Khi được ngắm bức tranh “Tơ” của Nguyễn Mai Hương tôi bỗng nảy một tứ thơ với cái tên “Sắc cảm” mà chính cuộc triển lãm của chị đem lại. Không thể nào khác được, bởi sự phiêu linh mà những sợi tơ đang bay và đậm dấu ấn của những vết nhăn của bàn tay người nông dân hiện lên trên tấm lụa. Đây là bức tranh khổ vuông (100x100cm) quen thuộc của Nguyễn Mai Hương đã tạo nên sự lãng mạn trong giai điệu được rung lên, bởi sự hòa sắc giữa ánh xạ của chất liệu có thực trong đời sống, cùng với cõi sáng tạo làm mê hoặc lòng người. Đó cũng chính là nét tiêu biểu trong cách vẽ của Nguyễn Mai Hương.

Phiêu trong bầu trời vuông

Có thể nói hầu hết tranh của Nguyễn Mai Hương đều được thể hiện trong một kích thước tưởng như khuôn phép, không tưởng. Đó là hình vuông với các kích thước khác nhau. Riêng những sáng tác tâm đắc và muốn trao gửi nhiều tâm sự và triết lý về sự sống, chị thường vẽ các bức tranh hình vuông cỡ (100x100cm). Có người xem tranh, rồi nói Hương vẽ như mơ, hẳn đúng. Đó là một tư chất suy cảm nhưng lại giầu chất thơ mới tạo được những cơn mơ trong tạo hình. Nó có sức chuyển động, uyển chuyển với sự hòa sắc đậm tố chất dịu dàng thầm kín trong tranh Nguyễn Mai Hương. Người xem có thể kể đến “Nhịp sống”, “Tìm”, “Bứt thoát”, hay như “Giấc mơ”, “Sông Hồng mùa lũ”, hoặc đó còn là “Phố nắng”, “Nhà thờ” cho đến “Tơ”… Dường như tất cả đã đánh dấu một bước chuyển mạnh mẽ về phong cách hội họa của Nguyễn Mai Hương đã vượt qua cái thời của “Nhảy múa Tây Nguyên” hay “Phong cảnh Cát Bà”, hoặc “Kéo lưới”… Chị đúng là đã bứt thoát khỏi chính mình và trao gửi tâm hồn lãng mạn trong các giai điệu mới lạ của tạo hình.

Sự mới lạ trong tranh của Nguyễn Mai Hương đó còn là điểm nhấn trong sự hòa sắc của tình yêu với thiên nhiên. Chị có những nét sáng tạo khi đưa được chất liệu của đời sống vào tranh. Đó có thể là những sợi lanh màu ghi, hay dải lụa màu vàng. Hoặc đây đó là chiếc chuông, chiếc nón được gắn vào tranh tạo nên sự hòa cảm bất ngờ và gần gũi với người xem. Rồi lại có khi vỏ sò, mảnh ốc long lanh ánh màu, một tình yêu thiên nhiên đem lại chất thơ hiện thực giầu sức tạo hình. Thậm chí còn cả những sợi gai hay sợi dây thép ập vào tranh đem lại sự quặn thắt lòng người. Đó chính là những tác phẩm về đề tài Hà Nội của Nguyễn Mai Hương. Bức tranh “Sông Hồng mùa lũ” là một điển hình về sự căng sợi dây thép để vẽ chiếc cầu Long Biên bắc ngang sông Hồng. Khi lũ về, dòng nước cuồn cuộn dâng trào, sóng tung lên những cơn dữ dội, thì cây cầu kia bỗng trở nên mong manh làm sao. Đó là biểu tượng về thân phận bị thiên nhiên đe dọa. Sự chống trọi với mệnh trời là sức mạnh của cuộc sống con người. Một cảm xúc dâng trào. Sức mạnh của con rồng sắt được khẳng định và thể hiện sự bứt phá là đây và đậm chất phiêu trong khoảnh khắc thi ca mà Nguyễn Mai Hương đem lại cảm xúc cho người xem. Cũng như trong bức “Tơ” đoạt giải xuất sắc, tại triển lãm Mỹ thuật Quốc tế lần thứ 20 ở Hàn Quốc của Nguyễn Mai Hương. Chị đã đưa một giải lụa thật vào trong tranh mà người xem không dễ nhận ra. Nhưng đó lại là điểm nhấn của tác phẩm, cũng như các sợi dây thép trong “Sông Hồng mùa lũ” vậy. Sợi thép có thật là điểm nhấn và cũng là sự hòa sắc đem lại sự bất ngờ trong tạo hình. Vậy đó, mảnh lụa, hay sợi tơ, hoặc sợi dây thép là cảm xúc, trở thành nét vẽ hồn nhiên đã cất lên tiếng nói của nó. Chất liệu của đời sống có giá trị nghệ thuật thực sự nếu họa sĩ vận dụng nó một cách đắc địa và tự nhiên nhất. Đó cũng là thành công mà Nguyễn Mai Hương đã được khẳng định trong một nền hội họa hiện đại đầy sự cởi mở trên thế giới.

Có lần gặp mặt, chị còn kể thêm kỷ niệm về sự vận dụng chất liệu trong khi vẽ tranh, mà nếu không linh hoạt sẽ khó có những thành công như mong đợi. Ấy là chuyện trong một dịp dự Festival Mỹ thuật Quốc tế Biennale cách đây hai năm. Khi bước vào sảnh vẽ tranh, đoàn họa sĩ trẻ Việt Nam không biết rõ lịch trình và không ai mang theo bút vẽ. Hàng chục đoàn ở các nước hối hả bắt tay sáng tác. Mọi người trong đoàn Việt Nam lúng túng chưa biết tìm bút vẽ ở đâu. Không lẽ lại về tay không. Còn đó là danh dự nước nhà và còn đó là lòng tự trọng của những người họa sĩ trẻ. Sau một hồi suy nghĩ và quan sát chung quanh, họa sĩ Nguyễn Mai Hương bất ngờ cầm lấy chiếc vỏ chai nước khoáng Lavie, chấm miệng chai xuống chậu mầu để vẽ.

Đó là những vòng tròn của miệng chiếc vỏ chai nhựa hiện lên. Chị chấm liên tiếp các vòng tròn lên toan, với một nhịp điệu khác nhau ở các vị trí khác nhau, cùng với những màu sắc khác nhau. Mọi người chưa hiểu ra sao, thì chị còn lấy một sợi dây gai chấm mầu rồi lấy một điểm tựa để quay một hình tròn khác ở trên cao. Hình như hình hài bức tranh đã hiện lên khi các vòng tròn lung linh và cất lên bài ca của mình. Một ý nghĩa nào đó toát lên, khi Nguyễn Mai Hương dừng tay. Chị reo lên đây là chuyện cổ tích mẹ Âu cơ, đẻ trăm trứng, trăm con đó. Quả vậy cách vẽ khó tưởng tượng khi Nguyễn Mai Hương thể hiện thành công tác phẩm “Trăm trứng cổ tích” của mình, qua sự vận dụng chất liệu từ cuộc sống. Bức tranh này đã được ban tổ chức đánh giá cao về ý tưởng sáng tạo và cách vẽ mới lạ nên được giữ lại tại bảo tàng tranh ở Biennale, như một kỳ tích.

