Nguyễn Hưng Hải

Nguyễn Hữu Nhàn là nhà văn của nông thôn, nông dân và là một nhà văn hóa. Cõi văn của ông thấm đẫm hồn quê nước Việt.

Viết về nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, dễ đã có đến cả chục, cả trăm bài nghiên cứu giới thiệu, phê bình; là một người làm thơ, thuộc lớp hậu sinh, may mắn được ở gần ông mấy chục năm nay, những gì tôi được biết về ông, về văn của ông, trong bài viết nhỏ này, chỉ là những cảm nhận. Không phải rào đón gì, nhưng rất mong được bạn đọc, trong đó có cả nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn lượng thứ, nếu có điều gì chưa “chuẩn” trong dào dạt cảm xúc, khi đọc tập truyện ngắn, ký và tạp văn, ông vừa mới cho công bố “Quê hương và bầu bạn”.

Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn (ảnh vannghecongnhan)

Là một nhà văn tên tuổi của Đất Tổ cội nguồn, đã có rất nhiều những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển văn hóa, văn nghệ của Phú Thọ; đồng thời cũng là một trong những tác giả xuất sắc của “làng Văn” đất Việt, ở mảng đề tài nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Nguyễn Hữu Nhàn là niềm tự hào, không chỉ với riêng vùng đất Tổ. Ông trở thành cánh chim đầu đàn, con “đại bàng” của vùng Kinh đô Văn Lang xưa trong giới cầm bút và cũng là một tính cách điển hình, một nhân vật điển hình của lòng yêu Quê hương, Đất nước đến cực đoan, mà tôi linh cảm rồi đây, rất có thể, ông sẽ trở thành nguyên mẫu của một cuốn tiểu thuyết để đời nào đó. Biết đâu chính ông sẽ tự truyện như nhà văn Sao Mai (bạn vong niên của ông) từng tự truyện…

Lật lại từng trang ký ức, soi chiếu lại mấy chục năm cầm bút, qua từng tác phẩm của ông càng rõ hơn một nhận định đã được kiểm chứng qua thời gian: Nguyễn Hữu Nhàn là nhà văn của nông thôn, nông dân và là một nhà văn hóa. Cõi văn của ông thấm đẫm hồn quê nước Việt. Đời ông đầy níu kéo, giằng co, lắm sảng khoái thăng hoa nhưng cũng đầy nước mắt. Thương ông, nhưng cũng lại buồn. Ông là một tên tuổi lớn, bạn chí cốt của nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Sao Mai, là chỗ thân thiết của nhà văn Ma Văn Kháng, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương…

80 tuổi, sở hữu 16 tập truyện ngắn và tiểu thuyết, 9 công trình nghiên cứu văn hóa (cả chung và riêng); 8 kịch bản và tác phẩm văn học đã được chuyển thể thành kịch bản phim, như thế đủ biết lực văn, sức viết của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn sung mãn đến mức độ nào. Đấy là chưa kể hàng trăm ghi chép, bài báo, ông đã công bố trong suốt mấy chục năm cầm bút. Chỉ “tiếc” là ở tỉnh lẻ, tài năng như ông, chưa chắc được hiểu đúng, chưa chắc đã được “trọng dụng”. Ấy vậy nên khi ông ngồi quá lâu trên cái ghế biên tập của Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ, nhiều người đã không hiểu ông, ngay cả tôi, có lúc cũng đã nghĩ, tháng hơn triệu bạc, nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn làm biên tập hợp đồng làm gì mãi cho khổ? Thà về viết cái tự truyện, những bài báo đưa in lẻ còn có thu nhập và sướng hơn nhiều! Đằng sau tâm sự ấy tôi biết, lòng ông cũng rưng rưng khi nghĩ đến tôi, lo cho tôi như cái ngày ông đưa đường tôi vào Hội Nhà văn vậy!

Có lẽ, ở vùng đất Tổ cội nguồn này, người ta vì đã có thói quen “Ăn lộc Tổ tiên” nên ngay cả trong giới văn nghệ sĩ, cũng có ít người nghĩ ngợi được như ông. Cả nghĩ nên ông cũng cả lo cho cái móng nền của “Tòa lâu đài” Văn nghệ Phú Thọ, đang tọa lạc ở 160, đường Lê Quý Đôn, phường Gia Cẩm, TP. Việt Trì. Ở đó, như nhiều người đã nói, nếu một ngày vắng ông, không biết không khí ở cái Hội Văn nghệ miền đất Tổ này sẽ ra sao?!

