Gjekë Marinaj (Hoa Kỳ – Anbani)
Takya Đỗ dịch từ bản tiếng Anh
Nhà thơ Mai Văn Phấn:
Nhà thơ Gjekë Marinaj đồng thời là nhà văn, dịch giả, nhà phê bình văn học. Ông sinh năm 1965 tại Shkodër phía bắc Anbani. Là Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà văn Anbani- Hoa Kỳ, được thành lập năm 2001. Nhận bằng tiến sỹ triết học tại đại học Texas, Dallas năm 2012. Hiện ông dạy Anh ngữ và truyền thông tại Richland College ở Texas, Hoa Kỳ.
Gjekë Marinaj là nhà thơ gần gũi với bạn đọc Việt Nam. Ông đến Hà Nội lần đầu tiên vào tháng 6 năm 2014 nhân buổi ra mắt tập thơ song ngữ Việt-Anbani “Zanore në vesë – Những nguyên âm trong sương sớm” của Mai Văn Phấn (Nhà Xuất bản Botimet M&B của Anbani, 4/2014; Nhà Xuất bản Hội Nhà văn tái bản, 6/2014). Sau đó ông đến Việt Nam thêm hai lần nữa tham dự Liên hoan Thơ châu Á – Thái Bình Dương do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.
Thơ Gjekë Marinaj đã được dịch và đăng trên các báo và tạp chí của Việt Nam. Năm 2014, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn đã ấn hành tập thơ của ông “Những hy vọng trong suốt” do Nguyễn Chí Hoan dịch từ tiếng Anh, Takya Đỗ biên tập. Tháng 6 năm 2016, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn xuất bản cuốn sách nghiên cứu song ngữ Việt-Anh của ông “Những cây liễu rỉ máu – Bleeding willows”, do Nguyễn Quang Thuật dịch. Cuốn sách không đánh giá lại lịch sử, mà thông qua thơ ca đi sâu nghiên cứu, tìm tới cội nguồn sức mạnh tinh thần của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Gjekë Marinaj còn để lại ấn tượng cho bạn đọc Việt Nam thông qua “Thuyết Proton”, được ông đề xướng vào năm 2005, nhằm đáp trả cơn lũ của chủ nghĩa phê bình tiêu cực thái quá tại các nước Đông Âu sau sụp đổ ý thức hệ. Gjekë Marinaj coi việc thực hành phê bình văn học là một trong những thành tố cơ bản để đánh giá và khẳng định một tác phẩm văn học.
Mới đây, Gjekë Marinaj gửi đến chúng tôi bài thơ của ông “Not Words Enough for those Vietnamese Women” (Lời nào nói hết về những người con gái Việt Nam). Thông qua bản dịch của dịch giả Takya Đỗ, bạn đọc được chiêm ngưỡng vẻ đẹp nước Việt hòa quyện cùng tâm hồn phụ nữ Việt dưới nhãn quan của nhà thơ Gjekë Marinaj.
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà:
Gjekë Marinaj luôn đem đến những bất ngờ cho người đọc Việt. Ông thường xuyên xuất hiện bằng nhiều cách trên mảnh đất Việt Nam, mà ông mong muốn mình sẽ được làm công dân danh dự trên mảnh đất này.
Với bài thơ Nói sao cho hết về người con gái Việt Nam, nhà thơ Gjekë Marinaj đã dâng những thi từ tuyệt đẹp từ trong sâu thẳm tiềm thức của một nhà thơ Mỹ, được cho là nhà thơ có lối viết đa chiều, nhiều chiều kích, ẩn chứa vũ trụ, ẩn chứa thế giới tâm linh, rất khó dịch cho đúng uyển ngữ thi mộng nhưng cũng đầy triết lí nhân sinh cõi kiếp của ông.
Tôi yêu bài thơ này, vì được viết ra từ một nhà thơ Mỹ gốc Anbani, gắn bó với Việt Nam như duyên nợ. Tôi có thể đọc thấy và hình dung tất cả 64 tỉnh thành, tất cả đức tính đẹp nhất của những người con gái Việt Nam được nhà thơ Gjekë Marinaj nén trong những câu chữ, như khối ngọc tuyền lung linh và mê đắm.
