Chương trình “Tháng thực hành nghệ thuật” tại Heritage Space là một chương trình giao lưu mỹ thuật đương đại lớn giữa nghệ sĩ Việt Nam và nghệ sĩ quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.

Tác phẩm của Yun Woo Choi

Các nghệ sĩ Ba Lan, Pháp và Hàn Quốc sẽ tham gia “Tháng thực hành nghệ thuật” tại Heritage Space, Tòa nhà Dolphin Plaza, 28 Trần Bình, Hà Nội trong thời gian từ 15/11 đến 15/12/2015. Chương trình được thực hiện dựa trên dự án “Chuyển động Brown” của nghệ sĩ Trần Trọng Vũ (Việt kiều Pháp).

Nghệ thuật đương đại nói chung và mỹ thuật đương đại nói riêng vẫn còn khá xa lạ với công chúng Việt. Chính vì vậy, chưa nhiều người biết về 3 nghệ sĩ tên tuổi của Ba Lan, Pháp, và Hàn Quốc: Ludwika Ogorzelec, Thierry Fontaine, Yun Woo Choi và công việc cũng như tác phẩm của họ.

Trần Trọng Vũ chia sẻ: “Ở Việt Nam, đa phần nghệ sĩ chỉ vẽ, hoặc viết, chứ không mở rộng khái niệm “lao động nghệ thuật”. Kết quả là nghệ thuật Việt Nam chỉ dừng lại ở mức độ không chuyên và nhiều khả năng sẽ còn không chuyên vài thế hệ nữa. Cần hiểu rằng hội họa làm nảy sinh nhiều vấn đề bên trong và bên ngoài họa sĩ, nghệ thuật làm cho người làm ra nó mất cân bằng, chứ không phải giúp anh ta trở nên cân bằng như người đời vẫn tưởng là như thế”.

Các tác phẩm của nữ nghệ sĩ Ba Lan Ludwika Ogorzelec được đánh giá là biểu tượng hình mẫu của nghệ thuật thị giác thế giới. Bà sinh trưởng ở Wroclaw, Ba Lan. Nữ nghệ sĩ đã rời bỏ quá khứ để đến Pháp. Ogorzelec được nghệ sĩ lừng danh Cesar mời đến làm việc tại xưởng của ông tại trường đại học mỹ thuật Paris. Chỉ trong vòng 30 năm bà đã làm được 62 triển lãm cá nhân và được mời vào 50 triển lãm nhóm, vòng quanh thế giới, chưa kể những chương trình và công trình nghệ thuật khác. Tất cả các triển lãm của bà đều khổng lồ đều đòi hỏi rất nhiều công sức.

Tác phẩm của Ludwika Ogorzelec.

Mối quan tâm lớn nhất của Ogorzelec là tất cả mọi chất liệu và tín hiệu thị giác mà bà tìm thấy ở quanh mình, nhờ vào con mắt, khả năng nhạy cảm và sự hiểu biết. Những làn sóng vô hình trong không khí, những chuyển động của bụi của vi khuẩn – những điều mà người đời không nhận thấy lại chính là chất liệu đầu tiên và cơ bản nhất để bà sáng tác. Nếu như người ta nói: không gian là trống rỗng, Ogorzelec sẽ trả lời rằng không phải như thế, không gian lúc nào cũng đầy ắp. Để bà có thể cắt nó ra, chia nhỏ nó, chuyển dịch nó và thậm chí, biến nó thành một vật chất hoàn toàn khác.

Tác phẩm của Thierry Fontaine thực chất là sản phẩm của một người làm nghệ thuật tạo hình phức hợp. Anh sử dụng hình ảnh thân thể con người để phủ lên trên những chất liệu của người làm điêu khắc, của họa sĩ, của cả những gì ngớ ngẩn và thông minh nhất. Anh muốn xóa đi một con người cụ thể, thành một người không mặt, và không thể có đại diện.

Trong tác phẩm của Thierry Fontaine, luôn hiện diện đồ vật. Anh đem lại cho chúng những vỏ bọc không thể. Đấy là những chiếc cúc áo, những ốc vít, những trang báo được mạ vàng… Hiện thực được khoác chiếc áo giấc mơ. Những cơn mưa mạ vàng, rơi trên những phong cảnh phi địa lý, những bầu trời vô danh, và người đàn ông không mặt, bao giờ cũng giấu kín thân thể dưới những vỏ bọc nào đấy.

Tác phẩm của Thierry Fontaine.

Nghệ sỹ Yun Woo Choi bộc bạch về tư duy sáng tạo của mình: “Điều gì là thật? Tôi đang ở đâu? Những gì tôi cảm nhận có thật chăng? Những thứ vô hình – như cảm xúc của tôi, những hiện tượng siêu nhiên, giấc mơ, chúa trời,… là thật chăng? Liệu những điều đó có là không gian riêng mình? Liệu con người đang thật sự sống trong cùng một chiều mặc dù họ cảm thấy khác nhau về cùng một vấn đề? Những câu hỏi này là khởi nguồn cho những sáng tác của tôi.

Yun Woo Choi nghiên cứu về lý thuyết vật lý vũ trụ. Theo đó, có tất cả 14 chiều không gian. Anh nói: nếu vai tôi ở chiều không gian thứ 4, tay của tôi có thể ở một nơi nào đó ở phía đối diện trong không gian thứ 11 thông qua những hố đen và ngôi sao ở chiều không gian thứ 8. Anh cũng quan tâm đến những vật thể vô hình, đọc triết học hiện đại, cùng với đạo Lão và đạo Phật

Ngược lại với những nghệ sĩ quốc tế lừng danh, trong nước, Heritage Space chủ trương chọn và mời những nghệ sĩ Việt Nam trẻ tuổi, chưa thành danh, dưới 30 tuổi, tiềm ẩn năng lực sáng tạo mãnh liệt. Trong vòng một tháng, các nghệ sĩ quốc tế và Việt Nam sẽ làm việc, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sáng tác, đồng thời trưng bày với công chúng các thành quả của mình. Đặc biệt, sẽ có những cuộc đối thoại thú vị, mới mẻ về những chủ đề liên quan đến nghệ thuật đương đại trong suốt quá trình diễn ra chương trình.

Nghệ sỹ Trần Trọng Vũ.

Trần Trọng Vũ là một họa sỹ và nghệ sỹ thị giác, sinh trưởng tại Hà Nội, hiện sống và làm việc tại Pháp. Anh là con của nhà thơ, nhà văn Trần Dần và là chồng của nhà văn Thuận. Nhà toán học Ngô Bảo Châu, từng sống 17 năm tại Paris, nhiều lần nhắc đến ông trong các bài viết như một người bạn lớn.

Ông được giới chuyên môn đánh giá là một trong những họa sỹ đương đại hàng đầu tại châu Âu. Trần Trọng Vũ là họa sĩ đầu tiên của Việt Nam được trao giải Pollock-Krasner 2011-2012, bởi Quỹ nghệ thuật Jackson Pollock – Lee Krasner tại New York (Mỹ). Đây là quỹ quốc tế uy tín chuyên hỗ trợ các nghệ sĩ có tài năng đã được công nhận.

Các tác phẩm của Trần Trọng Vũ đều bộc lộ sự bất an của hình ảnh và sự việc. Anh luôn mong công việc của mình gây nên một vài băn khoăn, và thắc mắc, hoặc những hoài nghi nào đấy cho công chúng. Trần Trọng Vũ cho rằng: Thế hệ trẻ giờ đây có nhiều điều kiện hơn thế hệ trước để không phải mất quá nhiều thời gian luẩn quẩn trong các xó xỉnh của nền hội hoạ nước nhà. Anh nói, họ đừng đi cùng đường với thế hệ trước, và phải tránh xa càng xa càng tốt những tên tuổi đang gặt hái quá nhiều những thành tích tài chính.

Theo Hiền Anh (Tiền phong)