Ngày 31-7, tại Hà Nội, Dự án khôi phục tranh dân gian Việt Nam do nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa khởi xướng, đã giới thiệu cuốn sách “Dòng tranh dân gian Đông Hồ” mới được xuất bản, giúp độc giả thêm nhiều hiểu biết về dòng tranh dân gian nổi tiếng này.
Làng Đông Hồ xưa thuộc tổng Hồ, huyện Siêu Loại, phủ Thuận Thành, trấn Kinh Bắc, nay là xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Làng Hồ còn được gọi bằng tên Nôm là làng Mái, nổi tiếng gần xa vì có nghề in tranh đã đi vào ca dao:
Hỡi cô lưng thắt bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có sông tắm mát có nghề in tranh.
Cùng với tranh Hàng Trống và tranh Kim Hoàng, tranh dân gian Đông Hồ là một trong ba dòng tranh dân gian nổi tiếng nhất. Làng Hồ nằm bên sông Đuống, tiện lợi giao thông cả hai đường thủy, bộ nối Kinh Bắc với Thăng Long và xứ Hải Đông (Hải Dương). Lợi thế này đã góp phần giúp cho tranh Đông Hồ đi tới nhiều miền đất ở Bắc Bộ và Trung Bộ, nhất là trong dịp Tết. Tranh Đông Hồ mang sức sống lâu bền, qua nhiều thăng trầm để còn đến ngày hôm nay. Đây là dòng tranh dân gian lâu đời nhất (đã hơn bốn thế kỷ), đa dạng nhất và có số lượng sản phẩm nhiều nhất của Việt Nam. Tranh Đông Hồ còn là một trong những mặt hàng văn hóa đại diện cho di sản dân tộc sớm được xuất khẩu, vượt không gian để đi đến những nước châu Âu xa xôi. Tranh Đông Hồ đã được nhà nước xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (ngày 27-12-2012) và đang đệ trình hồ sơ để UNESCO xếp hạng Di sản văn hóa toàn cầu.
Tranh Đông Hồ hội tụ tâm thức của người Việt – chất phác, đáng yêu với những ước vọng nho nhỏ quanh cuộc sống bình dị giữa vùng văn hóa nông nghiệp trồng lúa nước với những góc nhìn độc đáo, lạc quan và hóm hỉnh. Tranh cũng là phương thức để họ giao cảm với thần linh, thể hiện đời sống tín ngưỡng. Tranh Đông Hồ được các nhà nghiên cứu mỹ thuật đánh giá là những tác phẩm nghệ thuật thực sự với cách phối màu độc đáo, cách in nét, in mảng đặc trưng, mang vẻ đẹp mỹ thuật dân dã, mang mỹ cảm trong ca dao và thi ca.
Thi sĩ Hoàng Cầm viết:
“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.
Cách in tranh Đông Hồ cũng rất đặc sắc, khác biệt: Tranh được in “úp ván” (khuôn tranh và các mảng màu được áp/úp lên trên giấy, không phải giấy được áp lên khuôn), dùng bản gỗ in chồng tách màu. Mỗi màu trong tranh là một lượt in, màu đậm trước, màu nhạt sau. Một bức tranh phải qua bốn đến năm lần in nét và các bản màu khác nhau. “Màu dân tộc” (tất cả là màu lấy từ tự nhiên) và “giấy điệp” (được làm bằng công nghệ đặc biệt của người làng Hồ) đã làm nên “thần thái” của tranh Đông Hồ. Đó cũng là “chất Đông Hồ” nổi bật với các dòng tranh dân gian khác, cùng làm giàu cho kho tàng di sản mỹ thuật Việt Nam.
Cuốn sách “Dòng tranh dân gian Đông Hồ” có dung lượng 231 trang khổ lớn (21 x 29 cm), với hơn 500 hình ảnh (phần lớn được chụp mới), thực hiện trong gần 10 năm. Không chỉ giới thiệu rất kỹ về làng Hồ, về các nghệ nhân, về thăng trầm nghề in tranh của dòng tranh khắc gỗ và vẽ tay đã nổi tiếng, các tác giả cuốn sách còn giới thiệu với độc giả hai thể loại tranh khác cũng của làng Hồ nhưng còn ít người được biết là “tranh Đồ thế” – chủ yếu đáp ứng các nhu cầu tâm linh xưa, và “tranh Trổ giấy” – có tính chất trang trí, lưu niệm. Những loại tranh này chỉ còn một số rất ít nghệ nhân còn nhớ và giữ nghề.
Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa, chủ biên cuốn sách, chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng cuốn sách có những đóng góp mới trong việc nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật, lịch sử, dân tộc học… Nhưng trước hết nó công bố các tư liệu được hệ thống hóa của dòng tranh nổi tiếng này”. Cuốn sách là tư liệu tốt với những người nghiên cứu (đa ngành) nói riêng và tất cả những ai yêu quý tranh Đông Hồ, yêu quý nghệ thuật truyền thống và mỹ thuật dân gian.
Theo Báo Nhân Dân ĐT