LÊ QUỲNH

<tNạn chép tranh, làm giả tranh bằng nhiều hình thức tinh vi đang tiếp tục hoành hành nhiều hơn. Nhiều họa sĩ vừa tiếp tục cảnh báo vấn nạn này. Báo Thời Nay đã có cuộc phỏng vấn họa sĩ Thành Chương (ảnh dưới), một trong những họa sĩ tích cực phòng, chống tranh giả ở Việt Nam hiện nay, đồng thời cũng là một “nạn nhân” của vấn đề này.

Phóng viên (PV): Tận mắt chứng kiến những bức tranh của mình bị làm giả, ông có nhận xét thế nào về những bức tranh không phải “hàng thật” đó?

Họa sĩ Thành Chương (TC): Tranh giả mạo có nhiều kiểu, vô cùng đa dạng và phong phú, từ tranh khổ to, khổ nhỏ cho tới các chất liệu sơn dầu, sơn mài, tranh lụa… Hầu hết được làm giả để bán với mức giá dao động từ 1 cho tới 5 triệu đồng tùy loại. Tranh được làm giả thường tập trung chủ yếu từ các tác phẩm của các họa sĩ đã thành danh trong nền mỹ thuật Việt Nam như: Thành Chương, Đinh Quân hay Phạm Văn Hải… Không chỉ có vậy, trong khoảng thời gian gần đây, tranh của các họa sĩ trẻ như họa sĩ Lê Thế Anh cũng bị làm giả một cách trắng trợn do nhu cầu của thị trường.

Có nhiều bức được chép lại của người khác nhưng lại đề tên người chép. Họ làm cũng rất tinh vi, có tranh giống tới 80%, hay có khi 90%. Nếu không phải người am hiểu và tinh ý thì khó có thể nhận ra được. Nhưng nhìn chung, đa phần tranh giả thường được chép rất ẩu và cũng khác nhiều về thần thái, cảm xúc của tác giả.

PV: Khi phát hiện ra những bức tranh của mình bị làm giả một cách trắng trợn, ông đã có những động thái như thế nào?

TC: Tôi là một trong số những trường hợp bị mạo danh rất nhiều trong lĩnh vực hội họa. Lúc đầu khi phát hiện tình trạng trên, bản thân là một nạn nhân tôi cũng đã làm hết sức có thể như: đưa ra bằng chứng chứng minh, kêu gọi các cơ quan chức năng vào cuộc, thậm chí là cả đi kiện nhưng mọi việc cũng chẳng tới đâu cả.

Tôi thấy lạ là tranh giả đang bày bán rất công khai. Thậm chí người bán còn cho cả số điện thoại, cả địa chỉ nhà để khách đến tận nơi để xem mẫu mã và thể loại. Như vậy thì khác nào mua rau ngoài chợ, ưng mớ nào thì nhặt mớ đó.

PV: Vậy ông đánh giá ra sao về sự ảnh hưởng của nạn tranh giả tới nền mỹ thuật Việt Nam hiện nay?

TC: Chưa bao giờ thị trường tranh của Việt Nam lại mục nát và xấu xí đến vậy. Tranh giả tràn lan đến mức làm cho hình ảnh mỹ thuật Việt Nam quá xấu xí và tồi tệ trong mắt những người yêu quý và sưu tầm tranh. Đây là một cái giá đắt vô cùng mà chúng ta là những người làm nghệ thuật, yêu quý nghệ thuật đều mong muốn làm cho “ra ngô ra khoai” để giữ nền mỹ thuật nước nhà được trong sáng. Không phải tự nhiên chúng ta có một nền mỹ thuật như ngày nay, đã bao nhiêu đời gây dựng, bao nhiêu nỗ lực để có được hình ảnh mà khi mở cửa chúng ta được mát mày mát mặt với bạn bè thế giới. Vậy mà chỉ vì một vấn đề như trên đã gây ra sự tồi tệ như vậy. Rồi dần dần ai còn muốn mua tranh của Việt Nam nữa, ai còn mong muốn sưu tầm và thưởng thức tranh của chúng ta nữa.

PV: Là một họa sĩ thuộc thế hệ đi trước đã có những thành công nhất định, ông có lời khuyên gì để lớp họa sĩ trẻ hiện nay có thể tự bảo vệ mình trước vấn đề nhức nhối trên?

TC: Trước hết, lĩnh vực này hiện nay thực ra rất khó để quy tội và kết tội, khó không phải chỉ ở Việt Nam mà cả với thế giới. Cho nên để xử lý là một chặng đường dài khá khó khăn. Tuy nhiên nếu không xử lý thì những người làm tranh giả càng ngày càng ngang ngược, càng lấn tới.

Các họa sĩ trẻ cần tự bảo vệ mình và các tác phẩm của mình đầu tiên, không ai bảo vệ thay được cả. Trong quá trình sáng tác, hãy cố gắng lưu giữ lại những vật dụng, những bản thảo hoặc bản nháp vẽ tay để có thể đối chứng sau này. Và nếu có thể, hãy cùng nhau thành lập một hội bảo vệ bản quyền tác giả cho ngành mỹ thuật để từ đó đoàn kết với các họa sĩ khác chung tay loại trừ nạn tranh giả. Sau cùng, thế hệ họa sĩ hiện nay cần không ngừng trau dồi khả năng của mình, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm từ thế hệ các họa sĩ đi trước. Không gì có thể chứng minh sự thật tốt hơn là bằng tài năng của chính mình.

PV: Cảm ơn ông đã chia sẻ!
“Cách đây 20 năm, chúng ta may mắn có những người nước ngoài làm thức tỉnh nền mỹ thuật của Việt Nam. Lúc đó, chúng ta đã được làm nghề một cách hào hứng. Tuy nhiên, khi cả thế giới bắt đầu có cảm tình với mỹ thuật Việt Nam thì chúng ta lại cho họ những cái tát quá đau đớn. Tranh của họa sĩ đương đại cũng bị giả, họa sĩ ngày xưa cũng bị giả, ai cũng bị làm giả”, họa sĩ Đào Hải Phong.

Theo Báo Thời Nay (Báo Nhân dân)

Dương Thanh đăng bài