Bài & ảnh: NGỌC TRÂM, TRƯỜNG SƠN

Theo https://nhandan.com.vn/baothoinay

Các em nhỏ trải nghiệm tủ sách miễn phí ở điểm đọc mới của thư viện Hồng Châu tại Nhà văn hó tổ dân phố Hoàng Lê

Tại thư viện Hồng Châu (thị xã Mỹ Hào, Hưng Yên), hàng nghìn đầu sách chọn lọc đã được trao đổi luân phiên, trở nên “điểm hẹn” mới của con trẻ quê nhà. Từ đây, nhiều ý tưởng, dự định mới nhằm lan tỏa việc đọc sách đang được xây dựng


Thích thú với điểm đọc tiện lợi

Thư viện hoạt động miễn phí đã được gần ba năm, có khoảng một vạn đầu sách được luân chuyển giữa các điểm đọc với thể loại đa dạng. Chiếm đa số là tác phẩm văn học, nghệ thuật Việt Nam. Trong đó có bộ tác phẩm giành Giải thưởng Nhà nước do NXB Hội Nhà văn tặng; cùng nhiều tác phẩm chọn lọc do NXB Văn học ấn hành
Nguồn sách ở thư viện một phần do “chủ nhân” – nhà thơ, nhà báo Khúc Hồng Thiện tích lũy được. Phần lớn do các anh em, bạn bè trong giới văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu, các NXB gửi tặng. Thư viện thường hoạt động vào ngày chủ nhật hằng tuần và đang phục vụ hàng trăm bạn đọc đều đặn kể từ khi thành lập tháng 5-2018. Người dân có thể tự đến mượn sách, tự ghi vào sổ và tự quản lý sách khi mang về nhà đọc.
Bạn Vương Văn Đức (học sinh Trường THPT Mỹ Hào) hào hứng: “Em rất thích thú khi thư viện được thành lập. Em mong muốn thư viện có thể phát triển nhiều hơn nữa các đầu sách để chúng em được mở rộng vốn kiến thức của mình”. Nhiều phụ huynh học sinh cũng rất phấn khởi khi thấy hoạt động của thư viện Hồng Châu rất bổ ích và thiết thực. Bởi ngày nay các bạn nhỏ thường có thói quen sử dụng tivi và điện thoại, trong khi cha mẹ thì bận rộn công việc và không có thời gian để quản lý con cái. Nhờ thư viện, các bậc phụ huynh có thể tiết kiệm một khoản chi phí để mua sách, còn các con thì rất thích thú khi có thêm nhiều lựa chọn cho việc đọc của mình.

Được biết, một phần sách của thư viện Hồng Châu vừa được đặt ở tổ dân phố Hoàng Lê (phường Phan Đình Phùng, thị xã Mỹ Hào) và đây sẽ trở thành địa điểm đọc sách miễn phí thứ hai của thư viện.


Đọc cũng phải “xanh”


Mới đây nhất, tọa đàm “Văn hóa đọc và Sống xanh” đã được thư viện cùng các cộng sự tổ chức nhằm khuyến khích việc đọc sách trên địa bàn. Những người tổ chức tọa đàm mong khuyến khích phong trào đọc sách và nêu cao tinh thần bảo vệ môi trường trong cộng đồng. Cùng với đó, lan tỏa mô hình thư viện miễn phí cùng các hoạt động thiện nguyện tới người dân.
Tại cuộc tọa đàm, nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Văn học trẻ Hà Nội) chia sẻ: “Văn hóa đọc giúp chúng ta hiểu được giá trị của việc đọc. Việc chọn lọc đúng sách để đọc mang lại tri thức và đời sống tinh thần ý nghĩa phù hợp với từng người”. Nhà văn nhấn mạnh: xây dựng một nền văn hóa đọc lành mạnh ở nông thôn là vấn đề quan trọng góp phần hình thành và phát triển con người theo hướng tích cực cho xã hội.
Tọa đàm đã có nhiều ý kiến gợi mở, như ngoài mô hình tủ sách miễn phí, cần tổ chức các hội sách để người dân có cơ hội giao lưu, trao đổi sách. Đối với trẻ em, có thể tổ chức các cuộc thi về kể chuyện, đọc sách, làm thơ gắn liền các hoạt động Đoàn thanh niên. Hoặc, trong mỗi tủ sách công cộng ở vùng nông thôn, cần có thêm những cuốn sách viết về nông nghiệp, cách thức nuôi trồng hiệu quả để khuyến khích người dân đến tham khảo và tìm đọc.

Còn có ý kiến cho rằng, để có thể thúc đẩy văn hóa đọc tại nông thôn, trước hết cần xây dựng các tọa đàm, chương trình giáo dục kỹ năng đọc. Bởi “Đọc không thôi là chưa đủ. Chúng ta giờ đây cần phải học được cách đọc xanh”, TS Trịnh Xuân Đức, Viện trưởng Khoa học kỹ thuật hạ tầng và Môi trường (SIIEE) chia sẻ một khái niệm mới về kỹ năng đọc sách. Theo đó, “Đọc xanh” là một cách đọc có chọn lọc, tìm kiếm những cuốn sách có tính tri thức cao, tạo cho chúng ta nền tảng đạo đức tốt đẹp, tiếp thu và thừa hưởng những lịch sử truyền thống hào hùng của cha ông…
Được biết, thời gian tới, thư viện Hồng Châu sẽ phối hợp tổ chức thêm các buổi tọa đàm, hỗ trợ sách, tổ chức các buổi nói chuyện, khuyến đọc ở các nơi khác. Ngoài điểm đọc hiện nay, thư viện sẽ phát triển thêm những tủ sách mới tại Bắc Kạn, Nam Định hay ở một số trường học thuộc vùng sâu, vùng xa, tăng cường trao đổi sách giữa các điểm, làm cho các đầu sách ngày càng trở nên phong phú hơn.

Hồng Nhung đưa bài