Tranh Kim Hoàng (phục chế theo mẫu trong sách của Pháp).
Người nhỏ, ước mơ lớn
Dáng người thấp đậm nhưng bước đi thoăn thoắt, nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa cho người ta cảm giác trong con người của bà còn nhiều ước mơ để tỏ bày và tôn vinh những giá trị của văn hóa giân gian, văn hóa dân tộc. Sau khi đứng ra thành lập Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội, bà lại tiếp tục lao vào một dự án mới, sưu tập những dòng tranh dân gian. “Các nghệ nhân tranh dân gian đều đã già, nếu không bắt tay e rằng sẽ muộn”, bà tâm niệm.
Mà cũng có cái đã muộn thật rồi. Như dòng tranh dân gian Kim Hoàng vốn nổi tiếng, đến nay chỉ còn lại trong sách vở, bảo tàng. Lâu nay, tài liệu hình ảnh về tranh Kim Hoàng rất hiếm hoi, thường chỉ là những bức ảnh tư liệu rất nhỏ. Tuy vậy, khi đến với cuộc trưng bày chuyên đề về 5 dòng tranh dân gian Việt Nam tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội nhiều người bất ngờ khi thấy những bức tranh Kim Hoàng đã được phục dựng và ra mắt công chúng, với đầy đủ cả bản khắc.
Bản khắc tranh Gà trống mới được phục chế
Không được may mắn như tranh Đông Hồ và Hàng Trống, dòng tranh Kim Hoàng hiện nay không còn một nghệ nhân nào theo nghề, những bức tranh và bản khắc còn lại là báu vật của các bảo tàng, sưu tập tư nhân trong nước và nước ngoài.
Theo bà Thu Hòa, dòng tranh dân gian Kim Hoàng (nay thuộc xã Vân Canh- Hoài Đức, Hà Nội) được hình thành vào nửa sau thế kỉ 18. Dân làng này di cư từ Thanh Hoá ra Bắc năm 1701, gồm hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng hợp nhất lại.
Nhận thấy tranh Đông Hồ chỉ đủ cung ứng cho mạn Hà Bắc, Hải Dương, Nam Định; tranh Hàng Trống chỉ đủ cho Hà Nội và không thích ứng lắm với nông dân cả về thẩm mĩ lẫn túi tiền, họ quyết tâm tạo ra dòng tranh mới kết hợp cả 2 kỹ thuật Đông Hồ và Hàng Trống.
Hai dòng họ Nguyễn Sỹ và Nguyễn Thế đi đầu trong việc tổ chức vẽ và in tranh. Từ giữa tháng 11 âm lịch, làng bắt đầu công việc làm tranh phục vụ Tết. Đầu tiên cúng tổ nghề, sau đó ván in do trưởng phường giao cho dân làng in, in xong lại nộp lại cho trưởng phường.
Là người trân trọng và muốn gìn giữ, tôn vinh những dòng tranh dân gian truyền thống mang đậm hồn cốt của Việt Nam, bà Hòa cho rằng, tranh Kim Hoàng được in nét đen trên giấy rồi nghệ nhân dựa vào đó để sáng tạo màu sắc. Hiện tại không còn nghệ nhân nào theo nghề tranh Kim Hoàng, còn những bức tranh và bản khắc đã trở thành báu vật của các bảo tàng và nhà sưu tầm.
Bức tranh dân gian Kim Hoàng vừa được phục chế.
Nhọc nhằn hồi sinh
Bà Hòa kể, trong quá trình đi tìm lại bản khắc của tranh Kim Hoàng, đã may mắn mua được một ván áo quan có đầy đủ 10 bức tranh Kim Hoàng, trong khi bản khắc chỉ có nhiều nhất là 6 bức. Nhà sưu tầm nhận định, ban đầu tranh Kim Hoàng chủ yếu phục vụ thờ cúng, sau này phát triển theo nhu cầu cuộc sống như trang trí nhà cửa…
Hiện chỉ còn vài tranh như “Đức lưu quang”, “Phúc mãn đường”, “Gà”, “Lợn” (2 tranh sau này còn ván in lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam). Một số tranh khác in trong tài liệu xuất bản của người Pháp. Tranh Kim Hoàng có đủ loại tranh thờ cúng, tranh chúc tụng như một số dòng tranh khác cùng thời (Đông Hồ, Hàng Trống). Nhưng tranh Kim Hoàng lại biết kết hợp nhiều ưu điểm của 2 dòng tranh đó. Chính vì thế dòng tranh này mang những giá trị riêng.
“Ngoài ra, tranh Kim Hoàng có một điểm đặc biệt, là những câu thơ Hán tự được viết theo lối chữ thảo trên góc trái bức tranh. Cả thơ và hình vẽ tạo nên một chỉnh thể hài hoà, chặt chẽ cho tranh”, bà Hòa nói.
“Tranh Kim Hoàng không sử dụng giấy điệp như tranh Đông Hồ hay giấy dó như tranh Hàng Trống mà in trên nền giấy đỏ, giấy hồng điều, hoặc giấy vàng tàu nên còn được gọi là tranh Đỏ. Ở tranh Kim Hoàng, các nghệ nhân chỉ sử dụng một bản khắc để in nét đen lên giấy rồi dựa vào đó mà tự do chấm phá màu sắc theo cảm xúc riêng của mỗi người. Vì thế, mỗi bức tranh có một sự phóng khoáng và diện mạo riêng, dù cùng được in ra từ một bản khắc. Đây là điểm được ưa chuộng nhất ở tranh Kim Hoàng”.
Bà Hòa cũng may mắn được xem cuốn sách của người Pháp xuất bản, trong đó có những bức tranh Kim Hoàng. Với mong muốn gìn giữ và phát triển dòng tranh Kim Hoàng vốn đã bị thất truyền hơn nửa thế kỷ qua, bà Hòa đã cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hòa để phục dựng các bản khắc. Những bản khắc và những bức tranh Kim Hoàng đầu tiên đã được công bố, cho thấy những nỗ lực đáng ghi nhận.
“Chúng tôi mong muốn tranh Kim Hoàng sớm hồi sinh, không chỉ thông qua các cuộc trưng bày hay triển lãm, mà mong hơn nữa, ở chính làng Kim Hoàng sẽ có những nghệ nhân mới, được đào tạo bài bản để làm nghề” – bà Thu Hòa cho biết – “Đầu xuân này, chúng tôi đã tiếp tục quay về làng Vân Canh, làm việc với chính quyền địa phương để cùng lập dự án về một trung tâm làm tranh Kim Hoàng tại chính đất này, phục vụ du khách đến thăm quan, giống như làng tranh Đông Hồ đã làm được…”
Một số tài liệu ghi rằng, tranh Kim Hoàng có nét kết hợp giữa tranh Đông Hồ và Hàng Trống, bị thất truyền từ năm 1915. Khi đó một trận lụt rất lớn đã cuốn trôi mất khá nhiều ván in, cộng với mất mùa, đói kém khiến cho dòng tranh suy thoái và hoàn toàn biến mất vào năm 1945. Chính vì muốn dung hòa giữa 2 dòng tranh Đông Hồ và Hàng Trống để đáp ứng được nhu cầu của người dân, tranh Kim Hoàng có nét khắc thanh mảnh, tỉ mỉ hơn tranh Đông Hồ, màu sắc lại tươi như tranh Hàng Trống, in trên giấy đỏ, hồng điều hoặc giấy vàng tàu.
Theo Hoàng Thu Phố – Đại Đoàn Kết