Bắt đầu từ không khí tinh sương của buổi sớm mai, qua tháng ngày lênh đênh trên biển cả, hòa nhập vùng đất mới nhưng vẫn day dứt hình ảnh cố hương… Vở kịch múa 800 năm hẹn ước được ví như tiếng chuông thanh khiết rung lên trong lòng người.

Dương cầm vang khúc trầm, làm nền cho tiếng đàn bầu ngân nga, thánh thót. Sân khấu ngập tràn màu sắc, làn hơi mờ ảo làm nổi bật hình ảnh người đứng trên vọng gác, ánh mắt xa xăm thương nhớ. Rồi nghệ sĩ múa xuất hiện. Mỗi bước chân tiếp nhịp một cung đàn. Cánh tay đưa lên uyển chuyển, lúc khoan thai dìu dặt, khi dứt khoát mạnh mẽ. Từng động tác nhỏ lặp đi lặp lại nhưng không đơn điệu mà tung hứng với nhau, lôi cuốn người xem. “Điệu múa của tôi vừa theo đúng nghĩa vốn có nhưng cũng là điệu múa của linh hồn, trở thành giai điệu da diết đi vào lòng người, từ sâu thẳm trong sự giao thoa giữa tinh thần và thể xác. Con đường biển xa xăm giữa đất Koryeo (bán đảo Triều Tiên) và Việt Nam đã gọi tên tôi. Tôi trân trọng, nâng niu và đáp lại”, biên đạo múa Yoo – Oh Chun chia sẻ.


Nghệ sĩ múa Yoo Oh Chun và diễn viên Bùi Như Lai trong vở 800 năm hẹn ước (Ảnh: Lê Thư)

800 năm hẹn ước là vở kịch múa liên hợp Việt – Hàn, do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hồ Chí Minh và Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP Hồ Chí Minh tổ chức, được công diễn lần đầu tháng 12.2015, diễn lại ngày 2 và 7.6 tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội nhằm thúc đẩy quan hệ giao lưu, hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng đi vào chiều sâu.

Tác phẩm 800 năm hẹn ước gồm 5 chương, lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật trong giai đoạn chuyển giao triều đại lịch sử. Triều Lý chấm dứt 216 năm trị vì khi Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh vào năm 1225. Vị hoàng tử cuối cùng của vương triều nhà Lý – Lý Long Tường lưu lạc trên con đường biển xa xăm và trôi dạt đến vùng đất Ongjin của Cao Ly, trở thành tướng quân trong sự trọng vọng của muôn người nhưng lúc nào cũng trĩu nặng tình cảm với quê hương. 800 năm hẹn ước đã tạo nên niềm xúc động bằng cách thể hiện đơn giản, hiện đại. Với sự kết hợp của kịch, múa và âm nhạc, các nghệ sĩ, diễn viên Hàn Quốc – Việt Nam đã tái hiện một cuộc gặp gỡ lịch sử thông qua nghệ thuật giữa hai nước. Biên đạo múa Yoo – Oh Chun sắm vai nữ vương Lý Chiêu Hoàng, dùng điệu múa để diễn tả tâm trạng bất lực khi chứng kiến sự nghiệp của vua cha sụp đổ. Nghệ sĩ Bùi Như Lai hóa thân vào nhân vật Lý Long Tường, thông qua ngôn ngữ kịch để nói lên cảm xúc day dứt của người ly hương. Cộng thêm diễn xuất của nhóm múa ballet tạo nên sự hòa hợp hấp dẫn giữa sự cô đơn, nỗi buồn và niềm nhớ.

Xuyên suốt vở kịch múa, biển cả được hình tượng hóa, có vai trò dẫn nối mạch chuyện một cách tinh tế. Đó là đường sống cuối cùng của một hoàng tử sa cơ, đong đầy nỗi cay đắng, tủi nhục của người mất nước. Biển cả ngăn cách hai quốc gia nhưng cũng kéo gần hai dân tộc, là nơi vị tướng quân Cao Ly gửi gắm tâm tình với Đại Việt. Để rồi, sau những cuộc lênh đênh sóng nước, linh hồn người ấy tìm về mảnh đất quê hương, làng Cổ Pháp, để chuyển lời từ biệt tới cố nhân. Con đường trở về xa xăm cả về không gian lẫn thời gian. Đất và người đổi thay, chỉ có tình cảm vẫn không lay chuyển: Vậy là đã rời xa Đại Việt đến 770 năm. Bây giờ đây, được quay lại đất này. Chiêu Hoàng, người đã nhắm mắt, không còn vướng bận một chút nào cuộc sống đau khổ này nữa. Làng Hoa Sơn đất Cao Ly nơi ta sống, cũng giống như làng Cổ Pháp nơi ta đã rời đi. Ở nơi đó, cũng có những con người sống bằng tình cảm như chúng ta. Ở nơi đó, vẫn còn gia đình, anh em của chúng ta đang sống. Nơi đó ngày xưa, thuyền ta phải vượt qua hàng ngàn dặm lý, nay đã trở nên rất gần gũi…

Có ý kiến nhận định, vở kịch múa 800 năm hẹn ước tuy nói về câu chuyện lịch sử nhưng vẫn thấm đẫm hơi thở thời đại. Tâm trạng hoài vọng cố hương của nhân vật Lý Long Tường 800 năm trước vẫn luôn thường trực trong biết bao người hôm nay bởi các cuộc ly tán vẫn đang xảy ra trên khắp thế giới. Như lời đạo diễn Sun – Goo Jung: “Câu chuyện này không còn của riêng Lý Long Tường Đại Việt – Lý Long Tường Koryeo nữa. Trong thời đại hiện nay, nó là một hiện thực mà tất cả các quốc gia đều phải đối mặt, từ bờ biển phía Nam của châu Âu đến nơi nào đó trong sa mạc của Trung Đông… Tôi muốn mượn vở kịch múa để chuyển tải nỗi đau và tiếng thét tuyệt vọng của những số phận đó đến mọi người”.

Nguồn: Đại biểu nhân dân (Thái Minh)