HOÀNG ĐỨC NHÃ

Khách mua hàng tại chợ đồ cũ Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: THỦY NGUYÊN

Không ồn ào, chẳng hối hả, nhưng vẫn nhộn nhịp người mua, kẻ bán. Từ bao giờ, những chợ đồ xưa, đồ cũ xuất hiện đã trở thành điểm đến hấp dẫn của không chỉ những người sưu tầm mà còn là nơi để nhiều người tìm lại những hoài niệm. Các món đồ vật cũ kỹ, với nhiều người có lẽ chẳng có chút giá trị gì, nhưng khi được mang đến chợ, lại trở thành những món đồ độc đáo với người khác, bởi nó gắn liền với quá khứ của nhiều người, cũng là vật chứng của những giai đoạn lịch sử.

Khu chợ đồ xưa, đồ cũ mà những người sưu tầm nhắc đến nhiều nhất có lẽ là chợ đồ cũ Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội. Ở đây, khi trời tờ mờ sáng, tiếng huyên náo, tiếng dọn hàng đã xua tan bầu không khí yên ắng. Khắp chợ đầy ắp người mua, kẻ bán cùng cơ man sản phẩm. Khách hàng đến đây chủ yếu là những người luống tuổi và giới sưu tầm. Họ đảo qua nhiều vòng quanh chợ, ngắm nghía kỹ lưỡng, tỉ mỉ từng sản phẩm rồi mới quyết định chọn mua, ngã giá. Theo Quang, người bạn đi cùng tôi, một tay có nhiều kinh nghiệm sưu tầm đồ cổ thì mỗi tháng chợ chỉ mở vỏn vẹn sáu phiên, vào ngày mồng 5, 10, 15, 20, 25 và 30 âm lịch. Ít phiên cho nên muốn tìm đồ quý, đồ “độc”, chỉ có cách duy nhất là phải đến từ sớm, vừa nhanh tay chọn được đồ tốt, vừa có nhiều thời gian ngắm nghía, kiểm tra cẩn thận để tránh mua phải hàng “rởm” gắn mác “đồ cổ” vốn xuất hiện nhan nhản, sẵn sàng đánh lừa những “tay mơ”.

Mặt trời lên cao, nét đặc trưng cũng như sự phong phú về hàng hóa của chợ đồ cổ Vạn Phúc dần hiện rõ. Không còn tiếng í ới dọn hàng, khách cũng đã dồn hết tâm trí ngắm từng sản phẩm khiến không gian lại trở nên yên lặng. Thi thoảng, một vài bài hát được phát lên bởi những chiếc loa, chiếc máy cát-sét cũ kỹ mang những thương hiệu nổi tiếng từ cách đây 20 đến 30 năm. Đôi lúc, những tiếng rè rè, làm không gian của phiên chợ thêm đậm đặc chất “cổ”. Trong diện tích rộng khoảng gần một héc-ta, có hàng trăm gian hàng được mở ra. Chợ được chia ra thành nhiều khu vực riêng, mỗi khu vực lại bày bán những loại sản phẩm khác nhau. Có nơi thu hút khách hàng bởi cơ man các sản phẩm gốm, sứ. Từng chiếc bình, chiếc bát, chiếc đĩa lớn có, bé có, nguyên vẹn có, sứt mẻ có, nhưng đều mang những nét hoa văn thể hiện được sản xuất từ rất lâu. Nơi thì ngập tràn các sản phẩm điện tử, từ những chiếc đài cát-sét mang các thương hiệu từ lâu đã không còn xuất hiện tại Việt Nam cho đến những chiếc loa sờn rách, ốp gỗ nâu bóng. Có khu vực lại bày bán những thứ đồ vốn là vật xa xỉ của một thời như đồng hồ, xe đạp, thậm chí có cả những chiếc xe máy Simson hoen rỉ gần hết.

