Đất Mường – bộ tác phẩm của Lê Lạng Lương.

Vừa qua, cùng với kỷ niệm 10 năm Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường tại Hòa Bình, là triển lãm “Hội tụ gốm Mường”, trưng bày 100 tác phẩm của 20 nhà điêu khắc, họa sĩ làm gốm và nung ngay tại bảo tàng trong hai tháng.

1. Gốm Việt trong lịch sử thường lưu danh với một vùng đất sản xuất: Thổ Hà, Phù Lãng, Bát Tràng, Hương Canh, Chu Đậu…, rất ít hiện vật được ký tên người làm ra nó. Bởi gốm gia dụng trong lịch sử và ngay cả ngày nay, là một sản phẩm “tập thể” (ngày nay thường được đánh dấu sản xuất ở lò nào, thương hiệu nào). Có rất nhiều công đoạn khác nhau trong làm gốm, từ làm đất, làm men, chuốt hình, vẽ hoa văn, nung, mà mỗi khâu là mỗi người khác nhau thực hiện. Chiếc bình Chu Đậu cổ tại Thổ Nhĩ Kỳ ghi năm sáng tác và bốn chữ “Bùi thị hý bút” vẫn còn đang gây tranh cãi là hiện vật cực hiếm có đề tên người tạo tác. Sang thời hiện đại, người ta được biết thêm dòng gốm “tác giả”, thường do các nghệ sĩ gốm có được đào luyện về nghệ thuật tạo hình làm ra. Chúng ta quen tên những tác giả gốm gắn với dòng gốm mang tên mình như gốm Chi (Nguyễn Văn Chi), gốm Đoan (Nguyễn Trọng Đoan), gốm Bảo Toàn (Nguyễn Bảo Toàn), gốm Quân (Nguyễn Khắc Quân), trẻ hơn nữa là gốm Nhung (nghệ sĩ Vũ Hữu Nhung). Và bây giờ, có một dòng gốm mới là gốm Mường.

2. Trên đất Mường xưa, không có tên dòng gốm nào nổi tiếng được lưu lại, nhưng thi thoảng ở các vùng Mường cũ, người ta vẫn biết tự làm gốm gia dụng, nung bằng nhiệt độ không cao (đốt rơm, củi, lá). Các vùng Mường cổ còn có nét độc đáo nữa là tiêu dùng rất nhiều đồ gốm quý dưới xuôi làm ra, và khi những người nhà giàu mất, có tục “chia của” để chôn theo, trong đó có đồ gốm. Hàng chục năm trước, đã từng có “dịch” đi đào đồ gốm cổ ở những ngôi mộ Mường, đồ đào lên đa phần còn lành lặn, và không ít đồ tinh xảo. Khi họa sĩ Vũ Đức Hiếu xây dựng Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường trên đất Mường cổ ở chân dốc Cun – TP Hòa Bình, anh vẫn đau đáu việc khôi phục và tôn vinh nghề làm gốm của người Mường. Anh từng mời nghệ nhân làm gốm vùng Mường cổ tại nhiều vùng cao Tây Bắc, xuống ăn ở tại bảo tàng hàng tháng, đắp lò, nung gốm theo truyền thống. Trong các trại sáng tác quốc tế và trong nước từng được tổ chức tại bảo tàng, anh đều mời nghệ sĩ gốm đến làm việc. Anh cũng từng là người say mê chơi gốm cổ, cũng như có giao lưu mật thiết với các tác giả gốm hiện đại như Nguyễn Bảo Toàn, Nguyễn Khắc Quân… hay một số nghệ nhân gốm nổi tiếng khác.

Khi thật sự bắt tay vào xây lò làm gốm cách đây gần hai năm, thì cộng với vốn kinh nghiệm đã có, Hiếu còn có một bàn tay khéo trời cho mà các nghệ nhân gọi là “khôn tay”. Chỉ trong vài tháng đầu tiên sau khi bắt đầu chuốt gốm trên bàn xoay, Hiếu đã có thể vuốt bất cứ dáng gốm tròn nào, những chiếc đĩa kích thước lớn và mỏng… mà nghệ nhân giỏi có khi phải làm nhiều năm mới được. Các họa sĩ bạn bè lên chơi thích thú vẽ lên các dáng gốm bình, lọ, đĩa Hiếu làm. Mới đầu, anh còn phải nhập đất mua men ở Bát Tràng. Sau đó Hiếu mày mò nghiên cứu, lấy ngay đất đỏ tổ mối trong vườn bảo tàng, tìm đá sẵn có trong vùng xay ra pha chế men. Tất cả là nguyên liệu tại chỗ (trừ việc nung phải dùng lò ga để kiểm soát nhiệt tốt nhất). Khi sản phẩm làm ra, là các sản phẩm gốm “tương tác”, chuốt và làm men, nung do Hiếu, nhưng hình vẽ lại từ nhiều tác giả khác nhau, lại toàn đồ độc bản. Hiếu gọi chung “gốm Mường”, với ý nghĩa là dòng gốm làm ra hoàn toàn bằng nguyên liệu trên đất Mường, người sáng tác, vẽ nặn, nung… cũng trên chính mảnh đất đó.

3. Triển lãm “Hội tụ gốm Mường”, Vũ Đức Hiếu mời được 19 tác giả, đều là các nhà điêu khắc, họa sĩ từng lên đây dự trại sáng tác. Cao niên nhất có nhà điêu khắc Đào Châu Hải (sinh năm 1955), trẻ tuổi nhất là nhà điêu khắc Vũ Bình Minh (1987). Ngoại trừ một số nghệ sĩ trước đây từng làm gốm như Trịnh Vũ Hiếu, Kù Kao Khải, Nguyễn Ngọc Lâm, Triệu Ngọc Thạch… còn lại thì có người chưa vuốt gốm từ đầu bao giờ. Nhưng việc “thổ mộc” vốn không xa lạ gì với những người làm điêu khắc, vốn học nặn đất làm tượng, phù điêu rất kỹ từ thời đại học. Thế nên các tác giả nhanh chóng vào cuộc. Là những tác giả điêu khắc đang thành danh, hầu hết là các giảng viên đại học và một số trường tỉnh, nên việc làm gốm của họ không bó hẹp vào việc “làm bình, lọ” mà trở thành những tác phẩm điêu khắc gốm với nhiều kiểu khối khác nhau. Một điều nữa quan trọng là việc “chơi” với gỗ, đất dường như nằm sẵn trong tâm hồn người Việt. Nên sau khi các tác phẩm hoàn thành, phối hợp chất liệu, cộng với những bài men ngẫu hứng của Hiếu cho từng bộ tác phẩm, mỗi tác phẩm đều có vẻ “duyên” đặc biệt, mà không một dòng gốm khác nào có, chỉ có thể gọi là “gốm Mường” …

Nguồn: Nhandan.com.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài