Trương Chi là một trong những tích truyện quen thuộc nhất của văn học dân gian Việt Nam. Chuyện tình đẹp và bi kịch này đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ nước nhà. Ca khúc Trương Chi của Văn Cao, Khối tình Trương Chi của Phạm Duy và Khúc hát phiêu li của Phó Đức Phương là những sáng tạo đặc biệt thú vị khai thác đề tài này trong tân nhạc Việt Nam hiện đại. Từ “vết tích” Trương Chi huyền thoại, mỗi bản nhạc như một sự chuyển hoán thú vị mang tải nỗi niềm tâm sự và tài hoa của người viết, tiêu biểu cho hành trình nghệ thuật thăng trầm của tân nhạc Việt Nam gần 80 năm qua.


Trương Chi được Văn Cao sáng tác năm 1942 khi nhạc sĩ 20 tuổi. Văn Cao viết Trương Chi như đang viết về mình với dự cảm về hành trình nghệ thuật lắm truân chuyên sau này. Trong nhạc phẩm này, nhạc sĩ mượn lời Trương Chi để nói lên những trái ngang của chính mình. Bằng nét cọ của “tiếng cầm ca”, lời mở đầu vẽ ra bức tranh của trần gian cổ tích đậm chất thơ: Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ, trầm trầm không gian mới rung thành tơ… hoa yến mong chờ… tới bao giờ. Lòng chiều bơ vơ… đêm khuya thức ai phòng loan… Đây đó từng song the hé đợi đàn. Văn Cao kể lại câu chuyện một cách từ tốn, trầm tư, nhưng đầy day dứt, mãnh liệt. Nhạc phẩm Trương Chi được chia ra nhiều phân đoạn với những tiết nhịp thay đổi, diễn tả những cung bậc tình cảm đan xen nhau của nhân vật. Phân đoạn một tưởng chừng như đã kết thúc cả ca khúc, cũng như kết thúc cuộc đời đau đớn của Trương Chi với câu hát da diết, âm vang Đâu bóng thuyền Trương Chi, thế nhưng ca khúc không dừng lại ở đó. Người đã mất nhưng tiếng ca và chàng Trương của Văn Cao sống mãi với thời gian: Anh Trương Chi, tiếng hát vọng ngàn xưa còn rung. Anh thương nhớ, oán trách cuộc từ li não nùng. Đò trăng cắm giữa sông vắng, gió đưa câu ca về đâu? Nhìn xuống đáy nước sông sâu thuyền anh đã chìm đâu!

1307 hinh anh nen hoa cuc dep cho may tinh L

Khác với Văn Cao, người đã đem tâm sự của mình vào ca khúc, Khối tình Trương Chi của Phạm Duy tái hiện tích truyện cổ với ngôn ngữ quyến rũ và đầy sức thuyết phục của âm nhạc. Bản nhạc là một chuyện ca êm dịu và du dương với tốc độ Moderato (nhanh vừa, từ 100 – 120 phách trên 1 phút) đưa người nghe vào không gian sông nước êm ả, có tiếng nhạc trầm bổng “gây mơ” và mê hoặc lòng người của chàng Trương: Đêm năm xưa khi cung đàn lên tơ. Hoa lá quên giờ tàn. Mây trắng bay từng đàn. Hồn người thổn thức trong phòng loan… Ca khúc là sự hòa hợp tài tình giữa ca từ và giai điệu. Âm nhạc của Phạm Duy buồn mà không bi lụy. Khối tình Trương Chi đủ buồn để thương cảm cho một mối tình dang dở xa cách nhau vì đời, tủi hờn duyên kiếp bao giờ nguôi, đủ trầm lắng để suy tư về những nghịch lí cuộc đời, về hai chữ “tri âm – tri kỉ”.  Đó là cái suy tư chậm rãi, từ tốn chứ không khắc khoải, xót xa như Văn Cao, cũng không mê hoặc như Phó Đức Phương sau này. Phạm Duy rất tinh tế khi chọn lọc từ ngữ cho lời ca. Mối tình của chàng Trương là một mối tình oan: oan trái, oan nghiệt, oan ức. Là mối tình tri âm nghịch kiếp. Vậy sao ông lại dùng âm hồn chứ không phải oan hồn cho đúng với tình oan? Hai chữ oan hồn nặng nề quá, bi thương quá, không phải là Phạm Duy. Âm hồn nghe u buồn nhưng không thảm thiết; vừa nhẹ nhàng, dặt dìu vừa vấn vương, tình tứ ám ảnh người nghe không dứt. Câu chuyện được kể với bốn phân đoạn, ba đoạn đầu được viết dưới giọng trưởng khoan thai, mạnh dạn, sáng. Nhưng đoạn bốn câu hát được chuyển sang giọng thứ với âm điệu buồn, có chút gì đó than lơn, trách hờn nhẹ nhàng. Hình tượng Trương Chi được vẽ nên như một chàng ngư phủ điềm đạm, mang một tấm tình si, mơ mộng, suy tư với trái tim trinh trắng của tâm hồn nghệ sĩ.

Sau khi thưởng thức nhạc phẩm của Văn Cao, Phạm Duy, người nghe vẫn phải choáng ngợp trước cách khai thác hình tượng Trương Chi của Phó Đức Phương qua Khúc hát phiêu li. Ca khúc này ma mị và âm linh. Bài hát như một lời than trách, gào thét của oan hồn chàng Trương. “Tôi có tham vọng kể tiếp câu chuyện tình đẹp nhất và Việt Nam nhất, câu chuyện còn nhiều bí ẩn. Tôi muốn rằng sau này người ta sẽ nhớ thêm về câu chuyện Trương Chi từ chùm ca khúc của tôi” – Phó Đức Phương phát biểu như thế về sáng tác của mình. Cảm hứng về ca khúc đến với ông từ một buổi du ngoạn tìm về với dòng sông Tương quan họ, nơi sản sinh mối tình Trương Chi – Mỵ Nương. Khúc hát phiêu li là một sự nhập thân của Phó Đức Phương để chàng Trương Chi tự mượn câu hát nói lên nỗi đau đớn khi tình duyên tan vỡ. Bài hát có những giai điệu vật vã, dữ dội, những tiết tấu thất thường nhằm diễn tả nỗi lòng cay đắng và tâm trạng bấn loạn của Trương Chi: Cũng đành, đau lòng u sầu cùng dòng sông hoang vắng nước mây bẽ bàng. Thôi cũng đành, rũ sạch tơ vương, rũ sạch mộng và mơ còn gì mà mong nhớ. Đây là bài hát mà giữa lời và nhạc mâu thuẫn với nhau. Trong lời ca, chàng Trương Chi cố gắng che giấu tâm trạng, tự an ủi chính mình thôi cũng đành… ta đi ừ ta đi nhưng giai điệu lại chuyển tải sự bất mãn trước cuộc đời bẽ bàng, trước sự thật đầy oan trái: Giả nghèo làm chi, chèo lái ra đi, vào bến sông chua cay khổ đau, tiếc gì… Một bóng một mình một dòng lênh đênh thì đàn làm chi cho vật vã hát kinh. Câu nhạc có nhiều đoạn luyến láy, ngắt quãng như chính nỗi lòng quặn thắt của chàng Trương. Giai điệu của bài hát được viết dựa trên chất liệu của ca trù -một chất liệu nhạc cổ của âm nhạc Việt Nam. Điểm đặc biệt và nét phá cách của nhạc phẩm chính là sự kết hợp tài tình của nhạc sĩ khi viết một ca khúc mới trên một nền chất liệu cổ theo cách của mình. Ca khúc với nhịp 4/4 gồm hai đoạn cộng với coda ngắn gọn, cuốn hút. Nó tạo cảm giác mới mẻ nhưng thân thuộc và phù hợp với thị hiếu người nghe…


Có thể thấy ba ca khúc là ba hình ảnh Trương Chi khác nhau: huyễn hoặc, day dứt với Văn Cao; nhẹ nhàng, khoan thai với Phạm Duy và dằn vặt, ai oán với Phó Đức Phương. Trương Chi – một con người đau đáu, thống thiết về kiếp nghèo, về một tình yêu dang dở – mãi là nguồn cảm hứng vô tận cho văn học nghệ thuật Việt Nam. Trong tương lai, chắc chắn xuất hiện nhiều nữa những nhạc phẩm viết về hình tượng độc đáo này


N.V.T – L.T.T

Nguồn Vannghequandoi