Hoài Nam
Người đọc Việt Nam biết đến châu Phi qua văn chương thật ra không nhiều. Các tiểu thuyết “Giữa lòng đêm tối” của Joseph Conrad, “Rễ trời” của Romain Gary, “Nửa mặt trời vàng” của Chimamanda Ngozi Adichie, một số truyện ngắn của Ernest Hemingway, tập bút ký “Gỗ mun” của Ryszard Kapuscinski…
Cái khoảng trống ấy đang được lấp dần. Mà cú lấp đáng kể nhất, gần đây, là sự xuất hiện cuốn hồi ức “Châu Phi nghìn trùng” (Out of Africa) của nữ nhà văn Đan Mạch Isak Dinesen (Hà Thế Giang dịch, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2021). Bản dịch tiếng Việt của tác phẩm này đã được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải văn học dịch năm 2021.
“Châu Phi nghìn trùng”, có thể nói, là sự tái hiện bằng trí nhớ về một châu Phi bí ẩn và đầy quyến rũ mà Karen Blixen đã đắm trong nó suốt 18 năm ròng, không phải với tư cách một thực dân châu Âu kênh kiệu trên xứ thuộc địa, mà là một dân nhập cư da trắng đến lục địa đen để lao động và kiếm sống như mọi con người bình thường khác. Bỏ qua nỗi vất vả của cuộc mưu sinh, bà say mê với cảnh sắc mênh mông và đầy huyền diệu của châu Phi: bình minh, hoàng hôn và đêm tối; bầu trời và mặt đất; những rặng núi và những cánh rừng; đồng cỏ và những buổi trưa mà không khí ngùn ngụt tạo nên vô vàn ảo tưởng; rồi những đàn voi, trâu rừng, chó rừng, ngựa vằn, linh dương, nhất là sư tử, con vật biểu tượng cho sức mạnh của châu Phi.
Nhưng còn hơn cả cảnh sắc, Karen Blixen say mê con người sống trên đất châu Phi – cả những bộ tộc bản địa và các sắc dân khác, như Arab hay Ấn Độ – cùng những nét đặc sắc, đa dạng trong văn hóa của họ. Khác với hầu hết các tác giả Âu Mỹ – cho dẫu nhân văn đến mấy thì cũng chỉ xem dân châu Phi thuộc địa như đối tượng của sự thương xót, những chủng tộc thấp kém cần được gượng tay bóc lột và cần được ánh sáng văn minh khai hóa – Karen Blixen trân trọng con người châu Phi, bà nhận thấy ở họ sự cao quý, nhận thấy ở văn hóa của họ những giá trị “khác”, vừa phổ quát vừa đặc dị và không hề thua sút các giá trị phương Tây. Viết về người châu Phi, dù đó là một thủ lĩnh quyền uy hay chỉ là những người làm công tầm thường trong đồn điền của mình, bà đều đặt họ ở vị thế đồng đẳng, vị thế của những người bạn mình. Đặc biệt, Karen Blixen có những trang viết thăng hoa và vô cùng kỳ thú khi bà mô tả và nhận định về phong tục, tập quán, thói quen tư duy và các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của người châu Phi bản địa.
“Châu Phi nghìn trùng”, một thiên hồi ức, vừa là văn chương, vừa là bút ký dân tộc học đỉnh cao.
Nguồn: Báo Nhân Dân