Sự sẻ chia bất ngờ

Một lần tình cờ vào dịp Ngày lễ Tình nhân đầu năm 2014, tôi được nghe ca sĩ, NSƯT Đức Long hát bài “Hoa Ti gôn” của nhạc sĩ Duy Quang. Đây là sự gặp gỡ kỳ lạ của ba con người. Một sự sáng tạo của họa sĩ Nguyễn Mai Hương qua bức tranh tĩnh vật “Hoa Ti gôn”. Hai là thi phẩm của nhà thơ Phạm Thái Ba khi tình cờ vào xem triển lãm tranh của Nguyễn Mai Hương, năm 2010. Nhà thơ tâm sự đây là một bức tranh giàu cảm xúc về Hà Nội. Đậm phong vị Hà Thành một thuở cổ kính vào thập niên 50. Bức tranh đã gợi nhớ cho anh về nỗi niềm quê hương và tình yêu Hà Nôi. Những vần thơ tuôn trào qua sắc mầu tranh Hà Nội của Nguyễn Mai Hương một cách bất ngờ. Khi bài thơ được in trên báo Người Hà Nội, nhạc sĩ Duy Quang như bắt gặp được sự sẻ chia trong cảm xúc sáng tạo. Ông viết một mạch ca khúc phổ thơ Phạm Thái Ba. Chỉ một tháng sau, NSƯT Đức Long dàn dựng và biểu diễn trên màn ảnh nhỏ. Không ngờ sức truyền cảm của ca khúc đã làm nên hiện tượng và trở thành ca khúc quen thuộc, thường được phát vào dịp Ngày lễ Tình nhân, trên sóng phát thanh và truyền hình hàng năm.

Khi nhắc lại kỷ niệm khó quên đó, họa sĩ Nguyễn Mai Hương còn cho biết, một số nhạc sĩ khác cũng đã từng viết bài hát sau khi xem tranh của chị. Trong đó có nhạc sĩ Xuân Cửu, nhạc sĩ Hoàng Thành, cùng với đó là các bài thơ của Đoàn Sinh Hưởng, Phạm Thái Ba… đều được ấn loát trên báo chí trong mấy năm qua. Kể rôi chị bật máy cho tôi nghe lại giọng hát của Đức Long trình bày bài “Hoa Ti gôn”. Một giọng hát ấm áp ngọt ngào vang lên: “Mong manh như sương sớm. Rực cháy màu tình yêu. Ti gôn của đất trời và gió. Cô đơn tôi. Cô đơn tôi. Một góc đời…”. Tôi như đắm chìm cùng với sắc màu dịu dàng của những bông hoa Ti gôn rơi bên ngõ vắng. Đúng là tôi đang mơ như ai đó nói về họa sĩ Nguyễn Mai Hương: “…vẽ như phiêu du vậy. Hiện thực đó mà không phải vậy. Hương chỉ vẽ những điều đang cảm chứ không vẽ những gì nhìn thấy. Mơ và ảo trong tranh của Hương là vậy”.

Nhưng đâu đã hết, tôi còn nghe chuyện một biên đạo múa đã sáng tác ngay sau khi xem tranh của Nguyễn Mai Hương mới là điều lạ lùng. Anh ta múa tại chỗ và mọi người rất tò mò, hỏi ra mới hay anh biểu hiện cảm xúc của mình qua bức tranh “Nhịp sống” của chị. Tôi hỏi, họa sĩ Nguyễn Mai Hương bẽn lẽn một lúc rồi mở máy cho tôi xem mấy bức ảnh chụp được người nghệ sĩ múa này đang biểu diễn tại phòng triển lãm tranh “Sắc cảm”. Quả là điều thú vị đối với một họa sĩ khi được bạn bè đồng nghiệp chia sẻ và bày tỏ sự đồng cảm với tác phẩm của mình.

Mộng mơ với “Phố”

Người ta nói tranh phố Hà Nội của Nguyễn Mai Hương ẩn chứa nhiều nỗi niềm. Sự ẩn mờ trong màn nhòe khói sương, ngôi nhà thờ của chị có nỗi niềm cần bảy tỏ. Hay những chiếc nón treo trên mái phố đã làm dịu những xô đẩy của bao điều mới cũ đan xen. Cái mới phá cái cũ. Rêu phong như cố xanh hơn nương nhờ ở những chiếc nón quê kiểng đem lại ấn tượng khó phai. Người xem nhớ về con ngõ nhỏ đan xen lẩn khuất và cô đơn. Những mái ngói lô xô, cùng những cành lá thì thầm gầy guộc chính là niềm tâm sự của tác giả, như muốn gìn giữ một nét văn hóa “Thanh lịch Tràng An”

Tôi sực nhớ có lần đến xưởng vẽ và cũng là gian tiếp khách của họa sĩ Nguyễn Mai Hương, trong một ngõ nhỏ ở phố Tân Ấp, bên sông Hồng, mới hay vì sao chị vẽ sông Hồng cuồn cuộn đến vậy. Có thế chị đã ngấm được hơi thở của con sông qua mỗi giấc mơ, trong từng lớp sóng mỗi mùa lũ về. Lần ấy tôi còn được ngắm một bức tranh cô bé ngồi bên cây đàn piano. Đó là hình ảnh con gái của họa sĩ. Tôi bỗng gọi tên cho bức tranh là “Cô bé Hà Nội”. Một chân dung Hà Nội chan chứa cảm xúc hơi thở phù sa sông Mẹ. Gương mặt hồn nhiên của Hà Nội như chào đón một tương lai đang tung đôi cánh thiên thần bay về cõi mơ. Vậy đó, một Hà Nội của Nguyễn Mai Hương bao giờ cũng ngập tràn tình yêu thương và luôn luôn hướng về ánh sáng của sắc mầu. Đúng như họa sĩ (nhà phê bình mỹ thuật) GS. Lê Quốc Bảo đã nói, ánh sáng là sự lãng mạn và trở thành nhân vật chính trong tranh của Nguyễn Mai Hương. Quả thế, đôi mắt của cô bé Hà Nội đã nói lên điều đó. Một chân dung Hà Nội trẻ trung dưới ánh sáng của ngàn năm mộng mơ.

“Họa sĩ Nguyễn Mai Hương là hậu duệ đời thứ 31 trong dòng họ vua Lý Thái Tổ, quê gốc ở Du Lâm huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Chị sinh năm 1965, trong một gia đình, nối tiếp ba thế hệ làm nghề đồ họa và sáng tác mỹ thuật. Nghệ thuật hội họa Nguyễn Mai Hương chịu nhiều ảnh hưởng của người cha quá cố là họa sĩ Nguyễn Thủy Tuân (1926-2010), về sự khám phá và sáng tạo với những cảm xúc mới lạ độc đáo, khi tiếp cận cuộc sống. Suốt ba mươi năm, chị say mê với sắc mầu và đoạt hàng chục giải thưởng trong nước và quốc tế, về cả hai lĩnh vực đồ họa và mỹ thuật. Ngay từ năm 1985, mới 20 tuổi họa sĩ Nguyễn Mai Hương đã được giải Nhì cuộc thi vẽ Quốc tế ở Ba Lan. Đặc biệt, năm 1993, chị được trao Giải Nhất cuộc thi Biểu trưng APAN do ASIAN tổ chức. Cùng với đó là những giải thưởng cao tại các triển lãm mỹ thuật toàn quốc… Đáng chú ý năm 2012, họa sĩ Nguyễn Mai Hương giành HCV danh dự và Giấy chứng nhận “Đại sứ Mỹ thuật Việt Nam 2012”, tại Liên hoan Mỹ thuật Quốc tế, tổ chức tại Korea. Mới đây chị đã đoạtGiải Xuất sắc tại triển lãm Mỹ thuật Quốc tế lần thứ 20 tổ chức tại Hàn Quốc, năm 2013. Tranh của họa sĩ Nguyễn Mai Hương để lại ấn tượng hiện đại, trẻ trung và giầu sức biểu cảm.

Tháng 9/2015, họa sĩ Nguyễn Mai Hương còn có những sáng tác mới cho Liên hoan Mỹ thuật thế giới lần thứ 6 (BIAB), tại Bắc Kinh, Trung Quốc; và đã có tác phẩm được chọn vào Triển lãm mỹ thuật quốc tế (OFAA) tổ chức tại Guwahati India (Ấn Độ) vào năm 2016.

Vương Tâm

(Trích tập “Nước mắt thời gian”)

(Tổ Quốc)