Sau khi báo Thanh Niên đăng bài Choáng váng vì tranh mạo danh, nhiều họa sĩ đồng loạt lên tiếng đòi xử lý hình sự đối với tranh giả và tranh mạo danh.
Họa sĩ Phạm An Hải cho biết anh phát hiện ra sự việc giả bức tranh Dư âm phố cổ của anh vào sáng 9.8, trong khi bức tranh gốc (trị giá khoảng 6.000 USD, khổ 60x100cm, vẽ năm 2016) hiện vẫn đang nằm trong nhà họa sĩ. Trước đó, họa sĩ cũng từng phát hiện ra nhiều tác phẩm của mình bị làm giả.
Bức tranh giả tác phẩm Dư âm phố cổ của họa sĩ Phạm An Hải
ẢNH: NVCC
Tình trạng làm tranh giả hiện nay rất ảnh hưởng tới anh em nghệ sĩ. Các nhà sưu tập lớn sẽ sợ thị trường tranh Việt Nam
Họa sĩ Vũ Như Hải
“Tôi cho rằng họ đã chép lại bức tranh từ tấm hình chụp tranh gốc của tôi đã được tôi đưa lên mạng xã hội. Người mua cũng xác nhận với tôi rằng đã mua trực tiếp tranh từ nhà ông Bảo Khánh, một người quen của tôi. Pháp luật cần vào cuộc, xử lý mạnh sự việc này vì đây là hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Muốn xử lý được đến tận cùng vấn nạn tranh giả cần có pháp chế khác mạnh mẽ hơn. Thiệt hại lớn luôn rơi về phía nhà sưu tập. Và tiếp đó dẫn đến hiện tượng các người mua tranh khác cũng sẽ bị hoang mang, không biết tranh mình muốn mua là thật hay giả”, họa sĩ Hải nói.
Họa sĩ Nguyễn Đình Hợp cho biết những kẻ tổ chức làm tranh giả, buôn bán tranh giả thường là người quen biết nên các họa sĩ khi phát hiện ra đều nhắc nhở và bỏ qua chứ chưa làm quyết liệt. “Một tổ chức làm tranh giả có thể họ chấp nhận phạt hành chính 10 triệu đồng, nhưng họ không sợ và chấp nhận bị phạt vì họ có thể thu được vài trăm triệu đồng. Chế tài của nước ta về vấn đề tranh giả còn quá yếu. Chưa có trường hợp bắt tù những kẻ làm giả tranh hoặc mạo danh tranh. Nay cần xử lý chế tài thật nặng vụ làm tranh giả, tranh mạo danh mới hi vọng hạn chế được các vấn nạn này. Ngoài phạt tiền cần cấm mọi hoạt động liên quan đến nghệ thuật. Thời gian cấm có thể tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng đến đâu”, họa sĩ Hợp nói.
Chứng nhận giả bức tranh Mùa thu (họa sĩ Đặng Xuân Hòa)
ẢNH: NVCC
Họa sĩ Bùi Trọng Dư cũng cho rằng: “Hành vi tổ chức và làm tranh giả, lừa đảo người mua tranh giả, tranh mạo danh cần phải truy tố trước pháp luật. Các cơ quan chức năng phải xem lại cách chế tài làm sao cho đủ sức răn đe. Chứ chỉ phạt hành chính vài triệu như vụ họa sĩ Văn Thơ kiện một gallery ở Hà Nội làm tranh giả của ông trước đây thì chỉ bắt cóc bỏ đĩa hòa cả làng”.
Theo họa sĩ Vũ Như Hải, các họa sĩ bị làm giả tranh, mạo danh tranh cần phải làm đến nơi đến chốn, đề nghị nhà nước can thiệp và có biện pháp ngăn chặn hành vi làm giả kể cả ở các gallery. “Tình trạng làm tranh giả hiện nay rất ảnh hưởng tới anh em nghệ sĩ. Các nhà sưu tập lớn sẽ sợ thị trường tranh Việt Nam. Với số tiền bán tranh cho người sưu tập lên đến 300 triệu đồng là tội lừa đảo rồi và phải xử lý hình sự công khai để làm nghiêm”, họa sĩ Hải nói.
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan cho rằng khi phát hiện ra tranh mình bị làm giả hoặc bị mạo danh đầu tiên họa sĩ phải đưa ra được bằng chứng là bức tranh gốc của mình lưu giữ (hoặc ảnh chụp tranh nếu đã bán tranh) để so sánh với bức tranh giả, sau đó công bố ngay trên các phương tiện truyền thông. Đồng thời họ cần làm đơn tố cáo gửi các bộ, ngành liên quan như Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Cục An ninh Văn hóa – Bộ Công an, Cục Bản quyền tác giả, Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm Việt Nam.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm, cho biết nếu phát hiện ra tranh giả, tranh mạo danh thì họa sĩ hoặc chủ sở hữu tác phẩm gốc cần báo với thanh tra văn hóa, công an phường, quản lý thị trường… để giữ nguyên tang chứng, và có thể xử lý theo Nghị định 158 của chính phủ tùy theo mức độ vi phạm.
“Người tổ chức làm tranh giả cần phải xử lý hình sự và phạt tiền thật nặng, bị quản chế tại địa phương, đồng thời việc làm tranh giả cần được thông báo rộng rãi trên báo chí để người khác không bị lừa nữa”, họa sĩ Ngô Đồng.
“Làm tranh giả không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân các họa sĩ mà còn bôi xấu bộ mặt văn hóa nước nhà với cộng đồng quốc tế”, họa sĩ Vũ Như Hải.
“Khi chủ sở hữu quyền tác giả phát hiện hành vi xâm phạm bản quyền của mình thì có quyền yêu cầu bên xâm phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi công khai, và yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có). Theo luật Sở hữu trí tuệ, mọi hành vi sao chép không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả đều là hành vi xâm phạm bản quyền (trừ trường hợp sao chép để sử dụng cho mục đích học tập, hay nghiên cứu của riêng mình). Chủ sở hữu được khởi kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại, ngoài ra nếu hành vi xâm phạm quyền tác giả có quy mô thương mại đều có thể bị xử lý hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm”, luật sư Lê Quang Vy.
Lucy Nguyễn
Thanhnien.vn
Lê Thị Hồng Nhung đăng bài