Cứ ngỡ sứ mệnh của nhà văn là viết còn vai trò của họa sĩ là vẽ nhưng rất nhiều khi sự hoán đổi, hòa trộn giữa hai “nhà” lại làm nên những điều thú vị, độc đáo. Khi nhà văn cầm cọ, họa sĩ gõ bàn phím chính là lúc họ chỉ còn duy nhất một định danh: Nghệ sĩ đích thực.
Nhà văn Trần Nhương vẽ chân dung trong Văn Miếu
Bán chân dung trong Ngày thơ
Đã hơn chục năm qua, nhà văn Trần Nhương không vắng mặt trong bất kì Ngày thơ Việt Nam nào được tổ chức tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào Rằm tháng Giêng. Trong lúc bạn bè chọn sân thơ đầu năm làm điểm hẹn, gặp gỡ, thăm hỏi, trao tặng những cuốn sách mới thì ông vác giấy bút, than chì, màu vẽ ra góc sân ngồi vẽ chân dung tại chỗ.
Khách hàng đủ các lứa tuổi, từ các em bé theo ông bà, bố mẹ đến Ngày thơ, các cô cậu sinh viên đi xin chữ đầu xuân hay các bậc lão niên chữ nghĩa đầy mình…, miễn là yêu hội họa thì nhà văn lập tức phóng bút chớp ngay thần thái nhân vật để thể hiện bức chân dung đầy ngẫu hứng. Nếu nhân vật muốn tự vẽ chân dung của mình hoặc vẽ chính…
Trần Nhương cứ việc dùng giấy bút thoải mái. Trên chiếc bàn bày họa phẩm còn có một hộp giấy được dán kín, khoét một khe nhỏ phía trên chỉ đủ để nhét một tờ tiền gấp tư, đó là thù lao khách hàng trả cho họa sĩ khi có được bức tranh ưng ý.
Mức thù lao không cố định, tùy thuộc vào người được vẽ, thậm chí không có cũng chẳng sao, khi hứng lên, họa sĩ có thể tặng không. Góc sân có bàn vẽ của nhà văn lúc nào cũng đông kín khách hàng xếp vòng trong vòng ngoài chờ đến lượt.
Nhà thơ Mỹ vẽ văn nghệ sĩ Việt Nam
Trong số các nhà thơ nước ngoài thân thiết với Việt Nam, cái tên được nhiều người nhắc đến nhất là Kevin Bowen – từng là Giám đốc trung tâm William Joiner thuộc trường Đại học Massachusetts, Boston, Mỹ (nay là Viện William Joiner). Nhà thơ Kevin Bowen từng đón rất nhiều nhà văn Việt Nam sang Mỹ, ở trong ngôi nhà của mình tại Boston để trò chuyện, trao đổi về văn chương, nghệ thuật, công việc sáng tác cũng như đời sống văn hóa xã hội.
Chính trong những khoảnh khắc đó, Kevin Bowen đã nhìn thấu được vẻ đẹp trí tuệ, tâm hồn của những người bạn Việt Nam, và ông thể hiện lại qua những bức chân dung đầy cảm xúc.
Suốt nhiều năm, nhà thơ Mỹ âm thầm vẽ 34 bức chân dung các văn nghệ sĩ Việt Nam như: Nguyên Ngọc, Hữu Thỉnh, Vũ Tú Nam, Phạm Tiến Duật, Đỗ Chu, Nguyễn Quang Thiều, Lê Minh Khuê, Y Ban… Nhà thơ Kevin luôn tự hào nói với bạn bè rằng: “Những bức chân dung này không phải chỉ treo trên tường mà ở ngay trong trái tim tôi”.
Cuối năm 2013, triển lãm “Một gương mặt của lịch sử” được tổ chức tại Hà Nội, các nhân vật trong tranh Kevin đều được mời đến dự, không ít người sửng sốt khi nhìn ngắm lại chính mình qua nét vẽ của người bạn Mỹ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều xúc động bày tỏ những cảm nhận khi xem 34 bức tranh chân dung các văn nghệ sĩ Việt Nam: “Khi vẽ là lúc Kevin đang phục hồi ký ức của ông. Các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ mà Kevin vẽ cũng đang phục hồi ký ức khi đứng trước chân dung mình.
Thời gian cứ thế trôi và họ đã già đi. Nhưng với Kevin thì họ chỉ “trưởng thành mà không già đi”… Kevin không định trở thành một họa sĩ, ông càng không có ý định làm một triển lãm, ông chỉ là người mang chúng ta về lại cho chúng ta mà thôi” .
Triển lãm kết thúc, toàn bộ số tranh được bà Nguyễn Thị Liễu – Chủ tịch HĐQT Công ty Truyền thông Việt Nam Xanh mua với giá 10.000 USD và tặng lại Bảo tàng Văn học Việt Nam.
Họa sĩ đoạt giải thưởng Hội Nhà văn
Giới nhà văn nhiều lần phải kính nể khi nhìn sức viết khủng khiếp của họa sĩ Đỗ Phấn. Bắt đầu bước vào lãnh địa văn chương từ những tản văn, tạp bút in trên Báo Lao động cuối tuần, Đỗ Phấn dần dần “chiếm lĩnh” sân chơi của các nhà văn bằng những tập truyện ngắn, tiểu thuyết xuất bản liên tục trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Hàng tuần ông phải hoàn thành nhiệm vụ vẽ minh họa cho mấy tờ báo và viết bài cho vài tờ báo từ Bắc vào Nam, từ tản văn đến các bài mang tính chuyên môn về hội họa. Chưa kể bất cứ khi nào các biên tập viên văn hóa văn nghệ bị “cháy” bài, gọi Đỗ Phấn cấp cứu, lập tức có ngay một truyện ngắn vừa vặn khuôn khổ trang báo, nếu cần thì họa sĩ vẽ minh họa luôn cho tác phẩm của mình.
Đọc sách của Đỗ Phấn, người đọc không bị vấp phải cảm giác cầm trên tay cuốn sách của một họa sĩ viết văn, mà thực sự là những trang viết của một người giàu kiến thức, có phông văn hóa sâu rộng về nhiều lĩnh vực. Đề tài được khai thác nhiều nhất (và gần như duy nhất) trong văn chương Đỗ Phấn chính là Hà Nội xưa và nay.
Hà Nội hào hoa, lịch lãm trong Đỗ Phấn thân thuộc như máu thịt cho nên ông cũng xót xa như bị cứa vào lòng mỗi khi chứng kiến một sự tàn phá nét đẹp cũ của đất ngàn năm văn vật. Chính vì vậy, ông được bạn bè suy tôn là “người kể chuyện Hà Nội bằng tất cả tình yêu và nỗi đau”.
Năm 2014, Đỗ Phấn vượt qua nhiều đối thủ nặng ký để nhận giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Hà Nội cho truyện dài “Dằng dặc triền sông mưa” (đây là cuốn sách thứ tám của ông). Tiếp đó, hầu như năm nào họa sĩ cũng cho ra mắt bạn đọc 2-3 cuốn sách. Dự kiến năm 2017 ông sẽ xuất bản 5 cuốn, cả tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn…
Theo An ninh Thủ đô