Sự nghiệp điện ảnh của “vua hề Sác-lô” thành công ở mức gần như không thể nào lặp lại được. Tuy vậy, trong những năm tháng cuối đời, ông đã phải đối diện với những thất bại ê chề, một trong số đó là giấc mơ điện ảnh cuối cùng bị dở dang…

Danh hài Charlie Chaplin - “vua hề Sác-lô”
Danh hài Charlie Chaplin – “vua hề Sác-lô”

Một thùng gỗ lớn bị bỏ quên trong phòng chứa đồ tại nhà riêng của danh hài Charlie Chaplin trong suốt nhiều thập kỷ đã chứa đựng cả một kho báu ở trong đó: một đôi cánh thiên thần được thực hiện cầu kỳ, gắn đầy lông thiên nga, được thực hiện để dành cho giấc mơ điện ảnh cuối cùng của danh hài Charlie Chaplin. Tuy vậy, giấc mơ ấy đã không bao giờ trở thành hiện thực.

Charlie Chaplin đã qua đời từ năm 1977 khi dự định thực hiện bộ phim “The Freak” vẫn còn đang dang dở, trong phim, Chaplin dự định để con gái Victoria là diễn viên nữ chính – một cô gái mang trên mình đôi cánh thiên thần, đem đến hy vọng cho nhân loại và cũng đồng thời vạch trần những xấu xa, đen tối nhất của con người.

“Đó hẳn là một câu chuyện cổ tích tuyệt đẹp. Một câu chuyện mà chỉ có những người già đã ở vào tuổi của cha tôi mới có thể nghĩ ra và mơ về. Đó sẽ là một giấc mơ rất đẹp dành cho cha tôi” – con trai của Chaplin – ông Michael (giờ đã 69 tuổi) chia sẻ. Michael đã từng có cơ hội được đọc kịch bản bộ phim “The Freak” của cha hồi thập niên 1970.

Con trai của Chaplin - ông Michael (hiện giờ đã 69 tuổi) - từng được đọc kịch bản của bộ phim hồi thập niên 1970. Đôi cánh thiên thần - một đạo cụ quan trọng trong bộ phim - đã bị cất vào nhà kho sau khi Chaplin qua đời. Giờ đây, một cuốn sách đã được xuất bản để đưa kế hoạch điện ảnh dang dở của Chaplin đến với công chúng.
Con trai của Chaplin – ông Michael (hiện giờ đã 69 tuổi) – từng được đọc kịch bản của bộ phim hồi thập niên 1970. Đôi cánh thiên thần – một đạo cụ quan trọng trong bộ phim – đã bị cất vào nhà kho sau khi Chaplin qua đời. Giờ đây, một cuốn sách đã được xuất bản để đưa kế hoạch điện ảnh dang dở của Chaplin đến với công chúng.

Danh hài “thiên tài” Charlie Chaplin đã từng xuất hiện trong những bộ phim hài câm đen trắng kinh điển trong lịch sử điện ảnh như “The Kid”, “Modern Times”, “The Great Dictator” và “City Lights”… Ở Việt Nam, Charlie Chaplin thường được gọi là “vua hề Sác-lô”, ông được ngưỡng mộ và yêu mến trên khắp thế giới, là một diễn viên hài biểu tượng.

Trong những năm tháng cuối đời, Chaplin có những sự đổi thay trong tư duy điện ảnh, dù không thành công như những bộ phim hài ông từng thực hiện nhưng là một bước chuyển quan trọng trong sự nghiệp của ông, cho thấy một cuộc đổi thay mang tính đột phá ở một diễn viên đã được “đóng đinh” với những vai hài.

“The Freak” là một bộ phim như vậy, một bộ phim hoàn toàn khác với những gì người ta từng biết về “vua hề Sác-lô”, bộ phim cũng được bản thân Charlie Chaplin kỳ vọng sẽ là bộ phim cuối cùng mình thực hiện trong cuộc đời, tuy vậy, dự định của ông đã không hoàn tất.

Giờ đây, một cuốn sách vừa được xuất bản ở Thụy Sĩ – nơi Chaplin đã sống 24 năm cuối cuộc đời cùng với người vợ thứ 4 và 8 người con. Cuốn sách này lần đầu tiên viết lại chi tiết toàn bộ kế hoạch làm phim dở dang của Chaplin.

Tác giả của cuốn sách – Pierre Smolik – cho biết ông đã được tiếp cận với những ghi chép của Chaplin lúc sinh thời, gồm hàng trăm trang giấy viết tay với những ghi chú của Chaplin xoay quanh tiến trình thực hiện bộ phim “The Freak”, hai cuốn kịch bản, một bản tóm tắt cùng các bức ảnh và đoạn phim…

Những tài liệu này đã đưa lại một bức tranh tương đối chi tiết về bộ phim mà Chaplin dự định thực hiện trong những năm tháng cuối đời.