Nói sao cho hết về người con gái Việt Nam
Thơ Gjekë Marinaj
Dịch:Takya Đỗ
Họ khiến ánh chiều tan vào điệu hát ru
Mà làn gió hóm hỉnh ân cần đang ngân nga ngoài nội;
Chiều chạng vạng thổi hồn vào mượt mà đêm tối
Và trút những vì sao xuống lòng họ như mưa;
Họ mê hoặc không gian và thời gian, hoàn toàn vô thức,
Khiến chúng hòa âm cao vút đỉnh trời:
Đâu là nhạc cụ và đâu là người chơi?
Họ chẳng màng phân biệt.
Vũ trụ ngân vọng đến họ tình yêu bất tận
Khi họ dõi những ánh mắt sáng long lanh
Nhìn Sông Hồng dâng trào đỏ thắm
Vào bộ ngực chân trời trống trải mông mênh.
Họ hất mái tóc đen huyền ngọc trai sang bên
Khiến Vịnh Bắc Bộ cồn cào dậy sóng,
Gương mặt họ in hình bóng
Vầng mặt trời chói lóa bởi tia nắng của chính mình.
Núi đồi nghiêng vai lộng lẫy gấm thêu,
Điểm tô bằng mùa màng rực sắc màu trên đó:
Đàn bồ câu thả chiếc lông ngợi ca phẩm cách họ,
Chúng di trú lên cao để biểu lộ tình yêu.
Như những đóa hoa trinh nữ, vẻ huyền ảo diễm kiều
Họ tỏa sáng đất Việt thêm một bầu trời rạng rỡ;
Họ múa theo tiếng nhạc thời gian và không gian ngâm ngợi
Và đan dệt cho khoa học một DNA mới.
Bằng những ngón tay, họ dàn dựng vũ điệu đặc sắc
Những bản sonnet rất hiếm người hiểu được,
Giăng tấm lưới từ bi của sự hy sinh,
Khiến rồng thiêng đất Việt phà khói lửa uy linh.
Cưỡi lên xe máy, đội mũ bảo hiểm
Họ dệt nên dải ngân hà thứ hai dưới cõi trần
Phủ lên các tỉnh thành tấm lụa mỏng ánh trăng
Như bày đom đóm phủ sáng phố phường.
Với hoa lá ở sau lưng, họ có thể gây xáo động
Các cậu trai choáng váng, tâm trí chống chếnh vì mê hoặc –
Một nghệ thuật nhiệm màu của người sống
Giữa cõi thực và cõi mộng.
Khi họ đi qua, đừng nhìn chiếc nón lá đội đầu mà xét đoán,
Quả mâm xôi với vải thiều xin đừng nhầm lẫn.
Đức hạnh của họ được tô điểm bên trong trái nhãn,
Song sự ân cần của họ như làn gió hè dịu mát.
E lệ khiến màu cờ của họ ửng hồng khi đương đầu với địch,
Họ sẵn sàng giật ngôi sao vàng từ trái tim đỏ thắm
Và gấp cánh sao thành đôi cánh máy bay phản lực,
Như tia sét chói lòa tấn công ở khắp mọi nơi.
Rồi sóng gợn trùng dương với nụ cười của họ,
Những nụ hôn gió biến những gợn lăn tăn thành sóng cả
Hơi thở tinh khôi của họ hệt những cánh buồm óng ả
Khiến đất và nước thôi đối nghịch để cùng giao hoan.
Đâm chồi trên thiên đàng, nở hoa trong thế giới tự nhiên,
Họ để lại nơi nơi hình ảnh những thiên thần,
Một ảo tượng kéo dài màu nhiệm:
Mẫu hình thu nhỏ của nữ giới hân hoan.
Mí mắt họ ẩn tàng bao huyền thoại xứ sở,
Những nhật ký chưa được viết ra của vua Lê Thánh Tông,
Một khu thờ tự mới trong Văn Miếu
Nơi tri thức đóng lên dấu ấn cháy bỏng của mình.
Hỡi các nhà thư pháp, xin hãy coi niềm mong ước của tôi là lời cầu nguyện:
Được vinh dự là một tỉnh thêm vào đất Việt* khi Năm Mới của họ đến.
__________
* Câu “Được vinh dự là một tỉnh thêm vào đất Việt” trong bản gốc nguyên là “Được là tỉnh thứ năm mươi chín”, do tác giả đã gồm cả 5 thành phố lớn vào số các tỉnh này. Người dịch đã sửa lại sau khi được tác giả đồng ý.