Một ngày không gặp ông là thấy nhớ, dù gặp có khi chỉ thêm trách móc, hiểu lầm?! Trong thâm tâm, tôi quý trọng ông ở sức nghĩ, sức làm việc, ở những đóng góp to lớn cho miền đất Tổ ở cả 2 lĩnh vực văn hóa và kiến tạo các chân giá trị mới. Với tư cách là một nhà văn trưởng thành trong kháng chiến, ông thực sự là chỗ dựa tin cậy cho thế hệ nhà văn như lớp chúng tôi, cả trong nghề, trong khơi thông mọi luồng lạch để “đưa con thuyền” văn chương của từng người cập bến, đi đúng dòng chủ lưu của văn học đương đại.

Ông đã từng nhận được nhiều lời khen. Với ai, có thể sẽ bị huyễn hoặc. Riêng với ông, lúc nào gặp tôi, ông cũng dặn, đi tìm hồn chữ chứ đừng tìm xác chữ, đừng “chộ chữ”. Tự trọng và cẩn thận trên từng trang văn. Khiêm nhường và “dị ứng” với lời khen. Có lẽ 2 phẩm chất này đã tạo nên một tư cách, một tâm thế, một giá trị đích thực của văn học cách mạng trong con người cách mạng Nguyễn Hữu Nhàn.

Có người bảo, ông nổi tiếng nhờ truyền hình. Nhưng với tôi, điều đó chỉ đúng một phần rất nhỏ. Truyền hình có thể đã giúp ông gần hơn với công chúng ở bề nổi. Chiều sâu của những tầm kích do ông xác lập nên là ở sự khắc họa thành công gương mặt thời ông sống, đó là gương mặt của thời đại mà người nông dân là nhân vật trung tâm, ở đó vừa là tột đỉnh vinh quang vừa là đáy cùng của xã hội. Viết về nông dân, viết về nông nghiệp, nông thôn với chủ đích xoáy sây vào các vỉa tầng văn hóa và đưa tới cho người đọc một nhận thức mới, một giá trị mới về văn hóa, theo tôi là một thách thức, và Nguyễn Hữu Nhàn đã vượt qua rất nhiều rào cản, rất nhiều “cái bóng” để trở thành một trong những gương mặt nhà văn tiêu biểu của Đất Nước trong mảng đề tài tưởng là dễ viết mà vô cùng khó viết này. Nói như nhà thơ Hữu Thỉnh thì ở Vĩnh Phú trước đây, cũng như Phú Thọ hiện nay: “Ngô Ngọc Bội và Nguyễn Hữu Nhàn là một cặp bài trùng, cùng quê, cùng thế hệ, cùng một đề tài. Nhưng họ hoàn toàn khác nhau. Ngô Ngọc Bội gắn với chiều dọc theo lịch sử, còn Nguyễn Hữu Nhàn gắn với chiều ngang là văn hóa”.

Tôi cũng cảm nhận được điều đó từ rất nhiều ý kiến khác, đặc biệt là trong nhận định này của nhà nghiên cứu phê bình văn học Văn Giá: “Nguyễn Hữu Nhàn không đi vào những vấn đề tố khổ, hoặc phê phán chống tiêu cực, hoặc làm ăn chuyển đổi kinh tế… mà bằng một cách thật tự nhiên, nhất quán, ông chuyên chú đi vào các tầng vỉa văn hóa của làng quê thời hiện đại. Thứ nhất, ông phô diễn một cách thích thú các phong tục của các tộc người, hoặc của không gian địa văn hóa bằng vốn kiến thức dân tộc học, văn hóa học khá phong phú. Thứ hai, tôn vinh những giá trị tâm hồn và văn hóa đích thực của làng quê và người quê. Và thứ ba, thể hiện sự tha hóa của văn hóa làng quê trước sự xâm lăng của đô thị, kinh tế thị trường…

Văn hóa truyền thống đã và đang bị giải thiêng, thì đóng góp này của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn là vô giá. Bởi tiếng chuông báo động rung lên từ những trang văn ông viết đã cảnh tỉnh và thức tỉnh cho không ít sự mê ngủ, cả vô tâm và vô cảm ở đâu đó hôm nay, ngay trên mảnh đất cội nguồn đầy tâm linh và huyền thoại này…”.

Sự nghĩ ngợi của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn và những lo âu của ông về tình trạng suy thoái nghiêm trọng của tâm tính con người, rộng ra là của văn hóa làng quê khiến chúng ta day dứt và phẫn nộ trước “…Đám người giàu sổi vì may mắn và những anh vơ được tiền chùa dễ như vơ cỏ rác. Họ giàu nhanh đến chóng mặt. Tiền của về nhanh đến mức chà đạp, đẩy lùi văn hóa tụt về phía sau. Thế là đạo lý cương thường bị đảo lộn. Truyền thống bị tiêu diệt. Sự lố lăng, láo nháo thay thế cho diện mạo bình dị thanh bình ở mọi ngóc ngách của quê hương. Cái họa chung đang từ đấy mà ra…”.

Đó là tâm trạng của nhân vật Tèo – Vĩ Đại. Cũng là chủ đề trong khá nhiều truyện ngắn của ông như “Đám cưới ở làng”, “Làng quê yên ả”, “Làng Phần”…

Mặc dù lên án cái băng hoại, cái xấu xa nhưng khi thể hiện sự tha hóa văn hóa của làng quê, nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn vẫn luôn mang đến cho người đọc những tia sáng của sự hy vọng cuối đường hầm. Đó là những cái kết có hậu, đầy nhân bản. Đời vốn không đơn giản thế, nhưng có lẽ những cái kết của những câu chuyện dân gian đã ngấm vào ông, muốn khác đi cũng khó lắm thay!?

Nông thôn, nông dân chỉ là một cái cớ  để nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn viết về linh hồn dân tộc, bởi văn ông đúng như một nhà văn phương Tây nói “Thành thị có thể xác, thôn đã có linh hồn”.

Viết về thôn dã đâu có dễ như ai đó lầm tưởng. Không gian trong tác phẩm của Nguyễn Hữu Nhàn là những làng quê vùng đất Tổ thấm đẫm văn hóa cội nguồn. Người nông dân luôn được ông tôn vinh. Văn hóa làng luôn được ông soi chiếu và thắp sáng.

Cũng nhờ có những trang văn thấm đẫm tình người, tình quê của ông mà người đọc hiểu rõ: “Văn hóa là một đại lượng không có gì hoàn toàn hay hoặc hoàn toàn dở, hoàn toàn tốt hoặc hoàn toàn xấu, hãy nhìn nó một cách chân thực nhất để mà tìm cách hoàn thiện chính mình”. (Chữ của Văn Giá).

Đó cũng chính là thông điệp Nguyễn Hữu Nhàn gửi đến chúng ta trong hầu hết các tác phẩm của ông. Cả truyện ngắn, tiểu thuyết cũng như ghi chép, ký sự, bao giờ ông cũng mang đến cho người đọc những cảm xúc mới lạ, bất ngờ, bâng khuâng và day dứt. Ông bảo, dù là  thể loại nào, thì cũng phải có tính dự báo, tác phẩm mới có giá trị. Ông tỏ ra rất sắc sảo trong nghệ thuật điển hình hóa nhân vật và đối thoại. Chính vì vậy mà trong từng sáng tác ông luôn chú ý đến xây dựng chi tiết điển hình và khắc họa tính cách nhân vật nhằm làm nổi bật nội dung tư tưởng. Ông chỉ viết khi nào có tâm sự muốn giãi bày. Và ông cũng đã tâm sự với tôi: Để viết được về nông dân, nông thôn, nông nghiệp không thể không sống cuộc đời thật như người nông dân, không thể không hiểu văn hóa làng.

Sinh ra ở vùng quê Tứ Xã (huyện Lâm Thao – vựa lúa của tỉnh Phú Thọ), nơi còn lưu giữ nhiều dấu tích văn hóa cổ, trong đó có lễ hội phồn thực Trò Trám (mà dường như người Việt Nam nào cũng biết) nên trong ông thấm đẫm văn hóa cội nguồn. Lại là người say mê tìm hiểu văn hóa dân gian từ thời còn rất trẻ, chịu đi chịu đọc, chịu học hỏi nên có thể nói ông là một kho tư liệu sống về văn hóa dân gian vùng đất Tổ. Vốn liếng này đã giúp ông rất nhiều trong từng sáng tác, và sáng tác nào của ông cũng lấp lánh một vẻ đẹp nhân cách của văn hóa làng.

