Mai Lữ
Những năm gần đây, Giải thưởng Văn học tuổi 20 do Nhà xuất bản Trẻ tổ chức đã tạo nên một thương hiệu mang dấu ấn sáng tạo của các cây viết trẻ. Ở lần thứ bảy, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song kết quả khả quan vẫn mang lại nhiều hy vọng về một đội ngũ nhà văn kế cận đầy tâm huyết, trách nhiệm.
Đến nay, tổng số tác phẩm dự Giải thưởng Văn học tuổi 20 là 2.133. Ở lần thứ bảy, số lượng dự thi nhiều nhất, với 511 tác phẩm, hầu hết tác giả đều thuộc lứa tuổi 9x. Tuy không có giải nhất, song hai giải nhì được trao cho tác phẩm “Vụn ký ức” của Yang Phan và “Nửa lời chưa nói” của Duy Ân đã được giới chuyên môn và bạn đọc đánh giá cao.
Truyện dài “Vụn ký ức” được nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đánh giá là tác phẩm hay, hấp dẫn, có văn. Còn tập truyện ngắn “Nửa lời chưa nói” của Duy Ân thể hiện khả năng diễn đạt hài hước, thông minh, sắc sảo về một thế giới trẻ rộng mở, những mối bận tâm đương đại… Tác phẩm mang lại cái nhìn ít nhiều có tính phát hiện trước một số vấn đề của đời sống và đó không chỉ là đời sống của con người, xã hội mà còn là đời sống của ngôn ngữ, văn hóa.
Ngoài hai giải Nhì, Ban Tổ chức trao hai giải Ba cho các tác phẩm: “Vệt sáng của bụi” của Lê Quang Trạng và “Chuồng cọp trên cao” của Nguyễn Thu Hằng; ba giải tư cho các tác phẩm: “Có thú dữ trong thành phố” của Nguyên Nguyên, “Bảy bảy bốn chín” của Hoàng Công Danh và “Chopin biến mất” của Hiền Trang. Trong khi tác giả Hiền Trang tập trung vào mối quan hệ giữa âm nhạc với sự sống vừa huyền vi vừa trần thế của con người thì Nguyên Nguyên ướm mình vào trải nghiệm tất cả các nghịch cảnh có thể có và khát khao tìm cách thoát ra khỏi các nghịch cảnh ấy.
Tác giả Hoàng Công Danh lại chọn cách gieo ám ảnh vào lòng độc giả với những câu chuyện về tín ngưỡng, những tập tục của làng quê; Nguyễn Thu Hằng kiên trì viết về những nỗi người trong một khung cảnh sinh thái đậm chất đồng bằng Bắc Bộ; Lê Quang Trạng bền bỉ, cuốn hút với tác phẩm về không gian đất và người phương nam với lối quan sát và biểu đạt tinh tế, kỹ lưỡng.
Nhận xét về đặc điểm nổi trội của các tác giả trẻ tham gia Giải thưởng Văn học tuổi 20, PGS, TS Ngô Văn Giá, thành viên Hội đồng chung khảo, nhấn mạnh, giờ đây, các cây bút trẻ đã sống kỹ, đào sâu vào vùng đất của riêng mình, hiểu theo cả nghĩa địa lý và nghĩa tinh thần. Chỉ có sống kỹ, đào sâu vào vùng sống của riêng mình, do mình lựa chọn, thì mới có khả năng kết tinh và thành tựu. Ðây là một lựa chọn nhiều hứa hẹn. Ngay cả một số bạn trẻ đang sống, học tập và làm việc ở nước ngoài cũng chọn cho mình một chỗ đứng như vậy.
Nếu xét về phong cách viết, có thể chia hai dạng: truyền thống và toàn cầu hóa. Dạng truyền thống là kết quả của những gắn bó, va đập với đời sống muôn màu muôn vẻ ở cả vùng nông thôn lẫn đô thị, ở cả xứ ta lẫn xứ người. Dạng thứ hai, chủ yếu được cất lên từ văn hóa, từ học vấn, tri thức, từ nghề nghiệp chuyên môn. Các tác giả này thạo ngoại ngữ, một số người đã tu nghiệp nhiều năm ở nước ngoài, họ chọn lối thay đổi tư duy nghệ thuật và khẳng định cá tính sáng tạo, thí dụ như Yang Phan hay Duy Ân.
Ðược tổ chức lần đầu vào năm 1994 với sự phối hợp của ba đơn vị: Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, Báo Tuổi Trẻ và Nhà xuất bản Trẻ, Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 nay đã bước sang mùa giải thứ bảy. Kể từ năm 2019, Nhà xuất bản Trẻ là đơn vị tổ chức duy nhất và đổi tên thành Giải thưởng Văn học tuổi 20. Ðiểm nổi bật của giải thưởng là tính phát hiện và gọi tên một lực lượng sáng tác trẻ. Hơn 50 tác giả với 63 tác phẩm được trao thưởng đã đóng góp cho văn đàn những giá trị đáng kể.
Các cây bút, như: Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Tư, Trần Thị Hồng Hạnh, Trương Anh Quốc, Nguyễn Ngọc Thuần, Phan Việt, Dương Thụy, Phong Ðiệp, Võ Diệu Thanh… đã tiếp tục khẳng định bút lực, cá tính sáng tạo, đồng thời khẳng định sức sống cho Giải thưởng Văn học tuổi 20. Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần từng chia sẻ: “Không có cuộc thi, có lẽ tôi cũng không biết mình có thể viết”.
Nguồn: Báo Nhân Dân