Không phải ngôi sao Hollywood Tom Hiddleston, hay Brie Larson mà phong cảnh Hạ Long, Ninh Bình, Quảng Bình mới là “ngôi sao” lôi kéo khán giả Việt đến rạp xem Kong: Skull Island. Bom tấn Mỹ này đã góp phần đưa bối cảnh phim lên một tầm cao mới.

Sau Đông Dương (1992), Điện Biên Phủ (1992), Người Mỹ trầm lặng (2002), tới tận năm 2016 mới có một đoàn làm phim nước ngoài lưu lại Việt Nam cả tháng trời để ghi hình như Kong: Skull Island (tạm gọi là Kong). Đây là sự kiện lớn vì không phải đoàn làm phim Mỹ nào cũng có cơ hội vào Việt Nam làm phim.

Khi ngôi sao không còn là nhân vật chính

Không như “bom tấn Mỹ” PAN chỉ cho danh thắng Việt Nam vài giây trên màn hình, Kong hoàn toàn nhờ vào bối cảnh ở Hạ Long, Ninh Bình, Quảng Bình. Phong cảnh tự nhiên của 3 địa danh này xuất hiện trong phim dày đặc, đẹp tự nhiên, ít bị kỹ xảo can thiệp. Việc các danh thắng Việt Nam lên phim bom tấn Mỹ không phải việc ngày nào cũng xảy ra, nên tất nhiên ai cũng tò mò: Việt Nam lên phim Mỹ sẽ như thế nào?

Ngoài ra, người Việt vẫn còn nhớ vụ để tuột mất cơ hội vào tay Thái Lan khi “nhường” một bộ phim về Điệp viên 007 cho Thái. Và, cũng nhờ phim này, một địa điểm du lịch của Thái Lan lập tức trở nên đắt khách sau đó.


Khán giả đã ồ lên khi nhìn thấy hình ảnh Việt Nam trên phim “Kong: Skull Island”

Rút kinh nghiệm từ quá khứ, lần này, Việt Nam rộng cửa mời Kong. Và bộ phim không khó khăn để gì trở thành tâm điểm của truyền thông Việt Nam.

Ở nhiều góc độ, Kong được đánh giá không tốt bằng tác phẩm King Kong (2005) của đạo diễn Mỹ Peter Jackson. Nhưng nó vẫn trở thành hiện tượng tại Việt Nam vì một lý do: bối cảnh.

Lần đầu tiên bối cảnh đã trở thành “ngôi sao” chứ không phải diễn viên. Lần đầu tiên bối cảnh trở thành yếu tố quan trọng hơn cả nội dung phim. Và rất có thể hiện tượng Kong sẽ đẩy bối cảnh lên một “tầm cao” mới trong điện ảnh Việt Nam.

Bối cảnh – “cơn sốt” mới?

Bối cảnh là một ngôn ngữ rất quan trọng trong điện ảnh. Nhưng chưa bao giờ bối cảnh lại được quan tâm với mức độ như bây giờ. Ở Việt Nam, không phải Kong mà Victor Vũ mới là người được nhớ đến trước trong việc khiến bối cảnh trở nên “hot” hơn.

Sau những cú flying-cam (ghi hình bằng thiết bị bay) khiến khán giả xuýt xoa trong Quả tim máu (2013), Victor Vũ tiến tới khiến khán giả Việt Nam cảm thấy tự hào vì đất nước mình quá đẹp với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015).

Sau hai bộ phim này, trào lưu đầu tư cho bối cảnh bắt đầu nở rộ trong điện ảnh. Nhưng không phải ai cũng có khả năng thể hiện bối cảnh như một ngôn ngữ điện ảnh.

Các đoàn làm phim thi nhau tìm bối cảnh đẹp, lạ. Flying-cam được sử dụng tràn lan trên màn ảnh rộng. Những bộ phim bỗng dưng đẹp như MV ca nhạc, lung linh như đã qua xử lý photoshop, trong khi câu chuyện và nhân vật vô cùng nhạt nhẽo.

Ngay cả phim truyền hình cũng không thoát khỏi cuộc đua này. Bộ phim truyền hình Việt – Hàn Tuổi thanh xuân phần 1, nhân vật được đưa đi khắp các điểm du lịch nổi tiếng của Hàn Quốc. Phần 2, bối cảnh chuyển về Đà Nẵng, Hạ Long, Hà Nội, các diễn viên xuất hiện trong phim không khác gì đi quay phim quảng cáo.

Bối cảnh bỗng nhiên trở thành thứ có giá trị để khai thác khi quảng bá phim. Chẳng hạn, khâu truyền thông Cuộc đời của Yến đã mời gọi khán giả xem phim vì… phim có cảnh đẹp không khác gì Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.

Thấy khán giả Việt đang hừng hực khí thế lao ra rạp xem Hạ Long, Ninh Bình trên phim Kong, bộ phim độc lập Cha cõng con đã không bỏ qua cơ hội này. Trong thông cáo gửi đến báo chí, có gợi ý: không chỉ phim Kong quay Việt Nam đẹp, mà Cha cõng con cũng có những hình ảnh đẹp tuyệt vời ghi tại Hà Giang.

Lịch sử điện ảnh Việt Nam trong thời kỳ phim “mỳ ăn liền” (những năm 90) đã xảy ra đủ “nạn dịch”: tắm trong phim, sinh nhật, vũ trường, lấy Việt kiều… Đó là những dấu hiệu của đời sống kinh tế thị trường thời điểm đó, có sức hấp dẫn nhất định với khán giả, nên được các nhà làm phim sử dụng tràn lan đến phát nhàm.

Đến thời bây giờ, điện ảnh thương mại Việt lại đón những đợt “dịch” khác như: hài nhảm, nhân vật đồng tính…

Ai mà biết được, với những thành công doanh thu mà Kong tạo nên nhờ vào bối cảnh Việt Nam và với tư duy điện ảnh phải gắn với du lịch, biết đâu bối cảnh sẽ trở thành nạn “dịch” mới của điện ảnh Việt Nam?

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa