Mai Lữ
Hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 – 20/7/2022), vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết và Trại sáng tác văn học về đề tài hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân. Các nhà văn trẻ, nhất là những nhà văn đang công tác trong lực lượng công an đã tạo được dấu ấn tốt đẹp qua các tác phẩm nổi bật.
Trong Cuộc thi viết về hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân, Ban Tổ chức nhận được 270 bài dự thi, trong đó có tới 215 bài dự thi của tác giả trong lực lượng công an và 55 bài dự thi của các tác giả ngoài lực lượng. Nhiều tác phẩm đoạt giải được kỳ vọng sẽ mang lại giá trị lớn về nội dung và nghệ thuật nếu được xuất bản, phổ biến tới bạn đọc cả nước.
Còn Trại sáng tác văn học về hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân do Bộ Công an phối hợp Hội Nhà văn Việt Nam và Công an tỉnh Ðắk Nông tổ chức với sự tham gia của 40 cây bút đến từ các đơn vị, địa phương trong cả nước, trong đó có 11 tác giả đang công tác trong lực lượng công an. Các tác giả được đi thực tế, tìm hiểu hoạt động, cuộc sống, điều kiện công tác của lực lượng công an tại các đơn vị, địa phương và tình cảm của người dân đối với lực lượng, nhất là với cán bộ, chiến sĩ ở vùng biên giới. Sau 25 ngày dự trại sáng tác và một tháng hoàn thiện tác phẩm, các tác giả đã gửi tới Ban tổ chức 51 tác phẩm dự thi, trong đó bút ký có năm tác phẩm, truyện ngắn có 39 tác phẩm, tiểu thuyết có sáu tác phẩm, và truyện dài có một tác phẩm.
Ðánh giá về các tác phẩm dự thi, Thiếu tướng, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Công Bẩy, Phó Cục trưởng Cục Công tác đảng và công tác chính trị (Bộ Công an) cho biết, cuộc thi viết và trại sáng tác văn học đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người viết chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư trong cả nước, đặc biệt có nhiều cây viết là cán bộ, chiến sĩ công an công tác tại các đơn vị cơ sở. Các tác phẩm dự thi đã bám sát đề tài, khắc họa được hình tượng về người chiến sĩ cảnh sát nhân dân một cách rõ nét với những phẩm chất tốt đẹp, sự hy sinh cao cả và luôn dấn thân để bảo vệ sự bình yên của nhân dân và chủ quyền của đất nước. Những trang viết giàu cảm xúc, giản dị trong lối khắc họa, trong đó có những câu chuyện viết về cuộc sống và công việc thường ngày của cán bộ, chiến sĩ tạo được nét hóm hỉnh, gần gũi, thân thiện với bạn đọc. Ðặc biệt, không ít tác phẩm được đầu tư khá công phu, bám sát các hoạt động của lực lượng trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, tăng cường cho hoạt động cơ sở, thể hiện phương châm “Khi dân cần, khi dân khó có công an”. Cuộc thi này có cả tiểu thuyết, điều đó cho thấy sự tâm huyết và hưởng ứng nhiệt tình của các tác giả…
Tại buổi lễ, ở nội dung cuộc thi viết, Ban Tổ chức đã trao giải đặc biệt cho truyện ngắn “Con nuôi” của Thượng tá Lê Nguyên Ðông (Nha Trang) và năm giải A, 15 giải B, 20 giải C, 30 giải khuyến khích cho các tác giả. Ở nội dung Trại sáng tác văn học, có hai giải A, ba giải C, 10 giải khuyến khích. Một trong những điểm nhấn tạo nên ấn tượng ở hai nội dung này đó là sự góp mặt của đội ngũ các nhà văn trẻ nổi bật trên văn đàn hiện nay. Nội dung Trại sáng tác, có tới bốn tác giả trẻ đang công tác trong lực lượng công an đoạt giải: Trung tá Bùi Tuấn Minh giải B (truyện ngắn Bình minh Dak D’rao); Thượng úy Phan Ðức Lộc giải B (truyện ngắn Mùa hoa pa bát); Ðại úy Trần Ngọc Mai giải khuyến khích (tiểu thuyết Cổ tích cảnh sát); Trung úy Lê Ðình Trung giải khuyến khích (truyện ngắn Chiếc huy hiệu màu đỏ). Các cây bút chuyên nghiệp đến từ mọi miền trong cả nước cũng đoạt giải cao khi tham gia cuộc thi viết về đề tài hình tượng người chiến sĩ cảnh sát nhân dân, như: Nguyễn Thụy Anh, Nguyễn Xuân Thủy, Niê Thanh Mai, Hoài Hương, Trần Quỳnh Nga, Ðặng Thùy Tiên, Tống Phước Bảo, Uông Triều…
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, đây là hoạt động đặc biệt bởi chỉ trong một thời gian ngắn nhưng đã mang lại những thành công nhất định, trong đó phải kể đến sức thu hút với đông đảo đội ngũ các nhà văn chuyên nghiệp tham gia. Mỗi tác phẩm ở đây như một bộ “hồ sơ” về hình tượng người chiến sĩ cảnh sát nhân dân. Ðó không phải những bí mật trong nghiệp vụ mà là những bí ẩn bên trong tâm hồn cao đẹp. Các tác giả đã miêu tả nhiều góc khuất của những con người luôn trăn trở, thầm lặng đem lại những gì an toàn, tốt đẹp nhất cho cuộc sống của nhân dân. Những tâm tư bình dị, những mong muốn trong đời sống văn hóa tinh thần của người chiến sĩ đều được thể hiện một cách xúc động, lôi cuốn. Cũng chính những tác phẩm văn học về đề tài lực lượng cảnh sát nhân dân đã góp phần tạo nên một diện mạo mới trong nền văn học Việt Nam hiện nay.
Nguồn: Báo Nhân Dân