Ông không chỉ là nhà văn nổi tiếng mà còn là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian có nhiều đóng góp ở Phú Thọ. Có người bảo, trong ông là cả một kho tư liệu về phong tục tập quán, lễ hội và những câu chuyện dân gian vùng đất Tổ, đặc biệt là văn hóa người Mường, người Dao… Ông hiểu về văn hóa các dân tộc như là hiểu tâm tính của những người thân trong gia đình vậy. Chính vì thế mà có lời đồn, nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn biết chài, nèm. Chả biết thực hư thế nào nhưng gần ông tôi thấy ông rất giỏi trong “dẫn dụ” chinh phục và thuyết phục, dù rằng tính ông rất bộc trực, ngay thẳng và đôi khi rất dữ dội trong bày tỏ chính kiến.

Là người có công lớn trong việc giới thiệu với đồng bào cả nước về bản sắc văn hóa vùng đất cội nguồn dân tộc qua những tác phẩm văn học, các công trình nghiên cứu văn hóa dân gian, các kịch bản văn học, phim truyền hình, kể cả các bài báo, nhưng ông không bao giờ vỗ ngực, nhận công lao về mình.

Là Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam ở Phú Thọ, nhưng khi được mời họp, người ta không giới thiệu, ông cũng chỉ cười. Với tôi, những lúc như thế, ông thường bảo quan trọng gì. Đã là Nhà văn là phải nói chuyện bằng tác phẩm. Không có tác phẩm, ai gọi là Nhà văn?!

Và đọc văn ông, tôi thực sự thích thú ở những chi tiết điển hình và những đối thoại. Đối thoại trong truyện, kể cả trong tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn thường ngắn, mang đầy thổ ngữ nhưng rất sắc sảo, rất đúng với cách nói của người nông dân. Ông rất giỏi trong xây dựng cốt truyện và tính cách nhân vật. Lối dẫn chuyện của ông cũng đầy ảo diệu như Trò Trám quê ông vậy. Cũng có lúc bất ngờ, đẩy lên thành cao trào, rất hồi hộp và mê dụ như tục ngủ thăm. Đôi khi lại trầm lắng, da diết người quê.

Có người cho rằng tính triết luận trong văn ông chưa cao, những vấn đề đặt ra chỉ như là những lát cắt ngang của văn hóa chưa mang tính khái quát về thời thế và nhân thế. Nhưng tôi lại nghĩ khác, bởi bằng vào những gì biết được từ ông, từ trong văn ông, tôi thấy cả một thời kỳ dài của lịch sử những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, nông dân, nông nghiệp và nông thôn Việt Nam hiện lên trong văn ông như một thước phim quay chậm, có đủ các sắc độ, gam màu với rất nhiều thân phận và một tiếng thở dài… Đó cũng là tiếng thở dài của văn hóa làng bị băng hoại, xuống cấp. Và ở góc độ này, ông đã thể hiện được vai trò của một người thư ký thời đại. Bây giờ đọc lại những tác phẩm như “Chuyện làng Gành”, “Dốc nắng”, “Làng Cói Hạ”, “Phố làng”, “Chớm nắng”, “Người quê”, “Tết ở bản Dèo”, “Gió thổi qua rừng”, “Ràn rạt rừng cười”, “Vui như hội”… của ông, ta như thấy hiện lên cả một thời lịch sử ở làng quê Bắc Bộ với đầy đủ các góc cạnh cũng như các va đập của thời thế và nhân thế nơi bờ tre, bóng mít, người nông dân luôn bị yếm thế.

Trong con người tiểu thuyết Nguyễn Hữu Nhàn có ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa truyền thống, đạo đức và tín ngưỡng Á – Đông. Là nhà văn “Cố thủ trong pháo đài làng xã”, cày xới trên những miền đồi, uống no đời thôn dã, ông trở thành một trong những người “giàu có” nhất trong làng văn đất Tổ trên cánh đồng văn hóa. Ông cũng là người có công lớn trong việc giới thiệu với đồng bào cả nước về bản sắc văn hóa vùng đất cội nguồn dân tộc qua từng tác phẩm văn học, báo chí và điện ảnh. Là con người của công việc, dám chối bỏ tất cả những hư danh, cả đời chuyên chú cho nghề văn, nghiệp bút; từng chịu nhiều va đập, trả giá nên văn ông đầy chiêm nghiệm, cảnh tỉnh và dự báo.

Khi đâu đó trong “Làng văn” đất Việt có chuyện lùm xùm và những lúc có điều gì ẩn ức, tôi thường tìm đến ông. Đã có lần tôi hỏi: Không biết cháu nghĩ có đúng không nhưng Hội Nhà văn Việt Nam mình, toàn những người yêu nước. Làm gì có ai phản quốc, hại dân. Một số nhà văn bị “thổi còi” chẳng qua cũng là do bức xúc quá nên có thể phát ngôn chưa được bình tĩnh lắm và cũng bởi vì yêu Quê hương, Đất Nước quá mà mắc “tai nạn” nghề nghiệp phải không bác?!

Vào những lúc như thế, ông thường lặng đi hồi lâu, rồi nắn nắn vào vai tôi nói: “Đúng vậy. Như tao đây, chẳng có liên quan gì đến “Tắc kè” mà khối người vẫn cứ cho rằng tao đứng đằng sau Bùi Thanh Ninh. Mà rõ khổ cho cái ông Ninh, nói thế nào cũng không chịu nghe, viết thế “tai nạn” nghề nghiệp là phải. Giá như tất cả những truyện của ông ấy in trong “Tắc kè” là được xâu chuỗi lại, viết kỹ lưỡng, cẩn trọng, có phải được một cuốn tiểu thuyết có giá trị không? Nhưng tao quý ông ấy, vì tính bộc trực, ngay thẳng. Ông ấy là người tốt. Thế thôi. Tao biết sau cái đận ấy, hình như ông Ninh bị “an ninh” theo dõi. Thế mà ông ấy chả biết sợ là gì, lại còn tuyên bố sẵn sàng ngồi tù, mày bảo thế có gàn không?

Nhưng thôi! Đấy là câu chuyện dài dài, phải kể bằng một cuốn tiểu thuyết khác, để khi nào nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn viết tự truyện, đọc chúng ta sẽ biết.

Tôi chỉ xin “bật mí” ngoài truyện ngắn và tiểu thuyết, các công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn cũng đã giúp ích cho Phú Thọ rất nhiều trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.. Không chỉ tinh tường, sắc sảo trong ngòi bút mà ông còn là một lão luyện trong nghề biên tập, không chỉ với văn xuôi. Ông cũng đã có công lớn trong việc phát hiện và bồi dưỡng, giúp đỡ nhiều cây bút ở Phú Thọ trưởng thành, có nhiều người đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Yêu quý ông, kính trọng ông, chuyện gì cũng nói với ông. Bao trùm lên tất cả vẫn là một Nguyễn Hữu Nhàn của những mê đắm, cả đời đi theo cái Đẹp, sống và viết vì cái Đẹp. Vì cái đẹp mà ông sẵn sàng trả giá,  luôn riết róng và bền bỉ đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, cái giả dối. Có lẽ cũng chính vì thế mà ông vừa là quan tòa, vừa là nạn nhân. Cảm thông và chia sẻ cùng ông, chỉ mong sao, cả đời cầm bút, cống hiến cho Quê hương, Đất nước, ông sẽ được đền đáp xứng đáng. Và cũng xin đừng hiểu lầm ông, rằng con người rất phóng khoáng này, rất coi trọng những giá trị đích thực này, lại có lúc lẩn thẩn phải đặt lên bàn cân tính toán, giơ lưng che mưa cho một cái barie, một cây hoa nhựa…

Dù có ở thái cực nào, có không thích ông thì Nguyễn Hữu Nhàn vẫn là một giá trị đích thực của văn chương nước Việt. Thích văn ông nhưng lại ghét tác giả làm ra nó, cũng chẳng có gì là lạ. Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn có lạ chăng, là ở cái sự “Tay run mà chữ khỏe”, “Tâm Phật khẩu xà” trong những phát ngôn, có thể sẽ làm cho đâu đó giật mình?!

Cũng như cuộc đời, văn ông không chỉ thấp thoáng một tiếng cười mang phong vị cổ truyền mà còn rướm máu một tình yêu thương con người, một nỗi đau trước sự băng hoại của văn hóa làng, của những truyền thống tốt đẹp bị giải thiêng, và những trăn trở khôn nguôi trước những va đập của thời thế và nhân thế đã và đang làm đảo lộn không ít những giá trị về đạo đức và lối sống, trong đó người nông dân bao giờ và lúc nào, dường như cũng bị hứng chịu nhiều nhất.

 

Exit mobile version