NGUYỄN VĂN HAI
Sau nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu, được sự giúp đỡ của thầy, cô giáo và bạn bè, Phạm Huy – học sinh lớp 11, Trường THPT thị xã Quảng Trị (Quảng Trị) đã chế tạo thành công “Cánh tay rô-bốt cho người khuyết tật”. |
Sản phẩm của Huy đã đoạt giải quán quân tại Hội thi khoa học – kỹ thuật cấp quốc gia của học sinh trung học khu vực phía bắc năm học 2016-2017 (ViSEF). Ngày 13-5, Phạm Huy được cấp visa sang Mỹ tham dự Cuộc thi khoa học – kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF) 2017. Từ ý tưởng giúp đỡ người khuyết tật… Phạm Huy chia sẻ với chúng tôi: “Ở Quảng Trị nói riêng và Việt Nam nói chung đang có rất nhiều người khuyết tật. Họ là nạn nhân bom, mìn, bị tai nạn giao thông hoặc khuyết tật bẩm sinh…nhưng không có công cụ hỗ trợ để thuận tiện trong sinh hoạt bình thường. Khi học lớp 8, em xem chương trình truyền hình nói về một cánh tay rô-bốt do người Mỹ chế tạo dành cho người khuyết tật. Giá tiền của cánh tay này quá đắt so với thu nhập của những người khuyết tật ở Việt Nam cho nên từ đó em ấp ủ ước mơ chế tạo một “Cánh tay rô-bốt cho người khuyết tật”. Cuối năm học lớp 10, Phạm Huy mới bắt tay vào chế tạo và đến giữa năm 2016 thì hoàn thành “Cánh tay rô-bốt cho người khuyết tật”, với tổng chi phí hơn ba triệu đồng. Huy nói: Cánh tay rô-bốt được điều khiển bằng các ngón chân, có thể úp ngửa, co duỗi ngón tay, cẳng tay; hệ thống có trang bị cảm biến chuyển động để xem người sử dụng đang đứng yên hay di chuyển; có cảm biến nhiệt để báo động khi các đồ vật cầm vào có nhiệt độ cao hoặc gây nguy hiểm… Với những thao tác nhịp nhàng của chân, cánh tay rô-bốt có thể cầm nắm rất nhiều loại đồ vật… Quá trình hoàn thiện sản phẩm, Phạm Huy nhờ một người khuyết tật dùng thử và nhận được những đánh giá tích cực. Đến hiện thực hóa ước mơ Trước khi có sản phẩm “cánh tay rô-bốt cho người khuyết tật”, Phạm Huy từng chế tạo những cánh tay rô-bốt công nghiệp, bàn tay rô-bốt mô phỏng tay người, xe điều khiển bằng sóng bluetooth… Thầy giáo Lê Công Long dạy môn Vật lý ở Trường THPT thị xã Quảng Trị là người phát hiện và hỗ trợ việc chế tạo của Huy, cho biết: “Để có được thành công hôm nay, Phạm Huy đã trải qua nhiều khó khăn, vất vả và không phải sản phẩm nào của em cũng được ghi nhận. Nhưng lúc đó, tôi vẫn tin rằng, Phạm Huy sẽ thành công vì em có năng khiếu đặc biệt về công nghệ thông tin, đồ họa và mạch điện… “. Phạm Huy là con út trong một gia đình ở xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong. Mẹ em buôn bán ở chợ thị xã Quảng Trị, bố mở tiệm sửa xe máy, xe đạp tại nhà. Suốt 11 năm học, Phạm Huy đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Trong các môn học, Huy đam mê nhất là môn Vật lý và Kỹ thuật… “Cánh tay rô-bốt cho người khuyết tật” của Phạm Huy cũng xuất phát từ niềm đam mê này… Sau khi hoàn thành cánh tay rô-bốt, thầy giáo và Phạm Huy mang sản phẩm đi thử nghiệm tại Hội Người mù xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng và nhận được sự khen ngợi của những người khuyết tật ở đây. Phạm Huy tiếp tục cải tiến sản phẩm, trình bày ý tưởng với nhà trường và dự các cuộc thi sáng tạo khoa học – kỹ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia. Ước mơ ấp ủ hơn 5 năm của Huy đã thành sự thật khi em đoạt giải quán quân của Hội thi khoa học – kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2016 khu vực phía bắc do Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức vừa qua. Sau kết quả nghiên cứu nói trên, em đã nhận được nhiều lời khen của các nhà khoa học. Cùng với các sản phẩm xuất sắc khác, sản phẩm của Phạm Huy được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đại diện sang Mỹ tham gia cuộc thi khoa học – kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF) 2017 diễn ra vào tháng 5-2017. Phạm Huy cho biết: “Em hy vọng một cá nhân, đơn vị nào đó chung sức với mình phát triển sản phẩm này một cách hoàn thiện, ứng dụng rộng rãi trong cộng đồng người khuyết tật, giúp họ vơi bớt phần thiệt thòi…”. |
Nguon: Bao Nhan Dan
Le Thi Hong Nhung dang bai |