốn từ hoa tới quả!

Nhưng không có chân, anh hoa đực phải làm sao bây giờ? Anh ta dồn sức thơm biến hồn hoa thành một giọt phấn để có thể rơi từ trên xuống dưới, để có thể nhờ chim vin cành cây thành cánh cung giúp mình rơi nhanh hơn, để hoa đực gặp hoa cái. Đây là cú rớt tuyệt đẹp mà con người gọi là tình yêu.

Phấn hoa quyện vào phấn hoa, họ gặp nhau và… vẫn phải đứng một chỗ mà đợi từ hoa thành qủa vì không biết đi. Nhưng đôi bạn hoa tuy hai mà một, tuy một mà hai vẫn đi bằng cánh lớn dần lên, cao dần lên. Đứng mà đi được, đó là cách muôn lòai tự kéo mình như các bác ong mật làm nghề bánh kẹo, kéo đường thành sợi, gọi là kẹo kéo; ngào đường, viên đường thành kẹo bi, thứ kẹo mà con người vẫn rao bán bi ron ron, bi ròn ròn, bi ngọt ngọt ấy mấy bi ron ron…

Nhưng có kẹo là có mùi đường, khối kẻ hảo ngọt dòm ngó, muốn nuốt chửng thứ trái non còn mong manh như hoa, mỏng mảnh như giấy gọi kẹo. Có lòai chim mỏ nhọn như kéo. Có lòai sâu răng sắc như kìm. Có lòai thú lưỡi lia như máy cắt cỏ. Có lòai ác nhân miệng gầu, luôn háu đói, thích ngọam những bông hoa đang thành quả non bỏ vào chảo rau xào.

Nhưng cũng đừng lo! Lá xanh, cả lá vàng, che tay ngụy trang để hoa thành quả. Các mấu cây xây hào, đào lũy ngăn cản để hoa thành quả, các gai cây cắm tua tủa chông nhọn bảo vệ để hoa thành quả. Và có những người đẹp như hoa, ngọt như qủa, những bác thợ rừng luôn đều bước với cây xanh, vun trồng, tưới tắm. Bằng lưỡi rìu Thạch Sanh, những bác thợ khơi những ách tắc trên con đường thời gian để hoa thành qủa.

Sau hoa là qủa. Sau mùa đông là…? Sau mùa xuân là…? Sau mùa hạ là…? Đố các em biết?

TP. Hồ Chí Minh, 15.9.2009

Nguồn: Vanvn.net

Exit mobile version