TIỂU PHƯƠNG

Du khách tham quan khu trưng bày văn hóa và hiện vật xưa tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Quyết định của Ban giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam về việc mở cửa thông tầm, đón khách tham quan từ 8 giờ đến 17 giờ các ngày trong tuần khi triển khai đã gây không ít e ngại. Nhưng đến nay, tập thể cán bộ, nhân viên đều nhận thấy, đó là quyết định đưa Bảo tàng lên chuyên nghiệp, từ một bảo tàng ngành, hoạt động đơn điệu trở thành điểm đến hấp dẫn.

Tham quan Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, không ít định kiến về những không gian nhàm, cũ, đã thay đổi bởi cách bài trí hiện đại, giàu bản sắc. Hàng nghìn tư liệu, hiện vật, hình ảnh được trưng bày như những câu chuyện ấn tượng và sinh động về người phụ nữ Việt Nam. Qua các chủ đề phụ nữ trong gia đình; phụ nữ trong lịch sử và thời trang nữ, các gian trưng bày đã cung cấp nhiều thông tin về truyền thống văn hóa, các vấn đề xã hội đương đại, mà ở đó có vai trò rất lớn của người phụ nữ. Ngắm những bức ảnh ghi lại hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một nữ du khách nước ngoài bày tỏ, bà từng nghe nhiều về Việt Nam và cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Đến đây bà thêm ngưỡng mộ vẻ đẹp vừa anh hùng vừa nhân ái của những người phụ nữ ở đất nước này.

Nhiều năm trước, hoạt động của Bảo tàng chỉ đơn thuần là sưu tập, nghiên cứu, bảo quản, trưng bày; khách tham quan thưa vắng. Không ít cán bộ, nhân viên đã nghỉ việc hoặc tìm việc làm thêm để tăng thu nhập. Với mong muốn cán bộ, nhân viên yên tâm công tác, giữ được tình yêu nghề đồng thời đưa Bảo tàng đến gần hơn với công chúng, những người có trách nhiệm đã cùng bàn hướng đổi mới, thay đổi từ chính mỗi cá nhân trong lề lối, tác phong làm việc. Phương châm được Bảo tàng đặt ra là: Một khách cũng phục vụ như một trăm khách; mỗi người chuyên sâu một việc và làm được nhiều việc, giám đốc cũng có thể trở thành hướng dẫn viên, cán bộ cũng sẵn sàng làm công việc hành chính, sự vụ khi cần. Từ việc tham vấn ý kiến chuyên gia, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp trong và ngoài nước, lắng nghe góp ý của khách hàng, Bảo tàng đã từng bước có những thay đổi.

Song song với đổi mới hoạt động bảo tàng, các cuộc triển lãm chuyên đề, triển lãm lưu động, tổ chức sự kiện, truyền thông văn hóa, quảng bá sản phẩm vùng miền luôn được công chúng đánh giá cao. Năm vừa qua, Bảo tàng đã phối hợp tổ chức 25 cuộc triển lãm lưu động tại 12 tỉnh, thành phố, phục vụ gần 31 nghìn lượt khách tham quan. Nhiều triển lãm đã gây ấn tượng, vừa có ý nghĩa giáo dục chính trị, vừa đưa thương hiệu Bảo tàng Phụ nữ tới gần công chúng, như: Triển lãm Đồng chí Nguyễn Thị Thập – Cuộc đời và sự nghiệp tại tỉnh Tiền Giang, Hoa đất Việt tại Đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan, Trẻ em thời chiến, Bác Hồ với phụ nữ và thiếu nhi… Bảo tàng cũng đã phối hợp các tổ chức quốc tế trao giải vẽ tranh thiếu nhi, tổ chức ngày hội sách…, mở rộng những hoạt động giáo dục có ý nghĩa như: Gặp gỡ nhân chứng lịch sử giữa Đội nữ dân quân pháo phòng không Lam Hạ với khách tham quan, gắn kết với các nghệ nhân để tạo cơ hội trải nghiệm cho học sinh về nghề làm nón… Hoạt động của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao qua những lần hợp tác, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Điều đó được khẳng định bằng niềm tin và sự lựa chọn của các tổ chức và công chúng, và sự nỗ lực vì công việc của tập thể cán bộ, nhân viên. Nhiều người chia sẻ, nếu trước đây chỉ có người chờ việc, thì nay làm không hết việc.

Theo Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân, để tạo khí thế trong công việc, tăng nguồn thu, những cách tiếp cận mới đã được bàn thảo và đã mang lại hiệu quả. Ngoài hoạt động chuyên sâu về bảo tồn bảo tàng, đã có nhiều ý tưởng sáng tạo nhằm đa dạng hóa hoạt động giáo dục và chương trình công chúng, hướng tới trình độ chuyên nghiệp và xây dựng thương hiệu. Những buổi sinh hoạt chi bộ là những cuộc đối thoại thẳng thắn giữa chi ủy, ban giám đốc với đảng viên. Sinh hoạt chuyên đề gắn với những chủ đề thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, như: Học Bác để thay đổi tác phong của người cán bộ bảo tàng; Học Bác suy nghĩ về đạo đức làm nghề; Việc không của riêng ai…

Trong những câu chuyện về nghề, chúng tôi ghi nhận ngọn lửa nhiệt huyết, lăn xả với công việc của người đứng đầu cấp ủy, đơn vị – Giám đốc Nguyễn Thị Bích Vân và những cán bộ của Bảo tàng. Mỗi phòng chuyên môn chọn chủ đề phù hợp để thực hiện tốt, như: Phòng Nghiên cứu, Sưu tầm, Trưng bày với chủ đề Chất lượng trong từng sản phẩm – chuyên nghiệp trong từng kỹ năng; Phòng Kiểm kê, Bảo quản với Nâng cao trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp trong quản lý, bảo quản hiện vật Bảo tàng; Phòng Đối ngoại và Phát triển dự án, nêu cao Mạnh dạn, tự tin kết nối để học hỏi và phát triển… Tất cả đã tạo ra những thay đổi căn bản về “chất” trong hoạt động nghiệp vụ của Bảo tàng cũng như mở rộng cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên.

Nỗ lực của tập thể đã được ghi nhận bằng rất nhiều giải thưởng. Bảo tàng Phụ nữ liên tục được website du lịch uy tín và lớn nhất thế giới TripAdvisor bầu chọn là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của TP Hà Nội; là đối tác tin cậy của nhiều tổ chức trong và ngoài nước. Với cán bộ, nhân viên Bảo tàng, họ tự hào được làm việc mình yêu thích và sống được bằng nghề đã chọn.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài