Vài năm trở lại đây, các nhà làm phim tập trung mổ xẻ những thảm họa thiên nhiên do con người gây ra. Từ đây dấy lên hồi chuông cảnh báo về thiên tai với hậu quả khó lường.
Bộ phim Outbreak ra đời năm 1995, dự báo trước cho các loại dịch bệnh mà xã hội tân tiến phải đối mặt |
Những phim đề tài môi trường
Nếu để tìm một phim về nạn sóng thần, động đất, thậm chí nhiễm phóng xạ, hóa chất… thì nhiều vô kể. Năm 2005, Hollywood từng thực hiện Sahara với vốn đầu tư khá hoành tráng 130 triệu USD, lồng ghép vào chuyến phiêu lưu truy tìm kho báu với một vấn nạn kinh hoàng có liên quan tới sự tồn vong của loài người.
Phim tuy bị chê là lê thê và kịch bản lỏng lẻo, song tư tưởng của đạo diễn Breck Eisner lại khá rõ ràng: bên ngoài vật chất lung linh luôn tồn tại sự dơ bẩn, tội lỗi.
Bên dưới chiếc tàu cổ chứa đựng kho báu vô giá vùi sâu giữa đại dương là những thùng hóa chất cực độc, giết chết nhiều người dân vô tội sống quanh đó.
Một cuộc tranh đấu diễn ra, tất nhiên, kẻ ác bao giờ cũng bị trừng trị. Song làm người tốt như nhân vật Eva thì cũng đôi lúc sống trong cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”.
Không chỉ có Sahara, Hollywood “tẩy chay lòng tham không đáy” của các tập đoàn đa quốc gia, những cái bắt tay chết người bằng một số phim thảm họa diệt vong như Contagion, Outbreak…
Chất độc ẩn sâu dưới lớp cát sa mạc, giết chết nhiều dân đen trong Sahara |
Ở điện ảnh châu Á, dựa theo chi tiết có thật, phim The Host do đạo diễn Bong Joon-ho (Hàn Quốc) dàn dựng vào năm 2006 nói về một trung tâm khoa học quân đội Mỹ đổ lượng lớn chất thải formaldehyde vào nguồn nước sông Hàn. Sau đó vài năm, chất thải ấy chuyển hóa thành con quái vật to lớn, sát hại hàng loạt người dân trong thành phố.
The Host – một kịch bản khủng khiếp về chất thải độc ra sông Hàn |
Dịp tết Bính Thân 2016, bom tấn Mỹ nhân ngư của đạo diễn Châu Tinh Trì mô tả hiện tượng cá chết vì độc tố trong cái nhìn duy mỹ và lãng mạn. Dù chỉ đơn thuần là phim giải trí, song Mỹ nhân ngư cũng như rất nhiều phim hài của họ Châu, đều có một thông điệp gì đó đáng lưu tâm.
“Khi loài người phá hoại môi trường, đứng trên phương diện không phải loài người mà xem xét, từ góc độ của những chủng loài khác đi xem loài người đang làm gì.
Đương nhiên chúng ta sinh sống trên trái đất, mỗi ngày đều phải hít thở, dựa vào tài nguyên của trái đất mà sinh tồn. Mọi người đều có quyền bày tỏ cảm xúc của mình, hiện tại thế nào, tương lai ra sao để không phải lo lắng. Mọi việc chúng ta phải đối mặt hàng ngày sẽ cảm nhận được ngay” – Châu Tinh Trì nói về phim Mỹ nhân ngư.
Cảnh trong Mỹ nhân ngư. |
Phim tài liệu: những cảnh báo
Nếu những bộ phim The Impossible, 2012, The Day After Tomorrow… chỉ đơn thuần mô tả lại hay phóng đại độ khốc liệt của Mẹ thiên nhiên thì chính các tác phẩm phim tài liệu, bằng sự tối giản và chân thực, dám nhìn thẳng vấn đề, nguyên nhân, hậu quả và cách giải quyết.
An Inconvenient Truth, bộ phim đoạt hai giải Oscar năm 2007, được đưa vào môi trường giáo dục để lớp trẻ dễ dàng nhận thức việc bảo vệ môi trường là thiết yếu. Al Gore, cựu Phó Tổng thống Mỹ, trong vai người dẫn chuyện đi tìm nguyên nhân vì đâu khí hậu Trái đất ngày một nóng dần, hạn hán, lũ lụt, bệnh dịch tràn lan…
Nguyên nhân được phim chỉ ra rất rõ ràng: chính con người khai thác triệt để các nguồn tài nguyên, săn bắn thú quý hiếm; sẵn sàng phun thải hàng trăm ngàn tấn hóa chất độc hại ra bên ngoài không qua khâu xử lý…
Cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore theo đuổi công cuộc bảo vệ môi trường |
Một năm sau, Flow: For Love of Water ra đời, tiếp tục chỉ ra vấn nạn toàn cầu, điển hình là nguồn nước sạch sẽ đi về đâu khi 70% lượng nước trên thế giới được sử dụng cho nhu cầu nông nghiệp. Phim đưa ra con số 2 triệu người chết mỗi năm do nhiễm độc từ nước do sự chảy tràn hóa chất, thuốc trừ sâu… làm thay đổi hệ sinh thái.
Nguồn nước sạch bị phân rẽ bởi các yếu tố kinh tế, chính trị khiến cho đối tượng thật sự sở hữu nó trở nên hạn hẹp.
Nam tài tử Leonardo DiCaprio, một trong những biểu tượng gây ảnh hưởng nhất hiện nay theo tờ Time bình chọn, từng nằm trong đội ngũ sản xuất cuốn phim tài liệu The 11th Hour. Bộ phim bao gồm hàng loạt các cuộc phỏng vấn ngắn mà trong đó, các nhà khoa học, học giả, chính trị gia… trực tiếp đưa ra giải pháp của họ nhằm cứu lấy sự suy thoái đại dương, nạn phá rừng, tuyệt chủng giống loài… Bộ phim từng giành giải thưởng Sinh thái học National Geographic năm 2008.
Leonardo DiCaprio từng đứng ra thực hiện dự án The 11th Hour |
Một cảnh trong Flow For Love of Water |
Theo Đức Trần – Tuổi trẻ