GIANG NAM

Hội An hấp dẫn từ nếp sống trong mỗi căn nhà.

Homestay là loại hình du lịch trải nghiệm cuộc sống cùng người dân địa phương. Những cơ sở du lịch gắn biển “homestay” nhưng của người từ nơi khác đến sẽ không bao giờ có được cái hồn cốt của người đã sống lâu ở nơi này.

Cách đây mấy năm, khi đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai chưa khánh thành, một người bạn của tôi nhanh chân “đón đầu” luồng khách du lịch tới Lào Cai bằng hướng kinh doanh mới. Mấy nếp nhà kiểu người Mông được xây lên trên một khu đất đi thuê. Tường bao quanh xếp đá chứ không xây. Khách “vip” sẽ được ở nhà trình tường. Nội thất mộc mạc, đơn sơ tô điểm bằng những sắc màu thổ cẩm người Mông. Mùa đông có bếp lửa bập bùng. Lại có cả đôi ngựa làm cảnh, và để khách thử leo lên yên, nếu cần. Khách sẽ được sống trong không gian rất giống của người Mông. Đẹp lãng mạn, hoang sơ. Giờ, cơ sở du lịch gắn biển “homestay” của anh bạn tôi đang thắng to, nhất là khi khách du lịch bắt đầu sợ hãi trước những tòa ngang dãy dọc bê tông dày đặc ở Sa Pa.

Homestay là loại hình du lịch nghỉ tại nhà dân, hướng đến trải nghiệm văn hóa. Khách du lịch ăn chung mâm, ở cùng nhà, tương tác với chủ nhà, nghe những câu chuyện mà người dân bản xứ kể lại. Thậm chí, người ta tham gia vào công việc hàng ngày của người bản xứ. Những người đã chán với những phòng ốc khách sạn, nhà nghỉ hay resort, muốn tìm trải nghiệm những ấn tượng mới – không gì hơn là homestay.

Ở Việt Nam, nơi làm homestay đầu tiên có lẽ là bản Lác (Mai Châu – Hòa Bình). Những ngôi nhà sàn, những phong tục của người Thái, sự nồng ấm trong những bữa cơm với gia chủ đã làm nên sắc thái riêng của điểm du lịch này. Và rồi, càng ở những nơi có những nét văn hóa độc đáo, homestay càng phát triển. Ví như miền Tây Bắc với cuộc sống của các dân tộc Thái, Mông, Dao…; ở Hội An, Huế với nét văn hóa ứng xử đặc sắc, dưới những nếp nhà cổ kính, hay cuộc sống miệt vườn sông Cửu Long… Song, người bản xứ thường thiếu vốn, thiếu kỹ năng làm du lịch. Các nhà đầu tư thì thừa sự thính nhạy trong làm ăn. “Homestay phong cách Việt” ra đời dưới bàn tay những ông chủ đầu tư trước đó thậm chí chưa từng hít thở không khí bản địa. Ở mảnh đất “cực hot” về homestay Lào Cai, người miền xuôi đua nhau lên kinh doanh homestay, dựng lên cả những homestay sang trọng như… resort.

Hội An (Quảng Nam) cũng bùng phát “homestay phong cách Việt”. Năm 2015, chính quyền Hội An phải tạm ngừng cấp phép đăng ký kinh doanh dịch vụ này. Trong một diễn biến mới, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay). Quy chế yêu cầu chủ kinh doanh homestay phải có hộ khẩu hoặc đăng ký thường trú và hiện đang sinh sống tại ngôi nhà kinh doanh. Nói cách khác, “chỉ người Hội An mới được làm du lịch homestay ở Hội An”.

Một số người phản ứng gay gắt, cho rằng quy định “làm khó dễ” người nơi khác, hay “bảo hộ” người địa phương… Quy chế này có vi phạm quyền tự do kinh doanh của công dân hay không là điều các cơ quan sẽ xem xét. Nhưng, ở một góc nhìn khác, có thể thấy, những người soạn thảo ra Quy chế đã rất “tinh đời” trong nỗ lực bảo tồn, phát huy văn hóa của địa phương, nhất là của phố cổ Hội An. Cái đẹp của Hội An không chỉ nằm ở những nếp nhà cổ. Như mảnh “hóa thạch” của thời gian, những gia đình sống nhiều đời ở Hội An vẫn giữ những nếp sinh hoạt xưa ngay trong thời hiện đại. Người trẻ giữ lễ với người già. Gia đình ba, bốn thế hệ vẫn đầm ấm, yên vui. Người Hội An tình cảm trong giao tiếp với xóm giềng, cởi mở với khách. Cho dù lần đầu gặp, người ta vẫn nhiệt tình trò chuyện, giúp đỡ như đã từng quen.

“Cây đa mô to bằng cây đa Bàn Lãnh/ Đất mô thanh cảnh cho bằng đất Hội An”. Trải nghiệm Hội An ở bề sâu, là trải nghiệm, cảm nhận những nét văn hóa thường ngày. Điều ấy chỉ có thể có ở homestay – sống cùng cư dân bản địa Hội An, với những người sinh ra, lớn lên ở mảnh đất này, thẩm thấu văn hóa Hội An trong từng hơi thở.

Ngược lại, để khách du lịch trải nghiệm thứ “hàng nhái” văn hóa Hội An sẽ làm hại chính văn hóa, du lịch Hội An.

Câu chuyện người Hội An muốn bán cho khách du lịch thứ homestay “hàng thật” không khỏi khiến tôi liên tưởng đến câu chuyện những homestay sang trọng ở Lào Cai, Hà Giang… Nhiều người Việt vẫn “dễ tính” khi đi du lịch. Nhưng rất nhiều khách quốc tế đến Việt Nam là để tìm những trải nghiệm văn hóa mới lạ. Cái thứ homestay “bắt chước” văn hóa địa phương có thể thu lời trước mắt. Song, việc đem “bản sắc văn hóa” kiểu như thế đến với khách du lịch, khó có thể có thể xây dựng ngành du lịch phát triển vững bền.

Nguồn: Nhandan.com.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài