Bản thảo đầy đủ tập thơ ”Gái quê” của thi hào được in trong tập sách cùng tên, ra mắt dịp kỷ niệm 100 năm sinh nhật ông.

Năm 1936, Hàn Mặc Tử xuất bản tập thơ Gái quê. Tập này được in tại nhà in Tân Dân, Hà Nội. Sách gồm 48 trang, khổ 12,5×19,4 với 34 bài thơ do tác giả tự phát hành.

Năm 1992, nhằm khẳng định những đóng góp của phong trào Thơ Mới cho nền văn học nước nhà, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Hội Nghiện cứu giảng dạy văn học TP HCM đã in và giới thiệu lại một số tập thơ tiêu biểu của các nhà thơ đại diện cho dòng Thơ Mới. Riêng với Hàn Mặc Tử, tập thơ Gái quê bản in năm 1936 của ông không tìm được nên NXB đành sử dụng bản thảo theo bản chép tay của nhà thơ Chế Lan Viên do nhà văn Vũ Thị Thường trao lại. Từ đó, tập Gái quê (bản in ở nhà in Tân Dân năm 1936) luôn được NXB tiếp tục tìm kiếm.

 

Bìa tập sách “Gái quê”.

 

Năm nay, đúng dịp 100 năm mừng sinh nhật thi sĩ tài hoa bạc mệnh, công ty sách Phương Nam có tin vui khi đơn vị này may mắn được ông Đặng Tiến, việt kiều sống tại Orléan, Pháp, trao lại bản sao tập Gái quê đầy đủ. Bản thảo thơ này đã lưu lạc qua tay nhiều người trước khi đến tay bà Hoàng Thị Kim Cúc (Huế). Sau đó, bà này trao lại cho người cháu là Hoàng Thị Quỳnh Hoa, hiện sống ở Maryland, Mỹ. Chính bà Quỳnh Hoa gửi lại bản thảo cho nhà nghiên cứu Đặng Tiến.

Công ty Phương Nam in trọn vẹn bản thảo này trong tập sách cùng tên liên kết cùng NXB Hội Nhà văn ấn hành, nhằm mừng 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử. Tập sách Gái quê ấn bản mới còn có các bài viết mang tính khảo cứu, ghi chép lại những câu chuyện, kỷ niệm có liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của nhà thơ Hàn Mặc Tử.

Nhân ra mắt tập sách, chương trình Đêm thơ Hàn Mặc Tử cón diễn ra tại Nhà sách Phương Nam Nguyễn Oanh, Gò Vấp, TP HCM vào 18h30 ngày 16/9 với các tiết mục thơ nhạc, ngâm diễn thơ tưởng niệm thi sĩ tài hoa bạc mệnh.

 

Nhà thơ Hàn Mặc Tử.

 

Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí. Ông sinh ngày 22/9/1912, tại làng Lệ Mỹ, nơi cửa biển Nhật Lệ, thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Hàn Mặc Tử là người yêu thích thơ văn, thích đọc sách, nghiên cứu, sáng tác thơ văn từ rất sớm, có thơ đăng nhiều ở các báo Tiếng Dân, Phụ Nữ Tân Văn… Năm 1934-1935, ông thôi việc theo bạn bè vào Sài Gòn làm báo, phụ trách trang văn chương báo Sài Gòn, viết cho báo Công Luận, Trong Khuê Phòng… Từ lúc bắt đầu sáng tác thơ văn ông sử dụng các bút hiệu sau: Minh Duệ Thị, Phong Trần, PT, Lệ Thanh, Hàn Mặc Tử…

Năm 1937, khi bệnh phong bắt đầu phát lộ, nhà thơ vẫn sinh hoạt văn nghệ, chủ trương đặc san Nắng Xuân, thành lập Trường Thơ Loạn.

Năm 1938, ông tập họp các tác phẩm của mình thành tập thơ Điên, sau đổi là Đau thương nhưng không tìm ra được nhà xuất bản, và cũng không còn khả năng tự xuất bản như tập Gái quê trước đó. Năm 1940, do bệnh tình ông trở nên nguy kịch, gia đình đưa vào bệnh viện Quy Nhơn. Ngày 20/9, ông được chuyển vào trại phong Quy Hòa.

Ông qua đời lúc 5h45 phút sáng 11/11/1940, được mai táng tại nghĩa trang bệnh viện. Năm 1959, mộ phần Hàn Mặc Tử được cải táng, dời về Gành Ráng, Quy Nhơn.

Sau khi ông mất, có nhiều tập thơ, nhiều chương trình ngâm diễn thơ, sáng tác nhạc phổ thơ, các vở kịch, phim được lấy cảm hứng về sự nghiệp sáng tác, các cuộc tình, nỗi đau vì cơn bệnh ngặt nghèo cùng cái chết cô đơn của thi nhân Việt Nam này.

Nguồn: Evan

 

Exit mobile version