Ta không làm giận mắt nhau/ mà chẳng vì điều gì/ giọt kỷ niệm/ lăn dài theo năm tháng…Lời của nhà thơ Pháp Mathieu Dufourg minh họa cho bức chân dung vẽ bằng màu nước. Tấm ảnh đen trắng được phủ thêm lớp rêu phong loang lổ như gợi nhắc về một điều gì vụn vỡ, mơ hồ. Vương Thái Bảo đặt tên cho tác phẩm là Xuyên thấu, qua đó anh muốn hé mở cánh cửa ký ức dẫn đến thế giới nội tâm in đậm dấu ấn tha hương cùng niềm khắc khoải về nguồn cội. “Bởi vì thành phố nơi tôi đang sống không phải nơi tôi sinh ra, còn gia đình tôi là gia đình Việt Nam duy nhất ở khu phố. Tất cả những gì tôi hình dung và biết được về Việt Nam chỉ thông qua các bức ảnh, chuyện kể của bố mẹ hay những thước phim… Nó chưa đủ để trả lời hết những dấu hỏi trong tôi”, Bảo chia sẻ.
Vương Thái Bảo sinh năm 1978, là nghệ sĩ trẻ người Pháp gốc Việt, từng theo học nghệ thuật tại Toulon và Avignon. Anh từng tham gia một số triển lãm cá nhân và nhóm ở Pháp. Năm 2013, anh quyết định quay về Việt Nam để tiếp tục hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Qua là triển lãm đầu tiên của Bảo tại Việt Nam, gồm 12 tác phẩm, trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Pháp – L’Espace, Hà Nội từ 14.6 – 7.7. |
Rời Việt Nam từ năm 1 tuổi, sống giữa cộng đồng người Pháp cho đến khi trở thành nghệ sĩ, Vương Thái Bảo vẫn luôn đau đáu về gốc gác của mình. Bảo trăn trở về bản sắc ở đất nước nơi mình sinh ra, thấy tò mò về cuộc sống của con người và day dứt khi không được một lần trải nghiệm tuổi ấu thơ tại mảnh đất ấy. Vì vậy, đối với nghệ sĩ Pháp này, Qua chính là một hành trình lộn ngược thời gian để trở về quá khứ, để được chìm vào mảng ký ức về quê hương. “Người ta thường mơ về tương lai. Còn tôi lại ôm một giấc mơ về quá khứ, cho những điều tôi chưa từng trải nghiệm. Tôi thực hiện các tác phẩm như một cách làm đầy khoảng trống về thời tôi không được sống ở Việt Nam. Đồng thời, cũng là để giãi bày tâm tư, tình cảm và giải phóng mình khỏi nỗi nhớ luôn day dứt bấy lâu”.
Mỗi tác phẩm trong triển lãm Qua đều phảng phất hơi thở của nền văn hóa Việt, với kiểu xếp đặt đậm màu sắc tín ngưỡng, cách phối hình ảnh vừa độc đáo vừa bình dị, quen thuộc. Chẳng hạn, tác phẩm Ban thờ là một chiếc bình trong suốt được đổ đầy gạo vào, cắm những thanh thủy tinh, nhắc nhớ mỗi người về tổ tiên, gốc rễ. Tác phẩm Trồng trọt là chiếc đèn lồng làm từ bánh đa nem và nan tre, trông như kén bướm, đèn lồng… lơ lửng giữa không gian. Rồi có những tấm ảnh chân dung bị che khuất khuôn mặt, nước màu chảy xuống tạo thành đường rãnh đổ dài đem đến cảm giác lạc lõng và vô định. Hoặc với Bao lâu rồi, nghệ sĩ như đưa khán giả lên một chuyến tàu ngược về quá khứ với kỷ niệm gia đình thông qua mặt sau của những bức hình nhuốm màu thời gian…
Tác phẩm Cậu bé và cung điện trưng bày tại triển lãm Qua |
“Việt Nam luôn nằm trong sâu thẳm trái tim tôi, đã cho tôi nguồn cảm hứng sáng tạo dồi dào. Khi quay trở lại quê hương sau mấy chục năm, tôi phát hiện ở mình một con người mới, con người ấy đã nằm ngủ bấy lâu nay được đánh thức và mọi ý tưởng cho các tác phẩm đến một cách tự nhiên” – Bảo tâm sự. Các tác phẩm của Bảo mang phong cách nghệ thuật đương đại nhưng vẫn toát lên cái hồn của Việt Nam, thể hiện hình ảnh Việt Nam với những nét đặc trưng về cảnh vật, con người… “Đó là một Việt Nam theo cách nhìn của Bảo”.
Nhà thơ Pháp Mathieu Dufour cho biết, lần đầu xem các tác phẩm của Bảo, tuy không có một lời giải thích về nội dung nhưng ông vẫn cảm nhận ở đó niềm nhớ thương da diết đối với Việt Nam. “Điều đó đã thôi thúc tôi làm thơ minh họa cho các tác phẩm. Nghệ sĩ trẻ này đã cho tôi thấy, dù người nào có rời xa đất nước của mình, sợi dây liên lạc về địa lý bị cắt đứt, nhưng tình cảm gắn bó, nhớ nhung thì chắc chắn vẫn đeo đuổi suốt phần đời còn lại”.
Nguồn: Đại biểu nhân dân (Lê Thư)