Charlie Chaplin trong phim “The Circus”, tài năng diễn xuất của Chaplin trong lĩnh vực phim hài câm đen trắng đã đem về cho ông một giải Oscar danh dự hồi năm 1972.
Charlie Chaplin trong phim “The Circus”, tài năng diễn xuất của Chaplin trong lĩnh vực phim hài câm đen trắng đã đem về cho ông một giải Oscar danh dự hồi năm 1972.

Năm 1967, bộ phim cuối cùng được thực hiện hoàn tất của Charlie Chaplin – “A Countess from Hong Kong” (Nhà quý tộc đến từ Hồng Kông) – đã bị thất thu ngoài phòng vé, điều này đã khiến ông rất buồn bã, suy sụp, nhưng ngay sau đó ông lại hối hả với một dự án mới – bộ phim “The Freak”.

Chaplin bắt tay vào việc viết kịch bản cho phim từ năm 1969, ở tuổi 80, và tiếp tục cặm cụi làm việc với dự án này thêm hai năm nữa tại điền trang xinh đẹp của gia đình mình ở Thụy Sĩ – một cơ ngơi trông ra hồ Geneva.

Chaplin đã đặt làm đôi cánh thiên thần và thậm chí còn thực hiện một vài cảnh phim quay thử cùng với cô con gái 18 tuổi Victoria – người mà Chaplin coi là hiện thân cho nhân vật nữ chính mang màu sắc thần thoại của mình.

Tác giả của cuốn sách mới xuất bản - Pierre Smolik - đang cầm trên tay đôi cánh gắn đầy lông thiên nga được thực hiện như là món đạo cụ quan trọng nhất trong bộ phim “The Freak”.
Tác giả của cuốn sách mới xuất bản – Pierre Smolik – đang cầm trên tay đôi cánh gắn đầy lông thiên nga được thực hiện như là món đạo cụ quan trọng nhất trong bộ phim “The Freak”.

Chuyện phim kể về một cô gái mang đôi cánh thiên thần, một hôm cô rơi xuống mái nhà của một vị giáo sư ở Chile. Vợ chồng giáo sư đã chăm sóc cho cô gái và gọi cô là Sarapha, ngôi nhà của họ bỗng trở thành một địa điểm hành hương của những người bệnh tật, họ tin rằng cô gái là một thiên thần có thể chữa lành mọi bệnh tật.

Không ngờ Sarapha bị bắt cóc và bị biến thành tượng sống, đem trưng bày cho đám đông nhìn ngó. Cô tìm cách trốn thoát khỏi những kẻ bắt cóc nhưng rồi lại bị cảnh sát giữ lại và cô phải chứng minh được rằng mình là một người bình thường thì mới được thả ra.

Sarapha quyết định sẽ sử dụng đôi cánh của mình để bay trở về quê nhà ở Chile nhưng bị kiệt sức ngoài Đại Tây Dương, nàng chết giữa biển khơi. Cuối cùng thì thiên thần, sự thánh thiện tuyệt đối không thể nào tồn tại trong thế giới trần tục, không thể nào sống giữa con người.

Tạo hình nhân vật Sarapha
Tạo hình nhân vật Sarapha

Tác giả của cuốn sách – Pierre Smolik – đã từng lớn lên ở gần điền trang nhà Charlie Chaplin, cậu bé Pierre khi đó đã có đôi lần trò chuyện với Chaplin trong thời kỳ ông chuẩn bị cho bộ phim “The Freak”. Lý do tại sao dự án điện ảnh cuối cùng này không được thực hiện hoàn tất quả thực có rất nhiều.

Chaplin lúc này đã lớn tuổi, vợ của ông không muốn dự án điện ảnh này khiến ông lao tâm khổ tứ nhiều nữa. Việc thực hiện bộ phim sẽ tạo sức nặng rất lớn đối với những năm tháng tuổi già của Chaplin. Thêm vào đó, Chaplin lại là người cầu toàn, thường làm việc đến mức khiến bản thân bị suy kiệt mỗi khi thực hiện một bộ phim mới.

Cuối cùng, vấn đề lớn nhất và nan giải nhất chính là tìm được ai đó sẵn sàng chi trả kinh phí làm phim khi một số bộ phim được thực hiện trong những năm tháng cuối đời của Charlie Chaplin không còn thành công ngoài rạp chiếu nữa.

Charlie Chaplin (ảnh chụp năm 1925) trước khi qua đời đã có dự định thực hiện một bộ phim mang màu sắc cổ tích tuyệt đẹp có tên “The Freak”.
Charlie Chaplin (ảnh chụp năm 1925) trước khi qua đời đã có dự định thực hiện một bộ phim mang màu sắc cổ tích tuyệt đẹp có tên “The Freak”.

Sau khi Charlie Chaplin qua đời năm 1977, gia đình ông đã rất cẩn thận, không để lọt những thông tin về bộ phim “The Freak” ra ngoài. Mãi cho tới tận năm 2010, khi tác giả Pierre Smolik, người trước đó đã từng viết một cuốn sách về Charlie Chaplin và khá quen thân với gia đình Chaplin, đề cập với các con của Charlie Chaplin xem liệu ông có thể được tiếp cận với các tài liệu mà vị danh hài để lại được không, những thông tin về bộ phim mới dần được hé lộ.

Lúc này, các con của Chaplin mới vào nhà kho để tìm lại những món đồ cũ của cha, ở đây, đôi cánh thiên thần đã được cất giữ suốt hàng thập kỷ được tìm thấy lại. Trong số những tài liệu được lưu giữ lại về bộ phim “The Freak”, họ còn tìm được một số cuộn phim, được quay bởi chính vợ của Charlie Chapline – bà Oona, trong khu vườn của điền trang nhà họ ở Thụy Sĩ hồi năm 1974.

Cô con gái Victoria của Charlie Chaplin
Cô con gái Victoria của Charlie Chaplin

Những ngày đó, cả gia đình Chaplin thường ngồi lại với nhau để bàn về bộ phim “The Freak”. Lúc này, Chaplin đã phải di chuyển bằng xe lăn, có lần ông quyết định để cô con gái Victoria đeo thử đôi cánh thiên thần.

Khi nhìn thấy Victoria đeo đôi cánh, khoảnh khắc đó khiến Chaplin phấn khích đến mức đủ sức đứng dậy khỏi chiếc xe lăn và bước đi vài bước rồi nói: “Không, không, con đeo không đúng rồi”. Khoảnh khắc đó, Chaplin như lại trở thành một đạo diễn, nhưng lần này là vị đạo diễn trong gia đình, với một dự án phim chỉ những người trong gia đình biết đến và cùng ông thực hiện, con gái làm diễn viên, vợ làm quay phim…

Đây là một kỷ niệm vừa vui vừa buồn đối với các con Chaplin bởi họ vẫn cảm thấy nuối tiếc khi cha mình không thể thực hiện được bộ phim mà ông dự định sẽ là giấc mơ điện ảnh cuối cùng trong cuộc đời mình.

Tác giả Pierre Smolik cùng con trai của Chaplin - ông Michael Chaplin - đang cầm trên tay cuốn sách mới xuất bản “The Freak - Bộ phim cuối cùng của Charlie Chaplin”.
Tác giả Pierre Smolik cùng con trai của Chaplin – ông Michael Chaplin – đang cầm trên tay cuốn sách mới xuất bản “The Freak – Bộ phim cuối cùng của Charlie Chaplin”.

Sau khi quay thử cảnh kết, cô con gái Victoria ngã xuống thảm cỏ thay vì ngã xuống Đại Tây Dương như trong kịch bản, đôi cánh thiên thần được cất vào nhà kho, vì họ không tìm thấy nhà đầu tư nào hứng thú với dự án điện ảnh của Chaplin.

Đôi cánh ban đầu trắng muốt giờ đã ngả vàng sau nhiều thập kỷ. Sắp tới, đôi cánh sẽ được đem trưng bày tại viện bảo tàng về Charlie Chaplin được mở ra tại ngay chính điền trang năm xưa cả gia đình từng chung sống. Bảo tàng sẽ bắt đầu mở cửa vào tháng 4/2016.

Đối với Chaplin, ông không bao giờ có thể lãng quên điện ảnh và cuộc sống đối với ông luôn đồng nghĩa với sự làm việc chăm chỉ, cật lực, “The Freak” là niềm an ủi trong những năm tháng cuối đời của Chaplin, để ông tin rằng mình vẫn đang được làm việc, đang ấp ủ một dự án điện ảnh, và để ông vẫn được tiếp tục hy vọng rằng sắp tới mình sẽ có một bộ phim ra rạp…

Cả gia đình Chaplin đã ở bên để động viên ông, giúp ông chạm tới một ước vọng mong manh cuối cùng trong cuộc đời.

Theo Bích Ngọc – Dân trí (dịch từ Daily Mail)