Nơi được nhiều người quan tâm nhất là khu vực bày bán các sản phẩm bình dân, gắn liền với những năm tháng bao cấp khó khăn với những mặt hàng mà bây giờ có lẽ chỉ xuất hiện trong chuyện kể như chiếc máy đánh chữ, cái máy ảnh cổ, những chiếc đèn măng-sông, bàn là than… Người có tuổi đến đây đều khó rời mắt khỏi những đồ vật này, như để tìm lại những lưu niệm của những năm tháng xưa cũ. Ông Nguyễn Văn Hùng, ở quận Long Biên, Hà Nội vuốt ve chiếc máy đánh chữ, không giấu nổi xúc động chia sẻ: “Cách đây hơn 30 năm, chiếc máy chữ là đồ vật thân thuộc nhất của gia đình tôi. Ba anh em tôi lớn lên bởi những tiếng lách tách hằng đêm và hình ảnh bố tôi đêm đêm cặm cụi kéo kéo, gõ gõ đã trở thành một phần không thể nào quên trong ký ức. Đến đây, như thấy lại kỷ vật ngày xưa, bồi hồi lắm!”.

Ở khu chợ này, sản phẩm bày bán rất nhiều, đi kèm đó là giá cả cũng “thượng vàng, hạ cám”. Có những món đồ có giá vài chục nghìn đồng, có thứ lên đến hàng chục triệu đồng. Thậm chí, có khách hàng đã trả hơn 100 triệu đồng cho một chiếc bình cổ. “Đồ xưa, có thể quý giá với người này, nhưng chẳng có giá trị gì với người khác. Vì thế giá cả cũng chẳng có ba-rem chuẩn, chỉ cần hợp ý cả chủ lẫn khách là được. Có lẽ vì thế mà chẳng có phiên chợ nào khách và chủ mặc cả nhiều như ở đây”, anh Nguyễn Văn Đông, ở Thanh Xuân, một khách quen của chợ đồ cũ Vạn Phúc cho biết.

Theo nhiều người sưu tầm đồ cổ, chợ tuy bày bán nhiều đồ cũ, đồ xưa, song để mua được món hàng thật sự chất lượng, thì chữ “sành” phải được đặt lên hàng đầu bởi không dễ để xác định thật – giả. Quang bảo, trước đây, chợ bán nhiều món đồ cổ có giá trị hơn vì người bán hầu hết là những người sưu tầm, hoặc ít nhất cũng có hiểu biết về các món hàng mình bán. Sau đó, thấy có thể kiếm lời, nhiều tiểu thương ở khắp nơi đổ về, mang những mặt hàng chất lượng kém, không có nhiều giá trị, thậm chí là những thứ đồ vỏ cũ, ruột mới. Theo các tiểu thương, nguồn hàng của họ thường đến từ các gia đình còn giữ được các kỷ vật, hoặc họ tìm mua trên mạng, từ những… gánh đồng nát. “Mua về để trưng bày cho vui vẫn phải kiểm tra thật kỹ. Nếu nguồn gốc từ những gánh đồng nát được chủ tiệm mông má lại thì xác định dùng được một thời gian là bỏ đi bởi lớp vỏ sẽ nhanh chóng bị bong tróc”, Quang bấm vai khi tôi có ý định mua một chiếc cát-sét National cũ nhưng nước sơn còn sáng và đẹp.

Ngoài chợ đồ cổ Vạn Phúc, có một khu chợ đồ cũ, đồ xưa cũng được dân sưu tầm ưa thích là khu chợ “cuối tuần”, nằm ở một ngõ nhỏ trên đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình. Được gọi là chợ “cuối tuần” vì các phiên chỉ mở đều đặn vào 8 giờ sáng thứ bảy hằng tuần. Chợ lọt thỏm trong không gian nhỏ chưa đầy 400 m2. Không nhiều mặt hàng như chợ đồ cổ Vạn Phúc, nhưng nói như những người sưu tầm, thì chợ này “chất” hơn, bởi tất cả các mặt hàng được bày bán, đều được chọn lọc kỹ lưỡng, cho nên chuyện hàng giả, hàng kém chất lượng ít có cơ hội trà trộn. “Tiếng lành đồn xa”, sau nhiều năm, những người sưu tầm ở tận các tỉnh, thành phố như Thanh Hóa, Nam Định, Hải Phòng… cứ dịp cuối tuần lại đến đây để tìm kiếm các món hàng ưa thích và giao lưu, trao đổi đồ cổ và kinh nghiệm sưu tầm.

Được biết, chợ này được thành lập nhiều năm, từ những người có chung niềm đam mê sưu tầm những đồ xưa, đồ cũ trên một diễn đàn có mong muốn lưu giữ, tái hiện những hình ảnh của đất nước qua các thời kỳ để mọi người, nhất là thế hệ trẻ có cơ hội nhìn lại một phần quá khứ, một phần của lịch sử. Chợ không lớn, chỉ hơn 20 gian hàng nhưng mỗi gian đều chật ních người ngắm nghía. Người mua không nhiều, người tìm đến để giao lưu, thẩm định, chia sẻ kinh nghiệm hoặc để “khoe” các món đồ độc vừa sưu tầm được lại đông cho nên người bán phải tận tình giải thích nguồn gốc, xuất xứ của từng sản phẩm và mải miết trò chuyện với bất cứ người nào có nhu cầu. Khách mua thì tốt, khách không mua cũng chẳng bao giờ thấy chủ phật lòng.

Điểm nhấn của khu chợ có lẽ là những gian hàng bày bán các kỷ vật của thời chiến, vốn là một phần ký ức không thể phai nhòa trong những người cựu chiến binh. Từ chiếc bi-đông, túi cứu thương, bộ đàm hay những bộ quân phục, chiếc thắt lưng đã sờn rách, bong tróc… đều mang trong mình những năm tháng chiến tranh khốc liệt, gian khổ. Những món đồ không chỉ gây xúc động cho những người đã từng có những năm tháng ở chiến trường mà còn tạo ấn tượng với những bạn trẻ đến đây để hình dung về những năm tháng ác liệt mà cha ông đã trải qua. Nguyễn Hồng Quân, chỉ mới tốt nghiệp đại học nhưng đã có hơn hai năm kinh nghiệm tìm kiếm, sưu tầm những kỷ vật chiến tranh. Quân cho biết theo đuổi thú chơi này sau một lần nhìn thấy chiếc thắt lưng bộ đội cũ kỹ, rỉ sét của ông nội để lại. Từ đó, Quân cất công, có khi dành hết tâm trí, mất ăn mất ngủ, đi qua nhiều tỉnh, thành phố khắp đất nước để sưu tầm những đồ vật của người lính trong thời chiến. Đến nay, gia tài của Quân không chỉ là hàng trăm món đồ có giá trị mà còn là kho tàng kiến thức thu lượm được trong từng kỷ vật của những giai đoạn lịch sử khác nhau.

Cứ như thế, những đồ vật trở thành hiện thân cho những giá trị xưa cũ nhưng các khu chợ vẫn không hề lạc lõng trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại. Có người sưu tầm, có người đi tìm lại những mảng ký ức xa vãng, có người tìm hiểu, nghiên cứu, có người đơn giản, chỉ coi đây là một không gian giải trí. Nhưng dù là ai, cũng khó có thể rời mắt khỏi những câu chuyện, những thước phim của quá khứ được tái hiện trên những món đồ tưởng chừng như vô tri, vô giác. Ngoài cổng chợ đồ cũ Vạn Phúc, một nhóm sưu tầm già có, trẻ có, đang bình phẩm về một chiếc đèn dầu mà một người may mắn mua được với giá rẻ. Theo như lời họ, chiếc đèn này có từ thời Pháp, còn nguyên bản. Chung quanh món đồ, người có tuổi kể lại kỷ niệm cách đây hàng chục năm gắn liền với những chiếc đèn. Đám trẻ chống cằm ngồi nghe. Họ cứ say sưa như thế, chẳng để ý chợ đã vãn từ bao giờ…

Nguồn: Nhandan.com.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài