Lịch sử thư pháp Việt Nam, công trình tương đối toàn diện về lịch sử thư pháp của đất nước của tác giả 8X Nguyễn Sử vừa được Công ty sách Nhã Nam ra mắt tối qua (16/1) tại Hà Nội.
Sinh năm 1986, tốt nghiệp ĐH Sư phạm Phúc Kiến, Trung Quốc, Nguyễn Sử (hiện làm việc tại Phòng nghiên cứu Phật giáo – Viện nghiên cứu Tôn giáo) có vốn kiến thức sâu rộng về Hán – Nôm, đồng thời say mê nghiên cứu và thực hành thư pháp.
Nguyễn Sử bắt tay vào nghiên cứu lịch sử thư pháp Việt Nam từ cuối năm 2012. Trong 2 năm đầu tiên, anh dành phần lớn thời gian để đọc lại toàn bộ các bộ chính sử của Việt Nam bằng nguyên bản để tìm ra những mảnh ghép dù nhỏ nhất về phép tắc viết chữ của người Việt.
Bìa cuốn Lịch sử thư pháp Việt Nam
Sau đó, Nguyễn Sử tự bỏ tiền túi đi khắp các tỉnh thành Việt Nam, lên tận Cao Bằng, vào tận Đà Nẵng, TP.HCM để tìm lại những câu “thần bút” Việt. Tác giả cho biết, cũng như Nhật Bản, Triều Tiên, thư pháp Việt Nam ảnh hưởng khá nhiều bởi những phép tắc viết chữ của người Trung Quốc. Tuy nhiên, hành trình đi tìm những tác phẩm thư pháp Việt đã giúp Nguyễn Sử phát hiện ra rằng, trong hơn 2.000 năm sử dụng chữ Hán, người Việt đã xây dựng rất nhiều loại phong cách viết chữ khác nhau.
Chính vì thế, Lịch sử thư pháp Việt Nam là cuốn sách khảo cứu công phu các sử liệu Việt Nam cùng với sử liệu Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc bàn về thư pháp, khảo sát và đối chiếu một hệ thống các tác phẩm thư pháp Việt Nam suốt chiều dài lịch sử hiện còn lưu giữ trong các đền chùa, trên bia đá, vách núi, hang động hay trên giấy.
Tác giả 8X Nguyễn Sử
Theo đánh giá của các chuyên gia, cuốn Lịch sử Thư pháp Việt Namthuộc dòng sách khảo cứu theo xu hướng mới hiện tại: có chất lượng minh hoạ, thuyết minh cao, thuyết phục về dữ liệu mà tiêu biểu có thể kể đến như Ngàn năm áo mũ – khảo về lịch sử trang phục Việt Nam của Trần Quang Đức.
Hoài Thương – Thể thao và Văn hoá