Tác giả: GS Hà Mạnh Quân
Giáo sư (GS) Hà Mạnh Quân là người chắp cánh cho văn học Việt Nam tại Mỹ. Ông sinh năm 1979 và tốt nghiệp thủ khoa ngành ngôn ngữ Anh tại ĐH Đà Lạt năm 2000. Sau đó ông tu nghiệp 10 năm ở Mỹ, hoàn thành 3 bằng thạc sĩ và 1 bằng tiến sĩ. Ông giảng dạy bộ môn văn học Mỹ tại ĐH Montana và được phong hàm giáo sư năm 40 tuổi. Ông đã dịch và xuất bản 3 tuyển tập truyện ngắn Việt Nam tại Mỹ và Pháp. Xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của GS Hà Mạnh Quân về hành trình giới thiệu văn chương Việt với nước Mỹ và thế giới.
Nhà văn nào cũng mơ ước tác phẩm của mình được bay cao, bay xa hơn khỏi lãnh thổ Việt Nam và được độc giả thế giới đón nhận, phân tích, và bình phẩm. Và cách duy nhất để ước mơ này thành hiện thực là tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng, đặc biệt là tiếng Anh vì nó là ngôn ngữ toàn cầu. Tuy nhiên, để một tác phẩm có thể “xuất khẩu” ra thế giới thành công thì hành trình không đơn giản. Trong ba năm vừa qua, tôi nhận được email từ khá nhiều nhà văn tại Việt Nam nhờ tôi dịch tác phẩm của họ sang tiếng Anh và xuất bản tại Mỹ. Tuy nhiên, đa phần tôi đều từ chối vì nhiều lý do mà người ngoài cuộc khó hiểu được vì cơ cấu thị trường và ngành công nghệ xuất bản sách tại Mỹ hoàn toàn khác so với ở Việt Nam.
NXB đại học
Theo thống kê của Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ, nước Mỹ có khoảng 4000 trường đại học (ĐH) và cao đẳng. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có khoảng 125 ĐH có NXB riêng mang tên và thương hiệu của trường đó, và đa số là của các trường ĐH nghiên cứu có tên tuổi. Mỗi NXB ĐH này lại thu hẹp lĩnh vực chuyên ngành sách mà họ xuất bản. Ví dụ NXB ĐH California và ĐH Washington-Seattle xuất bản sách về Châu Á học, nhưng NXB ĐH Florida và ĐH Texas thì không. Trong số 125 NXB này thì chỉ có khoảng 5-6 NXB là xuất bản văn học dịch từ các nước Châu Á. Đây là một con số rất nhỏ và thể hiện phần nào cơ hội hạn hẹp cho văn học dịch từ Việt Nam.
Nhìn lại những tác phẩm văn học Việt Nam đã xuất bản với các ĐH tại Mỹ, tôi tạm chia ra thành hai hạng mục. (1) Các tác phẩm kinh điển như Truyện Kiều (Nguyễn Du), Số đỏ (Vũ Trọng Phụng), Thời xa vắng (Lê Lựu), và Tuyển tập thơ nữ quyền Việt Nam. (2) Các tác phẩm hoặc tuyển tập văn học đương đại phản ánh về cuộc chiến tranh Mỹ-Việt Nam và thời hậu chiến, chủ yếu được viết sau 1975. Đôi khi cả 8-10 năm trôi qua mà vẫn không thấy NXB ĐH nào cho ra đời tác phẩm dịch từ Việt Nam.
Tôi khá may mắn khi đã có hai tuyển tập truyện ngắn xuất bản tại Mỹ. Năm 2020, NXB ĐH Columbia tại New York phát hành Other Moons: Vietnamese Stories of the American War and Its Aftermath (Những vầng trăng khác: Truyện ngắn Việt Nam về chiến tranh chống Mỹ và thời hậu chiến). Đây là tuyển tập 20 truyện ngắn mà tôi chọn lọc và dịch sang Anh ngữ của nhiều tác giả như Sương Nguyệt Minh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Ngọc Tư, v.v. Sắp tới đây, NXB ĐH Texas Tech sẽ in Hà Nội at Midnight (Hà Nội lúc 0:00 giờ). Đây là tuyển tập 12 truyện ngắn của nhà văn Bảo Ninh viết về chiến tranh và những hậu quả của nó để lại khi chiến cuộc tàn. Có một sự thật khá buồn là trong mắt nhiều người Mỹ, hai chữ Việt Nam gắn liền với chiến tranh, do vậy chủ đề về chiến tranh Mỹ-Việt Nam chiếm ưu thế hơn vì ban biên tập họ tin rằng độc giả Mỹ luôn quan tâm đến đề tài này do thế hệ cựu chiến binh Mỹ tham gia cuộc chiến ở Việt Nam vẫn còn sống. Hơn nữa, môn văn học về chiến tranh Việt Nam được giảng dạy khá phổ biến trong các trường ĐH Mỹ.
Với vai trò là một dịch giả, khi tôi muốn tìm NXB cho sách, tôi phải gửi cho ban biên tập khoảng 5-7 trang đề cương. Trong đó, tôi phải trình bày những nội dung chính sau: (1) tóm tắt nội dung chính của công trình dịch; (2) vì sao công trình này quan trọng; (3) tại Việt Nam bản Việt ngữ của sách này đã nhận được giải thưởng gì và tên tuổi của tác giả ra sao; (4) thị trường tiềm năng và đối tượng độc giả của sách tại Mỹ; (5) vì sao độc giả Mỹ sẽ quan tâm đến sách này; (6) sách sẽ có khả năng được dùng làm giáo trình cho các bộ môn nào; (7) so sánh công trình này với những sách cùng chủ đề đã được in tại Mỹ và vì sao công trình của tôi mới, lạ, và độc đáo.
Nếu tôi thuyết phục được ban biên tập, họ sẽ yêu cầu tôi trình lên khoảng 30-40 trang đầu tiên để họ xem chất lượng bản dịch có đạt yêu cầu không. Và nếu qua được hai vòng này, họ sẽ yêu cầu gửi toàn bộ bản thảo đã hoàn tất để 3 chuyên gia thẩm định và đánh giá. Thường thì sau 4-6 tháng, ban biên tập sẽ gửi cho tôi bản thẩm định chi tiết công trình. Tất nhiên không bản thảo nào hoàn hảo, mà tôi lại phải chỉnh sửa hay bổ sung thông tin những chỗ mà 3 chuyên gia cho là chưa đạt yêu cầu hay chưa rõ nghĩa.
Các NXB ĐH ở Mỹ làm việc cực kỳ nghiêm túc và tỉ mỉ vì một khi sách in ra, sách mang tên và thương hiệu của NXB đó. Vì thế, từ lúc nộp bản thảo lên cho đến khi sách in ra là khoảng 2 năm. Sách đi với NXB ĐH không in số lượng lớn vì đa phần là sách để nghiên cứu và chuyên khảo, và khá kén chọn độc giả. In sách với NXB ĐH thì nhuận bút không đáng là bao. Tôi dịch sách vì đam mê học thuật và quan trọng là dùng nó để tính điểm nghiên cứu khoa học.
NXB đại trà, phổ thông
Khó có thể biết được mỗi năm trung bình có bao nhiêu đầu sách được in ra tại Mỹ. New York là trụ sở chính của ngành công nghiệp xuất bản. Ngành công nghiệp này thường bị chỉ trích và lên án gay gắt vì mục đích thương mại và cục bộ của nó. Tuy nhiên, nếu chỉ tính về lĩnh vực văn học dịch thì năm 2018 có 632 đầu sách–đây là con số kỷ lục từ trước đến nay. Tuy nhiên, con số này khá khiêm tốn so với số lượng sách in ra hàng năm do chính người Mỹ viết. Ngành công nghệ xuất bản ở Mỹ bị lên án vì ưu tiên các tác giả da trắng, trong khi chỉ in sách của khoảng 3-5% tác giả da màu mặc dù họ là công dân Mỹ. Vậy thì quay lại con số 632 đầu sách văn học dịch là cho cả nền văn học thế giới được “nhập khẩu” vào Mỹ trong năm 2018. Trong đó hơn một nửa là tác phẩm dịch đến từ các nước Tây Âu, và từ Châu Á thì văn học dịch từ Trung Quốc và Nhật Bản chiếm ưu thế hơn các nước khác.
Một số NXB phổ thông tên tuổi ở Mỹ bao gồm HarperCollins, Penguin Random House, Perennial, Grove, Simon & Schuster, Algonquin Books, v.v. Các NXB này không làm việc trực tiếp với tác giả hay dịch giả, mà họ yêu cầu phải làm việc qua một trung gian hay đại diện (literary agent). Ví dụ như tôi dịch một cuốn tiểu thuyết của Việt Nam và muốn tìm NXB phổ thông, thì tôi phải liên hệ với một công ty đại diện và làm việc với họ trước. Nếu người đại diện của tôi đọc và thấy bản dịch có tiềm năng trên thị trường Mỹ, họ sẽ ký hợp đồng và chỉ có họ mới có thẩm quyền liên hệ với ban biên tập của các NXB để giới thiệu và chào sách. Sau đó người đại diện của tôi sẽ gửi bản thảo sách của tôi cho một số NXB, nếu 3 trong số đó muốn in công trình của tôi, họ sẽ phải đấu giá. NXB nào trả giá cao thì sẽ có bản quyền. Ví dụ NXB Grove trả 30.000 USD để mua bản quyền, thì người đại diện của tôi hưởng 15-20%, phần còn lại là chia cho dịch giả và tác giả gốc.
Tuy nhiên, đa số các công ty đại diện không muốn nhận văn học dịch vì họ nghĩ sách khó bán và đa số người Mỹ không mặn mà lắm với văn học nước ngoài. Một vài trường hợp ngoại lệ như nhà văn đó đã từng đoạt giải Nobel hay là một tên tuổi lớn trên văn đàn quốc tế, thì công ty sẽ chắc chắn đại diện. Tính từ sau năm 1990, chỉ có vài tác phẩm văn học Việt Nam dịch sang Anh ngữ đi với NXB phổ thông: Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), tiểu thuyết của Dương Thu Hương, và Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Tôi muốn nhấn mạnh là tất cả những tác phẩm này đều nói về chiến tranh Mỹ-Việt Nam.
Còn một kênh xuất bản nữa không qua thẩm đinh chất lượng bản thảo: tác giả hay dịch giả tự bỏ tiền ra thuê một công ty in ấn và phát hành. Tuy nhiên, trong trường hợp này sách in ra chủ yếu để biếu tặng bạn bè thân hữu.
Dịch và đưa văn học Việt Nam sang thị trường Mỹ không dễ và dịch giả phải tốn rất nhiều công sức. Trong giới dịch giả, không ai nghĩ sống nhờ dịch thuật văn học vì 90% khả năng là bản dịch không tìm được đầu ra. Một số tác phẩm đoạt giải cao trong nước và tác giả cũng có tên tuổi, nhưng tác phẩm của họ chỉ thu hút sự quan tâm của độc giả trong nước nhưng người Mỹ họ chẳng quan tâm đến tác phẩm đó. Độc giả Mỹ thường chỉ quan tâm đến những gì có liên quan đến lịch sử và đất nước họ. Ví dụ như một cuốn tiểu thuyết đương đại đang có tiếng vang ở trong nước không hẳn là nó sẽ tìm được độc giả ngoài lãnh thổ Việt Nam. Một điều nữa là khi chọn dịch một tác phẩm, tôi phải xem tác phẩm đó truyền đạt tư tưởng, triết lý gì đến người đọc. Nếu tác giả viết nông cạn, hời hợt, không có chiều sâu thì dù có dùng mỹ từ cũng vô ích. Theo quan sát, khi các đồng nghiệp của tôi, họ là những giáo sư dạy sáng tác văn học, viết tiểu thuyết, họ phải nghiên cứu rất nhiều, ít nhất là 4-5 năm. Phải có nghiên cứu thì viết sách mới có chiều sâu. Nếu chỉ viết theo cảm xúc, tôi e rằng sách sẽ khó bay cao, bay xa trên văn đàn quốc tế.
Nguồn: Văn Nghệ số 20/2022