Chệch hướng từ tên gọi và cách tổ chức
Diễn ra theo định kỳ ba năm một lần, quy tụ đa dạng các hình thức nghệ nghệ thuật thị giác hiện nay (từ tranh vẽ, điêu khắc, đồ họa đến video art, nghệ thuật sắp đặt, trình diễn, body art), lại dành toàn bộ sân chơi cho người trẻ trên toàn quốc nên ngay từ khi mới ra đời, sự kiện nghệ thuật này từng được kỳ vọng sẽ phát triển theo mô hình các liên hoan nghệ thuật đương đại định kỳ ba năm (triennale), vốn rất phổ biến ở nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Nguyên do cốt lõi là tại thời điểm 2011, trong khi chưa có một văn bản pháp quy nào chính thức ghi nhận các hình thức nghệ thuật đương đại kể trên thuộc lĩnh vực quản lý chung là mỹ thuật, việc Bộ VHTTDL và đơn vị thừa hành là Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chính thức tổ chức một sự kiện mỹ thuật có quy mô toàn quốc, khuyến khích nghệ sĩ trẻ thực hành các hình thức nghệ thuật mới mẻ này tham gia là một nỗ lực rất đáng được ghi nhận.
Tuy nhiên, ngay từ kỳ tổ chức chính thức đầu tiên này, không khó để nhận ra đã có sự chệch đường. Mặc dù thông báo sẽ thu nạp các hình thức nghệ thuật đương đại, nhưng cách thức tổ chức vẫn không khác gì so với một triển lãm mỹ thuật toàn quốc định kỳ năm năm, thường chỉ phù hợp với tranh giá vẽ và tượng tròn hiện đại (điêu khắc nhỏ, bày trong phòng). Các tác giả gửi ảnh chụp (hoặc đĩa CD ghi hình tác phẩm trước) để HĐNT chấm chọn vòng một, với những quy định về kích thước, quy mô tác phẩm trong giới hạn nhất định do BTC đặt ra. Yêu cầu này, vô hình trung, đã đi ngược lại với tinh thần của nghệ thuật đương đại là chú trọng vào ý niệm tác phẩm và tính chất tương tác của nó với bối cảnh, công chúng, thay vì nệ vào những khuôn khổ hình thức cố định. Bên cạnh đó, việc có một HĐNT “chấm chọn” tác phẩm, phân định thứ hạng nhất, nhì trong một kỳ festival quy tụ đủ mọi hình thức, ngôn ngữ nghệ thuật thị giác của những người trẻ, mang tinh thần trẻ và giàu tính thể nghiệm, lại không có gò bó gì về chủ đề nội dung, khiến cho một sự kiện nghệ thuật mới mẻ, trẻ trung lại biến thành cuộc so bì khiên cưỡng về “chất lượng nghệ thuật” của đa dạng hình thức và quan niệm sáng tác khác hẳn nhau. Nhiều nghệ sĩ đã công khai lên tiếng trên truyền thông, với chung một suy nghĩ: đã gọi là “festival” thì không nên có giải thưởng!
Không gian trưng bày Festival Mỹ thuật trẻ 2017. Ảnh trong bài | AN TRUNG
Không thu hút được nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng
Với cách thức tổ chức cũ kỹ như đã nói trên, Festival Mỹ thuật Trẻ không khác gì một mô hình triển lãm mỹ thuật hoặc điêu khắc toàn quốc, hiện đã tỏ ra lạc hậu so với thực tế vận động của đời sống sáng tác mỹ thuật và nghệ thuật đương đại. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi trong thực tế, hầu hết các nghệ sĩ thực hành nghệ thuật đương đại có tên tuổi của Việt Nam, từng tham gia rất nhiều sự kiện, workshop, chương trình lưu trú nghệ thuật đương đại trên thế giới, đều không tham gia festival này, ngay từ kỳ đầu tiên.
Từ thực tế hoạt động thường nhật, đặc biệt với chương trình hợp tác quốc tế Tháng thực hành nghệ thuật và nhiều chuyến khảo sát đời sống nghệ thuật đương đại bên ngoài Việt Nam, anh Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc nghệ thuật của Heritage Space – một không gian nghệ thuật đương đại đáng chú ý ở Hà Nội hiện nay khẳng định: Đặt trong bối cảnh khu vực Đông – Nam Á và cả châu Á, Việt Nam được xem là quốc gia có rất nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng và tiềm năng, với tinh thần thể nghiệm mạnh mẽ. Theo anh, “không khó” để thu hút được họ cũng như các nghệ sĩ trẻ tên tuổi, đang tích cực tham gia hoạt động độc lập, đơn lẻ hoặc đồng hành cùng với những trung tâm, không gian nghệ thuật thị giác trong nước (như Doclab, Nhà sàn Collective, Six Space tại Hà Nội hay Sàn Art, Địa Project, The Factory tại TP Hồ Chí Minh) tham gia vào các sự kiện nghệ thuật tầm cỡ quốc gia như Festival Mỹ thuật Trẻ toàn quốc này. “Thay vì lập ra một HĐNT ngồi yên vị chọn tác phẩm qua ảnh chụp, nhà tổ chức hãy trao quyền nhiều hơn cho các thành viên hội đồng ấy, để họ chủ động lựa chọn và tiến cử nghệ sĩ, tác phẩm cho sự kiện này. Thay vì cố chọn ra đủ cả trăm tác phẩm để trưng bày và phân định tài chính cho hệ thống giải thưởng và tiền “nhuận treo” chỉ tương đương một tháng lương tối thiểu cho các sáng tác ấy, hãy dành kinh phí hỗ trợ một cách linh họat cho nghệ sĩ trẻ có điều kiện hoàn thiện tác phẩm được lựa chọn giới thiệu tại festival, như một cách đặt hàng… Đây cũng chỉ là thông lệ tổ chức chung tại những sự kiện nghệ thuật đương đại định kỳ (hai, ba hoặc năm năm) trong khu vực và trên thế giới mà các nghệ sĩ trẻ có tên tuổi của Việt Nam thường được mời tham gia”.
Trong Vựng tập Festival Mỹ thuật Trẻ 2017, họa sĩ Vũ Đình Tuấn – thành viên HĐNT của năm 2017 cho rằng: “Người trẻ thường sở hữu cái “ngông thị giác”. Cái “ngông” dễ tạo ra sự đột phá trong ý tưởng và hành động. Đột phá vượt bậc thì tạo nên sự xuất sắc. Ấy thế mà, qua ba kỳ tổ chức, dường như yếu tố xuất sắc của thế hệ các tác giả trẻ vẫn là điều hiếm thấy. Cùng với đó, sự thiếu vắng các hình thức nghệ thuật sắp đặt, trình diễn, body art, video art… một lần nữa khẳng định sự mất cân bằng đương đại, đặt ra những ý kiến hoài nghi”.
Rõ ràng, với một sinh hoạt nghệ thuật dành cho nghệ sĩ trẻ trong bối cảnh hiện nay, số lượng tác phẩm không làm nên quy mô sự kiện. Thay vào đó, chất lượng nghệ thuật cũng như cách thức tổ chức tôn trọng tinh thần thể nghiệm của người trẻ mới là điểm mấu chốt làm nên tính chuyên nghiệp, thật sự mang tinh thần “festival”. Hy vọng rằng, ở kỳ tổ chức tiếp theo, Festival Mỹ thuật Trẻ sẽ thật sự thoát khỏi tình cảnh “bình mới rượu cũ”, hay trẻ mà vẫn “già và tẻ” để trở thành một sự kiện nghệ thuật đúng nghĩa – dành cho, ghi nhận và tôn vinh sáng tạo của người trẻ – như cái đích khởi nguyên mà công chúng từng kỳ vọng.
Đào Đình Tân, Đơn hàng, điêu khắc tổng hợp, 185x66x35cm, giải nhì – Festival Mỹ thuật trẻ 2017. Sáng tác gây chú ý bởi đã được Hội đồng nghệ thuật chấm chọn là giải nhất, nhưng trong thông báo chính thức của BTC chỉ là giải nhì.
Số lượng hồ sơ sáng tác gửi đến BTC Festival Mỹ thuật Trẻ giảm dần qua ba kỳ tổ chức, lần lượt là 958, 762, 379. Tuy nhiên, số lượng tác phẩm được chọn trưng bày vẫn rất lớn, con số lần lượt là 156, 112, 92. Trong đó, chiếm tuyệt đại đa số vẫn là hội họa giá vẽ.
Số lượng các hồ sơ sáng tác thuộc những hình thức nghệ thuật đương đại chiếm tỷ lệ khiêm tốn. Năm 2014, BTC chọn được 61 tác phẩm hội họa, 14 tác phẩm đồ họa, 24 tác phẩm điêu khắc, tám tác phẩm sắp đặt và bốn tác phẩm video art vào vòng trưng bày. Con số thống kê lần lượt, của năm 2017 là 56, 14, 16, 5 và 1.
|