NGUYỄN PHƯƠNG

Lâu nay, bảo tàng công lập luôn là địa chỉ hàng đầu trong công tác sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị các hiện vật, cổ vật quý giá của nước nhà. Song điều đáng buồn, là công tác sưu tầm, mua hiện vật còn gặp nhiều khó khăn, khiến các bảo tàng đang mất dần cơ hội sở hữu các hiện vật quý; tạo nguy cơ “chảy máu” cổ vật, hiện vật.

Một trong những trở ngại lớn của sưu tầm hiện vật chính là sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà sưu tầm đồ cổ trong và ngoài nước với bảo tàng để sở hữu hiện vật; nguyên nhân chính là do thiếu kinh phí và thủ tục rườm rà của các bảo tàng. Có cán bộ Bảo tàng Ðà Nẵng từng kể, trong chuyến đi sưu tầm ở một vùng quê, đoàn phát hiện một hiện vật quý. Sau khi thỏa thuận thời gian và giá cả, về cơ quan làm thủ tục, đến lúc quay lại để tiếp nhận thì chủ nhân đã bán hiện vật cho người khác. Tìm hiểu mới biết, những “đại gia” đồ cổ đã mua với giá gấp năm đến sáu lần giá bảo tàng đưa ra.

Cách đây mấy năm, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Phạm Chí Thân từng kêu khó, khi trên địa bàn tỉnh phát hiện con tàu cổ tại tọa độ X3; nhưng đến khi làm xong thủ tục được phép khai thác thì cũng là lúc con tàu đã bị thất thoát nhiều cổ vật bởi nạn trục vớt di sản trái phép. Thực tế cho thấy, các nhà sưu tầm đồ cổ thường lùng sục khắp mọi nơi, khi phát hiện hiện vật quý, họ đeo bám đến cùng và nhanh chóng mua bằng được với bất cứ giá nào. Còn cán bộ bảo tàng muốn sưu tầm lại phải có thời gian làm dự án, đề xuất xin kinh phí, chờ phê duyệt…, với nhiều bước nhiêu khê; đến khi xong thủ tục thì hiện vật đã rơi vào tay người khác. Một số cán bộ bảo tàng cho biết, việc mua hiện vật với đầy đủ các chứng từ theo quy định của ngành tài chính kế toán là một vấn đề không đơn giản; chưa kể sự cạnh tranh về mặt giá cả theo thị trường.

Năm 2013, Thông tư Quy định về sưu tầm hiện vật của bảo tàng công lập (11/2013/TT-BVHTTDL ngày 16-12-2013) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, song vẫn bị cho là còn những bất cập. Cụ thể, cuối tháng 8 vừa qua, tại buổi làm việc của Ban Văn hóa – Xã hội (HÐND thành phố) với Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh, phía bảo tàng phản ánh việc sưu tầm hiện vật hiện nay theo quy định của Thông tư còn gặp nhiều trở ngại. Theo đó, để mua dù một hiện vật hay nhóm hiện vật số lượng nhiều, quy trình đều phải theo tám bước, như: tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập thông tin về hiện vật dự kiến mua; tiến hành thương thảo với chủ sở hữu hiện vật về giá bán; lập danh sách hiện vật dự kiến sưu tầm; lập dự án, kế hoạch trình giám đốc bảo tàng hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt; trình hội đồng khoa học của bảo tàng hoặc hội đồng thẩm định; giám đốc bảo tàng quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định việc mua hiện vật… Trong đó, vướng nhất là bước thành lập hội đồng thẩm định cấp tỉnh, thành phố. Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh Hoàng Anh Tuấn cho biết, có khi mất một năm vẫn chưa xong các thủ tục. Ðược biết, đến thời điểm này, hội đồng thẩm định cấp thành phố cho kế hoạch sưu tầm năm 2017 vẫn chưa được thành lập; dẫn đến nguy cơ các bảo tàng không sưu tầm được hiện vật nào. Trong khi đó, năm nay, TP Hồ Chí Minh có năm bảo tàng có kế hoạch sưu tầm thêm hiện vật; trong đó, riêng Bảo tàng Lịch sử thành phố dự định mua 17 hiện vật, gồm các cổ vật quý, như: bộ sưu tập gốm men hoa lam Chu Ðậu Việt Nam (thời Lê thế kỷ 15 – 16); bộ sưu tập về Ðại tiền (tiền thưởng) bằng bạc của vua; trấn phong (bình phong) bằng kim loại quý của hoàng gia thời Nguyễn (thế kỷ 19)… Vì thế, Sở Văn hóa và Thể thao cần tham mưu cho UBND thành phố việc thành lập hội đồng thẩm định nhanh chóng hơn; bởi nếu các bảo tàng không mua kịp, hiện vật, cổ vật rơi vào tay tư nhân, có khi là người nước ngoài, nước ta sẽ bị mất cổ vật.

Trước những khó khăn trong công tác sưu tầm hiện vật của bảo tàng, thiết nghĩ, ngành văn hóa và các cơ quan có thẩm quyền cần quan tâm, chú trọng hơn nữa để đáp ứng đòi hỏi của thực tế, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước. Bởi bên cạnh hạn chế, khó khăn về nguồn kinh phí, việc xây dựng một hành lang pháp lý với những quy định phù hợp là điều hết sức cần thiết trong bối cảnh thị trường nhiều cạnh tranh, phức tạp; góp phần gìn giữ những tài sản văn hóa, lịch sử quý giá của
nước nhà.

Nguồn: Báo Nhân Dân điện tử

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài