HỒNG VIỆT

Cảnh phim “Sống cùng lịch sử” của VFS.

Những tưởng sự căng thẳng giữa nhà đầu tư và các nghệ sĩ Công ty cổ phần Phim truyện Việt Nam (VFS) đã tạm dừng với quyết định thanh tra quá trình cổ phần hóa. Thế nhưng từ lúc nhận được chỉ đạo của Phó Thủ tướng cho đến ngày công bố quyết định thanh tra, những màn đấu khẩu vẫn liên tục. Nhưng phải chăng, trên tất cả là phim, thì không được nhắc tới?

Nhọc nhằn cổ phần

Từ năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) bắt đầu thực hiện lộ trình cổ phần hóa năm hãng phim nhà nước gồm: Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim tài liệu & khoa học trung ương, Hãng phim Giải phóng, Hãng phim hoạt hình Việt Nam.

Thế nhưng, tám năm trôi qua, mặc dù về danh nghĩa, quá trình cổ phần hóa đã hoàn tất nhưng để thật sự sống khỏe thì là chuyện khác. Ngoại trừ Hãng phim tài liệu và khoa học trung ương được cho phép giữ nguyên là Công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước vì đặc thù tuyên truyền, các hãng phim khác sau cổ phần cũng vẫn chỉ dừng lại mức “bình mới rượu cũ”.

Năm 2016, Công ty cổ phần hãng phim hoạt hình Việt Nam (tiền thân là Hãng phim hoạt hình Việt Nam) đăng thông báo tìm cổ đông chiến lược. Tuy nhiên, dù quá trình cổ phần hóa đã hoàn thành, nhà nước vẫn đang gánh công ty cổ phần hãng phim hoạt hình Việt Nam với 87 % cổ phần (!?).

Công ty cổ phần phim truyện I (Hãng phim truyện 1) là đơn vị đầu tiên hoàn tất và đi vào hoạt động dưới mô hình công ty cổ phần hóa từ năm 2010. Hiện tại, nhà nước vẫn nắm giữ 60% cổ phần, cán bộ công nhân viên công ty mua 7,5 %, cổ phần bán cho các nhà đầu tư là 32,5 %.

Công ty cổ phần phim Giải phóng (Hãng phim Giải phóng cũ) mới bán được 1% giá trị cổ phần, nhà nước vẫn giữ 99,7 % cổ phần. Việc tìm nhà đầu tư chiến lược đã tiến hành vài năm nay vẫn chưa có kết quả. Trong khi đó, hãng đang phải đối mặt với hàng chục tỷ đồng nợ đọng. Nguồn thu duy nhất vẫn chỉ là tiền nhà nước tài trợ cho hai bộ phim.

VFS đến giờ là đơn vị duy nhất có được nhà đầu tư chiến lược (65% cổ phần). Và với số cổ phần nắm giữ, theo luật, nhà đầu tư có quyền quyết định chính đường hướng, kể cả việc có còn tiếp tục theo điện ảnh hay không. Ông Nguyễn Thủy Nguyên, với tư duy của một nhà kinh doanh cũng thẳng thừng: “Nếu lãi thì làm, còn nếu thua lỗ thì cũng chẳng bảo đảm. Tôi không thể nói trước sẽ làm điện ảnh hay không”.

Có thể đặt nhiều câu hỏi: Tại sao lại chỉ có một đơn vị liên quan đến lĩnh vực ngoài văn hóa nghệ thuật nhảy vào đầu tư mà không hề có bất cứ một đơn vị làm điện ảnh nào mặn mà với các thương hiệu lẫy lừng? Phải chăng vì ai cũng sợ “mua dây buộc mình”? Và yêu cầu công ty đó phải coi trọng nghệ thuật, liệu có là quá tầm với chính nó? Cũng như các nghệ sĩ, quen ở trong lồng bao cấp, sẽ có thể làm gì hơn cho tương lai của mình, của thương hiệu hãng phim một thời lừng danh?

Bao giờ có phim?

Tư duy “hãy giao phim cho chúng tôi làm” là một tư duy có phần cũ kỹ. Diễn viên Mỹ Sylvester Stallone trước khi nổi tiếng từng phải cầm kịch bản đi khắp nơi để xin tiền làm phim, thậm chí còn phải bán đi cả con chó thân yêu để sống qua ngày trong lúc chờ nhà đầu tư. Đạo diễn “nhiều Oscar” James Cameron chờ 20 năm mới xin đủ tiền để làm phim “Avatar”, dù danh tiếng của ông không cần phải quảng cáo. Hà cớ gì nghệ sĩ Việt băn khoăn việc đi xin tiền làm phim?

Tổng giám đốc VIVASO Nguyễn Thủy Nguyên dù rất phũ, nhưng nói một điều cũng đáng suy nghĩ: “Nếu các anh giỏi, các đơn vị đã mời các anh”. Đạo diễn NSND Thanh Vân có phản bác rằng: “Ở đây chẳng ai ngồi chờ, chúng tôi vẫn phải đi làm ở các nơi. Nhưng nếu tạo điều kiện cho chúng tôi làm phim, anh em vẫn sẵn sàng sống chết”. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng đã rất lâu, không thấy có phim hay ở VFS.

Thực tế là để xoay xở thì các nghệ sĩ vẫn không thiếu việc. Thí dụ như với Hãng phim hoạt hình Việt Nam xây dựng kênh trên Youtube và đã giành nút bạc (trên 100.000 người theo dõi). Video nhiều lượt xem nhất lên tới hơn 35 triệu views (phim “Bố của gà con”, đưa lên cách đây một năm). Khả năng video này trở thành video tỷ view đầu tiên của Việt Nam là rất sáng. Nguồn thu từ Youtube mỗi tháng mang lại cho hãng 20-30 triệu đồng, con số không lớn nhưng rất đáng khích lệ. Công ty cổ phần hãng phim truyện 1 vẫn gia công phim truyền hình cho các công ty tư nhân. Các nghệ sĩ VFS, hãng phim Giải Phóng vẫn đi làm thuê cho nhiều nơi.

Nhưng ở chính các hãng, lâu lắm, không còn bộ phim nào đáng kể, trong khi mỗi năm, thị trường Việt Nam có 40 – 50 phim ra rạp. Phim điện ảnh gần nhất của Công ty cổ phần hãng phim truyện 1 là “Trên đỉnh bình yên” từ năm 2014. VFS đang có phim “Người yêu ơi”, nhưng trong không khí lùm xùm hiện nay, rất khó để hoàn thành đúng hạn. Hãng phim Giải Phóng có mấy phim ra rạp chỉ thu về vài trăm triệu đồng, trong khi đang bận cãi nhau vì nợ nần. Và tương lai gần nhất thôi, Liên hoan phim Việt Nam sắp tới sẽ có thể là liên hoan đầu tiên không có mặt một bộ phim nhà nước nào.

Chờ sự thay đổi, chi bằng tự thay đổi mình. Nghệ sĩ có tài, cần gì phải bấu víu vào những ánh hào quang quá khứ!

Nguồn: Báo Thời Nay

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài