Tin: PL; ảnh: Hữu Đố

Sáng ngày 05 – 12 – 2017, nhà thơ nổi tiếng Ko Un (Hàn Quốc) đã có cuộc giao lưu thân mật với các nhà thơ, nhà văn Việt Nam tại trụ sở Hội Nhà văn (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đến dự buổi giao lưu có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam; các ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn VN khóa IX; ủy viên Hội đồng Thơ, Hội đồng văn học dịch và nhiều nhà văn, nhà thơ, dịch giả, bạn đọc…

 

Các nhà văn Việt Nam tham dự buổi giao lưu với nhà thơ Ko Un (Hàn Quốc)

Nhà thơ Ko Un sinh năm 1933 tại thành phố Gun-san, tỉnh Jeon-buk, Hàn Quốc. Ông sáng tác từ năm 1958, đến nay đã xuất bản hơn 150 đầu sách gồm nhiều thể loại: thơ, tiểu thuyết, truyện thiếu nhi, tản văn, bình luận văn học, văn học dịch… Tác phẩm của ông đã được dịch ra 25 thứ tiếng trên thế giới. Nhà thơ Ko Un từng nhận nhiều giải thưởng văn học danh giá của Hàn Quốc, hiện ông đang là đề cử viên cho giải Nobel Văn học.

Nhà thơ Ko Un (bên trái) và dịch giả Lê Đăng Hoan

Tập thơ “Vạn đời người” được nhà thơ Ku On sáng tác từ năm 1980 trong một hoàn cảnh rất đặc biệt: khi đó ông bị bắt và chịu án tù vì đã tham gia đấu tranh cho nền dân chủ Hàn Quốc. Những bài thơ viết theo thể tự do, cảm hứng và đối tượng sáng tác lớn nhất chính là những con người, những số phận mà Ko Un từng gặp, trò chuyện, chứng kiến những thăng trầm của họ. Mỗi bài thơ như một bức chân dung riêng về một đời người. Với dự định sẽ viết 10.000 bài thơ về một vạn con người, nhà thơ Ko Un đã dành trọn 25 năm cho tác phẩm lớn này. Tuy nhiên, sau đó ông quyết định dừng lại ở 4.001 bài thơ khắc họa số phận của 5.600 con người và xuất bản tập thơ “Vạn đời người” gồm 30 quyển. Tập thơ được đánh giá như một thiên sử thi về con người Hàn Quốc qua những biến động của đất nước từ những năm đầu thế kỷ XX.

Sau tập thơ “Bài hát ngày mai” được chuyển ngữ và xuất bản tại Việt Nam năm 2010, bạn đọc Việt Nam lại được mở rộng thêm những hiểu biết, rung cảm mới khi đọc tập “Vạn đời người” bởi sức bao quát của đề tài.  Mặc dù khi chuyển ngữ, dịch giả Lê Đăng Hoan chỉ mới tuyển dịch 108 bài thơ – tức 108 “đời người” gần gũi nhất với Việt Nam, nhưng cũng là những đời người tiêu biểu cho tác phẩm mà nhà thơ muốn gửi gắm tâm sự của mình trong đó. Bạn đọc có thể hình dung được những lớp người tiêu biểu trên đất nước Hàn Quốc khi đọc tập thơ: từ người thân của tác giả, những con người bình thường, nhỏ bé đến những nhân vật vĩ đại trong lịch sử…

Nhà thơ Ko Un (người đứng)

Trong buổi giao lưu, nhà thơ Ko Un xúc động phát biểu: “Tôi đến Việt Nam không phải là từ quốc gia này đến quốc gia khác. Tôi là người châu Á và tôi đang đứng giữa châu Á. Tôi coi Việt Nam như quê hương của mình và đây là cuộc trở về với quê hương. Những năm 1940 – quãng thời gian thơ ấu đầy khốn khó, tôi đã ăn gạo An Nam để sống sót qua ngày và tôi biết đến đất nước Việt Nam từ khi chưa đầy 10 tuổi… Với những khổ nạn mà chúng ta cùng trải qua trong lịch sử thì tình cảm gắn bó của chúng ta lại càng sâu nặng hơn. Tôi viết tập thơ “Vạn đời người” với mục đích ghi lại những số phận con người mà mình từng gặp trong cuộc đời và chia sẻ cùng họ những khốn khó, bất công, tuyệt vọng qua những vần thơ của mình. Chính nhờ có thơ mà tâm hồn tôi được nuôi dưỡng qua những khó khăn trong cuộc sống chìm nổi cho đến ngày hôm nay.”

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (người đứng)

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Nxb Hội Nhà văn đã bày tỏ sự kính trọng và nể phục trước sức lao động phi thường của nhà thơ Ko Un. Ông nhấn mạnh: “Việt Nam đã từng được tiếp cận với đất nước Hàn Quốc qua sự giao lưu về kinh tế, giáo dục, văn hóa giải trí, ẩm thực… Nhưng tất cả những “nguyên liệu” đó sẽ không thể trở thành món ăn tinh thần đặc biệt nếu thiếu thơ ca, bởi thơ ca chính là muối của cuộc sống này. Thơ ca đã giúp cho một dân tộc hiểu sâu hơn về dân tộc khác, vì đó là tiếng nói của tâm hồn, của khát vọng, của những điều thực sự thuộc về con người. Chúng tôi luôn mong muốn được tiếp cận và thưởng thức nhiều hơn nữa những tác phẩm văn học, nghệ thuật của Hàn Quốc để có được sự đồng cảm sâu sắc hơn trong đời sống đương đại này.” Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng chính là người đầu tiên dịch thơ Ko Un ra tiếng Việt (qua bản tiếng Anh) trong tập “Năm nhà thơ hiện đại Hàn Quốc”.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa (ngoài cùng bên trái) tặng hoa nhà thơ Ko Un và phu nhân

Nhà thơ Ko Un đã đến miền Nam Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1969, lần thứ hai vào năm 2010 khi Nxb Hội Nhà văn giới thiệu tập thơ “Bài hát ngày mai” tại Hà Nội. Ông có một tình yêu đặc biệt đối với Việt Nam ngay từ những năm 20 tuổi, khi sang thăm đất nước chúng ta, ông đã kết nghĩa với nhiều nhà văn Việt Nam và luôn trân trọng tình cảm đó trong suốt những năm tháng cuộc đời mình. Vì vậy, nhà thơ mong muốn sẽ được chia sẻ và đồng cảm nhiều hơn khi những tập thơ của mình được chuyển ngữ và giới thiệu đến bạn đọc Việt Nam.

Vanvn.net

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version